Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Moxifloxacin có tác dụng gì? Hướng dẫn sử dụng Moxifloxacin đúng cách

Ngày 24/12/2024
Kích thước chữ

Moxifloxacin là một thuốc kháng sinh, thuộc nhóm fluoroquinolone, được dùng để điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Vậy Moxifloxacin có tác dụng gì? Sử dụng Moxifloxacin đúng cách như thế nào? Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài viết sau đây.

Moxifloxacin được chỉ định trong điều trị các triệu chứng nhiễm trùng do tác nhân vi khuẩn. Moxifloxacin là thuốc theo đơn, thuốc có đa dạng dạng bào chế và đường sử dụng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu xem Moxifloxacin có tác dụng gì nhé.

Moxifloxacin có tác dụng gì?

Moxifloxacin thuộc nhóm thuốc kháng sinh được gọi là kháng sinh fluoroquinolone. Thuốc có dạng viên nén dùng đường uống, dạng thuốc tiêm tĩnh mạch và dạng dung dịch nhỏ mắt. Vậy Moxifloxacin có tác dụng gì trong điều trị các bệnh nhiễm trùng?

Moxifloxacin có tác dụng diệt khuẩn và cơ chế hoạt động của thuốc liên quan đến sự ngăn chặn hoạt động sao chép DNA một cách bình thường của vi khuẩn. Nhờ đó mà Moxifloxacin có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây ra bệnh nhiễm trùng. 

Moxifloxacin được chỉ định cho người mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên như viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, nhiễm trùng đường ruột (dạ dày), nhiễm trùng trên da và viêm kết mạc.

Moxifloxacin có tác dụng gì? Hướng dẫn sử dụng Moxifloxacin đúng cách 1
Moxifloxacin có dạng dung dịch nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc

Moxifloxacin cũng dùng trong điều trị đợt cấp của bệnh viêm phế quản mạn hoặc viêm xoang do nhiễm khuẩn nhưng bác sĩ nên cần cân nhắc việc sử dụng Moxifloxacin nếu như có các lựa chọn điều trị khác.

Tuy nhiên, Moxifloxacin không có hiệu quả cải thiện triệu chứng bệnh do virus gây ra như cảm lạnh, cúm hay các tình trạng nhiễm trùng khác. Việc lạm dụng kháng sinh không đúng mục đích sẽ gia tăng nguy cơ mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn cho người bệnh sau này, vì vi khuẩn có khả năng đề kháng lại tác dụng diệt khuẩn của thuốc kháng sinh.

Moxifloxacin chỉ được bán theo đơn của bác sĩ. Thuốc có dạng thuốc biệt dược Avelox. Thuốc cũng có dạng thuốc gốc. Thuốc gốc thường tiết kiệm chi phí hơn thuốc biệt dược.

Một số công dụng khác của Moxifloxacin

Moxifloxacin có tác dụng trong dự phòng, điều trị bệnh dịch hạch (cả thể phổi và thể nhiễm khuẩn máu) và bệnh dịch than cho người nghi có nhạy cảm với vi khuẩn than.

Moxifloxacin được xem xét chỉ định trong điều trị lao, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nội tâm mạc khi người bệnh có chống chỉ định với các loại kháng sinh khác.

Moxifloxacin có thể được dùng để chữa trị các trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn do Shigella, Salmonella ở những người suy yếu miễn dịch (ví dụ HIV). Trường hợp này, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về những rủi ro khi sử dụng thuốc.

Moxifloxacin có tác dụng gì? Hướng dẫn sử dụng Moxifloxacin đúng cách 2
Moxifloxacin có tác dụng diệt khuẩn nên được dùng điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng

Cách sử dụng thuốc Moxifloxacin

Moxifloxacin là thuốc kháng sinh có hiệu quả nhanh, tác dụng diệt khuẩn mạnh. Người bệnh cần lưu ý những điều sau để sử dụng thuốc đúng cách:

  • Chỉ được dùng Moxifloxacin khi có chỉ định của bác sĩ. Không tự tăng/giảm liều và không dùng thuốc quá thời gian bác sĩ kê đơn. Nên uống Moxifloxacin vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Nuốt trọn viên thuốc với một cốc nước. Không được nghiền nhỏ, nhai nát hay bẻ viên thuốc. Uống nhiều nước khi dùng thuốc có thể giúp ngăn ngừa các tác dụng không mong muốn. Moxifloxacin có thể sử dụng cùng thức ăn hoặc không.
  • Nếu người bệnh đang dùng thuốc kháng axit có chứa nhôm hoặc magiê, thuốc bổ sung sắt, vitamin tổng hợp, thuốc kháng virus didanosine, sucralfate hoặc kẽm thì không dùng chúng cùng lúc với Moxifloxacin. Để tránh tương tác thuốc không mong muốn, người bệnh nên dùng các thuốc đã nêu trên ít nhất 4 giờ trước dùng Moxifloxacin hoặc sau 8 giờ dùng Moxifloxacin. Những loại thuốc kể trên có thể ảnh hưởng hoạt động bình thường của Moxifloxacin.
  • Không được tự ý ngưng thuốc, chỉ trừ những trường hợp bệnh nhân gặp những tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu ngưng dùng Moxifloxacin quá sớm hoặc tự ý bỏ liều thuốc, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân có thể sẽ không được điều trị khỏi hoàn toàn và vi khuẩn có khả năng trở nên kháng thuốc kháng sinh.
Moxifloxacin có tác dụng gì? Hướng dẫn sử dụng Moxifloxacin đúng cách 3
Moxifloxacin có tác dụng gì? Hướng dẫn sử dụng Moxifloxacin đúng cách

Liều dùng của thuốc Moxifloxacin 

Bên cạnh thắc mắc moxifloxacin có tác dụng gì thì câu hỏi về liều lượng sử dụng cũng rất được quan tâm. Liều dùng thuốc Moxifloxacin thay đổi đối với những bệnh nhân khác nhau. Người bệnh cần tuân theo chỉ định liều dùng của bác sĩ. Không được thay đổi liều dùng trừ khi bác sĩ yêu cầu.

Liều thuốc người bệnh dùng phụ thuộc vào nồng độ hoạt chất. Ngoài ra, số liều mỗi ngày, thời gian cho phép giữa các liều và thời gian dùng thuốc trong ngày phụ thuộc vào vấn đề sức khỏe người bệnh đang gặp phải. Bác sĩ điều trị thường kê từ liều thấp và điều chỉnh lại liều trong thời gian dùng thuốc để đạt liều thích hợp với người bệnh.

Liều dùng trung bình Moxifloxacin dạng viên nén cho các bệnh nhiễm trùng:

  • Người lớn: Uống 400 miligam (mg) một lần sau mỗi 24 giờ;
  • Trẻ em: Cách sử dụng và liều dùng phải do bác sĩ chỉ định.

Nếu quên một liều Moxifloxacin, người bệnh hãy dùng ngay khi có thể. Trường hợp đã gần đến giờ dùng liều kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng thuốc theo lịch thông thường. Không được dùng gấp đôi liều ban đầu để bù lại liều đã quên.

Để có hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và tránh quên liều, người bệnh hãy uống Moxifloxacin vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Moxifloxacin có tác dụng gì? Hướng dẫn sử dụng moxifloxacin đúng cách 3
Moxifloxacin được bào chế dưới dạng viên nén dễ uống

Tác dụng phụ của Moxifloxacin

Các tác dụng phụ phổ biến của Moxifloxacin bao gồm:

  • Buồn nôn;
  • Tiêu chảy;
  • Đau đầu;
  • Nôn mửa;
  • Chóng mặt;
  • Lo lắng, kích động.

Các tác dụng phụ này thường ở mức độ nhẹ và vừa, có thể biến mất sau khoảng vài ngày, vài tuần. Nếu các triệu chứng tiến triển nặng hơn, người bệnh cần gặp bác sĩ điều trị để trao đổi và được hướng dẫn biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, thuốc có thể để lại các tác dụng phụ nghiêm trọng, mức độ nặng có thể gồm:

  • Suy gan với các triệu chứng có thể bao gồm: Da hoặc củng mạc mắt vàng, đau bụng vùng hạ sườn phải, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, giảm cảm giác thèm ăn, ngứa, chảy máu niêm mạc hoặc dưới da.
  • Hội chứng Stevens-Johnson là một tình trạng phát ban trên da, có thể đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng bao gồm: Phát ban, sốt và loét các vị trí như mắt, mũi, miệng, hoặc bộ phận sinh dục.
  • Suy thận với các biểu hiện như: Đi tiểu ít hơn bình thường, phù ở bàn chân, cẳng chân và cánh tay, đau ngực hoặc tức ngực, rối loạn điện giải, ảnh hưởng đến mức lọc cầu thận bình thường của bệnh nhân.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên biểu hiện bằng các triệu chứng: Đau hoặc tăng cảm giác đau, nóng, ngứa rát, tê và yếu cơ. Các triệu chứng thường bắt đầu ở bàn tay và bàn chân rồi lan ra cánh tay và cẳng chân.
  • Tiêu chảy nặng như tiêu chảy tóe nước hoặc tiêu chảy có lẫn máu kèm theo đau bụng, sốt, buồn nôn. Các triệu chứng có thể kéo dài ngay cả khi đã ngừng thuốc.
  • Thuốc có thể gây thay đổi nhịp tim, thậm chí đe dọa tính mạng. Các triệu chứng có thể bao gồm: Hồi hộp, ngất xỉu, nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều, chóng mặt hoặc cơn động kinh.

Cảnh báo quan trọng khi dùng thuốc

Đây là những cảnh báo quan trọng nhất được ​​FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) cảnh báo đến bác sĩ và người bệnh về các tác dụng phụ nguy hiểm có thể ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của thuốc.

  • Đứt gân (rách mô xơ nối xương với cơ) và viêm gân, hay gặp đứt gân Achilles với các triệu chứng ở bàn chân như: Đau dữ dội, đột ngột, sưng tấy, đỏ da, nóng bàn chân và vùng da xung quanh, đi lại khó khăn. Nguy cơ này có thể cao hơn nếu người bệnh trên 60 tuổi, dùng thuốc corticosteroid hoặc đã từng ghép tạng.
  • Yếu các cơ, nhất là ở người bệnh nhược cơ, Moxifloxacin có thể làm tình trạng yếu cơ tồi tệ hơn. Người bệnh được chẩn đoán nhược cơ không nên sử dụng thuốc này.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên hay tình trạng tổn thương thần kinh do dùng Moxifloxacin gây nên. Các triệu chứng bao gồm đau, nóng rát, ngứa ran, tê và yếu cơ. Triệu chứng có thể tồn tại vĩnh viễn.
  • Moxifloxacin làm tăng tỉ lệ tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương, gồm co giật, loạn thần và tăng áp lực nội sọ. Thuốc cũng gây run, kích động, lo lắng, mê sảng, lú lẫn và ảo giác. Ngoài ra, thuốc có thể gây hoang tưởng, trầm cảm, ác mộng và khó ngủ. Trường hợp hiếm gặp, Moxifloxacin gây ra ý nghĩ hoặc hành vi tự tử.
  • Hạn chế sử dụng Moxifloxacin do có nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Moxifloxacin chỉ nên cân nhắc sử dụng trong điều trị cho các tình trạng bệnh nhất định khi không có phương pháp điều trị nào khác.

Bác sĩ cần luôn theo dõi tình trạng, thay đổi triệu chứng của người bệnh qua các lần thăm khám hàng ngày, khi người bệnh đang sử dụng moxifloxacin để đảm bảo thuốc có hiệu quả tối ưu. Cần xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra bất kỳ tác dụng không mong muốn nào. Người bệnh gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong thời gian điều trị thuốc Moxiflocaxin đều cần trao đổi ngay với bác sĩ.

Moxifloxacin có tác dụng gì? Hướng dẫn sử dụng moxifloxacin đúng cách 5
Bác sĩ cần thăm khám người bệnh khi điều trị với Moxifloxacin thường xuyên

Moxifloxacin là một thuốc kháng sinh mạnh, hiệu quả, sử dụng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng. Qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu hy vọng đã giúp bạn đọc trả lời được câu hỏi "Moxifloxacin có tác dụng gì và dùng thế nào?". Theo dõi Nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều kiến thức về chăm sóc sức khoẻ bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin