Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tiêu chảy nhiễm khuẩn: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 25/04/2023
Kích thước chữ

Tiêu chảy là một triệu chứng khá phổ biến ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, khi tiêu chảy xuất hiện kèm theo các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa hay sốt có thể là dấu hiệu của bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn. Đây là một bệnh lý khá nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết để hiểu rõ hơn về bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn, từ nguyên nhân, triệu chứng đến phương pháp điều trị và phòng ngừa. Hãy cùng tìm hiểu để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình bạn nhé!

Tiêu chảy nhiễm khuẩn là gì?

Tiêu chảy nhiễm khuẩn hay còn được gọi là tiêu chảy nhiễm trùng, là một tình trạng rất phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Đây là một bệnh lý do sự tấn công của các tác nhân vi sinh như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng, gây ra tình trạng phân lỏng và nhớt. Tình trạng này diễn ra hơn 3 lần/ngày và liên tục trong vài ngày. 

Bệnh này có thể lây qua đường phân, miệng, hoặc do ăn/uống các thực phẩm bị ô nhiễm. Để tránh bị nhiễm trùng, chúng ta cần tăng cường vệ sinh và tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cá nhân.

Tiêu chảy nhiễm khuẩn – Nguyên nhân và cách điều trị 1
Tiêu chảy nhiễm khuẩn khiến người bệnh cảm thấy khó chịu

Nguyên nhân gây tiêu chảy nhiễm khuẩn do đâu?

Các trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn thường gặp nhất do virus, trong đó virus noro và virus rota (thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), virus adeno và virus astro (thường ảnh hưởng đến người già, trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch) là những thủ phạm phổ biến nhất.

Mặc dù vi khuẩn ít phổ biến hơn so với virus, nhưng tiêu chảy do vi khuẩn cũng thường xuyên xảy ra và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tiêu chảy do vi khuẩn thường gây đau bụng do các vết loét và viêm trong ruột. Các loại vi khuẩn thường gây ra tiêu chảy bao gồm:

  • Salmonella enteritidis gây sốt, tiêu chảy và đau quặn bụng sau khi ăn thực phẩm hoặc uống đồ bị nhiễm sau từ 12 đến 72 giờ.
  • Escherichia coli (đặc biệt là E. coli 0157) có thể lây lan qua thực phẩm, sữa bẩn và gây viêm đại tràng xuất huyết.
  • Shigella thường gây tiêu chảy ra máu, đặc biệt là ở trẻ mẫu giáo.
  • Campylobacter có thể gây tiêu chảy ra máu do viêm đường ruột cấp tính.
  • Vibrio từ sushi hay hải sản sống.
  • Staphylococcus aureus có thể tiết ra độc tố gây tiêu chảy.
  • Clostridium difficile là tác nhân gây tiêu chảy có liên quan đến việc sử dụng kháng sinh trước đó.
  • Yersinia có thể gây nhiều bệnh lý khác ngoài tiêu chảy và có thể lây qua các sản phẩm sữa.

Nhiễm ký sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy. Các loại phổ biến là:

  • Giardia lamblia lây truyền qua thực phẩm bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc người với người và có thể gây tiêu chảy bùng phát sau 2 ngày kể từ khi nhiễm.
  • Entamoeba histolytica lây truyền qua đường phân miệng và có thể gây tiêu chảy ra máu khi ký sinh.
  • Cryptosporidium có thể gây ra các triệu chứng về đường hô hấp và đường tiêu hóa. Một trong những triệu chứng đặc trưng là phân lỏng như nước khi tiêu chảy.
Tiêu chảy nhiễm khuẩn – Nguyên nhân và cách điều trị 2
Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy nhiễm khuẩn

Biểu hiện và cách xử trí khi gặp tình trạng tiêu chảy nhiễm khuẩn

Tiêu chảy nhiễm khuẩn biểu hiện như thế nào?

Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm khuẩn tiêu hóa gồm:

  • Đau bụng âm ỉ hay đau quặn bụng, đau khắp vùng bụng.
  • Phân lỏng kèm cảm giác mót liên tục, muốn đi tiếp sau khi đi xong. Phân có thể chứa dịch nhầy, máu, mùi hôi tanh và khó chịu.
  • Buồn nôn, nôn, chán ăn, miệng đắng, sốt, sụt cân.
  • Dấu hiệu mất nước như khát nước, khô môi, cổ họng khô rát, mắt trũng xuống, nôn và đi ngoài phân lỏng quá thường xuyên.

Tình trạng này kéo dài vài ngày và có thể lâu hơn. Nếu kéo dài trên 2 tuần được coi là tiêu chảy mãn tính.

Tiêu chảy nhiễm khuẩn – Nguyên nhân và cách điều trị 3
Đau quặn bụng là biểu hiện của tiêu chảy nhiễm khuẩn

Khi gặp tiêu chảy nhiễm khuẩn cần xử trí ra sao?

Nếu bạn chỉ mới bị triệu chứng tiêu chảy nhẹ và chưa quá nghiêm trọng, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách:

  • Uống nhiều nước lọc, nước trái cây không đường hoặc sử dụng dung dịch bù nước theo liều phòng ngừa để tránh mất nước.
  • Sử dụng các loại thuốc điều trị tiêu chảy không kê đơn. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị tiêu chảy trừ khi đã được xác định nguyên nhân. Đối với trẻ em, cần phải đưa đi khám và không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc cầm tiêu chảy.
  • Duy trì chế độ ăn uống phù hợp, chọn các món ăn nhẹ, dễ tiêu hóa, cháo tốt cho người bị tiêu chảy hoặc chế độ BRAT (bánh mì nướng, gạo, táo, chuối) cho người tiêu chảy. Tránh ăn các món khó tiêu hóa, kích thích như món cay, đồ ăn nhiều dầu mỡ, sữa và các sản phẩm từ sữa.

Nếu sau 2 ngày triệu chứng tiêu chảy không giảm hoặc ngày càng nghiêm trọng, đi kèm với các triệu chứng như đi ngoài ra máu, đau bụng dữ dội, đi ngoài hơn 6 lần/ngày hoặc mất nước, bạn cần phải đi khám ngay.

Khi bị tiêu chảy nhiễm khuẩn, bạn nên đến khám và bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm phân để xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh.

Điều trị tiêu chảy nhiễm trùng phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu nguyên nhân là do nhiễm ký sinh trùng hoặc vi khuẩn, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh hoặc thuốc diệt ký sinh trùng. Song song với việc điều trị nguyên nhân, tùy thuộc vào mức độ mất nước mà bác sĩ sẽ có cách bù nước phù hợp.

Thêm vào đó, có thể sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy như Loperamid và các sản phẩm men vi sinh để cung cấp lợi khuẩn cho hệ vi sinh đường ruột và giúp ổn định đường tiêu hóa. 

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn có thể được điều trị tại ngoại trú, tuy nhiên, nếu mất nước nghiêm trọng, nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết hoặc gặp phải các biến chứng khác có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhập viện.

Tiêu chảy nhiễm khuẩn – Nguyên nhân và cách điều trị 4
Nên uống nhiều nước khi bị tiêu chảy nhiễm khuẩn

Các biện pháp phòng ngừa tiêu chảy nhiễm khuẩn hiệu quả

Nguyên nhân chính gây ra tiêu chảy nhiễm khuẩn thường là do ăn uống thực phẩm không sạch hoặc không đảm bảo vệ sinh, dễ khiến mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, để giảm nguy cơ mắc bệnh này, bạn cần chú ý:

  • Vệ sinh cá nhân, đặc biệt là việc rửa tay sạch bằng xà phòng và nước. Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ bị tiêu chảy mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm khác.
  • Lựa chọn thực phẩm sạch, tươi ngon và có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình chế biến, cần nấu chín kỹ thịt, gia cầm, hải sản; với trái cây và rau củ, cần rửa sạch và chế biến kỹ; còn với nước, cần sử dụng nước đã đun sôi.
  • Giữ vệ sinh khi chế biến thực phẩm và nhà bếp. Sau khi tiếp xúc với thịt, gia cầm hoặc hải sản sống, thớt và các dụng cụ nhà bếp cần được rửa sạch ngay.
  • Bổ sung thêm các thực phẩm tốt cho tiêu hóa vào chế độ ăn như sữa chua, yến mạch, các loại trái cây giàu chất xơ như đu đủ, chuối, táo… để giảm nguy cơ tiêu chảy và các vấn đề về tiêu hóa khác.

Hy vọng rằng thông tin trong bài viết có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tiêu chảy nhiễm khuẩn cũng như cách điều trị, phòng tránh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân nói riêng và mọi người xung quanh. 

Xem thêm:

Ánh Tuyết

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.