Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái vào thời gian nào?

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở nữ giới đang ngày càng gia tăng. Do đó, tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái là cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư và các chứng bệnh nguy hiểm khác có liên quan. Vậy nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái vào thời gian nào là hợp lý?

Cho đến nay, sử dụng vắc xin là biện pháp phòng tránh tốt nhất đối với virus HPV (một loại virus có khả năng gây u nhú ở người). Đứng trước nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái càng sớm càng tốt giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Để biết thêm thông tin về vắc xin HPV cũng như cách phòng ngừa ung thư bạn đọc hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Vắc xin HPV là gì?

HPV sinh dục là một loại virus phổ biến được truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp trong hoạt động tình dục. Ở hầu hết những người hoạt động tình dục đều có khả năng bị nhiễm virus HPV tại một thời điểm nào đó. Nhiễm trùng HPV xảy ra phổ biến nhất ở những người có độ tuổi thanh thiếu niên và những người đã hoạt động tình dục. 

Trong tổng số các loại virus HPV thì có khoảng 40 loại có thể lây nhiễm vào vùng sinh dục của nam giới và nữ giới. Đa số các loại HPV không gây ra triệu chứng và tự biến mất. Tuy nhiên, một số loại HPV có thể gây ra tình trạng ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và một số bệnh khác như ung thư hậu môn, âm đạo, âm hộ, dương vật và hầu họng. Các loại virus HPV cũng có thể gây ra mụn cóc ở vùng sinh dục của nam và nữ, loại mụn này còn được gọi là mụn cóc sinh dục. Những mụn cóc sinh dục không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, tuy nhiên chúng có thể gây ra những căng thẳng trong cảm xúc và gây khó chịu khi điều trị.

Vắc xin HPV là một loại vắc xin khi vào cơ thể có khả năng đáp ứng miễn dịch chống virus Human Papilloma xâm nhập và gây bệnh ở cơ thể người. Hiện nay, có hai loại vắc xin tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm do các loại virus HPV gây ra là:

  • Gardasil: Là một loại vắc xin do dược phẩm MSD sản xuất, dùng cho đối tượng là trẻ em gái và phụ nữ độ tuổi từ 9 - 26 tuổi. Vắc xin có tác dụng ngăn ngừa virus HPV type 6, 11, 16, 18 gây ra tình trạng ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, mụn cóc sinh dục, loạn sản, các tổn thương tiền ung thư và bệnh lý do nhiễm virus.
  • Gardasil 9: Vắc xin có tác dụng phòng ngừa 9 type HPV bao gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 gây ra tình trạng nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư hầu họng, ung thư âm hộ, mụn cóc sinh dục… và đạt hiệu quả cao đến 94%. Gardasil 9 có khả năng phòng bệnh cao, dùng được cho cả nữ giới và nam giới có độ tuổi từ 9 - 27 tuổi.
Nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái vào thời gian nào? 1
Vắc xin HPV có tác dụng ngăn ngừa sự xâm nhập và gây bệnh của virus HPV

Nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái khi nào?

Theo thống kê y tế, tỷ lệ mắc bệnh ung thư do nhiễm virus chiếm 15% trong tổng số các ca mắc ung thư ở người. Trong đó, trường hợp bị nhiễm HPV chiếm 4,5% (hơn 600000 ca mắc), gây ra bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung và ung thư hậu môn, ung thư âm hộ và âm đạo, ung thư hầu họng và ung thư dương vật.

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính, xuất hiện khi các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường, trong thời gian dài hình thành nên các khối u trong tử cung, nhân lên không kiểm soát trở thành u ác tính và xâm lấn, di căn sang các bộ phận xung quanh của cơ thể. Nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung là virus Human Papillomavirus hay virus HPV.

Trên thực tế, phải có đến 80% phụ nữ đều có thể có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời dù đã hoặc chưa quan hệ tình dục. Độ tuổi nhiễm HPV đa số là người trưởng thành, tuy nhiên vẫn có trường hợp mắc bệnh khi mới trải qua chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, bộ y tế khuyến cáo nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái càng sớm càng tốt, nhất là độ tuổi từ 9 đến 14 tuổi vì một số lý do sau:

  • Bé gái trong độ tuổi từ 9 đến 14 tuổi là thời điểm tốt nhất có hiệu giá kháng thể mạnh và đáp ứng miễn dịch bảo vệ cao.
  • Ngày nay, giới trẻ có xu hướng quan hệ tình dục sớm do đó làm tăng tỷ lệ mắc HPV. Việc tiêm phòng vắc xin HPV sẽ đạt kết quả tốt nhất trước khi quan hệ tình dục.
  • Theo nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều bé gái chưa quan hệ tình dục nhưng vẫn nhiễm virus HPV (chiếm tỷ lệ cao 45,5%).
  • Nếu không thực hiện tiêm vắc xin từ sớm, trong độ tuổi phát dục cho đến 21 tuổi bắt đầu thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung trẻ sẽ phải đối mặt với khoảng trống miễn dịch.
  • Virus HPV có nhiều chủng loại hoạt động khác nhau, do đó đã từng nhiễm một loại HPV thì vẫn có nguy cơ cao tái nhiễm những loại HPV khác. Khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể không thể phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, vì thế nên thực hiện tiêm vắc xin để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của những virus HPV còn lại.
  • Đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng vắc xin HPV do đó hoàn toàn có thể chứng minh được độ an toàn và hiệu quả khi sử dụng (có thể lên tới 99%).
  • Hiện nay, với vắc xin Gardasil 9 (vắc xin thế hệ mới) thì cả bé trai và bé gái đều có thể thực hiện tiêm phòng HPV để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái vào thời gian nào? 2
Nên thực hiện việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái càng sớm càng tốt

Tiêm phòng vắc xin HPV có đảm bảo an toàn không?

Nhiều người thường có suy nghĩ chỉ phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành mới có nguy cơ mắc HPV, tuy nhiên trên thực tế, nhóm đối tượng được khuyến khích nên thực hiện tiêm phòng vắc xin HPV là những bé gái đang trong độ tuổi dậy thì và chưa hoạt động tình dục. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ủy ban Tư vấn về thực hành phòng ngừa (ACIP) Hoa kỳ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên tiêm phòng HPV cho những bé gái. CDC cũng đã phê duyệt loại vắc xin HPV có độ an toàn và hiệu quả cao. 

Qua các nghiên cứu ở trên khắp thế giới cho thấy không có mối lo ngại nghiêm trọng nào về an toàn. Báo cáo về các tác dụng phụ đều ở mức nhẹ bao gồm sốt, đau ở chỗ tiêm, buồn nôn và chóng mặt… và các tác dụng này hoàn toàn là một phản ứng bình thường, chỉ duy trì trong thời gian ngắn, do đó không người dùng không cần lo ngại.

Các chuyên gia y tế cũng có biết vắc xin HPV là loại vắc xin tái tổ hợp nên không có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản hoặc hệ di truyền của trẻ. Các phản ứng sau khi tiêm phòng vắc xin HPV ở trẻ em và thanh thiếu niên sẽ tương tự như người trưởng thành. Tình trạng ngất xỉu có thể xảy ra sau khi tiêm và gây chấn thương, té ngã do đó sau khi tiêm vắc xin nên nghỉ ngơi tại chỗ, có thể nằm hoặc ngồi khoảng 15 phút để ngăn ngừa nguy cơ bị ngất xỉu và chấn thương.

Nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái vào thời gian nào? 3
Vắc xin HPV đã được chứng minh độ an toàn và được sử dụng ở nhiều quốc gia

Làm gì để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung?

Bên cạnh việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái, nên kết hợp một số biện pháp sau để phòng ngừa ung thư cổ tử cung:

  • Thực hiện tiêm phòng vắc xin HPV.
  • Có chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Không quan hệ tình dục quá sớm và bừa bãi, làm các biện pháp phòng tránh an toàn khi quan hệ tình dục.
  • Không nên lạm dụng và phụ thuộc vào thuốc tránh thai.
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng kín hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh phù hợp.
  • Thực hiện khám sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.
Nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái vào thời gian nào? 4
Nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ để đảm bảo an toàn

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái là một biện pháp hữu hiệu và an toàn để phòng tránh nguy cơ ung thư cổ tử cung. Do đó, phụ huynh nên cho con tiêm phòng vắc xin HPV càng sớm càng tốt để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để nhận được thông tin mới nhất về các bài viết về sức khỏe. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm