Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngộ độc botulinum: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách xử trí

Ngày 30/05/2022
Kích thước chữ

Ngộ độc botulinum có thể dẫn đến những hậu quả và biến chứng nặng nề. Hiểu rõ về ngộ độc botulinum là cách để mỗi chúng ta bảo vệ mình.

Ngộ độc botulinum là loại ngộ độc ít gặp nhưng hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nó có thể dẫn đến liệt toàn thân và suy hô hấp, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Biết rõ nguyên nhân và triệu chứng để biện pháp xử trí kịp thời sẽ giúp mỗi chúng ta bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Độc tố botulinum là gì?

Độc tố botulinum do vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra. Đây là loại vi khuẩn hình que, sống không cần oxy. Đặc biệt, chúng có thể di động và tồn tại ở thể ngủ, trong cả những điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nhất. Đây là lý do chúng phân bố rộng rãi trong tự nhiên từ đất, nước sông hồ, bụi bẩn, phân động vật, thức ăn ôi thiu, đồ ăn đóng hộp đã cũ...

Botulinum xâm nhập vào máu và ngăn chặn giải phóng chất truyền dẫn thần kinh acetylcholine tại các đầu mút dây thần kinh ngoại vi. Botulinum là chất kịch độc. Các nghiên cứu đã cho thấy chỉ 0.03 mcg botulinum cũng có thể làm tử vong một người 70kg qua đường tiêm tĩnh mạch, 1kg botulinum có thể làm tử vong 1 tỷ người. 

ngộ độc botulinum 1 Vi khuẩn Clostridium botulinum là tác nhân gây ngộ độc botulinum

Nguyên nhân ngộ độc botulinum

Hầu hết các nạn nhân đều bị nhiễm độc botulinum trong các trường hợp như: 

  • Ăn các thực phẩm đóng hộp đã gần hết hoặc hết hạn sử dụng, thực phẩm được sản xuất theo quy trình không đảm bảo. Botulinum có thể sinh sôi ở môi trường độ pH trên 4.6 và độ mặn trên 5%. Chỉ cần lẫn vài bào tử C.botulinum vào thực phẩm đóng hộp thì sẽ có vi khuẩn sinh sôi và tạo ra độc tố. Ví dụ như vụ virus gây độc trong Pate Minh Chay.
  • Các thực phẩm tươi sống như rau củ quả, hải sản, thịt cá… nếu không được bảo quản đúng cách cũng có thể nhiễm khuẩn clostridium botulinum. 
  • Vết thương hở bị nhiễm độc botulinum cũng có thể dẫn đến ngộ độc botulinum.
  • Các nha bào của vi khuẩn botulinum hấp thụ qua sữa bột, mật ong mà trẻ sơ sinh sử dụng (nhiều bậc cha mẹ hay dùng để tưa lưỡi, rơ miệng cho bé).
  • Nhiễm độc botulinum cũng xảy ra sau khi tiêm thẩm mỹ, tiêm làm giảm căng cơ quá mức. Trường hợp này khá hiếm nhưng vẫn xảy ra. 
  • Nạn nhân hít phải chất độc botulism ở dạng khí dung (một loại vũ khí sinh học không có sẵn trong tự nhiên). 
  • Tiêm thuốc bằng kim tiêm không vô khuẩn cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc tố botulinum.

Triệu chứng ngộ độc botulinum

Nếu nhiễm độc tố botulinum có trong thực phẩm, các triệu chứng sẽ xuất hiện trong 18 đến 36 giờ kể từ khi ăn. Cá biệt vẫn có trường hợp xuất hiện triệu chứng sớm hoặc muộn (trong vòng 6 giờ hoặc 10 ngày). 

Độc tố botulinum từ thực phẩm không đảm bảo khi vào đường tiêu hóa hoàn toàn không bị phá hủy bởi các men tiêu hóa hay dịch vị dạ dày. Sau đó chúng được hấp thu ở tá tràng, hỗng tràng rồi vào máu. Độc tố sau khi xâm nhập vào máu tiếp tục tấn công các tế bào thần kinh, ngăn chặn giải phóng chất truyền dẫn thần kinh acetylcholine tại các đầu mút dây thần kinh ngoại vi. Xung động thần kinh ngưng trệ dẫn đến biểu hiện liệt vận động. 

ngộ độc botulinum 2 Các dấu hiệu ngộ độc cần được theo dõi sát để tránh biến chứng nguy hiểm

Trẻ em bị ngộ độc botulinum có biểu hiện liệt cơ như: Chán ăn, mệt mỏi, táo bón nhưng khóc yếu. Nếu không sớm điều trị, những triệu chứng nặng hơn như liệt tay chân, liệu toàn thân, liệt cơ hô hấp… có thể xuất hiện. 

Nhiễm độc botulinum từ thực phẩm, nạn nhân sẽ sớm có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều kèm chướng bụng, đau bụng. Sau đó là triệu chứng táo bón, liệt ruột cơ năng. Cũng có những người bị liệt đối xứng 2 bên, từ đầu, cổ xuống đến chân. Ban đầu nạn nhân có thể bị sụp mí, giảm thị lực và phản xạ ánh sáng, khó nói, khó nuốt, miệng khô, tiếng bị khàn. Sau đó, dấu hiệu ngộ độc lan xuống liệt hai tay, liệt cơ bụng, ngực, liệt hai chân. 

Nếu nhiễm độc nặng, nạn nhân có thể bị suy hô hấp dẫn đến ngừng thở và gây tử vong. 

Các biến chứng của nhiễm độc botulinum thường là liệt cơ hoành, suy hô hấp, viêm phổi hoặc các nhiễm trùng khác.

Cách xử trí khi ngộ độc botulinum

Botulinum là chất độc thần kinh nên người nhà nạn nhân cần biết cách xử trí khi ngộ độc botulinum kịp thời. Ngay khi nhận ra các dấu hiệu ngộ độc dù là nhẹ nhất, người nhà cũng nên tiến hành sơ cứu nạn nhân theo các bước sau: 

  • Hỗ trợ nạn nhân kích thích gây nôn bằng cách móc họng (không khuyến khích dùng các thuốc gây nôn trong trường hợp ngộ độc). Nếu nạn nhân không thể ngồi, hãy đặt nạn nhân ở tư thế nằm thấp đầu, nghiêng sang một bên để tránh sặc phổi. 
  • Nạn nhân được phát hiện sau 6 giờ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế vì một phần chất độc đã được hấp thu vào cơ thể. Khi nhập viện, nạn nhân sẽ được đo các dấu hiệu sinh tồn và theo dõi chặt chẽ. 
  • Người bị ngộ độc botulinum khi có biểu hiện suy hô hấp cần được điều trị, theo dõi tại khoa hồi sức cấp cứu để được đặt nội khí quản hay hỗ trợ máy thở khi cần thiết.
  • Các bác sĩ sẽ cho nạn nhân dùng thuốc kháng độc tố (thường được điều chế từ huyết tương ngựa). Loại thuốc này có thể làm chậm và ngăn chặn sự xâm nhập của chất độc vào máu; giảm tỷ lệ tử vong. Thuốc kháng độc cần được tiêm sớm, sau 72 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng thuốc rất ít tác dụng. 
  • Điều trị bằng than hoạt tính và đặt sonde dạ dày cũng là biện pháp điều trị ngộ độc quan trọng các bác sĩ sẽ áp dụng. 

Nếu nguyên nhân ngộ độc từ vết thương, các bác sĩ sẽ giúp nạn nhân làm sạch vết thương và dùng kháng sinh chống nhiễm trùng và biến chứng mạch máu. 

ngộ độc botulinum 3 Các loại thuốc chống độc sẽ hiệu quả nếu nạn nhân ngộ độc được phát hiện sớm

Phòng tránh ngộ độc botulinum

Để tránh những hậu quả khó lường do ngộ độc botulinum gây ra, mỗi chúng ta có thể tự bảo vệ mình bằng cách:

  • Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. 
  • Thận trọng với đồ hộp có mùi vị và màu sắc lạ. Khi phát hiện hộp thực phẩm bị cong lồi lên (do vi khuẩn botulinum) không nên mua. Nếu ăn đồ hộp có thể mang nấu sôi trước khi ăn. Nên ưu tiên sử dụng các thực phẩm chín mới chế biến. 
  • Nếu bị vết thương hở ngoài da cần sát trùng cẩn thận, tránh bị nhiễm độc tố botulinum từ vết thương. 
  • Không nên dùng mật ong rơ miệng hoặc cho trẻ sơ sinh ăn. 
  • Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm C. botulinum cao có thể tiêm chủng Toxoids.

Nguy cơ ngộ độc botulinum có thể tiềm ẩn xung quanh môi trường sống của mỗi chúng ta. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn biết cách phòng tránh và xử lý kịp thời nếu không may nhiễm độc botulinum xảy ra. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin