Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và xử trí

Ngày 29/05/2022
Kích thước chữ

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em là tình trạng không hiếm gặp, đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi khi hệ tiêu hóa chưa được phát triển hoàn thiện. Thêm vào đó, trẻ chưa nhận thức được để giữ vệ sinh an toàn cho bản thân. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu kiến thức cơ bản về tình trạng bệnh này trong bài viết sau nhé!

Hiện nay, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp khiến số ca ngộ độc thực phẩm ở trẻ em ngày càng tăng. Vì vậy, cha mẹ cần nắm vững thông tin cơ bản về tình trạng này, từ đó đưa ra hướng xử trí đúng đắn và kịp thời cho con ba mẹ nhé.

Nhận biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ em

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em thường dễ được phát hiện vì dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm biểu hiện rõ rệt ở trẻ sau 2 đến 48 giờ tiếp xúc với thức ăn hay đồ uống bị nhiễm độc. Trẻ bị ngộ độc thường xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn hay buồn nôn, đau bụng dữ dội và tiêu chảy nhiều lần, có thể kèm sốt cao trên 38 độ C hoặc không.

Các triệu chứng nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ dẫn tới mất nước, mất điện giải ở trẻ, có thể dẫn tới trụy tim mạch, gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Vì vật, cần đặc biệt lưu ý tới những dấu hiệu mất nước, mất điện giải ở trẻ được biểu hiện: 

  • Nôn nhiều trên 5 lần.
  • Đi ngoài phân lỏng trên 5 lần.
  • Sốt cao, khô miệng và môi.
  • Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
  • Mạch nhanh và thở nhanh (tùy vào độ tuổi của trẻ sẽ có tần số nhịp tim và nhịp thở khác nhau).

Tình trạng nặng hơn có thể dẫn tới co giật, hôn mê ở trẻ. Vậy nên, ngay khi trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, phụ huynh cần xử trí nhanh và đúng.

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và xử trí 1 Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ thường do trẻ ăn hay uống phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn hay bị nhiễm chất độc hóa học. Hơn thế, vào mùa hè khi nhiệt độ môi trường cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Phổ biến có thể kể tới:

  • Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn, biểu hiện với các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi.
  • Tụ cầu Staphylococcus thường xuất hiện trong sữa, thịt gia cầm chưa chín gây buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu, mạch nhanh.
  • Vi khuẩn Clostridium botulinum có trong thịt cá ươn, ôi thiu thể hiện triệu chứng nhẹ như đau đầu, chóng mặt. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh trở nặng gây phá hủy hệ thần kinh trung ương và hành tủy, có thể dẫn tới tử vong.
  • Vi nấm Aflatoxin thường có trên các loại hạt như hướng dương, hạt điều, ngô, lạc khi bị mốc.
  • Virus viêm gan A (HAV) và Norwalk trong thực phẩm như rau sống, thức ăn chế biến sẵn; các loại nhuyễn thể như sò, ốc, hến sống ở vùng nước bẩn.
  • Các kim loại nặng như selenium, asen, chì, thủy ngân lẫn trong thực phẩm.
  • Thành phần phụ gia, chất bảo quản không được phép sử dụng, hoặc dùng quá liều lượng, quá thời hạn,…
  • Tồn dư thuốc trừ sâu trong rau, củ, quả.
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và xử trí 2 Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ em thường tới từ vi khuẩn

Xử trí ngộ độc thực phẩm ở trẻ em

Trẻ em với hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ thường dễ bị ngộ độc thực phẩm, nên ngay khi thấy trẻ xuất hiện dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần ngừng ngay món ăn hay đồ uống vừa sử dụng và quan trọng hơn cả là bổ sung nước và điện giải cho trẻ bằng Oresol. Khi sử dụng Oresol cho trẻ cần chú ý những điểm sau:

  • Pha Oresol theo đúng tỉ lệ được ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng.
  • Để trẻ uống từ từ từng chút một, không uống ngụm quá lớn trong một lúc, vì có thể khiến trẻ nôn vọt làm trầm trọng hơn tình trạng mất nước.
  • Nếu trẻ không chịu uống Oresol, bố mẹ cần cố gắng giúp trẻ uống. Khi trẻ bị nôn và tiêu chảy nhiều, bù nước và điện giải là ưu tiên hàng đầu, ngay cả nước lọc cũng chỉ giúp trẻ đỡ khát nhưng không thể bù lượng điện giải quan trọng mà trẻ đã mất.
  • Chú ý khi trẻ mệt thiếp đi vẫn có thể nôn vọt, cần cho trẻ nằm đầu thấp, nghiêng sang một bên. Tránh để trẻ nằm đầu ngửa vì dễ bị sặc dịch nôn trào ngược lại lên mũi và họng gây tắc đường thở, nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Khi trẻ bị sặc lên mũi, cha mẹ cần nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ, đưa dịch nhầy ra ngoài.
  • Nấu cháo loãng với thịt nạc và cà rốt (hoặc thay cà rốt bằng khoai tây, bí đỏ và chút chuối xanh) sẽ giúp trẻ đi ngoài phân đặc hơn, làm giảm tình trạng mất nước qua đại tiện.

Theo dõi sát tiến triển bệnh của trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu trở nặng như nôn nhiều không giảm, chất nôn chuyển màu như màu xanh, không uống hay bỏ bú, phân có máu… Kéo dài trên 2 ngày, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và xử trí 3 Bù nước và điện giải là ưu tiên hàng đầu cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Thêm vào đó, ba mẹ nên lưu ý, khi xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm ở trẻ em, tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc cầm tiêu chảy. Nguyên nhân tiêu chảy do ngộ độc thức ăn, ăn các món kỵ nhau… Khi thức ăn này được tống hết ra ngoài qua đường đại tiện, bệnh sẽ thuyên giảm. Ngược lại, nếu cha mẹ cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy khiến thực phẩm xấu lưu lại trong hệ tiêu hóa của trẻ lâu hơn khiến tình trạng bệnh kéo dài.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm ở trẻ em

Hiện nay, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ tiêu hóa còn nhạy cảm. Vì vậy, cha mẹ cần thận trọng trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm cho trẻ và cả gia đình với một số cách sau đây:

  • Lựa chọn kỹ càng từ khâu chọn mua thực phẩm như thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu hay hết hạn sử dụng, thực phẩm có xuất xứ rõ ràng.
  • Tránh thực phẩm có nhiều độc tố như thịt cá nóc, thực phẩm bị nấm, khoai tây mọc mầm.
  • Bảo quản thực phẩm chưa chế biến và thức ăn đã chế biến ở môi trường phù hợp, tránh thực phẩm bị hỏng hay ôi thiu sinh độc tố.
  • Ăn chín uống sôi, với các loại hoa quả, trái cây tươi cần rửa sạch dưới vòi nước đang chảy và ngâm nước muối pha loãng với trái cây ăn cả vỏ.
  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi bên ngoài. Ngoài ra, có thể chuẩn bị cho trẻ sản phẩm nước rửa tay có thành phần ion bạc để đảm bảo loại bỏ sạch vi khuẩn trên tay trẻ.
  • Nếu ăn ngoài, cần chọn những hàng quán đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những quán ăn lề đường, quán ăn bụi bặm, ẩm thấp.
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và xử trí 4 Lựa chọn thực phẩm cẩn thận giúp bảo vệ trẻ và cả gia đình

Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu cung cấp thông tin cần thiết về tình trạng ngộ độc thực phẩm ở trẻ em. Ngộ độc thực phẩm ở trẻ sẽ không nguy hiểm tới tính mạng nếu được xử trí kịp thời và đúng cách. Hy vọng bài viết đem đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích. 

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin