Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Clostridium botulinum là gì? Cách nhận biết nhiễm Clostridium botulinum

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trực khuẩn Clostridium botulinum là một loài vi khuẩn Gram dương, kỵ khí, sinh bào tử và sản xuất chất gây độc thần kinh. Độc tố vi khuẩn có thể đi vào cơ thể qua con đường ăn uống, tiêm hoặc hít phải. Các triệu chứng ngộ độc gồm liệt dây thần kinh sọ đối xứng kèm theo yếu cơ và liệt mềm mà không rối loạn cảm giác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm Clostridium botulinum là gì?

Clostridium botulinum là một loài trực khuẩn Gram dương, kỵ khí, sinh bào tử và gây bệnh ở người.

Ngộ độc C. botulinum hiếm gặp nhưng đe doạ tính mạng, xảy ra khi độc tố botulinum đi vào máu và ức chế giải phóng acetylcholine không phục hồi ở các đầu mút dây thần kinh ngoại vi.

C. botulinum tạo ra 8 loại kháng nguyên gây độc tố thần kinh (type A đến H). Năm type độc tố gồm A, B, E và F, H (hiếm gặp) ảnh hưởng đến con người. Độc tố botulinum B là các protein gây độc cao, không bị phân hủy do acid dịch vị và các enzym thuỷ phân protein. Type H có độc tính mạnh nhất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm Clostridium botulinum

Các triệu chứng ngộ độc botulinum phổ biến bao gồm:

  • Khô miệng;

  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi;

  • Sụp mí mắt;

  • Nói lắp;

  • Khó nuốt.

Đồng tử giảm hoặc mất hoàn toàn phản xạ với ánh sáng. Khó nuốt có thể dẫn đến viêm phổi hít. Các triệu chứng thần kinh có tính đối xứng, bắt đầu từ các dây thần kinh sọ và sau đó yếu dần hoặc liệt.

Không có rối loạn cảm giác và thính giác thường vẫn rõ ràng.

Cơ hô hấp, tứ chi và thân mình suy yếu dần. Không sốt và mạch vẫn bình thường hoặc chậm trừ khi nhiễm trùng tiến triển. Bệnh nhân thường bị táo bón sau khi xuất hiện suy giảm chức năng thần kinh.

Ngộ độc thực phẩm

Các triệu chứng bắt đầu đột ngột, thường từ 18 - 36 giờ sau khi ăn phải chất độc, mặc dù thời gian ủ bệnh có thể thay đổi từ 4 giờ đến 8 ngày. Buồn nôn, nôn mửa, đau quặn bụng và tiêu chảy thường xảy ra trước các triệu chứng thần kinh.

Nhiễm độc botulinum qua vết thương

Các triệu chứng thần kinh giống như ngộ độc thực phẩm, nhưng không có triệu chứng tiêu hóa. Tiền sử chấn thương hoặc vết thương sâu (đặc biệt nếu do tiêm thuốc bất hợp pháp) trong vòng 2 tuần có thể gợi ý chẩn đoán.

Cần khám kỹ các tổn thương trên da và các ổ áp xe da do tự tiêm thuốc bất hợp pháp.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm Clostridium botulinum

  • Suy hô hấp do liệt cơ hoành.

  • Viêm phổi bệnh viện hoặc các nhiễm trùng bệnh viện thứ phát khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Clostridium botulinum

Các nguồn gây nhiễm độc tố botulinum:

  • Thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm lên men và đồ đóng hộp không được chế biến, bảo quản đúng cách hoặc quá hạn sử dụng.

  • Thủ thuật y tế: nhiễm độc tố type A khi tiêm làm giảm căng cơ quá mức (do đau nửa đầu); nhiễm độc xảy ra sau khi thẩm mỹ có xảy ra nhưng hiếm.

  • Hít phải độc tố ở dạng khí dung, được sử dụng vô tình hoặc cố ý như một vũ khí sinh học; độc tố dạng khí dung không có trong tự nhiên.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nhiễm Clostridium botulinum?

Mọi người đều có nguy cơ nhiễm Clostridium botulinum và ngộ độc botulinum.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm Clostridium botulinum

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm Clostridium botulinum, bao gồm:

  • Tiêm ma tuý có nguy cơ nhiễm độc qua vết thương.

  • Sử dụng một số loại bia rượu tự nấu.

  • Ăn thực phẩm đóng hộp hoặc lên men không được chế biến an toàn.

  • Tiêm độc tố botulinum trong thẩm mỹ (xóa nếp nhăn) hoặc điều trị đau nửa đầu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm Clostridium botulinum

Xét nghiệm độc tố

Đo điện cơ

Có khả năng nhầm lẫn ngộ độc botulinum với hội chứng Guillain-Barré (biến thể Miller-Fisher), bệnh bại liệt, đột quỵ, bệnh nhược cơ, tê liệt do ve và ngộ độc do kim loại nặng, ngộ độc curare hoặc alkaloid trong cây belladonna.

Điện cơ cho thấy tăng đáp ứng đặc trưng đối với kích thích lặp đi lặp lại nhanh chóng trong hầu hết các trường hợp.

Ngộ độc thực phẩm: Rối loạn thần kinh cơ và nguồn gốc thức ăn có thể gợi ý cho chẩn đoán. Khi có ít nhất 2 bệnh nhân ăn cùng một loại thức ăn có thể giúp đơn giản hóa chẩn đoán, xác nhận bằng cách tìm thấy độc tố C. botulinum trong huyết thanh hoặc phân. Phát hiện độc tố C. botulinum trong thực phẩm nghi ngờ giúp xác định được nguồn gây bệnh.

Vết thương nhiễm botulinum: Xác nhận chẩn đoán bằng cách tìm độc tố trong huyết thanh hoặc phân lập C. botulinum trong vết thương.

Phương pháp điều trị nhiễm Clostridium botulinum hiệu quả

Điều trị hỗ trợ

Thuốc kháng độc tố heptavalent

Theo dõi chặt chẽ những người nghi ngờ đã từng tiếp xúc với nguồn gây nhiễm độc botulinum. Có thể chỉ định than hoạt tính, tuy nhiên,hững bệnh nhân có triệu chứng đáng kể thường bị giảm phản xạ đường thở. Vì vậy, nên cho than qua ống thông dạ dày và bảo vệ đường thở bằng đặt ống nội khí quản có vòng bít.

Mối đe dọa lớn nhất đối với tính mạng là suy hô hấp và các biến chứng.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum nên được nhập viện và theo dõi thường xuyên sinh hiệu. Chỉ định đặt nội khí quản hoặc thở máy nên bệnh nhân bị suy hô hấp. Những cải tiến trong chăm sóc hỗ trợ đã làm giảm tỷ lệ tử vong xuống <10%.

Đặt sonde dạ dày giúp nhân viên y tế:

  • Đơn giản hóa việc quản lý calo và dịch ra vào.

  • Kích thích nhu động ruột (giúp loại bỏ C. botulinum khỏi ruột).

  • Cho trẻ sơ sinh uống sữa mẹ.

  • Tránh các biến chứng nhiễm trùng và biến chứng mạch máu tiềm ẩn khi truyền tĩnh mạch.

Bệnh nhân bị nhiễm botulinum qua vết thương cần được băng bó và dùng kháng sinh đường tiêm như penicillin hoặc metronidazole.

Giải độc

Thuốc kháng độc tố botulinum 5 trong 1 heptavalent (HBAT [A đến G]) được chiết xuất từ ngựa và thay thế thuốc giải độc 3 trong 1. Thuốc kháng độc không làm bất hoạt độc tố đã được gắn kết ở mút thần kinh cơ; do đó, chức năng thần kinh bị suy giảm không thể hồi phục nhanh chóng. (Sự phục hồi phụ thuộc vào sự tái tạo các đầu dây thần kinh, có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.) Tuy nhiên, thuốc kháng độc tố có thể làm chậm hoặc ngăn chặn tiến triển. Ở những bệnh nhân bị nhiễm độc vết thương, thuốc kháng độc có thể làm giảm các biến chứng và tỷ lệ tử vong.

Phải tiêm thuốc kháng độc càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán lâm sàng và không được trì hoãn để chờ kết quả nuôi cấy hoặc xét nghiệm độc chất. Thuốc kháng độc ít có hiệu quả nếu được sử dụng > 72 giờ sau khi bắt đầu có triệu chứng.

Một lọ 20 hoặc 50 mL thuốc chống độc heptavalent, pha loãng 1:10, truyền chậm cho người lớn; điều chỉnh liều lượng và tốc độ truyền cho trẻ em; không khuyến cáo cho trẻ sơ sinh < 1 tuổi.

Vì chất chống độc có nguồn gốc từ huyết thanh ngựa nên có nguy cơ gây sốc phản vệ hoặc bệnh huyết thanh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm Clostridium botulinum

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Không tiêm chích ma tuý.

  • Giữ vệ sinh cơ thể, vận động điều độ để tăng cường sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và muối khoáng để tăng cường sức khoẻ và hệ miễn dịch.

  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm đóng hộp hoặc tự lên men tại nhà, nhất là thực phẩm có hàm lượng acid thấp như măng tây, đậu xanh, củ cải, bắp, khoai tây...

Phương pháp phòng ngừa nhiễm Clostridium botulinum hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Do độc tố C. botulinum dù chỉ với một lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc nghiêm trọng, nên tất cả các nguyên liệu bị nghi ngờ có chứa độc tố đều cần được xử lý đặc biệt. 

  • Chủng ngừa dự phòng cho người tiếp xúc với C. botulinum hoặc các chất độc của nó trong công việc. 

  • Đóng hộp đúng cách và đun nóng kỹ đồ hộp trước khi ăn. 

  • Loại bỏ thực phẩm đóng hộp có dấu hiệu hư hỏng và đồ hộp bị phồng hoặc rò rỉ. 

  • Nếu có dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thực phẩm, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

  • Nếu có nhu cầu tiêm botulinum để thẩm mỹ, cần đến các bệnh viện lớn và uy tín để được bác sĩ chuyên môn thực hiện.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/anaerobic-bacteria/botulism

2. https://www.cdc.gov/botulism/general.html

3. http://cdcsonla.gov.vn/ttksb/80/1594/3288/27253/Truyen-thong--giao-duc-suc-khoe/Phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-do-vi-khuan-Botulinum.aspx

Các bệnh liên quan

  1. Tả

  2. Nhiễm giun tóc

  3. Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

  4. Rubella

  5. Giun sán

  6. Nhiễm Candida

  7. Lậu

  8. Nhiễm Nocardia

  9. Nhiễm Balantidium

  10. Viêm màng não do virus