Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngủ bị trẹo cổ: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả

Ngày 26/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ngủ bị trẹo cổ là tình trạng nhiều người gặp phải và gây cảm giác đau nhức khó chịu. Khi bị trẹo cổ bạn cần hạn chế vận động vùng cổ, nghỉ ngơi nhiều hơn và hạn chế tối đa động tác xoay cổ để cảm giác đau nhanh chóng biến mất, không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của bạn.

Ngủ bị trẹo cổ liên quan khá nhiều đến tư thế khi nằm ngủ của bạn. Để hạn chế tình trạng này bạn cần tìm hiểu rõ lý do vì sao mình bị trẹo cổ sau khi ngủ dậy, cũng nhờ đó có cách xử lý thích hợp nhất. Nếu thường xuyên bị trẹo cổ khi ngủ bạn cũng cần thay đổi tư thế, thói quen hàng ngày để tránh ảnh hưởng đến dáng người và tư thế sinh hoạt.

Vì sao ngủ bị trẹo cổ?

Những trường hợp ngủ bị trẹo cổ đa phần đều có điểm chung là tư thế ngủ sai dẫn đến đau nhức. Điều này có thể đến từ thói quen hoặc sở thích ngủ nằm nghiêng đầu sang 1 bên trong lúc ngủ sâu khiến cơ thể thay đổi tư thế, lăn trở người liên tục mà bạn không kiểm soát được. Khi giữ tư thế nằm nghiêng khi ngủ trong một thời gian dài có thể sẽ làm lệch cổ của bạn, tăng áp lực lên các cơ ở cổ và các dây chằng, từ đó làm căng cơ quá mức dẫn đến tình trạng đau nhức, ngủ bị trẹo cổ.

Ngủ bị trẹo cổ: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 1
Ngủ bị trẹo cổ có thể do nhiều nguyên nhân như tư thế nằm, chất liệu gối,...

Bên cạnh đó tình trạng ngủ bị trẹo cổ còn có thể đến từ thói quen gối đầu quá cao hoặc chất liệu gối quá cứng của một số người. Khi đầu nằm với tư thế kém thoải mái sẽ khiến cho cơ thang, cơ ức đòn chũm bị căng cứng, một số trường hợp còn có thể bị sưng cả một bên cổ, đi kèm với việc ngủ bị trẹo cổ. Người bệnh duy trì điều này lâu ngày dẫn đến căng cứng cơ và tạo nên cảm giác đau cổ vào sáng hôm sau khi thức dậy.

Người ra một số người còn gặp phải tình trạng khó ngủ, mất ngủ, ngủ hay tỉnh giấc và lăn trở nhiều, cố gắng ngủ cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ngủ bị trẹo cổ. Tình trạng này kéo dài gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và chất lượng cuộc sống, thường xuyên làm người bệnh bị trẹo cổ khi ngủ.

Nguyên nhân cuối cùng cần nhắc đến khi bàn về tình trạng ngủ bị trẹo cổ là vùng cổ bị lạnh trong lúc ngủ. Khi cổ bị lạnh sẽ làm giảm lưu thông tuần hoàn máu tại vùng cổ khiến cổ bị đau nhức, các cơ co cứng lại làm cổ bị trẹo sang một bên sau khi thức dậy vào sáng hôm sau.

Làm thế nào khi ngủ bị trẹo cổ?

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng ngủ bị trẹo cổ gây đau nhức khó chịu, giảm sự tập trung và hiệu quả công việc, học tập cũng bị ảnh hưởng thì hãy áp dụng ngay những cách dưới đây để cảm thấy dễ chịu hơn.

Thư giãn vùng cổ

Cổ không chỉ là bộ phận chịu toàn bộ sức nặng của đầu mà còn phải liên tục thực hiện nhiều động tác như cúi đầu, ngửa đầu, xoay đầu sang 2 bên, xoay tròn,… theo nhu cầu của cơ thể. Vì vậy nên điều đầu tiên bạn cần làm khi nhận thấy mình ngủ bị trẹo cổ là hãy thư giãn vùng này ngay sau khi ngủ dậy. Vận động nhẹ nhàng, đưa cổ xoay lần lượt sang 2 bên một góc vừa phải là cách để giúp cổ được thư giãn hiệu quả hơn, đồng thời khởi động, điều chỉnh tư thế đúng sau khi ngủ bị trẹo cổ.

Ngủ bị trẹo cổ: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 2
Một vài thao tác thư giãn vùng cổ sẽ giúp giảm đau nhanh chóng

Bên cạnh đó bạn cũng cần chú ý mỗi khi nằm xuống hoặc đi ngủ, nghỉ ngơi cần phải đặt đầu ở tư thế cân bằng, tránh lệch sang 1 bên và hãy nằm trên một chiếc gối có chất liệu thoải mái, giữ cổ luôn thẳng và không nên dùng đến loại gối quá cao hoặc quá thấp, chất liệu quả cứng.

Chườm lạnh vùng cổ

Nếu bạn gặp tình trạng ngủ bị trẹo cổ đơn thuần và chỉ vừa mới bị trong thời gian ngắn thì có thể sử dụng phương pháp chườm lạnh, chườm đá đúng cách để bản thân thấy dễ chịu hơn. Bạn chỉ cần dùng một chiếc khăn vải mềm bọc một vài viên đá lạnh bên trong rồi chườm nhẹ lên vùng cổ trong 10 – 15 phút, cảm giác đau sẽ thuyên giảm nhanh chóng và không còn khó chịu nữa.

Một số người ngủ bị trẹo cổ cho biết khi bị đau cổ do ngủ sai tư thế, phương pháp chườm lạnh đã giúp họ thấy dễ chịu hơn rất nhiều, cơn đau dịu nhanh và khả năng vận động của các cơ ở cổ cũng linh hoạt hơn. Tuy nhiên nếu bạn không thích cảm giác khi chườm lạnh thì có thể sử dụng phương pháp giảm đau nhức khác để khắc phục tình trạng này.

Ngủ bị trẹo cổ: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 3
Chườm lạnh 10 - 15 phút giúp cổ dễ chịu hơn

Chườm ấm khắc phục tình trạng ngủ bị trẹo cổ

Chườm ấm đa phần có hiệu quả với nhiều người ngủ bị trẹo cổ. Hơi ấm từ việc chườm ấm sẽ giúp các cơ ở cổ được thư giãn tốt hơn, giảm co cứng, kích thích tuần hoàn máu lưu thông và từ đó cơn đau cũng được làm dịu lại hiệu quả. Người bệnh sẽ không chỉ thấy thoải mái và giảm cơn đau mà còn giúp tình trạng trẹo cổ được cải thiện đáng kể, đặc biệt là với những bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ, người thường xuyên bị trẹo cổ,…

Bệnh nhân ngủ bị trẹo cổ có thể lựa chọn và áp dụng đa dạng các phương pháp chườm ấm khác nhau như:

  • Chườm ấm với giấm: Bạn thấm ít giấm vào miếng bông sạch cho ngấm rồi đặt lên chỗ bị trẹo cổ. Sau đó bạn dùng túi nhiệt với nhiệt độ từ 50 – 60oC chườm lên trên chỗ đặt miếng bông thấm giấm trong 30 phút để giảm đau.
  • Chườm ấm với sắn dây: Cho 100g sắn dây, 20g cam thảo, 50g bạch thược vào túi vải và đun cho nóng khoảng 30 phút với nước rồi vớt ra, để nguội còn 50 – 60oC và dùng túi thảo dược chườm lên cổ chỗ bị đau.
  • Chườm ấm bằng muối rang: Rang nóng 100 – 200g muối hạt và bọc trong túi vải mềm, để nguội bớt rồi chườm lên chỗ bị đau nhức 1 – 2 lần mỗi ngày để cơn đau nhanh chóng biến mất.
Ngủ bị trẹo cổ: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 4
Tận dụng muối hạt để chườm ấm giúp thư giãn, giảm đau do trẹo cổ hiệu quả

Cách phòng tránh ngủ bị trẹo cổ

Tình trạng ngủ bị trẹo cổ gây đau nhức vùng cổ rất khó chịu nên không một ai mong muốn gặp phải. Để giảm nguy cơ ngủ dậy thấy trẹo cổ, đau cổ,… bạn nên lưu ý một số điều dưới đây:

  • Không nên giữ cổ nghiêng một bên trong thời gian dài, đặc biệt là trong lúc ngủ.
  • Không nên gối đầu quá cao hoặc sử dụng gối đầu chất liệu quá cứng.
  • Luôn giữ đầu ở đúng tư thế khi làm việc, học tập, kể cả khi nghỉ ngơi hoặc ngủ.
  • Không nên bất ngờ xoay cổ quá mạnh vì sẽ làm nguy cơ trẹo cổ tăng cao.
  • Bạn nên tránh nằm ở nơi có gió lạnh hoặc nơi ẩm thấp, có gió lạnh thổi trực tiếp vào vùng cổ.

Hy vọng những thông tin được Nhà thuốc Long Châu chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng ngủ bị trẹo cổ. Nếu áp dụng hết các phương pháp giảm trẹo cổ nêu trên mà vẫn không thấy tình trạng thuyên giảm thì bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, bệnh lý gây tình trạng này (có thể là đau cổ vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ,...) và tiến hành chữa trị bằng phương pháp thích hợp.

Xem thêm: Nguyên nhân khiến ngủ dậy bị đau cổ không quay được cùng cách khắc phục

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm