Ngủ trưa tăng nguy cơ đột quỵ và các kiểu ngủ trưa cần tránh
Ngày 27/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, tàn tật trên thế giới và cũng là hậu quả của việc ngủ trưa quá nhiều. Một giấc ngủ trưa ngắn có thể giúp bạn giảm mệt mỏi và tiếp thêm năng lượng. Tuy nhiên, ngủ trưa quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu nguyên nhân ngủ trưa tăng nguy cơ đột quỵ trong bài viết dưới đây.
Những người có công việc bận rộn, đặc biệt là dân văn phòng rất dễ bị mệt mỏi. Vì vậy, một giấc ngủ trưa không chỉ giúp nạp năng lượng cho cơ thể tiếp tục công việc buổi chiều mà còn mang lại cho cơ thể bạn nhiều lợi ích như giảm căng thẳng, cải thiện trí nhớ và tăng cường khả năng sáng tạo.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ngủ trưa tăng nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt ai có một trong ba kiểu ngủ trưa dưới đây cần thay đổi để tránh đột quỵ.
Ngủ trưa tăng nguy cơ đột quỵ
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nguyên nhân của đột quỵ rất nhiều và đa dạng, từ lối sống đến hút thuốc lá đến các tình trạng bệnh lý mãn tính. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng ngủ trưa quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm cả đột quỵ.
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết những người thường xuyên ngủ trưa dài có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn 12% và tăng nguy cơ đột quỵ hơn 24% so với những người ngủ trưa ngắn hoặc thỉnh thoảng ngủ trưa.
Một nghiên cứu dựa trên thói quen ngủ trưa và tiền sử bệnh của khoảng 360.000 người Anh tuổi từ 40 đến 69 trong 4 năm cho thấy những người dưới 60 tuổi ngủ trưa hầu hết các ngày trong tuần tăng nguy cơ cao huyết áp hơn 20% so với những người không ngủ hoặc ngủ ít.
Nghiên cứu vẫn đúng ngay cả khi loại trừ những người có tiền sử cao huyết áp, người mắc bệnh tiểu đường loại 2, cholesterol máu cao, khó ngủ và những người thường xuyên làm ca đêm.
Nhà nghiên cứu về giấc ngủ Michael A. Grundner cho biết giấc ngủ trưa không có hại nhưng ngủ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối, gây khó ngủ và rối loạn giấc ngủ. Hầu hết những người ngủ trưa dài có liên quan với việc không ngủ được vào ban đêm.
Ngủ trưa bao nhiêu là đủ?
Do nghiên cứu còn nhiều hạn chế nên không có thông tin về thời gian và tần suất ngủ trưa của những người tham gia. Vì vậy không có dữ liệu khách quan về thời gian ngủ trưa bao nhiêu là đủ.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cho dù bạn có ngủ trưa hay không nhưng ngủ đủ giấc vào ban đêm là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Theo các nhà thần kinh học, hầu hết người lớn nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng thiếu ngủ liên quan đến cholesterol cao và cao huyết áp.
Bên cạnh đó, nếu bạn không có được một giấc ngủ tối trọn vẹn thì giấc ngủ trưa ngắn là thứ bạn cần để có thể cung cấp lại năng lượng cho cơ thể. Một giấc ngủ trưa ngắn từ 15 đến 20 phút trong khoảng thời gian từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều sẽ là tốt nhất để lấy lại năng lượng nếu bạn đang thiếu ngủ.
Tuy nhiên, nếu bạn mắc chứng mất ngủ mãn tính thì không nên ngủ trưa vì điều này có thể khiến chứng mất ngủ của bạn trở nên trầm trọng hơn.
Nói chung, bạn không nên ngủ trưa quá 30 phút mỗi ngày. Bởi ngủ trưa hơn 30 phút sẽ khiến cơ thể con người rơi vào trạng thái ngủ sâu nhưng không hoàn thiện. Khi bị tỉnh đột ngột sẽ xuất hiện tình trạng mệt mỏi. Đặc biệt, ngủ trưa quá lâu còn có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ vào ban đêm, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.
3 kiểu ngủ trưa tăng nguy cơ đột quỵ cần tránh
Ngủ ngay sau khi ăn
Cuộc sống bận rộn và khối lượng công việc nặng nề có thể khiến nhiều người mất thời gian ăn uống và nghỉ trưa. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian, nhiều người thường ăn trưa vội vã và tranh thủ chợp mắt để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng quá trình này rất không tốt cho sức khỏe vì một khi thức ăn vào cơ thể sẽ mất khoảng 20 - 30 phút để được hấp thụ và tiêu hóa. Trong thời gian này, lượng máu chảy vào dạ dày nên giảm cung cấp máu cho não. Khi đi ngủ lúc này làm tăng nguy cơ cao huyết áp, cholesterol cao, lượng đường trong máu tăng và cuối cùng là đột quỵ.
Ngủ trưa quá nhiều
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ trưa dài thường dễ mắc các hội chứng như huyết áp cao, cholesterol trong máu cao,… Từ đó dẫn đến các bệnh như tim mạch, tiểu đường và đột quỵ.
Ngoài ra, ngủ trưa quá lâu sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn là phục hồi năng lượng. Điều này được giải thích như sau: Ngủ trưa dài hơn 60 phút khiến não bộ rơi vào trạng thái ức chế, giảm lượng máu lên não và làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể. Do đó, khi ngủ dậy bạn sẽ cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi,… Ngay cả khi bạn được nghỉ buổi chiều, hãy cố gắng đừng ngủ quá nhiều, chỉ nên ngủ 20 - 30 phút là hợp lý nhất.
Ngủ gục trên bàn
Do thời gian nghỉ trưa ngắn, không gian hạn chế nên nhiều người tranh thủ nằm úp mặt xuống bàn mà không biết rằng tư thế ngủ này vô cùng nguy hiểm. Vì không chỉ làm tăng nguy cơ căng thẳng, thoái hóa đốt sống cổ mà còn dẫn đến tình trạng chậm nhịp tim, gây thiếu máu não, khiến chức năng hệ thần kinh tự chủ bị suy giảm tạm thời và gây chóng mặt, ù tai, tê tay chân.
Lâu dần, thói quen này gây tổn hại cho hệ thống tim mạch và mạch máu não, dẫn đến các bệnh tim mạch và mạch máu não mãn tính. Những người mắc bệnh tim mạch hoặc mạch máu não rất dễ bị đột quỵ.
Bài viết trên đã giải thích tình trạng ngủ trưa tăng nguy cơ đột quỵ. Nhìn chung, để có một giấc ngủ trưa lành mạnh và tránh nguy cơ đột quỵ, bạn không nên ngủ quá 30 phút, không ăn quá no và hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ để tránh căng thẳng dạ dày.
Đồng thời, không nên ngủ ngay sau khi ăn, vận động nhẹ trước khi ngủ, không ngủ trên bàn làm việc. Bạn có thể sắm cho mình một chiếc ghế xếp để có thể chợp mắt thoải mái tại văn phòng nhỏ.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.