Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng bạn cần biết

Ngày 09/04/2018
Kích thước chữ

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến, hầu hết ai cũng trải qua một lần trong đời. Bệnh đặc biệt xuất hiện vào thời điểm giao mùa và gây ảnh hưởng không nhỏ đến học tập cũng như công việc của người bệnh. Vậy phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng là gì? Người mắc bệnh này cần thực hiện chế độ dinh dưỡng ra sao?

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh bởi các triệu chứng khó chịu như hắt hơi liên tục, sổ mũi, nghẹt mũi,... Vậy thế nào là viêm mũi dị ứng? Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng là gì? Cùng theo dõi ngay sau đây.

Thế nào là viêm mũi dị ứng?

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi tình trạng viêm xuất hiện ở niêm mạc mũi, thông qua các trung gian kháng thể. Thông thường, bệnh viêm mũi dị ứng xuất hiện khi cơ thể gặp các dị nguyên như phấn hoa, lông mèo, bụi bẩn, nấm mốc,...

Các triệu chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng bao gồm nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi và chảy mũi trong. Các triệu chứng này có thể diễn ra từng đợt và tái phát lại nhiều lần. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển nặng hơn thành viêm xoang mũi dị ứng.

Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng bạn cần biết 1
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi tình trạng viêm xuất hiện ở niêm mạc mũi

Viêm mũi dị ứng có những loại nào?

Viêm mũi dị ứng có thể chia thành nhiều loại như sau:

  • Viêm mũi dị ứng do môi trường làm việc: Các đối tượng thường làm việc trong môi trường có các tác nhân dị ứng như bụi xây dựng, bụi gỗ, bụi phấn, hóa chất hoặc lông thú sẽ có nguy cơ cao bị viêm mũi dị ứng.
  • Viêm mũi dị ứng do thời tiết: Người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng viêm mũi dị ứng khi thời tiết giao mùa, khi trời lạnh hoặc vào buổi sáng sớm khi mới thức dậy.
  • Viêm mũi dị ứng nhất thời: Tình trạng viêm mũi dị ứng chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên.
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm: Tình trạng này xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với căn nguyên với thời gian dài như lông thú cưng, bụi bẩn trong nhà,...

Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng

Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng là chủ đề được nhiều bạn quan tâm khi mắc phải triệu chứng khó chịu của căn bệnh này. Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp. Người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và cho toa thuốc phù hợp, tránh việc tự ý dùng thuốc tại nhà làm bệnh kéo dài và phức tạp hơn. Một số loại thuốc được dùng để điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:

Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin có thể được bán không kê đơn hoặc kê đơn. Sử dụng loại thuốc này giúp người bệnh giảm được các triệu chứng của viêm mũi dị ứng với cơ chế ngăn tiết histamin trong phản ứng dị ứng. Thuốc kháng histamin có thể được bào chế dưới dạng xịt, dạng viên uống hoặc dạng siro. Bao gồm:

  • Cetirizine (Arpicet, Zyrtec,...);
  • Levocetirizine (Xyzal);
  • Loratadin (Erolin, Clarityne,...);
  • Fexofenadine (Allegra, Telfast,...);
  • Bilastine (Bilazin, Bilaxten,...).

Một số loại thuốc kháng histamin thế hệ 1 có thể gây thiếu tập trung, buồn ngủ, ảnh hưởng đến việc lái xe. Vì thế mà người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng bạn cần biết 2
Kháng histamin là nhóm thuốc không thể thiếu trong phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng

Thuốc xịt mũi chứa corticoid

Các loại thuốc dạng hít hoặc dạng xịt có chứa corticoid giúp làm giảm tình trạng viêm và các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Bao gồm:

  • Fluticasone (Meseca, Flixonase, Avamys,...);
  • Budesonide (Rhinocort,...);
  • Mometasone (Nasonex,...).

So với dạng thuốc viên, corticoid dạng xịt sẽ ít gây ra tác dụng phụ toàn thân. Bởi chỉ một phần nhỏ thuốc đi vào trong cơ thể và sẽ được chuyển hóa rất nhanh thành các chất không có tác dụng hoặc có tác dụng rất thấp. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc corticoid dạng xịt mũi, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ như chảy nước mũi hoặc khô mũi. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi đang sử dụng thuốc, nên liên hệ bác sĩ ngay để được tư vấn phù hợp.

Thuốc chống ngạt mũi

Thuốc chống ngạt mũi là một trong những thành phần không thể thiếu trong phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng. Đây là những thuốc có tác dụng cường giao cảm, giúp co mạch, chống phù nề. Từ đó làm giảm các triệu chứng khó chịu của viêm mũi dị ứng, giúp dễ thở, hết tình trạng ngạt mũi và tạo cảm giác dễ chịu hơn cho người bệnh. Tuy nhiên, không nên sử dụng loại thuốc này quá 7 ngày vì có thể dễ gây nhờn thuốc. Các loại thuốc chống ngạt mũi thường dùng như:

  • Xylometazolin (Otrivin, Otilin,...);
  • Naphazolin (Rhinex,...);
  • Oxymetazoline (COLDi-B,...).

Nếu bệnh nhân viêm mũi dị ứng có tình trạng tăng huyết áp, nhịp tim bất thường hoặc đang mang thai và gặp các vấn đề về bàng quang, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này nhé!

Thuốc xịt mũi cromolyn natri

Đây là loại thuốc không kê đơn, có thể làm giảm tình trạng chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi,... với cơ chế ổn định dưỡng bào bên trong cơ thể. Đồng thời ngăn sản xuất histamin gây ra phản ứng dị ứng. Nếu thuốc được sử dụng trước khi tiếp xúc với môi trường có chứa chất gây dị ứng, thuốc sẽ phát huy được hiệu quả tốt nhất.

Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng bạn cần biết 3
Thuốc xịt mũi cromolyn natri giúp giảm tình trạng chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi,...

Liệu pháp miễn dịch

Nếu các thuốc trị viêm mũi dị ứng không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể khuyên người bệnh thực hiện liệu pháp miễn dịch hay còn được biết đến là liệu pháp tiêm thuốc chống dị ứng. Với liệu pháp này, người bệnh sẽ được tiêm định kỳ chất dị ứng vào cơ thể với một lượng nhỏ, trong vòng 3 đến 5 năm. Với mục đích giúp cơ thể làm quen với chất dị ứng và giảm dần các triệu chứng bệnh.

Liệu pháp miễn dịch này đặc biệt mang lại hiệu quả cao đối với những đối tượng dị ứng với phấn hoa, bụi hoặc lông mèo. Bên cạnh đó, ở trẻ em, đây được xem là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa sự phát triển của hen suyễn.

Với các đối tượng ngại việc tiêm thuốc, đừng lo lắng, liệu pháp miễn dịch này còn có cách thực hiện khác là đặt thuốc dưới lưỡi, thuốc sẽ tan dần trong miệng. Tuy nhiên, với cách thực hiện này, bạn có thể bị kích ứng cổ họng hoặc ngứa miệng.

Phẫu thuật chữa viêm mũi dị ứng

Đối với những trường hợp có bất thường về giải phẫu khiến bệnh diễn biến nặng nề hơn như gai vách ngăn, lệch vách ngăn,... hoặc phát hiện polyp mũi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ tình trạng này.

Dinh dưỡng cho người bệnh viêm mũi dị ứng

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, người bệnh cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để góp phần giúp các triệu chứng bệnh được giảm nhẹ. Các thực phẩm tốt cho người đang gặp tình trạng viêm mũi dị ứng như:

  • Rau và trái cây giàu vitamin C: Bông cải xanh, cam, bưởi,.. giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng.
  • Thực phẩm giàu omega-3: Cá nục, cá hồi, cá mòi,... giúp giảm sưng tấy đường hô hấp.
  • Thực phẩm có tính ấm: Gừng, tỏi, hành, táo tàu,... giúp giảm triệu chứng và phòng bệnh.
  • Thực phẩm giàu kẽm: Đậu, ngũ cốc,... giúp giảm viêm và tăng cường miễn dịch.
Phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng bạn cần biết 4
Thực phẩm giàu vitamin C giúp bệnh nhân viêm mũi dị ứng tăng cường sức đề kháng

Trên đây là những chia sẻ về phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng cũng như dinh dưỡng cho người mắc bệnh này. Đây là căn bệnh không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của bệnh, bạn nên chủ động đến thăm khám để được các bác sĩ tư vấn và điều trị phù hợp tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc của bản thân, bạn nhé!

Xem thêm: 10 cách trị viêm mũi dị ứng dân gian bạn nên tham khảo

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm