Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Người bệnh tiểu đường có ăn được rau dền không?

Ngày 01/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Với mục tiêu ổn định đường huyết, người bị bệnh tiểu đường thường phải kiêng một số loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Vậy rau dền có nằm trong danh sách những thực phẩm tốt cho bệnh nhân tiểu đường hay không?

Rau dền là một loại rau quen thuộc trong các bữa ăn gia đình vì rau có tính mát, giúp giải nhiệt mùa hè. Tuy nhiên, đối với người bị tiểu đường có ăn được rau dền không? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay nhé!

Bệnh nhân tiểu đường có ăn được rau dền không?

Rau dền là một thực phẩm tuyệt vời chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu và chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân tiểu đường. Hàm lượng sắt và canxi trong rau dền khá cao trong số các loại rau tốt cho người tiểu đường. Rau dền cũng giàu kali và chất xơ, do đó được xem là thực phẩm tốt cho tim mạch.

Bên cạnh đó, lá rau dền cũng rất giàu protein, chế độ ăn giàu protein giúp kiểm soát cơn thèm ăn vì nó làm giảm nồng độ insulin trong máu và giúp bạn có cảm giác no. Không chỉ lá, hạt rau dền còn là nguồn cung cấp protein dồi dào và hoàn toàn không chứa gluten.

Ngoài ra, tiêu thụ 100g lá rau dền chỉ cung cấp 23 calo cùng với hàm lượng chất xơ dồi dào là những yếu tố giúp giảm cholesterol máu, phòng ngừa biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.

Như vậy, những ai đang thắc mắc rằng bệnh tiểu đường có ăn được rau dền không thì câu trả lời là có. Người mắc bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ăn rau dền, tuy nhiên cũng cần chú ý đến tình trạng sức khỏe cũng như tần suất và số lượng rau dền dung nạp vào cơ thể.

Người bệnh tiểu đường có ăn được rau dền không? 1
Rau dền chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu và chất chống oxy hóa

Lợi ích của rau dền đối với người tiểu đường

Giảm cholesterol, phòng ngừa biến chứng tim mạch 

Tích tụ cholesterol dẫn đến rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây các biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.

Rau dền chứa rất giàu chất xơ hòa tan và không hoà tan, hạn chế hấp thu cholesterol, giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Ngoài ra, tocotrienol - một loại vitamin E có trong rau dền cũng góp phần làm giảm cholesterol. Đồng thời, các chất chống oxy hoá như mangan, kẽm, beta carotene, vitamin C trong rau dền giúp ngăn ngừa hình thành gốc tự do, giảm quá trình viêm và giảm hình thành mảng xơ vữa. Nhờ vậy, việc bổ sung rau dền vào chế độ ăn có thể giúp phòng ngừa biến chứng tim mạch cho người bệnh tiểu đường.

Tăng cường hệ miễn dịch

Rau dền cũng rất giàu vitamin C, 100g lá rau dền có thể đáp ứng 70% nhu cầu vitamin C hàng ngày của bạn. Vitamin C là vitamin tan trong nước và cần thiết để chống nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành hơn. Vitamin này cũng giúp giảm hình thành các gốc tự do cũng là nguyên nhân gây ra lão hóa và nhiều loại ung thư. Đây là lý do tại sao bạn nên bổ sung lá rau dền và chế độ ăn.

Giúp mắt sáng khỏe

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường (hay còn gọi là võng mạc tiểu đường) như xuất tiết, xuất huyết võng mạc thường tiến triển ngay ở giai đoạn sớm. Vì vậy, người bệnh càng cần chú ý phòng ngừa bằng cách bổ sung rau dền vào chế độ ăn của mình. Rau dền cung cấp một lượng lớn beta carotene, tiền chất của vitamin A – dưỡng chất quan trọng có tác dụng làm sáng mắt, phòng ngừa và hạn chế tổn thương võng mạc cho người bệnh tiểu đường.

Hỗ trợ tiêu hóa

Hàm lượng chất xơ trong rau dền khá cao và cao gấp 3 lần so với lúa mì. Vì vậy, ăn rau dền thường xuyên có thể giúp cải thiện chất lượng của hệ tiêu hóa và giúp ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, nước nấu từ cây rau dền còn có tác dụng hỗ trợ điều trị các triệu chứng như tiêu chảy, chảy máu hoặc mất nước

Những lợi ích khác của rau dền đối với người bệnh tiểu đường

  • Hỗ trợ tiêu hóa và giảm cân nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào.
  • Chống loãng xương nhờ bổ sung hàm lượng canxi tương đương với sữa tươi.
  • Cải thiện tình trạng thiếu máu do cung cấp một lượng lớn sắt - nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo máu của cơ thể.
  • Phòng ngừa ung thư do cung cấp nhiều hợp chất chống oxy hoá nhóm phenolic cùng với kẽm, vitamin C và beta carotene.
Người bệnh tiểu đường có ăn được rau dền không? 2
Rau dền đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe người bệnh

Những cách chế biến rau dền tốt cho người tiểu đường

Canh rau dền nấu thịt băm

Canh rau dền thịt băm có vị ngọt mát, thanh nhiệt, dễ ăn và kích thích ngon miệng cho người tiểu đường.

Nguyên liệu:

  • Rau dền: 400g;
  • Thịt băm (chọn loại nạc nhiều): 200g;
  • Hành lá: 2 nhánh;
  • Dầu ăn và gia vị vừa đủ.

Cách thực hiện:

  • Sơ chế sạch rau dền và hành lá, hành lá cắt nhỏ, sau đó uớp thịt băm với gia vị vừa đủ trong 15 phút cho ngấm.
  • Cho nồi lên bếp, cho thịt băm vào xào với một ít dầu ăn. Thêm nước đã đun sôi vào nồi, nấu lại cho sôi rồi cho rau dền vào nấu trong 2 – 3 phút. Nêm gia vị vừa ăn, cho thêm hành lá vào và tắt bếp.
Người bệnh tiểu đường có ăn được rau dền không? 3
Canh rau dền có vị ngọt mát, giúp thanh nhiệt

Rau dền xào tỏi

Tỏi rất giàu chất chống oxy hóa, do đó đem lại nhiều lợi ích cho người tiểu đường như giúp ổn định đường huyết, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa và giảm biến chứng tim mạch. Vì vậy, rau dền xào tỏi giúp cải thiện sức khỏe cho người tiểu đường rất tốt.

Nguyên liệu:

  • Rau dền: 500g;
  • Tỏi: 3 – 4 tép;
  • Dầu ăn và gia vị vừa đủ.

Cách thực hiện:

  • Sơ chế sạch rau dền. Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.
  • Làm nóng chảo, cho một ít dầu ăn vào chảo và phi thơm tỏi. 
  • Sau đó cho rau dền vào xào với một ít nước lọc, xào chín ở lửa lớn rồi nêm nếm gia vị vừa ăn.
Người bệnh tiểu đường có ăn được rau dền không? 4
Rau dền xào tỏi vừa ngon vừa bổ dưỡng

Cần lưu ý gì khi sử dụng rau dền cho người tiểu đường?

Mặc dù rau dền được xem là lành tính và có lợi đối với người bệnh tiểu đường nhưng cần lưu ý sử dụng trên một số đối tượng:

  • Suy thận: Rau dền có lượng đạm nhiều hơn các loại rau khác nên với bệnh nhân đái tháo đường kèm suy thận cần hạn chế đạm thì cũng cần hạn chế ăn rau dền. Điều này có nghĩa là người bệnh chỉ nên thỉnh thoảng ăn với số lượng ít nhưng cũng tùy thuộc vào mức độ suy thận của người bệnh. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị khi băn khoăn về chế độ ăn.
  • Sỏi thận: Mặc dù rau dền giàu canxi, kẽm, vitamin A và các chống oxy hóa nhưng hàm lượng axit oxalic trong rau dền cũng khá cao. Do đó, bệnh nhân sỏi thận nên hạn chế ăn rau dền.
  • Viêm khớp dạng thấp, gout: Người bệnh đái tháo đường kèm viêm khớp do gout nên hạn chế ăn rau dền bởi rau dền có hàm lượng purin cao, có thể làm gia tăng nồng độ axit uric máu, khi gặp điều kiện thuận lợi như nhiệt độ thấp, tinh thể urat có thể kết tinh và lắng đọng ở khe khớp, gây viêm, sưng và đau khớp.

Hy vọng rằng thông qua bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc "Tiểu đường có ăn được rau dền không?” đồng thời có thêm nhiều thông tin hữu ích về những lợi ích cũng như lưu ý khi sử dụng rau dền cho người bị tiểu đường. Mặc dù rau dền đem lại một số lợi ích cho người bị tiểu đường tuy nhiên cần sử dụng rau dền với tần suất và số lượng hợp lý để củng cố hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm