Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Người bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì để tốt cho sức khỏe

Ngày 03/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiểu đường và cao huyết áp là hai bệnh thường đi kèm với nhau, cũng là hai chứng bệnh nguy hiểm và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Khi mắc cùng hai bệnh này, chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng bệnh và khả năng kiểm soát bệnh. Rất nhiều người chưa biết bệnh nhân mắc tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì để tốt cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Giải đáp được thắc mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì thì việc xây dựng thực đơn cho người bệnh sẽ giúp kiểm soát được cả hai bệnh này, ngăn ngừa được nhiều biến chứng nghiêm trọng của cả 2 bệnh. Những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng giúp bệnh nhân ăn ngon, sống khỏe đồng thời cũng nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tầm quan trọng của chế độ ăn

Đường huyết cơ thể tăng cao dẫn đến quá trình stress oxy hóa tăng theo, kết quả là sản sinh ra nhiều gốc tự do trong cơ thể, các gốc tự do tấn công lên mạch máu và hệ thần kinh. Từ đó, dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm trên tim mạch, thần kinh, da, mắt và thận. Bệnh tiểu đường có nguy cơ rất cao dẫn tới bệnh tăng huyết áp, nên người mắc bệnh tiểu đường thường có kèm theo bệnh tăng huyết áp, đồng thời, khi mắc cả 2 bệnh này thì nguy cơ dẫn đến bệnh tim cao gấp 4 lần so với người bình thường.

Người bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì để tốt cho sức khỏe 0
Chế độ ăn uống giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và cao huyết áp

Để giảm rủi ro gặp phải những biến chứng thì người bệnh cần một chế độ ăn uống vừa có thể ổn định đường huyết, vừa có thể kiểm soát được huyết áp và mỡ máu của bệnh nhân.

Giải đáp: Người bị tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì?

Khi chọn thức ăn, người mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên ưu tiên các thực phẩm sau: 

Thực phẩm ít mặn

Người bị cao huyết áp cần ăn nhạt, hạn chế sử dụng những thực phẩm nhiều muối như đồ đóng hộp, dưa muối,... Ngoài những thực phẩm nhiều muối, thì người bệnh cũng nên hạn chế những món ăn nhiều gia vị để giảm tối đa lượng natri nạp vào cơ thể. Vì dư natri trong cơ thể sẽ làm bệnh cao huyết áp nghiêm trọng hơn.

Thực phẩm chứa ít bột đường

Những thực phẩm như rau xanh, trái cây ít ngọt đã có bằng chứng khoa học ảnh hưởng tốt lên người bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Chất xơ trong thực phẩm giúp đường huyết không tăng quá cao sau ăn đồng thời giúp bệnh nhân hạn chế cảm giác đói, thèm ăn. Ăn nhiều rau và trái cây rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường kèm cao huyết áp. Bổ sung các loại như cà rốt, chuối,... giúp bổ sung kali cho cơ thể nhưng vẫn không làm thay đổi nồng độ đường trong máu.

Không nên kiêng hoàn toàn thực phẩm giàu tinh bột, nhưng nên cắt giảm bớt lượng tinh bột bổ sung mỗi ngày bằng cách đổi qua sử dụng gạo lứt, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt,... Các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Lưu ý không thêm muối, nên dùng hạt nguyên chất.

Giải đáp: Mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì-3
Thay gạo trắng bằng gạo lứt để tốt cho tim mạch

Thực phẩm chứa ít chất béo chuyển hóa

Người mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp thường được khuyến cáo hạn chế các chất béo trong phủ tạng động vật, hạn chế mỡ động vật. Thay vào đó, tích cực sử dụng chất béo không no từ thực vật để có lợi cho tim mạch.

Đồng thời, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, tích cực ăn những thực phẩm ít sự chế biến như luộc, hấp,... Lựa chọn thực phẩm như cá tươi sống để không làm tăng lượng cholesterol trong máu đồng thời bổ sung chất dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể.

Những nguyên tắc người bệnh nên áp dụng

Người mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì để đảm bảo được đường huyết không tăng quá cao sau bữa ăn và huyết áp được ổn định. Để đảm bảo được 2 tiêu chí này, bệnh nhân nên tuân theo những nguyên tắc sau:

  • Bắt buộc giảm lượng đường, lượng muối từ khâu chế biến, nấu nướng và thưởng thức các món ăn. Vì người Việt Nam chúng ta có thói quen dùng nước chấm, để hạn chế được lượng natri nạp vào cơ thể mỗi ngày, thì nên hạn chế thói quen dùng nước chấm giúp kiểm soát tốt chỉ số huyết áp.
  • Thay đổi thói quen, chuyển sang dùng các loại dầu thực vật. Không tái sử dụng dầu ăn nhiều lần để chế biến cho bệnh nhân. Đồng thời cũng hạn chế dùng các đồ ăn đã được chế biến sẵn.
  • Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, vừa hạn chế được tình trạng quá đói hoặc quá no tại một số thời điểm trong ngày vừa kiểm soát được đường huyết, hạn chế cảm giác quá đói và thèm ăn không kiểm soát.
  • Bổ sung protein đầy đủ hàng ngày, nên dùng những nguồn cung cấp protein dễ hấp thụ.
Người bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì để tốt cho sức khỏe 3
Nên giảm lượng muối để hạn chế lượng natri nạp vào cơ thể mỗi ngày

Trên đây là những thông tin của chúng tôi cung cấp đến bạn để giải đáp thắc mắc bệnh nhân bị tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì để tốt cho sức khỏe. Bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp cần kiểm soát bữa ăn chặt chẽ và có khoa học để cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn. Một thói quen ăn uống lành mạnh sẽ giúp bệnh được kiểm soát tốt và giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. 

Xem thêm: Tăng huyết áp ở người cao tuổi và những điều cần biết

Kim Huệ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm