Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Người bệnh trào ngược dạ dày có ăn chuối được không?

Ngày 24/12/2024
Kích thước chữ

Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp có thể giúp giảm thiểu cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Vậy người bệnh trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Hiện tượng trào ngược dạ dày là tình trạng dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, thanh quản hoặc vùng cổ họng. Tình trạng này thường xảy ra ở những người nhiễm vi khuẩn Hp, có thói quen ăn uống không khoa học, mắc hội chứng Zollinger-Ellison, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá trong thời gian dài hoặc đang gặp vấn đề thừa cân, béo phì.

Trào ngược dạ dày có ăn chuối được không?

Người bệnh trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? Một số thông tin cho rằng việc ăn chuối khi gặp vấn đề về dạ dày có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định rằng người bị trào ngược dạ dày có thể ăn chuối.

Trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? - 1
Chuối là loại trái cây thích hợp cho người bị trào ngược dạ dày

Chuối có độ pH khoảng 5 – 5.29, giúp làm tăng độ pH và giảm nồng độ axit trong dạ dày. Loại quả này còn tạo một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, hạn chế tổn thương do axit dịch vị gây ra. Bên cạnh đó, kali trong chuối cũng góp phần giảm lượng axit dư thừa, từ đó làm giảm đau vùng thượng vị và cải thiện triệu chứng đau dạ dày hiệu quả.

Ngoài ra, chuối chứa các chất như: Pectin, protein và lưu huỳnh, hỗ trợ giảm đau và kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa. Đặc biệt, lượng prebiotic dồi dào trong chuối còn giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn trong đường ruột, từ đó làm giảm nguy cơ trào ngược axit và cải thiện sức khỏe cho hệ tiêu hóa một cách toàn diện.

Những lợi ích khác của chuối đối với sức khỏe

Nắm được thông tin những lợi ích sức khỏe của chuối đối với hệ tiêu hóa, cũng sẽ giúp bạn có được những thông tin giải đáp cho vấn đề trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? Bổ sung chuối đúng cách và thường xuyên không chỉ hỗ trợ cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Những lợi ích này bao gồm:

  • Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Chuối giàu chất xơ, vitamin và prebiotic – một loại carbohydrate không tiêu hóa, nhưng lại là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho lợi khuẩn trong đường ruột. Vì vậy, ăn chuối thường xuyên giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, đồng thời giảm nguy cơ mắc các vấn đề như: Táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu,...
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Chuối chín cung cấp lượng lớn vitamin C và các chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức đề kháng, tiêu diệt gốc tự do và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các tác nhân có hại.
  • Hỗ trợ điều hòa huyết áp: Với hàm lượng kali cao, chuối giúp cân bằng điện giải, tăng cường chức năng thận, giãn mạch và ổn định huyết áp hiệu quả.
  • Ngăn ngừa thiếu máu: Các dưỡng chất, đặc biệt là sắt trong chuối, hỗ trợ sản sinh hồng cầu, cải thiện tình trạng thiếu máu, nhất là khi trào ngược axit gây xuất huyết dạ dày.
  • Lợi ích khác: Chuối còn góp phần giảm cân, chăm sóc làn da, giảm căng thẳng và stress, cân bằng mức cholesterol trong máu, cải thiện triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và hỗ trợ người không dung nạp lactose.
Trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? - 2
Chuối còn có lợi ích ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cho cơ thể

Trào ngược dạ dày có ăn được chuối tiêu không?

Mặc dù người bị trào ngược dạ dày có thể ăn chuối, nhưng không phải loại chuối nào cũng phù hợp, đặc biệt là chuối tiêu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chuối tiêu chứa hàm lượng pectin cao, có thể làm tăng nồng độ axit trong niêm mạc dạ dày. Điều này dễ dẫn đến các triệu chứng như: Ợ hơi, ợ chua, chướng bụng, nóng rát và làm tình trạng trào ngược trở nên nặng hơn.

Thay vào đó, người bệnh nên ưu tiên sử dụng các loại chuối như: Chuối lùn, chuối hương, chuối cau, chuối tây, chuối lá hoặc chuối ngự. Những loại chuối này không chỉ an toàn hơn mà còn giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm các triệu chứng khó chịu kể trên.

Trào ngược dạ dày nên ăn trái cây gì?

Ngoài quan tâm đến vấn đề trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? Thì những loại trái cây khác phù hợp với người mắc bệnh này cũng được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Bạn có thể sử dụng một số loại trái cây dưới đây nếu không thích ăn chuối:

Táo

Táo ngọt cũng là lựa chọn phù hợp nhờ hàm lượng vitamin A, C, D, B6, B12, magie, canxi và sắt dồi dào. Loại quả này thúc đẩy tiêu hóa và tăng cường lợi khuẩn đường ruột. Người bệnh nên chọn táo chín ngọt, tránh táo chua và táo xanh do hàm lượng acid cao có thể gây kích ứng dạ dày.

Trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? - 3
Táo cũng là loại trái cây thích hợp cho người bị trào ngược dạ dày

Thanh long

Thanh long là trái cây rất tốt cho người bị trào ngược dạ dày nhờ giàu nước và chất xơ hòa tan. Chất nhầy trong thanh long tạo lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đặc biệt, loại quả này dễ tiêu hóa và không gây áp lực cho dạ dày.

Bơ chứa nhiều vitamin, khoáng chất, acid amin và chất kháng khuẩn có tác dụng làm dịu niêm mạc, giảm ợ hơi và ợ chua. Quả bơ còn hỗ trợ làm lành vết viêm loét dạ dày hiệu quả.

Đu đủ chín

Đu đủ chín là một trong những lựa chọn tốt cho người bị trào ngược dạ dày. Loại trái cây này giàu vitamin K, canxi và vitamin A. Đặc biệt, enzyme papain có trong đu đủ hỗ trợ tiêu hóa, giảm ợ hơi và ợ chua. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh ăn đu đủ xanh vì mủ có thể gây đau bụng và làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Dưa hấu

Dưa hấu là trái cây giàu vitamin A, C, B và chất xơ. Đáng chú ý, lycopene trong dưa hấu giúp giảm viêm loét, hỗ trợ tiêu hóa và chống oxy hóa rất tốt cho người bị trào ngược dạ dày.

Dừa

Dừa không chỉ giúp cơ thể tránh mất nước mà còn có tính kháng khuẩn và chống viêm. Nước dừa hỗ trợ làm lành vết thương và giảm các triệu chứng trào ngược hiệu quả.

Trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? - 4
Nước dừa giúp giảm các triệu chứng của trào ngược dạ dày

Lựu

Cuối cùng, lựu là loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất, có tác dụng giảm đau và bồi bổ sức khỏe. Việc sử dụng lựu thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh trở nặng ở người bị trào ngược dạ dày.

Trào ngược dạ dày nên tránh các loại trái cây nào?

Trái cây chứa nhiều axit

Các loại quả như: Cam, chanh, quýt, bưởi, quất,… tuy giàu vitamin C và khoáng chất tốt cho sức khỏe nhưng lại không phù hợp với người bị trào ngược dạ dày. Nguyên nhân là do hàm lượng axit cao trong các loại quả này có thể gây bào mòn niêm mạc dạ dày, làm tăng tiết dịch vị và khiến triệu chứng bệnh trầm trọng hơn.

Trái cây có tính nóng

Những loại trái cây như: Sầu riêng, vải, nhãn,… mang tính nóng, chứa nhiều đường và chất béo, có thể gây đầy bụng, khó tiêu và làm nóng trong cơ thể. Điều này dễ dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày lan rộng, khiến các triệu chứng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người bị trào ngược dạ dày nên hạn chế ăn các loại quả này.

Trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? - 5
Người bị trào ngược dạ dày không nên ăn sầu riêng

Cà chua

Cà chua có hàm lượng axit cao, kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị hơn, dẫn đến ợ nóng và làm tăng các triệu chứng trào ngược. Đặc biệt, ăn cà chua khi đói càng làm tình trạng này trầm trọng hơn. Do đó, người bị trào ngược dạ dày nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ cà chua, nhất là khi bụng rỗng.

Lưu ý khi bổ sung chuối vào chế độ ăn cho người bị trào ngược dạ dày

Những lưu ý khi bổ sung chuối vào chế độ ăn cho người bị trào ngược dạ dày
cũng là nỗi bận tâm của nhiều người khi tìm hiểu trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? Khi bổ sung chuối vào thực đơn hàng ngày, người bị trào ngược dạ dày cần chú ý một số điều sau:

  • Liều lượng phù hợp: Chỉ nên ăn từ 1 – 3 quả chuối chín mỗi ngày. Ăn quá nhiều có thể gây khó chịu, đầy bụng. Đồng thời, nên kết hợp với các loại trái cây khác để đảm bảo cơ thể nhận được đầy đủ vitamin, axit amin và khoáng chất cần thiết.
  • Hạn chế chuối xanh: Nếu sử dụng chuối xanh để hỗ trợ ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng, cần tuân theo liều lượng do bác sĩ chỉ định. Tự ý ăn chuối xanh có thể gây táo bón và rối loạn tiêu hóa.
  • Lựa chọn loại chuối phù hợp: Ưu tiên các loại chuối như: Chuối cau, chuối hương, chuối lùn,… và hạn chế ăn chuối tiêu, vì chuối tiêu có thể kích thích niêm mạc dạ dày và thực quản, làm nặng thêm triệu chứng trào ngược.
  • Chế biến đúng cách: Chuối có thể được chế biến thành các món ăn như: Bánh chuối hấp, sinh tố chuối, sữa chua chuối,… Nhưng nên tránh các món chiên, sấy khô hoặc có nhiều đường, dầu mỡ, vì chúng có thể làm tăng triệu chứng trào ngược axit.
  • Thận trọng với bệnh lý khác: Chuối giàu kali, có thể làm hạ huyết áp hoặc tăng tác dụng của thuốc chẹn beta. Do đó, người có huyết áp bất ổn hoặc đang sử dụng loại thuốc này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm chuối vào chế độ ăn.
Trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? - 6
Người bị trào ngược dạ dày nên chú ý lựa chọn loại chuối thích hợp để bổ sung

Trên đây là thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc: Trào ngược dạ dày có ăn chuối được không? Có thể thấy đây là một lựa chọn tốt cho những người bị trào ngược dạ dày nhờ vào tính chất trung hòa axit và khả năng hỗ trợ tiêu hóa của nó. Tuy nhiên, bạn cần phải tuân thủ một số lưu ý khi ăn cũng như lựa chọn loại chuối thích hợp để tránh những ảnh hưởng xấu không mong muốn đối với sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin