Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy mãn tính và cách điều trị

Ngày 29/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiêu chảy không chỉ gây ra mệt mỏi và khó chịu, mà còn dẫn đến những biến chứng sức khỏe nguy hiểm nếu không được điều trị. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân gây ra tiêu chảy mãn tính, biến chứng và cách điều trị qua bài viết dưới đây!

Tiêu chảy mãn tính không quá phổ biến trong cộng đồng, tuy nhiên rất nguy hiểm và khó để điều trị dứt điểm. Việc tìm hiểu nguyên nhân và cách hỗ trợ điều trị tiêu chảy mãn tính giúp người bệnh sớm thoát khỏi hoàn cảnh khó chịu này.

Bệnh tiêu chảy mãn tính

Tiêu chảy mạn tính được định nghĩa khi bạn đi cầu phân lỏng từ ít nhất 3 lần trở lên trong ngày và kéo dài hơn 4 tuần. Thống kê cho thấy có từ 1 - 4 % người lớn mắc phải tình trạng tiêu chảy mãn tính.

Việc bệnh nhân bị tiêu chảy mãn tính không nên được xem nhẹ, vì bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như mất nước, thiếu hụt và rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng,... Chính vì thế, người bệnh cần ý thức được tình trạng bệnh lý của mình để kịp thời thăm khám và điều trị.

Tiêu chảy mãn tính 01
Tiêu chảy mãn tính là khi bạn đi tiêu phân lỏng 3 lần trong ngày và kéo dài hơn 4 tuần liền

Nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính

Có khá nhiều yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ra tiêu chảy mãn tính, một vài lý do điển hình có thể kể đến như:

Do chế độ ăn uống

Uống quá nhiều rượu hoặc cà phê: Đồ uống chứa cồn hoặc cafein khi bị lạm dụng quá mức, có thể gây ra đi tiêu phân lỏng nhiều lần. Khi bạn giảm dần việc sử dụng hai chất kích thích kể trên, tình trạng tiêu chảy sẽ dần được cải thiện.

Đường và chất ngọt nhân tạo: Một số chất làm ngọt nhân tạo hay đường hóa học có thể là nguyên nhân gây ra tiêu chảy mãn tính. Có thể kể đến một vài loại đường nhân tạo như sorbitol, fructose và manitol, có nhiều trong các sản phẩm bánh kẹo và nước ngọt.

Tiêu chảy mãn tính 02
Chế độ ăn uống nhiều đường hóa học có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy mãn tính

Dị ứng

Những người mắc phải bệnh Celiac rất nhạy cảm với thực phẩm có chứa gluten. Gluten là thành phần chính của bột mì, có thể gây ra tiêu chảy và cho tác dụng giảm cân. Thêm nữa, nếu cơ thể bạn không dung nạp được với lactose, bạn sẽ bị tiêu chảy khi uống sữa.

Tiêu chảy mãn tính do thuốc

Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh có thể là nguyên nhân gây ra tiêu chảy, do tác dụng phụ của nó, bao gồm:

  • Hầu hết các thuốc kháng sinh: Amoxicillin, ampicillin, cefpodoxime,…
  • Một số thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc kháng acid dạ dày có chứa magie.
  • Thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI).
  • Hóa chất điều trị ung thư.

Ngoài ra một số thảo dược hoặc trà thảo dược có tác dụng nhuận tràng tự nhiên, khi sử dụng quá nhiều làm bạn bị tiêu chảy.

Nhiễm trùng

Một số trường hợp tiêu chảy mãn tính được ghi nhận có nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Một số vi sinh vật gây ra bệnh tiêu chảy ví dụ như lỵ trực khuẩn, lỵ amip, đơn bào Giardia hay Cryptosporidium. Lúc này, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện xét nghiệm phân để phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Bệnh viêm ruột (IBD)

Viêm ruột là tên gọi chung cho nhóm các bệnh lý có tình trạng viêm xảy ra ở đường tiêu hóa. Hai bệnh phổ biến nhất trong nhóm này (đang có xu hướng gia tăng) là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Cả hai bệnh lý này có các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, sốt, buồn nôn, suy nhược, đau bụng, sụt cân, tiêu chảy mãn tính và có máu trong phân.

Tiêu chảy mãn tính 03
Bệnh viêm ruột gây ra tiêu chảy, sụt cân và xuất hiện máu trong phân

Các nguyên nhân khác

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Rối loạn chức năng của ruột già làm bạn bị tiêu chảy, táo bón hoặc đan xen giữa hai tình trạng này.
  • Rối loạn nội tiết: Điển hình như bệnh nhân cường giáp, tiểu đường.
  • Phẫu thuật: Tiêu chảy mãn tính có thể là biến chứng sau phẫu thuật tại ổ bụng hoặc ống tiêu hóa.
  • Khối u: Một số khối u hiếm gặp như carcinoid tiết ra một số chất làm bệnh nhân bị tiêu chảy.

Biến chứng của tiêu chảy mãn tính

Mất nước

Đi phân lỏng nhiều lần làm cơ thể mất đi một lượng nước lớn, có thể nguy hiểm tính mạng. Một số dấu hiệu mất nước có thể kể đến như khát nước, nước tiểu sẫm màu, tiểu ít và da khô.

Bệnh nhân tiêu chảy cần chú ý bù nước và khoáng, với các chất lỏng khác nhau như nước lọc, nước trái cây, nước canh hoặc dung dịch oresol,...

Rối loạn điện giải

Tiêu chảy rất dễ dẫn đến rối loạn điện giải trong cơ thể, do tình trạng mất dịch và chất lỏng qua phân hoặc dịch nôn, gây ra các biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, hạ natri máu gây ra cơn lú lẫn, buồn ngủ, co giật và yếu cơ. Hạ kali có thể gây ra chuột rút và các biến chứng trên tim mạch, thần kinh.

Suy dinh dưỡng

Tiêu chảy mạn tính liên quan trực tiếp đến tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt ở người cao tuổi. Tiêu chảy làm cơ thể không kịp hấp thu các chất từ ruột non, dẫn đến suy nhược, sụt cân, ăn uống kém và suy giảm sức đề kháng. Trẻ em bị tiêu chảy mãn tính sẽ chậm lên cân, còi cọc, ốm yếu và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Tiêu chảy mãn tính 04
Tiêu chảy mãn tính làm người bệnh suy nhược và giảm sức đề kháng

Cách trị tiêu chảy mạn tính

Phía trên bài viết đã cung cấp cho bạn đọc một số nguyên nhân và biến chứng của bệnh tiêu chảy mãn tính. Dưới đây là cách để đẩy lùi tình trạng này, bao gồm điều trị triệu chứng và nguyên nhân.

Điều trị triệu chứng

Một số thuốc trị tiêu chảy cấp chứa các hoạt chất như loperamide, bismuth, diphenoxylate-atropine,... Ngoài ra, Octreotide có thể được chỉ định ở bệnh nhân tiêu chảy nặng, tuy nhiên cần có đơn thuốc từ bác sĩ. Các thuốc điều trị tiêu chảy mãn tính phải được đánh giá và cân nhắc sử dụng từ bác sĩ, không nên lạm dụng trong thời gian dài.

Điều trị nguyên nhân

Tiêu chảy có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý, đặc biệt là tại đường tiêu hóa. Chính vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy là rất quan trọng, đóng vai trò là kim chỉ nam trong việc điều trị.

Cụ thể, tiêu chảy do nhiễm trùng cần được điều trị bằng kháng sinh hay người bệnh viêm ruột cần có sự theo dõi và đánh giá sử dụng thuốc lâu dài. Nếu nguyên nhân tiêu chảy là do dị ứng thực phẩm, việc loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn có thể giúp cải thiện tình hình.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin liên quan đến bệnh tiêu chảy mãn tính, bao gồm nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị. Tiêu chảy có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó tại đường ruột, do thuốc hoặc do chế độ ăn uống. Việc nắm rõ nguyên nhân gây ra tiêu chảy giúp đẩy lùi và phòng ngừa tình trạng này tái diễn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin