Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Nguyên nhân gây ra ợ hơi sau khi uống nước

Ngày 14/09/2024
Kích thước chữ

Ợ hơi là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, đặc biệt thường gặp sau khi uống nước. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá nguyên nhân gây ra hiện tượng ợ hơi sau khi uống nước và cách khắc phục hiệu quả, giúp bạn tránh được cảm giác khó chịu không mong muốn.

Hiện tượng ợ hơi sau khi uống nước là phản ứng tự nhiên của cơ thể, nhưng nếu xảy ra thường xuyên, nó có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Nguyên nhân do đâu và làm sao để giảm thiểu tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau để có câu trả lời.

Biểu hiện ợ hơi sau khi uống nước là gì?

Hiện tượng ợ hơi là một trong các phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể, và hầu hết mọi người đã từng gặp phải. Hiện tượng này có thể xuất hiện nhiều lần trong ngày, thường gặp nhất là sau bữa ăn từ 3-4 giờ. Tuy nhiên, nếu việc ợ hơi xảy ra thường xuyên, liên tục và khó kiểm soát, đó có thể là dấu hiệu cho thấy sự bất thường trong cơ thể.

Nguyên nhân gây ra ợ hơi sau khi uống nước 2
Ợ hơi sau khi uống nước là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể

Không chỉ xuất hiện sau khi ăn, mà hiện tượng này còn có thể xuất hiện sau khi uống nước. Khoảng một giờ sau khi uống nước nhiều hoặc ngay lập tức sau khi uống các loại nước có ga hay có cồn, bạn có thể cảm thấy căng tức bụng, khó chịu và kèm theo ợ hơi.

Các nguyên nhân gây ra ợ hơi sau khi uống nước

Ợ hơi sau khi uống nước thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, và đây cũng là một phản ứng bình thường của cơ thế . Nói dễ hiểu hơn, khi chúng ta uống nước thì không khí đi vào cùng dẫn đến việc cơ thể cần thoát khí ra ngoài qua phản ứng ợ hơi. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ ít xảy ra nếu bạn uống nước chậm do đó nuốt ít không khí hơn.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến hiện tượng ợ hơi sau khi uống nước bao gồm:

Ợ hơi sau khi uống nước do thói quen sinh hoạt

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng ợ hơi sau khi uống nước, liên quan đến thói quen sinh hoạt:

  • Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều tinh bột và chất béo: Đây là 2 loại thực phẩm khó tiêu vì thế dạ dày phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa. Khi thức ăn tồn đọng quá lâu, khí sẽ hình thành và dẫn đến tình trạng ợ hơi, kể cả sau khi uống nước.
  • Uống nhiều đồ uống có gas, có cồn: Đây là một lý do phổ biến gây ợ hơi, vì khí CO2 trong nước có ga không hấp thụ trong dạ dày và phải thoát ra ngoài. Đồ uống có cồn cũng có thể gây kích ứng dạ dày gây ra triệu chứng khó tiêu, đầy hơi.
  • Căng thẳng: Khi căng thẳng và mệt mỏi kéo dài sẽ kích thích các dây thần kinh của cơ thể huy động hormon cortisol. Hormon này có thể làm tăng các axit dạ dày gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Triệu chứng thường gặp là ợ hơi sau khi ăn hoặc uống.
  • Lạm dụng thuốc: Một số loại thuốc như kháng sinh, giảm đau có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, làm giảm lợi khuẩn và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi. Điều này dễ gây đầy bụng và ợ hơi.
Nguyên nhân gây ra ợ hơi sau khi uống nước 3
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến ợ hơi là do uống quá nhiều nước có gas

Các bệnh lý có thể gây ợ hơi sau khi uống nước

Nhưng nếu tình trạng ợ hơi khi uống nước xuất hiện liên tục và kéo dài thì nguyên nhân có thể do các bệnh về dạ dày sau:

  • Do chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu: Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng ợ hơi sau khi ăn hoặc ợ hơi sau khi uống nước. Lúc này, khí từ quá trình tiêu hóa thức ăn bị dồn nén khiến dạ dày căng phồng dẫn tới phải xả bớt ra ngoài bằng cách ợ hơi.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Khoảng 70% người bị trào dạ dày có triệu chứng ợ hơi. Lượng axit dạ dày lúc này tăng cao làm tổn thương niêm mạc dạ dày, khiến quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng và sinh ra khí tại dạ dày. Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách ợ hơi, ợ chua để đẩy khí ra ngoài.
  • Viêm loét dạ dày: Ợ hơi, ợ chua là một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh viêm loét dạ dày. Viêm loét dạ dày làm tăng lượng axit dạ dày và khiến vi khuẩn sinh sôi phát triển nhiều hơn, từ đó gây ra khí trong bụng.

Cách giảm hiện tượng ợ hơi sau khi uống nước

Ợ hơi sau khi uống nước chỉ trở thành vấn đề đáng lo ngại khi nó diễn ra thường xuyên và liên tục. Nếu triệu chứng này xuất phát từ bệnh lý dạ dày, đặc biệt là trào ngược dạ dày thực quản, việc điều trị triệt để là cần thiết để giải quyết hiệu quả vấn đề. Còn trong những nguyên nhân liên quan đến thói quen sinh hoạt và ăn uống thì việc điều chỉnh lại các thói quen này có thể giúp giảm triệu chứng ợ hơi sau khi uống nước:

  • Bổ sung đủ chất xơ hàng ngày: Chất xơ có nhiều tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa như giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và hỗ trợ chuyển hóa thức ăn trong dạ dày.
  • Hạn chế các loại thực phẩm khó tiêu: Nên tránh tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ, cũng như những thực phẩm dễ gây đầy hơi như đậu, bắp cải, súp lơ, và đồ uống có ga.
  • Ăn chậm, nhai kỹ: Khi nhai kỹ, thức ăn sẽ được nghiền nhỏ hơn và giảm áp lực lên dạ dày.
  • Ăn vừa đủ, không ăn quá no: Điều này giúp tránh cảm giác ợ nóng và khó tiêu do dạ dày phải làm việc quá tải.
  • Ngủ đủ giấc và duy trì lối sống cân bằng: Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng và stress sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
  • Tránh lạm dụng thuốc kháng axit (antacid): Mặc dù thuốc kháng axit có thể làm giảm triệu chứng ợ hơi. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khi có sự hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ. Việc sử dụng quá nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
  • Cẩn trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh: Chỉ nên dùng kháng sinh khi được chỉ định và không lạm dụng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột.
Nguyên nhân gây ra ợ hơi sau khi uống nước 4
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh để giảm ợ hơi 

Tóm lại, ợ hơi sau khi uống nước có thể do thói quen sinh hoạt, thực phẩm tiêu thụ, hoặc các bệnh lý về dạ dày. Việc nhận biết đúng nguyên nhân và cải thiện chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, và tránh lạm dụng thuốc có thể giúp bạn kiểm soát tốt hơn triệu chứng này. Trong trường hợp nghi ngờ có bệnh lý tiêu hóa, việc thăm khám bác sĩ kịp thời là cần thiết để đảm bảo sức khỏe tiêu hóa tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:ợ chuaợ nóng