Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng huyết áp trong thai kỳ là gì? Nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng tăng huyết áp trong thai kỳ

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng huyết áp trong thai kỳ là tình trạng khi áp lực trong mạch máu của người phụ nữ mang thai tăng cao hơn mức bình thường. Nó xảy ra ở khoảng 5 đến 8% số ca mang thai và thường biến mất sau khi mang thai. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ chuyển sang tăng huyết áp mãn tính.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tăng huyết áp trong thai kỳ là gì?

Tăng huyết áp trong thai kỳ được định nghĩa là huyết áp (HA) ≥140/90 mmHg trong hai lần đo (cách nhau ít nhất 4 giờ) sau tuần thứ 20 mang thai hoặc muộn hơn của thai kỳ, ở một phụ nữ có huyết áp bình thường trước đó, không có protein niệu (>300 mg trong 24 giờ) hoặc các đặc điểm lâm sàng khác (giảm tiểu cầu, suy giảm chức năng thận, suy giảm chức năng gan, phù phổi hoặc đau đầu mới khởi phát) gợi ý đến tiền sản giật.

Tăng huyết áp thai kỳ nếu không phát hiện sớm có thể phát triển thành tiền sản giật. Tình trạng này xảy ra thường xuyên nhất ở phụ nữ trẻ mang thai lần đầu. Nó phổ biến hơn ở những người mang thai đôi, ở phụ nữ trên 35 tuổi, ở phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính hoặc bị tăng huyết áp ở lần mang thai trước, ở phụ nữ Mỹ gốc Phi và ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường.

Tiền sản giật được chẩn đoán khi một phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ có lượng protein trong nước tiểu tăng lên.

Tiền sản giật gây biến chứng nặng là sản giật. Phụ nữ bị sản giật là tình trạng bị co giật toàn thân. Sản giật xảy ra ở khoảng 1/1.600 ca mang thai và phát triển vào gần cuối thai kỳ, trong hầu hết các trường hợp.

Hội chứng HELLP là một biến chứng của tiền sản giật nặng hoặc sản giật. Hội chứng HELLP là một nhóm các thay đổi về thể chất bao gồm thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm lượng tiểu cầu ở thai phụ.

Tăng huyết áp trong thai kỳ thường được chia thành hai loại chính: Tăng huyết áp thai kỳ nhẹ và tăng huyết áp thai kỳ nặng. Tăng huyết áp thai kỳ nhẹ có thể được kiểm soát và quản lý bằng cách thay đổi lối sống và theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, tăng huyết áp thai kỳ nặng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tổn thương nội tạng, suy thận, đột quỵ và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.

Phụ nữ cần theo dõi thường xuyên huyết áp và phân tích nước tiểu trong thai kỳ để loại trừ tiền sản giật.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng huyết áp trong thai kỳ

Tăng huyết áp trong thai kỳ là một tình trạng có thể xảy ra trong thai kỳ. Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của tăng huyết áp thai kỳ:

  • Tăng huyết áp: Đo huyết áp tại cánh tay trên 140/90 mmHg.
  • Đau đầu: Đau đầu thường xuyên và dữ dội, có thể không giảm sau khi sử dụng thuốc giảm đau thông thường.
  • Thay đổi thị lực: Thị lực có thể bị suy giảm, mờ hoặc nhìn đôi do áp lực máu tăng.
  • Buồn nôn và ói mửa: Có thể xuất hiện buồn nôn và ói mửa, tương tự như cảm giác bị "đau dạ dày".
  • Đau vùng bụng trên bên phải hoặc đau quanh bụng, đau sau xương ức và khó thở.
  • Sưng: Sưng tăng đột ngột ở các phần cơ thể như chân, tay, mặt.
  • Bệnh thận và protein trong nước tiểu: Chức năng thận có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến việc có protein trong nước tiểu.
  • Triệu chứng thần kinh: Có thể xuất hiện triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, lo lắng, rối loạn thị giác hoặc co giật.
  • Mệt mỏi và mất sức: Cảm thấy mệt mỏi và yếu đuối một cách không bình thường.
  • Tăng cân đột ngột: Tăng cân nhanh chóng mà không có nguyên nhân rõ ràng.
Tăng huyết áp trong thai kỳ 7.jpg
Phù sưng 2 chân đột ngột ở thai phụ

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tăng huyết áp trong thai kỳ

Các biến chứng do tăng huyết áp thai kỳ có thể ảnh hưởng đối với thai phụ và trẻ sơ sinh có thể bao gồm:

Đối với thai phụ:

  • Tiền sản giật kèm theo co giật sẽ trở thành sản giật, nếu không được điều trị có thể dẫn đến tử vong.
  • Gây nhau bong non, xuất huyết sau sinh.
  • Có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan như rối loạn đông máu, phù phổi, suy thận, nhồi máu não, đái tháo đường thai kỳ.

Đối với thai nhi:

  • Chậm phát triển hoặc thai lưu;
  • Sinh non và nhẹ cân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong quá trình mang thai. Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ nếu mẹ có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, thai phụ nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa sản để được kiểm tra và tư vấn. Theo dõi và điều trị sớm chính xác là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ và hạn chế diễn biến xấu lên sức khỏe của thai phụ và thai nhi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp trong thai kỳ

Tăng huyết áp thai kỳ thường xảy sau tuần thứ 20 của thai kỳ và có thể ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ mang thai. Nguyên nhân chính gây tăng huyết áp thai kỳ chưa được xác định rõ. Nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này, bao gồm:

  • Tăng huyết áp từ trước khi mang thai;
  • Tiền căn tăng huyết áp ở lần mang thai trước;
  • Bệnh lý ở thận;
  • Bệnh tuyến giáp;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Tuổi mẹ trẻ hơn 20 hoặc lớn hơn 40;
  • Mang đa thai, chẳng hạn như sinh đôi hoặc sinh ba;
  • Chủng tộc người Mỹ gốc Phi.
Tăng huyết áp trong thai kỳ 3.jpg
Tăng huyết áp thai kỳ thường xảy sau tuần thứ 20 của thai kỳ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tăng huyết áp trong thai kỳ ?

Tình trạng này thường xảy ra ở những phụ nữ trẻ mang thai lần đầu. Nó phổ biến hơn ở những người mang thai đôi, ở phụ nữ trên 35 tuổi, ở phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính hoặc bị tăng huyết áp ở lần mang thai trước, ở phụ nữ Mỹ gốc Phi và ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tăng huyết áp trong thai kỳ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải tăng huyết áp thai kỳ, bao gồm:

  • Tuổi: Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ cao hơn mắc phải tăng huyết áp thai kỳ.
  • Bệnh nền: Thai phụ bị tăng huyết áp trước khi mang thai hoặc có tiền sử gia đình về tăng huyết áp và có nguy cơ cao hơn.
  • Thừa cân/ béo phì: Trọng lượng cơ thể quá mức có thể tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp thai kỳ.
  • Tiền sản giật: Thai phụ đã từng mắc phải tiền sản giật trong các thai kỳ trước đó, sẽ có nguy cơ cao hơn.
  • Bệnh thận: Các bệnh lý về thận, như bệnh thận mạn tính hoặc tổn thương thận, có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ.
  • Đa thai: Mang thai đa thai (như song thai, ba thai) có nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ cao hơn so với thai đơn.
  • Thai nhi có khuyết tật: Nếu một trong hai bên của cặp song thai bị khuyết tật, nguy cơ mắc tăng huyết áp thai kỳ sẽ tăng lên.
Tăng huyết áp trong thai kỳ 4.jpg
Thừa cân/ béo phì là yếu tố nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ

Để xác định và chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ, các phương pháp xét nghiệm và quá trình chẩn đoán sau đây thường được sử dụng:

Đo huyết áp

Đo huyết áp thường là quá trình đầu tiên để xác định xem áp lực máu của bạn có cao hơn mức bình thường hay không. Nếu kết quả đo áp lực máu ở mức 140/90 mmHg hoặc cao hơn trong hai lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ, bạn có thể bị chẩn đoán mắc tăng huyết áp thai kỳ.

Xét nghiệm nước tiểu

Nếu lượng protein trong nước tiểu > 300 mg trong 24 giờ ở tuần 37 – 39 tuần của thai phụ, có nguy cơ bị tiền sản giật.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu có thể được yêu cầu để đánh giá và phân tích các chỉ số chức năng gan, chức năng thận và các yếu tố đông máu để loại trừ tiền sản giật.

Xét nghiệm tim mạch

Một số bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm tim mạch để kiểm tra các chỉ số điện tâm đồ hoặc siêu âm tim để đánh giá tình trạng tim mạch của thai phụ.

Siêu âm thai kỳ

Siêu âm thai kỳ giúp xem xét sự phát triển của thai nhi, kiểm tra lưu lượng máu trong dòng chảy và xác định vị trí của nhau thai, nếu có.

Tăng huyết áp trong thai kỳ 5.jpg
Siêu âm định kỳ để kiểm tra sức khỏe cho thai phụ và thai nhi

Phương pháp điều trị tăng huyết áp thai kỳ hiệu quả

Việc điều trị hiệu quả của tăng huyết áp thai kỳ sẽ được bác sĩ xác định dựa trên:

  • Quá trình mang thai, kiểm tra sức khỏe tổng quát và tiền sử bệnh của thai phụ.
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Khả năng chịu đựng của thai phụ đối với các loại thuốc.
  • Những kỳ vọng và ý kiến của thai phụ và gia đình cho quá trình thăm khám và điều trị.

Mục tiêu của việc điều trị là làm giảm huyết áp hoặc ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên nặng hơn và gây ra các biến chứng. Điều trị tăng huyết áp thai kỳ có thể bao gồm:

  • Thai phụ có thể nghỉ ngơi tại giường ở nhà hoặc ở bệnh viện.
  • Nhập viện ngay khi có các dấu hiệu và triệu chứng, huyết áp cao ≥140/90 mmHg, huyết áp ở mức nặng (>160/110) kéo dài cách nhau ít nhất 15 phút, để cấp cứu tránh nguy hiểm đáng tiếc.
  • Các thuốc đầu tay sử dụng trong điều trị tăng huyết áp thai kỳ gồm: Methyldopa, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi. Chống chỉ định các loại thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể vì có thể gây dị tật cho thai nhi.
  • Thai phụ có hiện tượng bị tăng huyết cao hoặc tiền sản giật ở mức độ nhẹ được điều trị nhưng không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp thai kỳ hoặc nếu thai nhi hoặc thai phụ gặp nguy hiểm, khuyến cáo chấm dứt thai kỳ ở tuần 37.
Tăng huyết áp trong thai kỳ 1.jpg
Thai phụ cần nhập viện ngay khi có các dấu hiệu và triệu chứng huyết áp cao

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tăng huyết áp thai kỳ

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Giảm các loại thực phẩm có nhiều chất béo, ngọt như bánh kẹo, kem, chiên xào , nội tạng động vật… phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ.
  • Giảm ăn mặn và các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều muối như thịt nguội, đồ hộp… đề phòng ngừa tăng huyết áp.
  • Giảm căng thẳng bằng các bài tập thư giãn giảm stress như yoga, thiền, xoa bóp.
  • Tránh hút thuốc và đồ uống có chứa cồn.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe.
Tăng huyết áp trong thai kỳ 6.jpg
Bài tập yoga cho thai phụ giúp giảm căng thẳng

Chế độ dinh dưỡng:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể.

Phương pháp phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ hiệu quả

Vì nguyên nhân gây ra tăng huyết áp thai kỳ vẫn chưa được biết rõ nên rất khó để ngăn ngừa. Điều tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa tăng huyết áp khi mang thai (và khi bạn không mang thai) là:

  • Tránh mang thai, sinh nở khi tuổi đã cao;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh thừa cân, béo phì;
  • Ăn uống chế độ khoa học lành mạnh;
  • Giảm căng thẳng bằng các bài tập thư giãn giảm stress như yoga, thiền, xoa bóp;
  • Tránh hút thuốc và đồ uống có chứa cồn;
  • Nghỉ ngơi nhiều;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ chuyên khoa sản để theo dõi sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
Tăng huyết áp trong thai kỳ 8.jpg
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học lành mạnh cho thai kỳ
Nguồn tham khảo
  1. Treatment for Gestational Hypertension: https://stanfordhealthcare.org/medical-conditions/womens-health/gestational-hypertension/treatments.html
  2. Hypertension In Pregnancy: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430839/
  3. High blood pressure and pregnancy: Know the facts: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20046098
  4. High Blood Pressure During Pregnancy: https://www.healthline.com/health/high-blood-pressure-hypertension/during-pregnancy#tracking-blood-pressure
  5. High Blood Pressure (Hypertension) During Pregnancy: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4497-gestational-hypertension#diagnosis-and-tests

Các bệnh liên quan