Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc và cách khắc phục

Ngày 18/04/2023
Kích thước chữ

Giấc ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hệ thần kinh và cảm xúc của trẻ vào những tuần đầu tiên sau khi chào đời. Việc trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc và thường xuyên quấy khóc có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Vậy nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc là gì? Cách khắc phục tình trạng ngủ gà không sâu giấc ra sao?

Trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc có phải là tình trạng đáng lo ngại không? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Đây đang là chủ đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Đừng bỏ qua bài viết dưới đây nếu không muốn hiểu rõ những thông tin hữu ích xoay quanh chủ đề này bạn nhé.

Tổng quan về giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Ngủ là một hiện tượng sinh lý bình thường của con người. Đối với trẻ nhỏ, việc ngủ đủ giấc không những giúp bảo vệ sức khỏe mà còn rất tốt cho sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. 

Các chuyên gia nhi khoa chỉ ra rằng: Giấc ngủ là một trong những yếu tố thông qua hormone tăng trưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ. Các nguyên cứu cũng chỉ ra rằng, trong 3 năm đầu đời, 80% tế bào não bộ được tạo ra có liên quan đến chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ của trẻ. 

Do đó, trẻ sơ sinh nói riêng và trẻ nhỏ nói chung cần được tạo điều kiện để đảm bảo chất lượng giấc ngủ và ngủ đủ giấc. Việc trẻ sơ sinh bị rối loạn giấc ngủ kéo dài với biểu hiện trẻ ngủ gà không sâu giấc và thường xuyên quấy khóc sẽ có thể ảnh hưởng đến não bộ của trẻ, thậm chí gây ra những hệ lụy khi trẻ trưởng thành như suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi và cảm xúc…

Ở từng giai đoạn phát triển, trẻ sơ sinh sẽ có thời gian ngủ khác nhau. Cụ thể:

  • Giai đoạn từ 0 - 2 tháng tuổi: Trẻ có thể ngủ 15 - 16 tiếng/ngày, cụ thể là trẻ có thể ngủ khoảng 8 - 9 tiếng vào ban ngày và khoảng 8 tiếng ban đêm. Trẻ chỉ thức dậy khi có nhu cầu ăn hoặc cần thay bỉm (khoảng 2 - 3 tiếng/lần). 
  • Giai đoạn từ 3 - 5 tháng tuổi: Trong giai đoạn này, trẻ thường ngủ ít hơn khoảng 1 giờ/ngày so với giai đoạn từ 0 - 2 tháng tuổi. Ban đêm trẻ có thể không cần thức dậy để bú mẹ và ngủ giấc dài hơn 6 tiếng. Khi trẻ được 4 tháng tuổi, trẻ có thể thức dậy 1 - 2 lần mỗi đêm, song đây chỉ là hiện tượng bình thường và mẹ hoàn toàn không cần quá lo lắng.
  • Giai đoạn từ 6 - 8 tháng tuổi: Khi trẻ bước vào độ tuổi này, đa số trẻ sơ sinh đã có thể ngủ 8 tiếng mỗi đêm, thậm chí là lâu hơn. Nếu để ý, mẹ có thể thấy trẻ có thể bỏ thêm một giấc ngủ ngắn vào ban ngày.
  • Giai đoạn từ 9 - 12 tháng tuổi: Trẻ có thể ngủ liên tục từ 9 - 12 tiếng mỗi đêm và ban ngày trẻ ngủ khoảng 3 - 4 tiếng. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, trẻ thường khó đi vào giấc ngủ hay dễ tỉnh giấc sau một giấc ngủ ngắn.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc và cách khắc phục 1
Giấc ngủ ngon đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc

Ngủ gà không sâu giấc là một trong những biểu hiện của rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này bao gồm nguyên nhân sinh lý, nguyên nhân bệnh lý hay đôi khi xuất phát từ một số yếu tố nguy cơ khác, cụ thể:

Nguyên nhân sinh lý

Giấc ngủ có 2 loại bao gồm: REM (chuyển động mắt nhanh) và NREM (không chuyển động mắt nhanh). Trong khi ở người trưởng thành, giấc ngủ NREM chiếm 75% tổng thời gian ngủ và giấc ngủ REM chỉ chiếm 25%, thì ở trẻ sơ sinh giấc ngủ REM và NREM lại chiếm thời gian gần như bằng nhau. 

Khi giấc ngủ ở giai đoạn REM, các cơ quan hô hấp sẽ tăng cường hoạt động khiến trẻ sơ sinh thở nhanh hơn và tăng nhịp tim. Lúc này, chỉ cần một cử động nhẹ cũng có thể khiến trẻ thức giấc. So với người lớn thì giai đoạn REM chiếm nhiều thời gian trong giấc ngủ của trẻ hơn. Chính vì thế, trẻ sơ sinh thường ngủ gà không sâu giấc, hay bị giật mình và tỉnh giấc bởi các tác động từ bên ngoài.

Nguyên nhân bệnh lý

Các bác sĩ chuyên khoa chỉ ra rằng: Việc trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo trẻ đang gặp phải một vấn đề sức khỏe nào đó. Một số vấn đề có thể kể đến như:

  • Trẻ sơ sinh bị thiếu vi chất: Trẻ sơ sinh có thể bị thiếu một số vi chất cần thiết như kẽm, magie, sắt, canxi… khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh còi xương đồng thời khiến cơ thể trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, hay ngủ gà vào ban ngày và ngủ không sâu giấc vào ban đêm.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Ở trẻ sơ sinh, hệ thống miễn dịch còn yếu, không thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Do vậy, trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và có nguy cơ mắc phải một số bệnh lý như viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi… với các biểu hiện khó thở, thở khò khè hoặc thở bằng miệng. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thậm chí là quấy khóc.
  • Trẻ mắc một số bệnh lý nội khoa như viêm tai giữa, trào ngược dạ dày thực quản… cũng gây ra cho trẻ những biểu hiện khó chịu nhất định, từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ở trẻ sơ sinh.
  • Béo phì: Tình trạng thừa cân, béo phì khiến cho đường thở bị phì đại gây khó khăn cho trẻ sơ sinh khi thở, cụ thể là trẻ phải thở bằng miệng do khó thở. Điều này khiến trẻ ngủ không sâu giấc hoặc khó đi vào giấc ngủ, thậm chí là quấy khóc vào ban đêm.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc và cách khắc phục 2
Mắc phải các bệnh lý về đường hô hấp cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh quấy khóc

Một số nguyên nhân khác

Ngoài nguyên nhân sinh lý và bệnh lý, một số nguyên nhân có thể khiến trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc phải kể đến như:

  • Trẻ thường xuyên bị mộng du, hay giật mình khi ngủ và tỉnh giấc vào giữa đêm. Khi đó, trẻ rất khó quay trở lại giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
  • Trẻ quấy khóc do bỉm bị ướt, giường chiếu, chăn ga và quần áo không sạch khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.
  • Ánh sáng phòng ngủ quá sáng, không thích hợp với trẻ. Nhiệt độ phòng ngủ quá lạnh hoặc quá nóng cũng là yếu tố khiến trẻ ngủ không sâu giấc.
  • Môi trường xung quanh ồn ào dễ làm cho trẻ giật mình và tỉnh giấc.
  • Trẻ ngủ nhiều vào ban ngày dẫn đến khó ngủ khi về đêm và ngủ không sâu giấc.
  • Trẻ bú ít, lượng sữa bé bú không đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể khiến trẻ nhanh bị đói. Vì thế, trẻ thường ngủ không sâu giấc và hay tỉnh giấc để bú mẹ.
  • Trẻ đã quen với việc được cha mẹ bế hồng hay đưa võng khi ngủ. Do vậy, khi không được bế hoặc nằm nôi thì trẻ sẽ khó ngủ và quấy khóc.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc và cách khắc phục 3
Việc bú ít khiến trẻ nhanh đói và tỉnh giấc giữa chừng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Cách khắc phục tình trạng ngủ gà không sâu giấc ở trẻ sơ sinh

Cùng với nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc, cách khắc phục tình trạng này cũng được rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Dưới đây là một số cách giúp cải thiện giấc ngủ của trẻ sơ sinh, các mẹ có thể tham khảo:

  • Nếu nghi ngờ trẻ sơ sinh ngủ gà ngủ không sâu giấc do tình trạng thiếu vi chất hoặc do các tình trạng bệnh lý, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp. Khi các vấn đề sức khỏe được điều trị dứt điểm thì chất lượng giấc ngủ của trẻ cũng sẽ được cải thiện rõ rệt.
  • Tạo cho trẻ thói quen ngủ ngoan, dạy trẻ phân biệt ngày đêm, tập cho trẻ tự ngủ. Không nên cho trẻ ngủ quá nhiều ban ngày. Mẹ nên cho trẻ bú đủ trước khi đi ngủ để trẻ không bị thức giấc vì đói. Bên cạnh đó, mẹ cần giữ yên tĩnh đồng thời điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ phòng sao cho phù hợp để trẻ dễ ngủ hơn.
  • Ngoài ra, trước khi ngủ, mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, mặc quần áo rộng rãi thoáng mát để trẻ cảm thấy thoải mái khi ngủ.
  • Thêm vào đó, mẹ có thể đung đưa nôi hoặc hát ru cho đến khi trẻ ngủ. Đây cũng là một mẹo giúp tình trạng trẻ sơ sinh ngủ gà không kéo dài thêm.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc và cách khắc phục 4
Ru trẻ ngủ cũng là một mẹo giúp khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc hiệu quả

Trẻ sơ sinh ngủ gà không sâu giấc khiến nhiều mẹ không khỏi bận tâm, lo lắng. Hy vọng với những chia sẻ trên đây của Nhà Thuốc Long Châu có thể giúp bạn đọc phần nào hiểu hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ ngủ không sâu giấc cũng như cách khắc phục tình trạng này. Hãy truy cập vào trang web của Nhà Thuốc mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều bài viết bổ ích khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: vinmec.com, medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin