Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi cùng cách khắc phục hiệu quả

Ngày 24/11/2022
Kích thước chữ

Nhiều người thường xuyên sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi mà không biết nguyên nhân do đâu. Tình trạng này có thể xuất phát từ tác nhân gây dị ứng, cũng có thể do một số vấn đề sức khỏe gây ra. Tùy thuộc nguyên nhân mà chúng ta sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.

Sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi phần nhiều là dấu hiệu của bệnh viêm mũi (74% trường hợp là viêm mũi dị ứng và liên quan nhiều tới các yếu tố dị nguyên, 26% còn lại là viêm mũi vận mạch). Nhiều người ngoài nghẹt mũi còn kèm theo một số triệu chứng khác như hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, ngứa mũi,... Tình trạng này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Nguyên nhân sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi

Như đã đề cập bên trên, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bạn sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi, chẳng hạn như bị cảm lạnh thông thường, bị viêm mũi dị ứng, hay cũng có thể do việc bạn dùng một số loại thuốc.

Nguyên nhân sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi cùng cách khắc phục hiệu quả 1 Nhiều người thường xuyên bị nghẹt mũi mà không biết nguyên nhân do đâu. 

Tìm hiểu nguyên nhân gây nghẹt mũi sẽ giúp chúng ta có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây nghẹt mũi vào buổi sáng:

Viêm mũi dị ứng

Nếu nghẹt mũi không xuất phát từ cảm cúm thì viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Có rất nhiều tác nhân khiến bạn bị dị ứng ngay từ trong phòng ngủ, chẳng hạn như yếu tố mạt bụi, nấm mốc và lông thú cưng,..

Ngoài ra, phấn hoa cũng là một tác nhân gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng. Chúng xuất hiện rất nhiều vào buổi sáng và có thể theo những cơn gió đi vào phòng ngủ, gây nghẹt mũi khi bạn hít phải nếu bạn là người có cơ địa dị ứng với tác nhân này.

Viêm xoang

Bệnh lý viêm xoang là nguyên nhân khiến bạn bị nghẹt mũi. Cảm lạnh, cảm cúm sẽ khiến xoang sưng lên, gây ra tình trạng viêm xoang. Ngoài nghẹt mũi, người bị viêm xoang có thể còn gặp phải các triệu chứng như:

  • Đau, nhức, sưng quanh má, mắt và trán;
  • Ngửi gặp khó khăn;
  • Đau đầu, đau răng;
  • Hơi thở có mùi;
  • Trong mũi thường xuyên có chất nhầy màu xanh hoặc vàng.
Nguyên nhân sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi cùng cách khắc phục hiệu quả 2 Sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi có thể do bị viêm xoang.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), đặc biệt là khi đã thành bệnh mạn tính khiến các chất trong dạ dày trào ngược lên cổ họng và đường mũi gây cảm giác nghẹn họng và nghẹt mũi (thường triệu chứng nặng hơn vào ban đêm do tư thế nằm ngủ). Đó là lý do vì sao bị nghẹt mũi ở người mắc bệnh GERD.

Khói thuốc lá

Khói thuốc lá đặc biệt gây hại cho sức khỏe. Vì thế, bạn hút thuốc lá hoặc gia đình có người hút thuốc đều dễ bị nghẹt mũi vào buổi sáng hơn do khói thuốc sẽ kích thích niêm mạc mũi và gây nghẹt mũi ở người bị viêm mũi.

Thay đổi nội tiết

Nội tiết tố thay đổi, rối loạn có thể gây nghẹt mũi vào buổi sáng thức dậy. Phụ nữ mang thai rất nhiều người bị chứng viêm mũi, tuy nhiên tình trạng nạy sẽ chấm dứt trong vòng 2 tuần sau khi sinh.

Xử trí sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi

Sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi là hiện tượng khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân gây ra. Khi phát hiện thường xuyên gặp phải tình trạng này, bạn cần nhanh chóng theo dõi, rà soát nguyên nhân gây ra để tiến hành biện pháp xử lý kịp thời, tránh để kéo dài sẽ gây hại cho sức khỏe.

Nguyên nhân sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi cùng cách khắc phục hiệu quả 3 Sử dụng thuốc kháng histamin H1 để xử lý tình trạng nghẹt mũi.

Dưới đây là một số cách xử trí khi bị nghẹt mũi vào buổi sáng ngủ dậy:

  • Nếu nguyên nhân gây nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng: Cần tìm tác nhân dị nguyên gây dị ứng và làm sạch chúng bắt đầu từ phòng ngủ đến toàn bộ không gian sống. Một số biện pháp làm sạch dị nguyên: Hút bụi, thay ga chiếu, vỏ chăn, gối…, không cho vật nuôi vào phòng ngủ. 
  • Sử dụng các thuốc chống dị ứng như thuốc kháng histamin H1 để xử lý tình trạng sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi. Tùy theo tình trạng và đáp ứng với thuốc kháng histamin để lựa chọn. Trường hợp đáp ứng tốt, bạn có thể duy trì thuốc 2 - 4 tuần. Lưu ý là thuốc kháng histamin có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, ngủ gà, khô miệng, táo bón; rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh; ức chế hô hấp, khó ho khạc đờm... Bạn cần tuân thủ theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
  • Nếu nghẹt mũi do viêm mũi vận mạch, bạn cần thăm khám và dùng thuốc bác sĩ chỉ định để điều trị tình trạng vận mạch như zyrtec uống và làm ấm niêm mạc mũi.
  • Trường hợp không đáp ứng với các thuốc kháng histamin hoặc xuất hiện tình trạng nhờn thuốc, bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu. Bác sĩ sẽ test các dị nguyên và cố gắng xác định loại dị nguyên mà bạn mắc phải để sử dụng thuốc với nồng độ loãng dần dạng tiêm trong vòng 2 - 5 năm.
  • Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần chủ động tăng cường bổ sung thêm nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày để tăng đề kháng, giúp cơ thể được khỏe mạnh hơn.
  • Tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày có thể cải thiện tình trạng sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi cũng như nhiều bệnh tật khác.

Tình trạng sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi, có thể còn thêm nhiều triệu chứng khác chắc chắn sẽ khiến bạn vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến tâm trạng cả ngày. Tốt nhất, nếu gặp phải hiện tượng này, bạn cần nhanh chóng đến bác sĩ để kiểm tra để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân cũng như chỉ định sử dụng một số loại thuốc uống, thuốc xịt và rửa mũi để giảm bớt các triệu chứng khó chịu.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin