Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thiếu máu đẳng sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Ngày 22/11/2024
Kích thước chữ

Thiếu máu đẳng sắc là một tình trạng bệnh lý liên quan đến máu. Khi mắc bệnh này, số lượng hồng cầu và lượng hemoglobin trong máu giảm, dẫn đến cơ thể thiếu oxy. Vậy thiếu máu đẳng sắc là gì và nó có những ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao và khó thở? Đó có thể là những dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Trong đó, thiếu máu đẳng sắc là một loại thiếu máu khá phổ biến. Vậy thiếu máu đẳng sắc là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh thiếu máu này như thế nào? Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết.

Thiếu máu đẳng sắc là gì? Đặc điểm của thiếu máu đẳng sắc

Thiếu máu đẳng sắc hay còn gọi là thiếu máu đẳng sắc đẳng bào​ là một tình trạng bệnh lý về máu xảy ra khi cơ thể không đủ hồng cầu để vận chuyển oxy đến các tế bào. Mặc dù tên gọi của nó có thể nghe khá chuyên môn, nhưng thực chất, "đẳng sắc" có nghĩa là kích thước và lượng hemoglobin (chất mang oxy) trong mỗi hồng cầu vẫn ở mức bình thường.

Hồng cầu trong trường hợp thiếu máu đẳng sắc sẽ có đặc điểm là:

  • Số lượng hồng cầu: Giảm so với bình thường. Đây là đặc điểm chính phân biệt thiếu máu đẳng sắc với các loại thiếu máu khác như thiếu máu nhược sắc.
  • Mặc dù số lượng hồng cầu giảm, nhưng kích thước hồng cầu, màu sắc hồng cầu và lượng hemoglobin bình thường.

Có thể thấy, trong thiếu máu đẳng sắc, vấn đề chính là ở số lượng hồng cầu chứ không phải chất lượng của chúng. Tổng số lượng hồng cầu giảm đi khiến người bệnh mệt mỏi, da xanh xao, khó thở...

Thiếu máu đẳng sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Thiếu máu đẳng sắc là gì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh

Nguyên nhân gây thiếu máu đẳng sắc

Nguyên nhân thiếu máu đẳng sắc hồng cầu bình thường bao gồm:

Mất máu

Mất máu có thể xảy ra cấp tính do chấn thương, phẫu thuật, tai nạn. Mất máu cũng có thể xảy ra mãn tính do các bệnh như rong kinh, loét dạ dày tá tràng, trĩ,… Khi mất máu, cơ thể sẽ cố gắng bù lại bằng cách tăng sản xuất hồng cầu. Nhưng nếu mất máu quá nhiều hoặc quá thường xuyên, tủy xương sẽ không kịp đáp ứng, dẫn đến thiếu máu.

Suy tủy xương

Tủy xương là nơi sản xuất các tế bào máu, bao gồm cả hồng cầu. Khi tủy xương bị tổn thương hoặc suy yếu do các bệnh như ung thư máu, nhiễm trùng mãn tính, do sử dụng một số loại thuốc, khả năng sản xuất hồng cầu sẽ giảm đi sẽ gây ra thiếu máu.

Bệnh lý tan máu

Trong tình trạng này, hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn so với tốc độ sản xuất. Các bệnh lý tan máu có thể do di truyền (như bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm) hoặc do các yếu tố khác như nhiễm trùng, thuốc, hoặc các bệnh tự miễn.

Nhiễm trùng mãn tính

Các bệnh nhiễm trùng kéo dài như viêm gan B, C, lao... có thể gây tổn thương tủy xương và làm giảm sản xuất hồng cầu.

Các bệnh lý khác

Một số bệnh lý khác như bệnh thận mãn tính, ung thư, rối loạn đông máu cũng có thể gây ra thiếu máu đẳng sắc.

Thiếu máu đẳng sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Bệnh hồng cầu hình liềm có thể gây thiếu máu đẳng sắc

Triệu chứng và biến chứng của thiếu máu đẳng sắc

Ngoài tìm hiểu thiếu máu đẳng sắc là gì và nguyên nhân gây bệnh, nhiều người cũng muốn biết các triệu chứng và biến chứng của bệnh.

Triệu chứng thiếu máu đẳng sắc

Các triệu chứng của thiếu máu đẳng sắc thường xuất hiện từ từ và tăng dần theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cụ thể là:

  • Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh thiếu máu. Cảm giác mệt mỏi có thể xuất hiện ngay cả khi không làm việc gì và tăng lên khi gắng sức.
  • Da của người bệnh trở nên nhợt nhạt, niêm mạc mắt, môi nhợt màu do thiếu hồng cầu mang oxy đến nuôi dưỡng các mô.
  • Khi thiếu máu, cơ thể không đủ oxy để cung cấp cho các tế bào, đặc biệt là các tế bào cơ, dẫn đến khó thở, nhất là khi vận động.
  • Tim của bệnh nhân phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể khi lượng hồng cầu giảm, gây ra tình trạng tim đập nhanh.
  • Thiếu máu làm giảm lượng oxy cung cấp cho não, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, thậm chí ngất xỉu.

Bên cạnh các triệu chứng chung trên, người bệnh thiếu máu đẳng sắc còn có thể xuất hiện các triệu chứng đặc trưng liên quan đến nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ nếu nguyên nhân gây thiếu máu là xuất huyết tiêu hóa bệnh nhân sẽ thấy đau bụng. Nếu nguyên nhân thiếu máu đẳng sắc do nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ bị sốt. Nguyên nhân do bệnh tan máu sẽ khiến bệnh nhân bị vàng da…

Thiếu máu đẳng sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Triệu chứng thiếu máu ở mỗi bệnh nhân một khác

Biến chứng của thiếu máu đẳng sắc

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, thiếu máu đẳng sắc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh như:

  • Mất máu quá nhiều và nhanh có thể dẫn đến sốc, đe dọa tính mạng.
  • Tim phải làm việc quá sức để bù trừ cho sự thiếu hụt hồng cầu, lâu dần có thể dẫn đến suy tim.
  • Nếu nguyên nhân gây thiếu máu là do bệnh lý tủy xương, tình trạng này có thể tiến triển thành suy tủy, ảnh hưởng đến sản xuất tất cả các loại tế bào máu.
  • Thiếu máu làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
  • Thiếu oxy kéo dài có thể gây tổn thương các cơ quan khác như thận, gan, thần kinh.

Chẩn đoán và điều trị thiếu máu đẳng sắc

Để xác định chính xác tình trạng thiếu máu đẳng sắc và tìm ra nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm cụ thể như:

  • Xét nghiệm máu là xét nghiệm cơ bản và quan trọng nhất để chẩn đoán thiếu máu.
  • Xét nghiệm công thức máu giúp đánh giá số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, kích thước hồng cầu và các chỉ số khác liên quan đến hồng cầu. Qua đó, bác sĩ có thể xác định được tình trạng thiếu máu và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Bạch cầu đồ giúp đánh giá chức năng miễn dịch của cơ thể, loại trừ các bệnh lý liên quan đến máu trắng.
  • Xét nghiệm tốc độ lắng máu giúp đánh giá tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, một số bệnh nhiễm trùng mãn tính có thể gây ra thiếu máu.
  • Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như xét nghiệm đông máu, sinh hóa để đánh giá chức năng các cơ quan và loại trừ các bệnh lý khác.

Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, nội soi... để tìm kiếm nguyên nhân gây mất máu hoặc các tổn thương ở các cơ quan khác. Ví dụ, nếu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa, bác sĩ có thể chỉ định nội soi để tìm vị trí xuất huyết.

Thiếu máu đẳng sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh thiếu máu đẳng sắc

Điều trị thiếu máu đẳng sắc

Mục tiêu của điều trị thiếu máu đẳng sắc là loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, bù lại lượng hồng cầu đã mất và cải thiện các triệu chứng. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của thiếu máu.

Điều trị nguyên nhân

Nếu thiếu máu do mất máu cấp tính hoặc mãn tính, việc điều trị nguyên nhân gây mất máu là rất quan trọng. Ví dụ, nếu mất máu do loét dạ dày, cần điều trị loét để ngăn chặn tình trạng mất máu tiếp tục. Nếu thiếu máu là do một bệnh lý khác gây ra, như bệnh thận mãn tính, ung thư, cần điều trị căn bệnh nền đó.

Điều trị triệu chứng

Trong trường hợp thiếu máu nặng, mất máu cấp tính, truyền máu là phương pháp điều trị hiệu quả để nhanh chóng nâng cao lượng hồng cầu trong máu. Nếu thiếu máu do thiếu sắt hoặc các vitamin cần thiết cho quá trình tạo máu, việc bổ sung sắt, vitamin là rất quan trọng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu.

Thiếu máu đẳng sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 5
Điều trị thiếu máu đẳng sắc cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ

Các biện pháp hỗ trợ khác

Người bệnh nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, rau xanh đậm, các loại đậu. Tập thể dục vừa phải giúp tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện tình trạng thiếu máu. Người bệnh cần ngủ đủ giấc để cơ thể có thời gian phục hồi.

Thiếu máu đẳng sắc là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Bằng cách hiểu rõ thiếu máu đẳng sắc là gì, biểu hiện thế nào, chúng ta có thể chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin