Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Biến chứng của thiếu máu và phương pháp phòng ngừa thiếu máu hiệu quả

Ngày 16/08/2024
Kích thước chữ

Thiếu máu là một tình trạng sức khỏe thường gặp, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các biến chứng của thiếu máu cng biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhé!

Người bệnh có thể tiến triển biến chứng của thiếu máu nếu bệnh không được quản lý, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của sức khỏe. Việc chăm sóc sức khỏe đúng cách, bao gồm cải thiện chế độ ăn uống và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ là những yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa cũng như quản lý các biến chứng của thiếu máu.

Thông tin về bệnh thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng tế bào hồng cầu hoặc nồng độ huyết sắc tố trong máu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy tới các mô và cơ quan trong cơ thể. Đây là một vấn đề sức khỏe phổ biến, có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Thiếu máu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm tình trạng thiếu hụt sắt, vitamin B12, folate. Thiếu máu có thể do bệnh lý từ các cơ quan như bệnh thận mãn tính, bệnh lý về tủy xương hoặc bệnh lý tự miễn. Những nguyên nhân này dẫn đến việc sản xuất tế bào hồng cầu không đủ số lượng hoặc chất lượng, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu.

Triệu chứng của thiếu máu thường rất đa dạng, biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Mệt mỏi: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, có thể khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức, không còn năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Tim đập nhanh: Khi thiếu máu, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt oxy dẫn tới các mô cơ thể, dẫn đến hiện tượng tim đập nhanh hoặc bất thường.
  • Da nhợt nhạt: Màu da trở nên nhợt nhạt do lượng hồng cầu giảm.
  • Khó thở: Thiếu oxy khiến người bệnh cảm thấy khó thở, đặc biệt khi thực hiện các hoạt động thể lực.
  • Đau ngực: Một số người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở ngực do tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này làm tăng nguy cơ tiến triển suy tim - một biến chứng của thiếu máu.
  • Chóng mặt: Cảm giác chóng mặt có thể xảy ra khi não không nhận đủ oxy.
  • Lạnh tay chân: Các chi có thể cảm thấy lạnh do lưu thông máu không đủ.
  • Đau đầu: Thiếu máu có thể gây ra đau đầu hoặc cảm giác nặng nề ở đầu.

Các triệu chứng này có xu hướng tăng lên khi tình trạng thiếu máu trở nên trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng quát cũng như tác động tiêu cực tới cuộc sống của người bệnh.

Mặt khác, thiếu máu không chỉ là một tình trạng tạm thời mà có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Khi lượng oxy đến các cơ quan quan trọng bị giảm có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan như tim, não, phổi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, rối loạn chức năng cơ quan.

Những biến chứng của thiếu máu và phương pháp phòng ngừa thiếu máu hiệu quả 1
Thiếu máu xảy ra khi hồng cầu trong mạch máu không hoạt động hiệu quả

Những biến chứng của thiếu máu thường gặp

Thiếu máu không chỉ là một tình trạng sức khỏe phổ biến mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là những biến chứng thường gặp của thiếu máu, gây ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe người bệnh, cụ thể:

Nhiễm trùng thường xuyên

Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức mạnh của hệ thống miễn dịch. Cụ thể, sắt cần thiết cho sự phát triển cũng như hoạt động của lympho T, một loại tế bào miễn dịch thiết yếu trong việc bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.

Khi cơ thể thiếu sắt, chức năng miễn dịch sẽ suy giảm, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như cúm, sởi, bệnh siêu vi... Hàm lượng sắt thấp cũng làm giảm hiệu quả của vắc xin, vì cơ thể không thể tạo ra phản ứng miễn dịch đầy đủ khi tiêm phòng.

Bệnh lý tim mạch

Thiếu máu không được điều trị có thể gây các rối loạn nhịp tim, đồng thời tăng áp lực lên hoạt động của tim. Khi số lượng hồng cầu giảm, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ máu cung cấp oxy cho các cơ quan trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho tim, gây bệnh cơ tim phì đại hoặc suy tim nếu tình trạng thiếu máu kéo dài mà không được kiểm soát.

Những biến chứng của thiếu máu và phương pháp phòng ngừa thiếu máu hiệu quả 2
Biến chứng thiếu máu có thể gây suy tim

Trẻ nhỏ chậm phát triển

Thiếu máu, đặc biệt là bệnh thiếu máu thiếu sắt, có thể dẫn đến chậm phát triển ở trẻ em. Trẻ sinh non hoặc trẻ sinh nhẹ cân thường có lượng sắt dự trữ rất thấp, làm tăng nguy cơ chậm phát triển.

Các yếu tố nguy cơ khác như dinh dưỡng kém, uống quá nhiều sữa bò hoặc sử dụng sữa công thức ít sắt cũng có thể góp phần làm nặng hơn tình trạng này. Thiếu máu cũng có thể gây ra các vấn đề về chậm nói, chậm vận động cũng như các vấn đề về hành vi, tương tác và tập trung.

Biến chứng của thiếu máu khi mang thai

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng rất phổ biến trong thai kỳ, ảnh hưởng đến gần 50% các sản phụ. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu sắt của cơ thể tăng lên để cung cấp oxy cho cả mẹ và bé.

Triệu chứng của thiếu máu trong thai kỳ bao gồm mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt, khó tập trung, trầm cảm sau sinh hoặc lượng sữa mẹ giảm sau sinh. Thiếu máu thiếu sắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi như sinh non, bé nhẹ cân và tăng nguy cơ tử vong ngay trước hoặc sau khi sinh. Do đó, việc kiểm tra định kỳ trong thai kỳ là vô cùng quan trọng, kể cả khi mẹ không có triệu chứng rõ ràng.

Suy nhược cơ thể

Thiếu máu thiếu sắt gây ra tình trạng suy nhược cơ thể, với cảm giác luôn mệt mỏi kèm khó thở do không đủ oxy được vận chuyển đến các mô. Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất huyết sắc tố, chất giúp gắn kết và vận chuyển oxy.

Khi lượng sắt trong cơ thể quá thấp, cơ chế này bị ảnh hưởng, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và suy nhược. Người bệnh cũng có thể gặp phải các triệu chứng như nhức đầu do thiếu oxy đến não kèm triệu chứng đau nửa đầu, đặc biệt là ở phụ nữ.

Bên cạnh đó, sắt cũng tham gia vào việc ổn định các chất hóa học trong não như serotonin, dopamine và norepinephrine. Sự thiếu hụt sắt có thể gây mất cân bằng hormone, dẫn đến đau đầu, thay đổi tâm trạng hoặc khó tập trung, mất ngủ thường xuyên.

Những biến chứng của thiếu máu và phương pháp phòng ngừa thiếu máu hiệu quả 3
Mất ngủ có thể là dấu hiệu biến chứng của thiếu máu

Biện pháp phòng ngừa bệnh thiếu máu

Thiếu máu là một tình trạng sức khỏe phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phòng ngừa, điều trị kịp thời. Để giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu, đồng thời duy trì sức khỏe tốt, dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả mà bạn nên tham khảo, cụ thể:

  • Phòng ngừa và điều trị bệnh sốt rét: Sốt rét là một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu nghiêm trọng. Để phòng ngừa, hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ chống muỗi như màn chống muỗi, thuốc xịt muỗi... Trong trường hợp bị sốt rét, việc điều trị sớm bằng thuốc chống sốt rét là rất quan trọng để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng do giun ký sinh: Các bệnh nhiễm trùng do giun ký sinh như giun đũa, giun móc và giun kim, có thể gây ra tình trạng thiếu máu cũng như ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Để phòng ngừa, hãy duy trì vệ sinh cá nhân kết hợp dọn dẹp môi trường sống sạch sẽ, đồng thời sử dụng thuốc tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tiêm phòng: Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin có thể giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể dẫn đến thiếu máu.
  • Điều trị các bệnh mạn tính: Các bệnh mạn tính như béo phì, bệnh đường tiêu hóa, bệnh lý thận… có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và sử dụng sắt của cơ thể. Điều trị sớm, quản lý hiệu quả các bệnh mạn tính này có thể giúp giảm nguy cơ thiếu máu.
  • Khoảng cách giữa các lần mang thai: Khoảng cách giữa các lần mang thai cần đủ thời gian để cơ thể người mẹ hồi phục và tái tạo dự trữ sắt. Theo khuyến cáo, khoảng cách tối thiểu giữa các lần mang thai là 24 tháng để đảm bảo sức khỏe tốt cho cả mẹ và thai nhi cũng như giảm nguy cơ thiếu máu trong thai kỳ.
Những biến chứng của thiếu máu và phương pháp phòng ngừa thiếu máu hiệu quả 4
Khoảng cách giữa 2 lần mang thai giúp phụ nữ hồi phục cơ thể

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về những biến chứng của thiếu máu. Đây là tình trạng sức khỏe xảy ra phổ biến với mức độ từ nặng đến nhẹ. Bằng cách áp dụng những biện pháp phòng ngừa, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cũng duy trì sức khỏe thật tốt.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin