Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm da tiết bã ở mặt

Ngày 19/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm da tiết bã ở mặt là một bệnh lý thường gặp và khó điều trị dứt điểm. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 2 - 5% dân số mắc bệnh này. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ về biểu hiện của bệnh và cách điều trị phù hợp.

Viêm da tiết bã còn được gọi là viêm da dầu hoặc chàm da mỡ. Mặc dù không gây nguy hiểm về sức khỏe nhưng bệnh sẽ ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ. Theo các bác sĩ, viêm da tiết bã ở người trưởng thành không thể tự hết mà phải có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở thành mạn tính và tiến triển phức tạp. Dưới đây là giải đáp những thông tin cần biết về bệnh viêm da tiết bã.

Bệnh viêm da tiết bã là gì?

Viêm da tiết bã là tình trạng tổn thương ở những vùng da có mật độ tuyến bã nhờn cao như: Da mặt, da đầu, xương ức. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện ở những vùng da khô, da dày. Viêm da dầu hình thành do rối loạn tuyến bã nhờn hoặc sự tăng sinh quá mức của nấm men. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là ở trẻ sơ sinh, trẻ em và những người ở độ tuổi 30 đến 70.

Viêm da tiết bã ở mặt là bệnh gì? Điều trị như thế nào 1
Viêm da tiết bã có thể xuất hiện ở da đầu, da mặt hoặc ngực

Viêm da tiết bã ở mặt có biểu hiện gì?

Bệnh viêm da tiết bã có những biểu hiện khác nhau tùy từng cơ địa. Tình trạng bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng khác với bệnh ở người lớn.

Biểu hiện bệnh viêm da dầu ở trẻ nhỏ

Viêm da tiết bã chủ yếu xuất hiện ở trẻ từ 0 - 3 tuổi và thường biểu hiện trên da đầu. Da đầu của trẻ nổi những mảng dày và cứng, màu vàng nhạt, nâu hoặc hơi đen. Chúng bám chặt vào da và chân tóc nhưng không gây ngứa ngáy, đau rát. Tình trạng này còn được dân gian gọi là “cứt trâu” ở đầu trẻ. Viêm da tiết bã cũng có thể xuất hiện ở da mặt của trẻ với các mảng da bong tróc, ửng đỏ.

Biểu hiện bệnh viêm da dầu ở người lớn

Khác với trẻ nhỏ, tình trạng viêm da tiết bã ở người lớn có xu hướng kéo dài và tái phát. Bệnh gây ra những biểu hiện ở vùng đầu, phía sau tai, ngực, mặt. Trong đó, viêm da tiết bã ở mặt có những dấu hiệu nhận biết như sau:

  • Nổi các nốt ban màu đỏ hoặc hồng;
  • Xuất hiện tình trạng bong vảy màu trắng;
  • Da tiết nhiều dầu, sờ vào có cảm giác nhờn dính.

Mức độ ửng đỏ, bong vảy và nhờn dính tùy từng tình trạng bệnh và cơ địa của mỗi người. Có người bị nhiều ở vùng cánh mũi, có người lại bị ở hai bên má hoặc vùng lông mày. Một số trường hợp có thể kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu, căng rát. Viêm da tiết bã ở mặt không lây từ người này sang người khác. Bệnh thường tái phát khi da bị khô, mất nước hoặc vào mùa hanh khô.

Viêm da tiết bã ở mặt là bệnh gì? Điều trị như thế nào 2
Viêm da tiết bã ở mặt gây nên tình trạng ửng đỏ, bong tróc và nhờn dính

Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiết bã

Theo các bác sĩ, bệnh viêm da tiết bã hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố liên quan đến tình trạng bệnh. Dưới đây là một số nguy cơ gây bệnh viêm da tiết bã.

Nhiễm nấm hoặc vi khuẩn

Bã nhờn tích tụ là điều kiện thuận lợi để sản sinh và bùng phát nấm men Malassezia, vi khuẩn P. Acne trên da mặt. Quá trình phát triển của nấm và vi khuẩn sẽ kích thích hệ miễn dịch phản ứng bất thường, gây nên tình trạng viêm da tiết bã.

Yếu tố di truyền

Theo khảo sát ở những người mắc bệnh, đa số người bệnh có tiền sử người thân trong gia đình cũng từng bị viêm da tiết bã. Trong số các trẻ nhỏ bị viêm da tiết bã, khoảng 40% trường hợp là trẻ có bố hoặc mẹ đã từng bị bệnh này.

Tình trạng da nhờn

Cơ địa da nhờn dễ bị viêm da tiết bã hơn so với các loại da khác. Nguyên nhân là vì da tiết nhiều dầu sẽ dẫn tới tuyến bã hoạt động mạnh hơn. Lượng dầu thừa quá mức trên da cũng kích thích nấm men phát triển và gây viêm da.

Sự tác động của thời tiết

Bệnh viêm da tiết bã có xu hướng tái phát và nặng hơn vào mùa đông. Nguyên nhân là bởi thời tiết mùa đông hanh khô dễ khiến da bị mất nước, suy giảm sức đề kháng và làm trầm trọng hơn tình trạng bong tróc. Trong khi mùa hè, da được cung cấp đủ độ ẩm nên có thể cải thiện được triệu chứng của bệnh.

Viêm da tiết bã ở mặt là bệnh gì? Điều trị như thế nào 3
Thời tiết hanh khô dễ khiến tình trạng viêm da tiết bã ở mặt trầm trọng hơn

Các yếu tố nguy cơ khác

Các bác sĩ cũng lý giải nhiều yếu tố khác là nguy cơ gây viêm da tiết bã. Theo đó, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới do ảnh hưởng của hormone. Những người bị mắc bệnh trầm cảm, động kinh, Parkinson, HIV/AIDS, vẩy nến cũng dễ bị viêm da tiết bã hơn bình thường. Một số trường hợp dùng thuốc ức chế miễn dịch, chứa kháng sinh, corticoid cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Viêm da tiết bã trên mặt có tự hết không?

Tình trạng viêm da dầu bã nhờn này có tiến triển mãn tính, kéo dài dai dẳng và dễ bị tái phát trở lại. Hầu hết những trường hợp bị viêm da tiết bã nhờn sẽ không thể tự khỏi nếu không được can thiệp bằng y khoa.

Vì vậy, người bệnh cần gặp bác sĩ da liễu khi thấy có các biểu hiện bất thường, tích cực trong quá trình chăm sóc và điều trị để giúp các triệu chứng của bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Nếu chủ quan, không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng, mất nhiều thời gian điều trị và có thể gây ra biến chứng khó lường.

Điều trị viêm da tiết bã ở mặt như thế nào?

Viêm da tiết bã là bệnh lành tính nhưng dễ tái phát và gây phiền phức cho người bệnh. Để giảm thiểu tình trạng bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát, bạn tham khảo các phương pháp điều trị dưới đây.

Mẹo dân gian hỗ trợ điều trị viêm da tiết bã

Một số mẹo dân gian mà bạn có thể áp dụng để cải thiện tình trạng viêm da tiết bã đó là:

  • Bạn nấu nước với lá trầu không đã vò nát. Dùng nước đó để xông hơi cho da mặt hoặc pha ấm để rửa mặt. Bạn cũng có thể giã nát lá trầu không, bôi lên da trong 5 - 10 phút rồi rửa sạch.
  • Các chất dưỡng ẩm, kháng khuẩn trong mật ong giúp làm mềm da và giảm tình trạng bong tróc, ửng đỏ. Bạn thoa trực tiếp mật ong lên da mặt, mát xa nhẹ nhàng, để trong 10 phút rồi rửa sạch.
  • Phèn chua giúp sát khuẩn và trị ngứa, hoa cúc giúp phục hồi da. Bạn nấu một ít nước với 10g phèn chua, 20g hoa cúc. Dùng nước này để rửa mặt 2 - 3 lần/tuần.

Xem thêm: Bật mí các cách điều trị viêm da tiết bã nhờn bằng Đông Y

Viêm da tiết bã ở mặt là bệnh gì? Điều trị như thế nào 4
Có thể dùng mật ong nguyên chất để làm dịu tình trạng viêm da tiết bã

Sử dụng thuốc

Thuốc trị viêm da tiết bã ở mặt thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp viêm đã sưng to, nổi mụn trứng cá hoặc bong tróc nghiêm trọng. Một số loại thuốc phổ biến được dùng cho bệnh viêm da tiết bã có thể kể đến dưới đây:

  • Thuốc chống viêm: Neomycin sulfate, Clobetasol, Hydrocortisone, Desonide, Fluocinolon acetonid…Thuốc có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng của bệnh.
  • Thuốc kháng nấm: Nizoral Cream, Pirolam, Ciclopirox Cream… Thuốc điều trị các loại nấm men, vi khuẩn là tác nhân gây viêm da tiết bã.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Kem Pimecrolimus, Protopic, Elidel, thuốc mỡ mỡ Tacrolimus…Thuốc có tác dụng giảm viêm nhiễm và ức chế các tế bào miễn dịch.
  • Thuốc chứa corticoid dạng nhẹ: Thành phần corticoid có tác dụng giảm nhanh các tình trạng viêm, đỏ, ngứa. Thuốc còn có khả năng kháng viêm, ức chế tác nhân gây kích ứng da.
  • Các loại thuốc khác: Người bệnh có thể cần dùng thêm thuốc kháng sinh theo đường uống, thuốc giảm đau hoặc bổ sung vitamin A.

Điều trị bệnh bằng liệu pháp ánh sáng

Đây là phương pháp được chỉ định cho các trường hợp viêm da tiết bã nặng, đã dùng thuốc nhưng kém hiệu quả. Có hai liệu pháp ánh sáng phổ biến hiện nay là tia UVA và tia UVB. Các bước sóng ánh sáng tác động trực tiếp lên vùng da bị viêm, giúp ức chế sự phát triển của nấm và giảm tình trạng viêm. Công nghệ ánh sáng cũng ngăn chặn sự lan rộng của viêm da tiết bã, kiểm soát lượng bã nhờn giúp da thông thoáng hơn.

Viêm da tiết bã ở mặt là bệnh gì? Điều trị như thế nào 5
Có thể điều trị viêm da tiết bã bằng liệu pháp ánh sáng

Bên cạnh các phương pháp điều trị kể trên, người bệnh nên giữ gìn vệ sinh da mặt sạch sẽ. Người bị viêm da tiết bã ở mặt nên tránh các loại mỹ phẩm chứa cồn hoặc chất gây kích ứng. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là thời điểm nắng giữa trưa. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện hoặc trầm trọng hơn, bạn nên đi khám da liễu để có phác đồ điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin