Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Da mất nước là gì? Cách khắc phục như nào?

Ngày 08/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi nói đến sức khỏe của làn da, việc duy trì đủ nước là rất quan trọng. Da mất nước không chỉ là vấn đề về mỹ quan mà còn ẩn chứa những nguy cơ sức khỏe đáng lo ngại.

Khi cơ thể bạn mất nước đáng kể, các triệu chứng của tình trạng mất nước sẽ trở nên rõ ràng. Trong đó, có các dấu hiệu mất nước trên da. Trong bài viết này Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng da mất nước và cách khắc phục tình trạng này.

Như thế nào là da mất nước?

Tình trạng da mất nước xảy ra khi da thiếu hụt lượng nước cần thiết để duy trì độ ẩm. Điều này có thể xảy ra với tất cả mọi người, không phân biệt loại da - ngay cả những người có da dầu hoặc da hỗn hợp cũng có thể gặp phải. Da mất nước có thể gây ra một loạt các vấn đề da, bao gồm:

  • Da xỉn màu và mệt mỏi: Da được cung cấp đủ nước thường trông căng bóng và khỏe mạnh, nhưng khi thiếu nước, da có thể trở nên xỉn màu và có vẻ mệt mỏi.
  • Da bong tróc: Tình trạng da khô bong tróc là dấu hiệu của việc da mất nước nghiêm trọng. Da mất nước kéo dài có thể dẫn đến bề mặt da sần sùi và ửng đỏ.
  • Da căng và ngứa: Da mất nước thường khiến cho da cảm thấy căng và ngứa nhẹ ở các khu vực như gò má, trán và mép môi.
  • Da khô và nứt nẻ: Đây là tình trạng da mất nước nghiêm trọng, khi da trở nên quá khô, nó có thể nứt nẻ và gây đau rát khi chạm vào.
  • Da nổi mụn: Da mất nước cũng có thể gây ra tình trạng nổi mụn. Khi da mất nước, lớp màng lipid bảo vệ da bị phá vỡ, khiến da phải tiết ra nhiều dầu hơn để cố gắng bù đắp độ ẩm. Sự tăng sản xuất dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn.
  • Da có nếp nhăn sâu: Da mất nước thường trở nên khô và không đàn hồi, dễ hình thành các nếp nhăn sâu trên bề mặt.

Hãy đi thăm bác sĩ ngay lập tức nếu các triệu chứng mất nước nghiêm trọng và không có dấu hiệu cải thiện.

Da mất nước là gì? Cách khắc phục như nào? 1
Da mất nước là tình trạng làn da thiếu hụt lượng nước để duy trì độ ẩm

Những nguyên nhân gây ra tình trạng da mất nước

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng da mất nước:

Yếu tố môi trường

Sự tiếp xúc với môi trường khô hanh, như không khí lạnh, điều hòa không khí và gió khô có thể làm cho độ ẩm trong da bị mất đi nhanh chóng. Thời tiết nóng và nắng gắt cũng có thể làm mất nước từ da, đặc biệt là khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.

Da mất nước là gì? Cách khắc phục như nào? 2
Ngồi điều hoà nhiều có thể làm da mất nước

Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp

Có một số thành phần không nên xuất hiện trong sản phẩm mỹ phẩm, bao gồm cồn khô, tinh dầu bạc hà, chiết xuất bạc hà và các hương liệu. Những thành phần này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng trên da, như làm cho da cảm thấy căng rát, kích ứng và thậm chí gây ra tình trạng mẩn đỏ. 

Hơn nữa, chúng còn là nguyên nhân chính khiến tuyến dầu trên da hoạt động quá mức, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn trên bề mặt da.

Lạm dụng hoạt chất mạnh

Các hoạt chất như AHA, BHA, Vitamin C và Retinol được coi là các thành phần quan trọng có khả năng cải thiện và giải quyết các vấn đề da. Tuy nhiên, việc sử dụng với nồng độ cao hoặc kết hợp nhiều hoạt chất mà không có phương pháp dưỡng ẩm và phục hồi đúng cách có thể dẫn đến tình trạng da trở nên khô và bong tróc.

Uống ít nước

Cơ thể nạp quá ít nước là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất nước trên da, vì nước là yếu tố quan trọng giúp duy trì độ ẩm cần thiết cho da.

Da mất nước là gì? Cách khắc phục như nào? 3
Uống quá ít nước có thể dẫn đến tình trạng da mất nước

Các yếu tố khác

Stress, thay đổi hormone, cũng như các vấn đề sức khỏe khác nhau như bệnh tiểu đường hoặc bệnh gan cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ nước của da. Hơn nữa, tuổi tác cũng là một yếu tố làm cho khả năng giữ nước của cơ thể giảm từ đó gây ra tình trạng da mất nước.

Để duy trì làn da khỏe mạnh và đầy đủ độ ẩm, việc hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng mất nước là vô cùng quan trọng.

Biện pháp khắc phục tình trạng da mất nước

Bạn có thể khắc phục tình trạng mất nước bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, bao gồm:

Hạn chế sử dụng tẩy tế bào chết quá thường xuyên

Việc tẩy tế bào chết nên được thực hiện mỗi tuần một lần. Sử dụng quá nhiều tẩy tế bào chết có thể làm hỏng lớp màng bảo vệ da, gây mất nước.

Dưỡng ẩm ngay sau khi làm sạch da

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu không sử dụng kem dưỡng ẩm trong vòng 30 giây sau khi rửa mặt, làn da sẽ mất đi tới 40% độ ẩm. Do đó, sau khi làm sạch da, bạn nên ngay lập tức sử dụng toner để giúp da hấp thụ các dưỡng chất ẩm tốt nhất. Hơn nữa, hãy nhớ bôi kem dưỡng ẩm khi da vẫn còn ẩm. Đừng chờ đợi cho da khô rồi mới áp dụng kem dưỡng da.

Sử dụng xịt khoáng và mặt nạ cung cấp nước thường xuyên

Sử dụng sản phẩm xịt khoáng chứa chất hấp thụ ẩm ngay sau khi dưỡng da. Vỗ nhẹ lên da để dưỡng chất được hấp thụ và ngăn chặn sự mất nước qua hơi nước. Đừng quên áp dụng mặt nạ cung cấp nước cho da 2 lần mỗi tuần để da trở nên căng mịn và đầy đặn.

Da mất nước là gì? Cách khắc phục như nào? 4
Nên đắp mặt nạ cấp ẩm cho da 2 lần mỗi tuần

Bổ sung rau, củ, quả vào thực đơn ăn hàng ngày

Chăm sóc da không chỉ bên ngoài mà còn cần phải bổ sung dưỡng chất từ bên trong. Hãy tích hợp các loại thực phẩm giàu nước vào chế độ ăn hàng ngày của bạn như cam, quýt, dâu tây, dưa chuột, rau xà lách, dưa hấu, củ cải, cần tây,…

Uống đủ nước để da được cung cấp đầy đủ

Duy trì thói quen uống từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể loại bỏ độc tố, ngăn ngừa tình trạng da khô và mất nước. 
Cần lưu ý rằng, da là cơ quan cuối cùng trong cơ thể nhận được lượng nước bạn uống. Điều này có nghĩa là uống nước không đảm bảo rằng da của bạn nhận được đủ nước. Hãy kết hợp việc uống nước với việc sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm trực tiếp trên da để đảm bảo da được cung cấp đủ nước.

Tóm lại, mặc dù tình trạng da mất nước chỉ là tạm thời, nhưng bạn không nên xem nhẹ vấn đề này. Trên đây Long Châu đã chia sẻ những cách cải thiện làn da khi bị mất nước. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc làn da của mình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm