Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân uống sữa bị tiêu chảy và cách khắc phục

Ngày 10/10/2022
Kích thước chữ

Sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng bạn không biết vì sao mình uống sữa bị tiêu chảy? Cùng tìm hiểu tại sao uống sữa bị tiêu chảy và cách khắc phục là gì nhé!

Uống sữa bị tiêu chảy có thể do ảnh hưởng của chất lượng sữa hoặc khả năng hấp thụ của cơ thể. Thật đáng tiếc nếu bạn bỏ qua thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng này chỉ vì lo ngại bị đau bụng tiêu chảy. Để an tâm uống sữa mỗi ngày, bạn nên tìm hiểu vì sao lại bị tiêu chảy sau khi uống sữa và cách khắc phục. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết cách uống sữa không bị tiêu chảy.

6 nguyên nhân khiến bạn uống sữa bị tiêu chảy

Sữa rất phổ biến và có đa dạng sản phẩm phù hợp nhiều đối tượng, kể cả những người cần ăn kiêng. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng uống sữa vì hiện tượng đau bụng, tiêu chảy có thể gặp ở một số người. Bạn cũng bị tiêu chảy khi uống sữa nhưng không biết lý do vì sao? Dưới đây là 6 nguyên nhân uống sữa bị tiêu chảy thường gặp nhất đã được các chuyên gia giải đáp.

Cơ thể không dung nạp lactose

Lactose là một loại đường có trong hầu hết các loại sữa ở thị trường Việt Nam. Những người mắc hội chứng không dung nạp lactose sẽ không sản xuất đủ lactase để tiêu hóa lactose. Khi hấp thụ vào cơ thể, lactose bị dư thừa gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, đau bụng và tiêu chảy. Hội chứng không dung nạp lactose có thể do bẩm sinh, độ tuổi tăng dần hoặc bệnh lý. Đây là lý do uống sữa tươi bị tiêu chảy mà nhiều người gặp phải.

tại sao uống sữa bị tiêu chảy Uống sữa bị tiêu chảy có thể do hệ tiêu hóa không sản xuất đủ men lactase để hấp thụ sữa

Dị ứng với protein trong sữa

Protein trong sữa vô hại nhưng với cơ địa có hệ miễn dịch phản ứng quá mức thì có thể gây dị ứng. Cơ thể hiểu nhầm protein trong sữa có hại nên tự sản xuất kháng thể chống lại chúng. Quá trình giải phóng histamine dẫn tới dị ứng trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau đó. Bên cạnh triệu chứng đau bụng, tiêu chảy thì người bị dị ứng còn chóng mặt, buồn nôn thậm chí sốc phản vệ.

Uống sữa bị tiêu chảy do mắc bệnh về đại tràng

Ít ai biết rằng bệnh viêm đại tràng, co thắt đại tràng có thể gây ra hiện tượng kích ứng sau khi uống sữa. Nguyên nhân do chức năng tiêu hóa ở người bệnh bị suy giảm, sữa lại là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Khi nằm ở đường ruột, chúng sẽ lên men và khiến người bệnh thấy đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy. Bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng nếu lăn tăn viêm đại tràng có được uống sữa không.

Uống sữa kém chất lượng dẫn tới tiêu chảy

Chất lượng của sữa cũng là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa. Thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa làm giả thương hiệu lớn, sữa nhiễm khuẩn, sữa hết hạn sử dụng được gian thương đóng gói lại. Uống sữa không đảm bảo chất lượng dễ dẫn tới rối loạn tiêu hóa, là nguyên nhân gây uống sữa bị tiêu chảy, đau bụng. Thậm chí, người uống có thể bị ngộ độc, sốc phản vệ rất nguy hiểm.

uống sữa bị tiêu chảy 2 Uống sữa bị đau bụng tiêu chảy có thể do sữa kém chất lượng

Bảo quản và sử dụng sữa chưa đúng cách

Nếu uống sữa bị tiêu chảy, bạn thử xem lại cách bảo quản và pha sữa đã hợp vệ sinh hay chưa. Nếu hộp sữa bị hở, bị thủng dễ khiến côn trùng, bụi bẩn và không khí bên ngoài lọt vào gây nhiễm khuẩn. Bảo quản sữa ở nơi ẩm ướt dễ sản sinh nấm, mốc. Các dụng cụ pha sữa như cốc, thìa, nước nếu không được vệ sinh và cất giữ ở nơi sạch sẽ cũng là nguy cơ khiến sữa bị nhiễm bẩn.

Uống sữa bị tiêu chảy do chưa quen uống

Nếu trước đó bạn chưa từng uống sữa thì lần đầu tiên uống sữa có thể bị đau bụng, tiêu chảy. Đây là hiện tượng bình thường vì cơ thể chưa quen, chưa hấp thụ được dưỡng chất có trong sữa. Hoặc khi đang uống quen một loại sữa này, lần đầu bạn chuyển sang uống một loại sữa khác cũng có thể bị tiêu chảy.

Cách khắc phục khi uống sữa bị tiêu chảy

Xác định được những nguyên nhân bị tiêu chảy sau khi uống sữa, bạn sẽ biết cách khắc phục. Dưới đây là những cách uống sữa để không bị tiêu chảy:

  • Nếu cơ địa không dung nạp lactose trong sữa bò, bạn nên uống sữa không chứa lactose. Loại sữa này thường được bổ sung thêm enzyme lactase giúp việc hấp thụ, tiêu hóa trơn tru hơn. Khi uống, bạn sẽ thấy vị ngọt hơn sữa thông thường. Mặc dù không chứa lactose nhưng sữa vẫn có giá trị dinh dưỡng cao.
  • Trường hợp đau bụng đi ngoài do dị ứng chất đạm trong sữa, bạn thử đổi sang sữa khác. Cơ thể dị ứng với protein trong sữa này nhưng chưa hẳn sẽ dị ứng với protein trong sữa khác. Nếu đã đổi sữa mà vẫn bị đi ngoài, bạn nên chuyển sang uống các loại sữa làm từ thực vật như: Sữa đậu nành, sữa ngũ cốc, sữa bắp… Sử dụng sữa hạt thay cho sữa bò là cách uống sữa không bị tiêu chảy hiệu quả. Nguồn dinh dưỡng đến từ sữa hạt cũng rất tốt cho cơ thể.
uống sữa bị tiêu chảy 3 Uống sữa bị tiêu chảy do dị ứng thì bạn nên đổi sang sữa khác hoặc dùng sữa từ thực vật
  • Đối với bệnh nhân viêm đại tràng uống sữa bị đau bụng tiêu chảy, muốn khắc phục thì cần phải điều trị khỏi bệnh. Để chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, bạn nên đi khám nếu có các triệu chứng khác của bệnh như: Chướng bụng, đau bụng dưới hoặc đau vùng thượng vị, phân có mùi tanh và có thể chứa máu.
  • Khi mua sữa, bạn chọn nơi uy tín và thương hiệu chất lượng, chú ý đến hạn sử dụng. Nên bảo quản sữa ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh bị hấp hơi hoặc ẩm mốc. Trước và sau khi pha sữa cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ. Uống sữa ngay sau khi pha và theo đúng hướng dẫn sử dụng, bảo quản của nhà sản xuất.
  • Nếu là lần đầu tiên làm quen với sữa hoặc đổi sữa mới và bị đau bụng, bạn thử ngừng vài ngày sau đó uống trở lại nhưng với một lượng nhỏ. Hãy tập cho hệ tiêu hóa quen với việc hấp thụ dưỡng chất có trong sữa, sau đó tăng dần lên. Trường hợp vẫn bị tiêu chảy sau 1 tuần làm quen với sữa, bạn nên xem xét đến các nguyên nhân khác đã được chia sẻ ở trên nhé!

Mong rằng bài viết đã giúp bạn tìm ra nguyên nhân khiến mình uống sữa bị tiêu chảy, đau bụng. Sau khi đã thử các cách khắc phục mà vẫn không có tác dụng, bạn tham khảo cách bổ sung dưỡng chất bằng nhiều loại thực phẩm, vitamin và khoáng chất khác ngoài sữa nhé!

Xem thêm:

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:tiêu chảy