Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Nhận biết về rối loạn phân liệt cảm xúc

Ngày 15/09/2023
Kích thước chữ

Rối loạn phân liệt cảm xúc là một tình trạng tâm lý mà người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát và biểu hiện cảm xúc một cách lành mạnh và hiệu quả. Làm sao để nhận biết về chứng rối loạn phân liệt cảm xúc? Điều trị chứng rối loạn cảm xúc như thế nào?

Rối loạn phân liệt cảm xúc là một loại rối loạn loạn thần có thể gây suy kiệt nặng nề về tinh thần dẫn đến hủy hoại thể chất và các mối quan hệ xã hội xung quanh. Đây là một trong những rối loạn tâm lý nghiêm trọng nhất và có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày của người mắc phải.

Rối loạn phân liệt cảm xúc là gì?

Rối loạn phân liệt cảm xúc (viết tắt là SZD) là một dạng bệnh loạn thần nội sinh, tiến triển theo chu kỳ. Bệnh lý này có các triệu chứng cảm xúc (trầm cảm, hứng cảm) và phân liệt (ảo giác, hoang tưởng, hành vi, lời nói lộn xộn, sáo rỗng) cùng xuất hiện trong một giai đoạn bệnh.

Yếu tố nguy cơ của chứng rối loạn phân liệt cảm xúc bao gồm:

  • Họ hàng chung dòng máu bị bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực
  • Các sự kiện căng thẳng kích thích khiến bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng.
  • Sử dụng các thuốc thần kinh, tâm thần.

Rối loạn phân liệt cảm xúc được chia thành 3 loại: Trầm cảm, hưng cảm và hỗn hợp 2 loại trên.

Nguyên nhân gây chứng rối loạn phân liệt cảm xúc

Do di truyền: Yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các rối loạn tâm thần nói chung và chứng rối loạn phân liệt cảm xúc không ổn định nói riêng. Đa số người bệnh mắc do trong gia đình có thành viên bị mắc chứng rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn cảm xúc…

Do rối loạn chất dẫn truyền thần kinh: Đây là nguyên nhân chung dẫn đến chứng rối loạn phân liệt cảm xúc. Với những người mắc rối loạn phân liệt cảm xúc, các chất nội sinh như dopamine, serotonin, norepinephrine bị mất cân bằng gây nên các triệu chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng, hành vi, lời nói lộn xộn, sáo rỗng, trầm cảm và hưng cảm.

nhan-biet-ve-roi-loan-phan-liet-cam-xuc-1
Lạm dụng rượu bia và chất kích thích sẽ dễ mắc chứng rối loạn phân liệt cảm xúc

Do một số nguyên nhân khác như: Gặp sang chấn tâm lý nặng nề, lạm dụng các chất gây nghiện, sử dụng thuốc không đúng cách, rối loạn nội tiết tố... Đặc biệt, tình trạng bệnh sẽ tăng lên đáng kể khi người phụ nữ đang mang thai gặp các biến chứng sản khoa, nhiễm virus hoặc mất con ngay sau khi sinh.

Triệu chứng bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc

Bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc có các triệu chứng như:

Hưng cảm

  • Hoạt động nhiều hơn mức bình thường.
  • Suy nghĩ xuất hiện nhanh và dồn dập.
  • Dễ kích động.
  • Nói nhanh, nói nhiều, nói liên tục.
  • Rất dễ bị phân tâm, mất tập trung trong công việc và học tập.
  • Thiếu ngủ và hầu như không cảm thấy buồn ngủ hoặc có buồn ngủ nhưng không muốn ngủ.
  • Trở nên kiêu ngạo.
  • Xuất hiện các hành vi nguy hiểm bao gồm tự phá hoại như lái xe ẩu, ăn chơi mất kiểm soát, lạm dụng bia rượu, nghiện rượu

Trầm cảm 

  • Khí sắc kém, buồn bã, ủ rũ, chán nản, thiếu sức sống.
  • Mất hứng thú đối với những hoạt động xung quanh, kể cả những việc đã từng yêu thích trước đây.
  • Rối loạn ăn uống, chán ăn.
  • Cân nặng thay đổi bất thường.
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu hoặc ngủ quá nhiều.
  • Dễ kích động, hay cáu gắt, nóng nảy, nổi giận.
  • Cảm thấy bản thân có lỗi, tự chỉ trích chính mình.
  • Cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng.
  • Mất tập trung, trí nhớ suy giảm.
  • Suy nghĩ về cái chết, có ý định muốn tự sát.
nhan-biet-ve-roi-loan-phan-liet-cam-xuc-2
Người mắc chứng rối loạn phân liệt cảm xúc dễ cáu gắt, nóng nảy và nổi giận

Tâm thần phân liệt

  • Hoang tưởng: Xuất hiện các niềm tin sai lệch, trái với thực tế.
  • Ảo giác: Xuất hiện các ảo giác như nghe, nhìn, cảm nhận được những sự việc, hình ảnh không có thực.
  • Xuất hiện hành vi bất thường có thể gây tổn thương đến bản thân và những người xung quanh.
  • Suy nghĩ lộn xộn.
  • Lười vận động hoặc chuyển động một cách chậm chạp.
  • Không thể hiện cảm xúc qua lời nói hoặc trên khuôn mặt.
  • Gặp phải những vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp.

Cách nhận biết và điều trị chứng rối loạn phân liệt cảm xúc

Các triệu chứng cảm xúc đáng kể (trầm cảm hoặc hưng cảm) được biểu hiện trên 50% thời gian bị bệnh, đồng thời kết hợp từ 2 triệu chứng trở lên của tâm thần phân liệt (hoang tưởng, ảo giác, ngôn ngữ, hành vi thiếu tổ chức).

Chứng rối loạn phân liệt cảm xúc có thể điều trị bằng cách:

  • Bệnh không thể điều trị dứt điểm nhưng có thể kiểm soát thông qua sự kết hợp của thuốc, tâm lý trị liệu và hỗ trợ cộng đồng.
  • Để điều trị loại hưng cảm, thuốc chống loạn thần thế hệ 2 có thể là đủ nhưng nếu không, nó có thể giúp bổ sung lithium, carbamazepine, hoặc valproate.
  • Để điều trị loại trầm cảm, 1 thuốc chống loạn thần thế hệ 2 được lựa chọn sử dụng trước tiên. Sau đó, một khi những triệu chứng loạn thần được ổn định, nên dùng thuốc chống trầm cảm nếu tình trạng trầm cảm cần điều trị; ưu tiên sử dụng thuốc ức chế chọn lọc trên serotonin (SSRI) hơn vì tính an toàn.

Ngoài ra bệnh nhân cũng cần lưu ý về lối sống, chế độ sinh hoạt như:

  • Tuân thủ sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý và học các kỹ năng sống theo sự chỉ dẫn của các y bác sĩ.
  • Tuyệt đối không được uống rượu, bia, thuốc lá và sử dụng các chất gây nghiện. Thay vì sử dụng các chất gây nghiện để giải tỏa, người bệnh nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác nếu không thể thoát khỏi tình trạng hoang tưởng hoặc buồn bã quá mức.
nhan-biet-ve-roi-loan-phan-liet-cam-xuc-3
Tập luyện thể dục thường xuyên giúp người bệnh được thư giãn
  • Tham gia các hoạt động trong nhóm những người cùng hoàn cảnh để có thể lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để có thể nâng đỡ được thể trạng và hỗ trợ điều trị bệnh.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên, ngủ đúng giờ, đủ giấc 7 - 8 tiếng mỗi ngày, dành thời gian chăm sóc bản thân.

Hy vọng nội dung bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ và nhận biết về rối loạn phân liệt cảm xúc. Khi nhận thấy xuất hiện các biểu hiện tâm lý bất thường kéo dài bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chia sẻ và tìm cách khắc phục kịp thời.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.