Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nghiện rượu là gì? Việc làm dụng rượu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Việc uống quá nhiều rượu, uống thường xuyên hoặc không thể kiểm soát được việc uống rượu, có thể là dấu hiệu của việc lạm dụng rượu. Trong một số trường hợp, uống quá nhiều rượu sẽ khiến cơ thể trở nên phụ thuộc vào rượu hay còn gọi là nghiện rượu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nghiện rượu là gì?

Nghiện rượu đã được biết đến với nhiều thuật ngữ khác nhau như lạm dụng rượu hoặc các rối loạn sử dụng rượu. Ngày nay, thuật ngữ thường được sử dụng là rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu bao gồm:

  • Nhiễm độc cấp;
  • Sử dụng gây hại;
  • Hội chứng nghiện;
  • Hội chứng cai;
  • Rối loạn tâm thần;
  • Hội chứng quên;
  • Rối loạn loạn thần di chứng và khởi phát muộn;
  • Rối loạn tâm thần và hành vi khác;
  • Rối loạn tâm thần và hành vi không biệt định.

Những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu sẽ tiếp tục uống rượu ngay cả khi việc sử dụng rượu gây ra những hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như mất việc làm hoặc phá hủy những mối quan hệ với mọi người xung quanh. Họ có thể biết rằng việc uống rượu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ, nhưng điều đó thường không đủ để khiến họ ngừng uống rượu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nghiện rượu

Triệu chứng của nghiện rượu được đánh giá dựa trên hành vi và triệu chứng thực thể (ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất) do sử dụng rượu. Những người mắc rối loạn sử dụng rượu có thể có các hành vi sau:

  • Uống rượu một mình;
  • Uống nhiều rượu;
  • Trở nên bạo lực hay tức giận khi được hỏi về thói quen uống rượu;
  • Ăn kém hoặc không ăn;
  • Lơ là vệ sinh cá nhân;
  • Mất việc hoặc bỏ học vì uống rượu;
  • Không thể kiểm soát lượng rượu uống vào;
  • Viện lý do để uống rượu;
  • Tiếp tục uống rượu dù có rắc rối về pháp lý, xã hội hay kinh tế;
  • Từ bỏ các hoạt động xã hội quan trọng, nghề nghiệp hay giải trí vì sử dụng rượu.
Nghiện rượu là gì? Việc làm dụng rượu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? 4
Nghiện rượu có thể khiến ảnh hưởng đến công việc và dẫn đến mất việc

Những người mắc rối loạn sử dụng rượu cũng có thể gặp các triệu chứng thực thể sau:

  • Thèm rượu;
  • Các triệu chứng cai khi không uống rượu, bao gồm run, buồn nôn và nôn;
  • Run không tự chủ vào buổi sáng sau khi uống rượu;
  • Mất trí nhớ sau một đêm uống rượu;
  • Các rối loạn khác như: Nhiễm toan ceton do rượu, xơ gan.

Biến chứng có thể gặp khi nghiện rượu

Việc lạm dụng rượu kéo dài có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn. Các biến chứng có thể gặp phải khi nghiện rượu như:

  • Mất ngủ;
  • Rối loạn chức năng tình dục;
  • Tổn thương gan do rượu;
  • Tổn thương não;
  • Viêm tụy;
  • Các rối loạn hệ tiêu hóa hoặc có thể gây xuất huyết tiêu hóa;
  • Rối loạn hệ cơ xương như yếu cơ hay tăng nguy cơ gãy xương;
  • Suy giảm miễn dịch;
  • Ảnh hưởng đến tâm lý, trí nhớ.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ rượu kéo dài có thể liên quan đến tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch theo thời gian. Đồng thời, khi uống rượu, cơ thể sẽ phân hủy rượu thành acetaldehyde, một chất có thể làm hỏng DNA và dẫn đến các tế bào phát triển ngoài kiểm soát. Do đó, có thể dẫn đến sự phát triển của các loại ung thư khác nhau.

Nghiện rượu là gì? Việc làm dụng rượu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? 5
Nghiện rượu có liên quan đến việc phát triển nhiều loại ung thư khác nhau

Một biến chứng quan trọng khác của nghiện rượu đó là hội chứng cai rượu. Đây là một hội chứng có thể xảy ra ở những người nghiện rượu nặng đột ngột ngừng hoặc giảm đáng kể lượng rượu uống vào. Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng cai có thể xuất hiện sau khoảng thời gian từ 6 giờ đến vài ngày sau khi ngưng uống rượu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nghĩ mình hoặc người thân mắc rối loạn sử dụng rượu, nên gặp bác sĩ để được tư vấn và nhận sự hỗ trợ để tăng khả năng giúp cơ thể phục hồi từ rối loạn sử dụng rượu. Bên cạnh đó, hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng của hội chứng cai rượu, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Run;
  • Lo lắng;
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Đau đầu;
  • Nhịp tim tăng;
  • Vã mồ hôi;
  • Cáu gắt;
  • Lú lẫn;
  • Mất ngủ;
  • Ác mộng;
  • Huyết áp tăng;

Hoặc trong trường hợp nghiêm trọng của hội chứng cai rượu, các triệu chứng có thể gặp phải như:

  • Kích động;
  • Sốt;
  • Co giật;
  • Ảo giác xúc giác (có cảm giác ngứa, rát hay tê trong khi không thực sự xảy ra);
  • Ảo giác thính giác (nghe thấy âm thanh không tồn tại);
  • Ảo giác thị giác (nhìn thấy hình ảnh không tồn tại);
  • Đổ quá nhiều mồ hôi;
  • Huyết áp cao;
  • Rối loạn nhịp tim.

Đây là một trường hợp cấp cứu y tế, do đó hãy gọi giúp đỡ hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu gặp phải triệu chứng nghiêm trọng của hội chứng cai như sốt cao, ảo giác, rối loạn nhịp tim.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nghiện rượu

Nguyên nhân của rối loạn sử dụng rượu vẫn chưa được biết rõ. Có thể rối loạn sử dụng rượu phát triển khi bạn uống quá nhiều rượu đến mức xảy ra các thay đổi hóa học trong não. Những thay đổi này làm tăng cảm giác dễ chịu khi được uống rượu, điều này khiến bạn muốn uống rượu thường xuyên, mặc dù biết rằng việc đó gây hại.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nghiện rượu?

Ở một số đối tượng có thể có nguy cơ nghiện rượu cao hơn như:

  • Thanh niên trải qua áp lực từ bạn bè;
  • Có lòng tự trọng thấp;
  • Mức độ căng thẳng cao;
  • Sống trong gia đình có văn hóa sử dụng rượu phổ biến;
  • Có người thân nghiện rượu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nghiện rượu

Mặc dù nguyên nhân chính xác của rối loạn sử dụng rượu vẫn chưa được biết đến, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ nghiện rượu đã được xác định, bao gồm:

  • Tiêu thụ trên 30g cồn uống mỗi ngày;
  • Cha hoặc mẹ mắc rối loạn sử dụng rượu;
  • Mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần như: Trầm cảm, lo âu hay tâm thần phân liệt.
Nghiện rượu là gì? Việc làm dụng rượu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? 6
Trầm cảm, lo âu là một trong những yếu tố nguy cơ của nghiện rượu

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nghiện rượu

Để chẩn đoán rối loạn sử dụng rượu, bác sĩ có thể khám các dấu hiệu thực thể và khai thác về các thói quen uống rượu của bạn, các câu hỏi có thể liên quan đến:

  • Lái xe khi say rượu;
  • Bỏ lỡ công việc hay bị mất việc do uống rượu;
  • Tăng lượng rượu uống vào để cảm thấy say;
  • Bất tỉnh do uống rượu;
  • Cố gắng dừng uống rượu nhưng không thể.

Bác sĩ cũng có thể sử dụng các bảng câu hỏi để đánh giá chứng rối loạn sử dụng rượu của bạn. Thông thường, chẩn đoán rối loạn sử dụng rượu không yêu cầu bất kỳ xét nghiệm nào. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sàng lọc độc chất hay xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan nếu có triệu chứng hay dấu hiệu của bệnh gan.

Phương pháp điều trị nghiện rượu

Điều trị rối loạn sử dụng rượu khác nhau, nhưng các phương pháp đều nhằm mục đích giúp bạn ngừng uống rượu hoàn toàn. Các điều trị có thể bao gồm:

  • Giải độc rượu hoặc cai rượu để loại bỏ rượu khỏi cơ thể.
  • Phục hồi chức năng để học các hành vi, kỹ năng mới.
  • Tư vấn để giải quyết các vấn đề về cảm xúc hay tâm lý khiến bạn uống rượu.
  • Các nhóm hỗ trợ để cai rượu.
  • Điều trị y tế về các vấn đề sức khỏe liên quan đến rối loạn sử dụng rượu.
  • Thuốc giúp kiểm soát nghiện rượu, các thuốc có thể bao gồm: Naltrexone, acamprosate hay disulfiram.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nghiện rượu

Chế độ sinh hoạt

Phục hồi từ việc rối loạn sử dụng rượu là khó khăn, tùy thuộc vào khả năng ngừng uống rượu của bạn. Hơn nữa, tùy thuộc vào các biến chứng sức khỏe đã phát triển do uống rượu mà khả năng hồi phục sẽ khác nhau ở mỗi người. Do đó, để hạn chế diễn tiến của rối loạn sử dụng rượu, hãy vạch ra ranh giới giữa việc sử dụng rượu an toàn và lạm dụng rượu. Tự kiểm tra việc lạm dụng rượu của bản thân thông qua các câu hỏi sau:

  • Bạn có cần uống nhiều rượu hơn để đạt được cảm giác say?
  • Bạn có cảm thấy tội lỗi khi uống rượu không?
  • Bạn có trở nên cáu kỉnh hay bạo lực khi uống rượu không?
  • Bạn có gặp vấn đề ở trường học hoặc nơi làm việc vì uống rượu không?
  • Bạn có nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu ngưng uống rượu không?

Nếu câu trả lời là “có”, điều đó cho thấy việc bạn có thể lạm dụng rượu, hãy đến cơ sở y tế để nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng

Rối loạn sử dụng rượu có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của bạn. Trong quá trình phục hồi, bạn nên sử dụng các thực phẩm và chất bổ sung tốt cho cơ thể như:

  • Các loại vitamin như vitamin B9 (folate hay acid folic), vitamin B6, vitamin B1.
  • Tinh bột từ các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu.
  • Chất đạm từ các thực phẩm như thịt, sữa, các loại hạt, ngũ cốc và đậu.
  • Chất béo lành mạnh như dầu hạt cải, dầu ô liu, vừng hạt hướng dương. Các acid béo omega-3 trong các loại cá béo, acid omega-6 trong dầu ngô, dầu hướng dương.

Đồng thời nên hạn chế sử dụng các loại đồ ngọt hay thực phẩm chế biến sẵn (thường chứa các chất béo không lành mạnh).

Nghiện rượu là gì? Việc làm dụng rượu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? 7
Người nghiện rượu nên bổ sung các loại vitamin nhóm B như B1, B6, B9

Phương pháp phòng ngừa nghiện rượu hiệu quả

Để phòng ngừa nghiện rượu một cách hiệu quả, điều quan trọng là kiểm soát lượng rượu bạn uống vào: Phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly mỗi ngày và nam giới không nên uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày. Đồng thời, hãy đến khám bác sĩ nếu bạn bắt đầu có những hành vi, triệu chứng do rối loạn sử dụng rượu hoặc nếu bạn nghĩ rằng mình có vấn đề với việc sử dụng rượu.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/alcoholism/withdrawal
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5513687/ 
  3. https://www.cdc.gov/cancer/alcohol/index.htm

Các bệnh liên quan

  1. Áp lực nội sọ

  2. Xơ cứng củ

  3. Thiếu 1 phần não

  4. Ái kỷ

  5. U tuyến tùng

  6. Động kinh thùy trán

  7. Động kinh

  8. Rối loạn nhân cách ranh giới

  9. Viêm đa rễ dây thần kinh

  10. Alzheimer