Rối loạn trầm cảm tái diễn có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết
Ngày 20/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Rối loạn trầm cảm tái diễn là sự xuất hiện trở lại của các dấu hiệu trầm cảm đã có từ trước. Tình trạng này phải được phát hiện và điều trị sớm vì tiềm ẩn nguy hiểm hơn cả chứng trầm cảm trước đó.
Nhiều người chỉ trải qua các triệu chứng trầm cảm một lần trong đời, nhưng có những người có thể bị tái phát nếu một sự kiện cảm xúc xảy ra hoặc không được điều trị triệt để. Một người tái phát bệnh nhiều lần được gọi là rối loạn trầm cảm tái diễn. Vậy rối loạn trầm cảm tái diễn có điều trị được không?
Rối loạn trầm cảm tái diễn là gì?
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến với các triệu chứng như giảm hứng thú, không cảm xúc, mệt mỏi, mất ngủ, chán nản,… kéo dài hơn 2 tuần. Bệnh được điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu, nhưng theo thống kê, trầm cảm sau điều trị vẫn có nguy cơ tái phát.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tái phát trầm cảm gồm tự ngừng điều trị mà không có sự đồng ý của bác sĩ, trải qua một sự kiện xúc động như mất người thân, ly hôn, phá sản, thất nghiệp,...
Khi bệnh tái phát, điều quan trọng là phải nhận biết sớm và tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời tránh trầm cảm tái phát, tránh nguy cơ tự tử vì bệnh.
Dấu hiệu rối loạn trầm cảm tái diễn
Khi trầm cảm quay trở lại, có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, cũng có thể giống với những triệu chứng ban đầu. Dưới đây là những dấu hiệu trầm cảm tái phát phổ biến:
Thường xuyên cảm thấy chán nản
Cảm thấy thất vọng vì một sự kiện cụ thể nào đó như mất việc, ly hôn, chia tay người yêu,... Điều này có thể là bình thường nhưng thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu bạn cảm thấy tuyệt vọng, rất chán nản kéo dài hơn 2 tuần và những cảm giác này cản trở cuộc sống hàng ngày thì đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm.
Cô lập chính mình
Hạn chế ra ngoài gặp gỡ bạn bè, thậm chí một cuộc trò chuyện bình thường cũng khiến bạn mệt mỏi, thường xuyên ở một mình và không muốn giao tiếp với bất kỳ ai, điều này càng khiến bạn chán nản. Đây là một trong những dấu hiệu trầm cảm nếu tình trạng này kéo dài.
Thay đổi giấc ngủ
Những thay đổi về giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ, ngủ quá nhiều, đều có thể là một dấu hiệu trầm cảm. Thiếu ngủ có thể gây trầm trọng thêm các triệu chứng khác của trầm cảm như mệt mỏi, thiếu sức sống.
Khó chịu hơn
Bạn cảm thấy những điều nhỏ nhặt trước đây không đáng nhắc tới cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, cáu gắt, thường xuyên nổi giận. Trầm cảm biểu hiện bằng sự cáu kỉnh và tức giận, khiến việc kiểm soát căng thẳng hàng ngày trở nên khó khăn.
Giảm hứng thú trong mọi hoạt động
Những hoạt động bạn từng yêu thích giờ đây bạn mất hoàn toàn hứng thú. Ngại giao tiếp với bạn bè, giảm nhu cầu tình dục, không hứng thú với công việc yêu thích hay bất cứ điều gì mà trước đây bạn thấy thú vị. Nếu triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần, bạn có thể đang bị trầm cảm tái phát.
Cảm thấy vô dụng
Bạn thường cảm thấy mình vô dụng, nghĩ về những tội lỗi trong quá khứ, đắm chìm trong những thất bại của bản thân hoặc cảm thấy tội lỗi về những sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Khi đó bạn thực sự cần đến liệu pháp tâm lý để giúp bạn nâng cao sự tự tin và phát huy điểm mạnh bản thân.
Tăng cảm giác đau
Bạn bị đau lưng ngay cả khi bạn không bị căng cơ hay mắc bệnh về lưng, đau đầu mãn tính, đau dạ dày, đau ngực, đau chân tay mà không có nguyên nhân cụ thể. Trầm cảm cũng có thể dẫn đến các triệu chứng đau nhức cơ thể. Nếu cơn đau của bạn không cải thiện sau khi điều trị, hãy hỏi bác sĩ xem liệu chứng trầm cảm của bạn có tái phát hay không.
Tăng hoặc giảm cân đột ngột
Trầm cảm có thể thay đổi thói quen ăn uống của bạn dẫn đến bạn bị tăng, giảm cân không kiểm soát. Nếu bạn đã từng bị trầm cảm, hãy chú ý đến những thay đổi mạnh mẽ trong thói quen ăn uống, cảm giác thèm ăn và cân nặng của bạn.
Mệt mỏi
Trầm cảm có thể khiến cơ thể mệt mỏi, lười nhác, không muốn làm việc. Để hạn chế triệu chứng này, bạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục và ngủ đủ giấc.
Không tập trung
Bạn phản ứng chậm với mọi thứ, dễ bị phân tâm, khó tập trung, khó ghi nhớ và có thể gặp khó khăn khi đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề. Đây là những dấu hiệu cảnh báo trầm cảm tái phát.
Ý nghĩ tự sát
Đây là một dấu hiệu rất nghiêm trọng khi bị trầm cảm nặng. Một số người thường xuyên nghĩ đến việc tự tử, lên kế hoạch tự sát hoặc đã tự sát không thành. Bạn có nhiều khả năng thực hiện điều này nếu cảm thấy vô vọng và không còn hứng thú với những thứ bạn từng yêu thích.
Không phải ai bị trầm cảm cũng trải qua những cảm giác giống nhau. Nếu bạn có những dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo trên khiến bạn nghi ngờ, lo lắng, hãy nói chuyện với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Rối loạn trầm cảm tái diễn có nguy hiểm hơn trước không?
Trầm cảm hoặc trầm cảm tái phát được chia thành nhiều giai đoạn, có mức độ nghiêm trọng từ nhẹ đến nặng. Nếu trầm cảm ở mức độ nhẹ thì việc tái phát cũng không quá đáng lo ngại, người bệnh chỉ cần điều trị trong thời gian ngắn là có thể bình phục.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, trầm cảm tái phát có nguy cơ nguy hiểm hơn. Nếu trầm cảm trước đó là do thường xuyên lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng quá mức thì khi tái phát, người bệnh có thể gặp những triệu chứng nghiêm trọng hơn như có ý định tự tử.
Tóm lại, rối loạn trầm cảm tái diễn có nguy hiểm hơn hay không còn tùy thuộc vào giai đoạn, mức độ trầm cảm và tùy vào mỗi người.
Rối loạn trầm cảm tái diễn có chữa được không?
Câu trả lời là có. Rối loạn trầm cảm tái diễn có thể được chữa khỏi nếu người bệnh kiên trì điều trị. Trong quá trình điều trị, bạn nên dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, không tự ý dừng thuốc. Ngoài ra, phải khám sức khỏe định kỳ cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Sử dụng thuốc
Trong một số trường hợp, bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân để giảm triệu chứng. Một số loại thuốc thường được sử dụng như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc kích thích tuần hoàn não và một số vitamin cần thiết.
Tâm lý trị liệu
Rối loạn trầm cảm tái diễn là một bệnh tâm lý nên việc sử dụng liệu pháp tâm lý sẽ giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn. Thông qua trò chuyện, trao đổi, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra lời khuyên và cách điều trị hiệu quả nhất và hạn chế nguy cơ tái phát về sau.
Việc điều trị tâm lý phải kiên nhẫn và thực hiện trong thời gian dài mới mang lại kết quả như mong muốn. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, các bác sĩ tâm lý có thể đề xuất một số liệu pháp như trị liệu bằng âm nhạc, trị liệu cá nhân, kết hợp với thư giãn và tập thể dục,... Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyến khích người nhà tham gia cùng người bệnh để đạt được kết quả tốt hơn.
Điều chỉnh theo quen sống
Thay đổi thói quen, lối sống, cách suy nghĩ,… là cách điều trị chứng rối loạn trầm cảm tái diễn hiệu quả. Người bệnh nên áp dụng lối sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, tập thể dục mỗi ngày, tránh uống rượu và các chất kích thích, thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý,... để giúp tinh thần thoải mái.
Ngoài ra, hãy thường xuyên gặp gỡ người thân, bạn bè, trò chuyện cởi mở hơn với họ để cảm thấy thoải mái. Nếu có vấn đề gì cần chia sẻ, đừng giữ cho riêng mình, hãy thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh.
Rối loạn trầm cảm tái diễn là một tình trạng đáng lo ngại nên cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh hậu quả tồi tệ nhất. Điều quan trọng là các bạn nên điều chỉnh một thói quen sống lành lạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao và suy nghĩ tích cực để tinh thần luôn được thư giãn, thoải mái.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.