Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những ai dễ mắc ung thư dạ dày? Cách phòng tránh nguy cơ mắc bệnh

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ

Ung thư dạ dày là một trong những căn bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Nhóm những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày nên thường xuyên kiểm tra và tầm soát ung thư địng kỳ để giúp sớm chẩn đoán và điều trị nhằm cải thiện tiên lượng sống thêm cho bệnh nhân. Vậy những ai dễ mắc ung thư dạ dày?

Những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt không khoa học là một trong những nguyên nhân khiến ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa. Ung thư dạ dày có thể lan truyền sang các cơ quan khác trong cơ thể thông qua quá trình di căn. Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây tình trạng ung thư dạ dày

Nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày thường là do sự kết hợp giữa các yếu tố tổn thương tiền ung thư, môi trường, nội sinh và di truyền.

nhung-ai-de-mac-ung-thu-da-day-cach-phong-tranh-nguy-co-mac-benh 1.jpg
Nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày do yếu tố di truyền

Viêm dạ dày mãn tính là một trong số các yếu tố tổn thương tiền ung thư. Nếu không được điều trị, viêm dạ dày kéo dài có thể dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày, một trạng thái mà niêm mạc dạ dày suy giảm và thâm thấp. Tiếp theo, sự biến đổi dị sản của tế bào xảy ra, từ các biến đổi nhẹ đến nặng, đặc biệt là trong các điều kiện viêm. Các biến đổi loạn sản kéo dài có thể dẫn đến phát triển ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) cũng được xem là một nguyên nhân tiềm ẩn gây ra ung thư dạ dày. Vi khuẩn này gây ra viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính, tạo điều kiện cho các tổn thương tiền ung thư.

Thói quen sinh hoạt cũng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Việc tiêu thụ các loại thực phẩm chứa Nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, hoặc thịt hun khói có thể tăng nguy cơ này.

Béo phì là một yếu tố rủi ro khác cho ung thư dạ dày. Người béo phì có nguy cơ cao hơn so với những người có cân nặng bình thường.

Tiền sử phẫu thuật dạ dày cũng là một yếu tố rủi ro. Những người đã từng phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư cao hơn sau 15 - 20 năm.

Di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển ung thư dạ dày. Các hội chứng di truyền như đa polyp tuyến và bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp có thể tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Đặc biệt, đột biến gen CDH1 được chứng minh là liên quan đến ung thư dạ dày. Gen này thường ức chế sự phát triển của tế bào dạ dày, và khi bị đột biến, có thể dẫn đến sự mất khả năng kiểm soát này và phát triển ung thư.

Ai dễ mắc ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trong hệ thống tiêu hóa, đứng ở vị trí thứ ba trong số các loại ung thư và cũng là nguyên nhân thứ hai phổ biến dẫn đến tử vong do bệnh ung thư. Các tế bào ung thư trong dạ dày phát triển thành khối u lớn, gây tổn thương cho dạ dày và có khả năng di căn sang các cơ quan khác như màng bụng, gan, tuỵ, hình thành khối ung thư tại đó gọi là di căn.

nhung-ai-de-mac-ung-thu-da-day-cach-phong-tranh-nguy-co-mac-benh 2.jpg
Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến nhất trong hệ thống tiêu hóa

Người mắc ung thư dạ dày thường nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi. Mặc dù chưa rõ ràng về nguyên nhân cụ thể gây ra ung thư dạ dày, nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ được xác định:

  • Giới tính nam: Nam giới có nguy cơ cao gấp đôi so với nữ giới.
  • Độ tuổi: Người trong độ tuổi 40 – 60 tuổi có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên tình trạng hiện nay, độ tuổi bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân chỉ mới 20 tuổi thậm chí có những bệnh nhân là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.
  • Yếu tố di truyền: Người có người thân mắc ung thư dạ dày có nguy cơ cao hơn khoảng 2-4 lần.
  • Tiền sử mắc bệnh dạ dày: Người có tiền sử các bệnh lý về dạ dày như loét, polyp, viêm loét, hoặc tá tràng bất sản có nguy cơ cao hơn.
  • Nhóm máu A: Mặc dù chưa có mối liên hệ cụ thể nhưng nhóm máu A có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P): Nhiễm vi khuẩn H.P có liên quan đến 65 - 80% số trường hợp ung thư dạ dày. Người nhiễm H.P có nguy cơ cao gấp 2 – 6 lần.
  • Béo phì: Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ.
  • Chế độ ăn: Ăn quá mặn, thịt đỏ, thực phẩm nướng, hay rau quả ngâm giấm làm tăng nguy cơ.
  • Thói quen uống rượu, hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ lên tới 40-82%, uống rượu cũng có ảnh hưởng.
  • Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ, như sống ở các vùng môi trường làm việc tiếp xúc với chất độc hại.

Cách phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày

Để phòng tránh ung thư dạ dày, bạn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sau:

Khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị ung thư kịp thời. Điều này giúp tăng cơ hội chữa trị và cải thiện dự đoán cho bệnh nhân.

nhung-ai-de-mac-ung-thu-da-day-cach-phong-tranh-nguy-co-mac-benh 3.jpg
Khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị ung thư kịp thời

Đi khám bệnh ngay khi có triệu chứng: Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh dạ dày, như đau buồn ngực, đau bụng, khó tiêu, hoặc tiêu chảy, nên đi khám bác sĩ ngay lập tức và tuân thủ chế độ điều trị được chỉ định.

Điều trị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Nếu được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn H. pylori, cần thực hiện điều trị theo phác đồ y tế. Việc loại bỏ vi khuẩn này có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Tập thể dục thường xuyên: Thực hiện các hoạt động thể chất đều đặn không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn giúp kiểm soát cân nặng, một yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn sự phát triển của ung thư.

Chế độ ăn lành mạnh: Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, đồ mặn, và thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, nên tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu protein như tôm, cá, cùng với rau củ và trái cây.

Hạn chế uống rượu bia và không hút thuốc lá: Rượu bia và thuốc lá có thể gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Việc loại bỏ hoặc giảm bớt tiêu thụ các chất này sẽ giảm rủi ro cho sức khỏe.

Bảo hộ lao động: Đối với những người làm việc trong môi trường độc hại, như công nhân khai thác than đá, cần tuân thủ các biện pháp bảo hộ lao động như đeo khẩu trang để tránh phơi nhiễm với các chất độc hại.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thể giải đáp thắc mắc những ai dễ mắc ung thư dạ dày và các phòng tránh nguy cơ mắc bệnh. Việc áp dụng các biện pháp phòng tránh trên có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày và bảo vệ sức khỏe của bạn. Trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán sớm để điều trị hiệu quả.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin