Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm dạ dày mạn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm dạ dày mạn tính là một tình trạng bệnh lý gây viêm kéo dài ở lớp niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm dạ dày là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori). Các triệu chứng có thể gặp của viêm dạ dày mạn tính bao gồm khó tiêu, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn, sụt cân và chán ăn. Theo thời gian, viêm dạ dày mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm dạ dày mạn tính là gì?

Viêm dạ dày là tình trạng bệnh lý xảy ra khi niêm mạc dạ dày của bạn bị viêm, trong đó có hai loại là viêm dạ dày cấp tính và mạn tính. Trong khi viêm dạ dày cấp tính đề cập đến tình trạng viêm đột ngột ở niêm mạc dạ dày thì viêm dạ dày mạn tính là tình trạng viêm dai dẳng kéo dài ở niêm mạc. Viêm dạ dày mạn tính được phân loại dựa trên nguyên nhân cơ bản của chúng, ví dụ như nhiễm H.pylori, trào ngược dịch mật, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), tự miễn dịch và mô hình bệnh học. Trong đó, viêm dạ dày do nhiễm H.pylori là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến viêm dạ dày mạn tính.

Các triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính có thể đa dạng, bao gồm khó tiêu, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn, sụt cân và chán ăn. Tình trạng viêm nặng và kéo dài trong nhiều năm dẫn đến sự phá hủy niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng như loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, viêm teo niêm mạc dạ dày nghiêm trọng còn liên quan đến việc không hấp thu được các vitamin thiết yếu như vitamin B12, các vi chất dinh dưỡng (như sắt, canxi, magie, kẽm), thực phẩm và thuốc men.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính

Các triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính có thể bao gồm:

  • Đau bụng;
  • Khó tiêu;
  • Đầy hơi;
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Không cảm thấy đói;
  • Ăn kém ngon;
  • Sụt cân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm dạ dày mạn tính

Viêm dạ dày mạn tính theo thời gian có thể dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày, điều này khiến cho niêm mạc dạ dày không thể sản xuất được acid dạ dày nữa. Nó có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng sau:

  • Loét dạ dày: Một số người bị viêm teo niêm mạc dạ dày có thể phát triển vết loét dạ dày, có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hoá.
  • Ung thư dạ dày: Dạ dày không có acid và viêm teo niêm mạc dạ dày làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày.
  • Thiếu vitamin: Dạ dày có thể không hấp thu được các vitamin và khoáng chất nhất định, chẳng hạn như vitamin B12, sắt, magie, kẽm, canxi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị đau bụng hoặc khó tiêu lâu hơn 1 tuần, hoặc cơn đau bụng của bạn ngày càng trầm trọng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Bạn cũng nên đến cơ sở y tế nếu như gặp các vấn đề sau:

  • Mất cảm giác ngon miệng;
  • Cảm giác ăn nhanh no dù là một bữa ăn nhỏ;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Cảm giác như có khối u ở bụng;
  • Đau hoặc khó nuốt;
  • Cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày mạn tính

Viêm dạ dày mạn tính có thể xảy ra do các nguyên nhân nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.

Các nhóm nguyên nhân viêm dạ dày mạn tính nhiễm trùng bao gồm:

  • Viêm dạ dày mạn tính do nhiễm H.pylori, đây là nguyên nhân phổ biến nhất.
  • Viêm dạ dày mạn tính do nhiễm Helicobacter heilmannii.
  • Viêm dạ dày u hạt liên quan đến nhiễm trùng dạ dày do mycobacteriosis, giang mai, histoplasmosis, mucormycosis, blastomycosis Nam Mỹ, anisakzheim hay anisakidosis.
  • Viêm dạ dày mạn tính liên quan đến nhiễm ký sinh trùng, ví dụ như giun lươn, sán máng, sán dải cá.
  • Viêm dạ dày do nhiễm virus như CMV hoặc herpesvirus.

Các dạng viêm dạ dày mạn tính không nhiễm trùng bao gồm:

  • Viêm dạ dày tự miễn;
  • Bệnh dạ dày do hóa chất, thường liên quan đến trào ngược dịch mật, sử dụng NSAIDs và aspirin;
  • Bệnh dạ dày do tăng ure máu (Uremic gastropathy);
  • Viêm dạ dày u hạt không nhiễm trùng, có thể liên quan đến bệnh Crohn, sarcoidosis, bệnh u hạt Wegener, dị vật, sử dụng cocaine…;
  • Viêm dạ dày tế bào lympho;
  • Viêm dạ dày tăng bạch cầu ái toan;
  • Tổn thương dạ dày do bức xạ;
  • Bệnh thải ghép;
  • Viêm dạ dày thiếu máu cục bộ.

Một số người bệnh bị viêm dạ dày mạn tính không rõ nguyên nhân hoặc viêm dạ dày thuộc nguyên nhân không thể phân loại được.

Viêm dạ dày mạn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nhiễm H.pylori là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm dạ dày mạn tính

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm dạ dày mạn tính?

Mọi đối tượng đều có thể mắc viêm dạ dày mạn tính. Tuy nhiên, có sự khác biệt về độ tuổi, giới tính và chủng tộc đối với từng loại viêm dạ dày mạn tính khác nhau.

Nhiễm trùng H.pylori thường xảy ra ở thời thơ ấu, và tỷ lệ cao ở người lớn tuổi mắc bệnh là kết quả lâu dài của nhiễm trùng xảy ra từ khi còn nhỏ. Viêm dạ dày tự miễn thường được chẩn đoán ở người có độ tuổi 60. Viêm dạ dày lympho bào thường thấy ở độ tuổi trưởng thành muộn, trung bình là khoảng 50 tuổi. Viêm dạ dày tăng bạch cầu ái toan chủ yếu ảnh hưởng đến các đối tượng dưới 50 tuổi.

Viêm dạ dày mạn tính do H.pylori ảnh hưởng đến cả hai giới như nhau, trong khi đó viêm dạ dày tự miễn thường ảnh hưởng đến nữ giới hơn.

Các chủng tộc khác nhau cũng liên quan đến tỷ lệ mắc các loại viêm dạ dày mạn tính khác nhau.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm dạ dày mạn tính

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày mạn tính bao gồm:

  • Người bị đau mạn tính: Các đối tượng bị đau mạn tính, thường xuyên sử dụng các thuốc giảm đau NSAIDs có nguy cơ mắc viêm dạ dày cao hơn đáng kể.
  • Người bị rối loạn miễn dịch: Một số rối loạn tự miễn dịch nhất định, chẳng hạn như thiếu máu ác tính (gây thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng), đôi khi phát triển một tình trạng viêm dạ dày mạn tính hiếm gặp là viêm dạ dày tự miễn.
  • Người mắc bệnh ung thư: Nguy cơ mắc viêm dạ dày mạn tính cũng cao hơn nếu bạn đang điều trị ung thư với hoá trị hoặc xạ trị.
  • Người suy giảm miễn dịch: Các đối tượng có suy giảm miễn dịch cũng có khả năng mắc viêm dạ dày mạn tính cao hơn do nhiễm virus.
Viêm dạ dày mạn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Người bệnh bị đau mạn tính có sử dụng các thuốc giảm đau NSAIDs có khả năng cao mắc bệnh viêm dạ dày

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm dạ dày mạn tính

Bên cạnh việc hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, bác sĩ có thể thực hiện các việc sau để chẩn đoán tình trạng viêm dạ dày của bạn, bao gồm:

  • Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng giúp quan sát niêm mạc dạ dày và lấy mẫu mô sinh thiết để phân tích;
  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm hơi thở để kiểm tra vi khuẩn H.pylori;
  • Xét nghiệm phân.

Điều trị viêm dạ dày mạn tính

Điều trị sớm viêm dạ dày mạn tính là chìa khoá để ngăn ngừa các biến chứng lâu dài. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày của bạn, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Kháng sinh;
  • Thuốc kháng histamin 2 (H2);
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI);
  • Thuốc kháng acid (antacid), alginate;
  • Bổ sung sắt và vitamin B12 nếu cần.
Viêm dạ dày mạn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm dạ dày

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm dạ dày mạn tính

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của viêm dạ dày mạn tính, các việc bạn có thể làm bao gồm:

  • Nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm NSAIDs, aspirin, corticoid. Bác sĩ có thể xem xét và khuyên bạn ngừng sử dụng (nếu có thể) để giảm tổn thương cho niêm mạc dạ dày.
  • Ngừng hút thuốc lá và ngừng sử dụng rượu.
  • Tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để quản lý tình trạng bệnh.
  • Tự theo dõi các triệu chứng và tái khám đúng hẹn để kiểm tra đáp ứng điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Thói quen ăn uống có thể làm nặng hơn các triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính. Bạn nên hạn chế sử dụng các đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê, cola và nước tăng lực. Bạn cũng nên hạn chế các đồ uống có tính acid (như nước cam), đồ uống có gas, cay, chua, béo hoặc bất cứ thực phẩm nào làm trầm trọng hơn triệu chứng của bạn. Đồng thời, hỏi bác sĩ về các thực phẩm mà bạn nên ăn hoặc nên tránh để giúp hỗ trợ trong việc điều trị triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính.

Phòng ngừa viêm dạ dày mạn tính

Để phòng ngừa viêm dạ dày mạn tính cũng như kiểm soát các biến chứng của viêm dạ dày, một số việc làm của bạn có thể hữu ích bao gồm:

  • Ngừng hút thuốc lá;
  • Hạn chế uống rượu;
  • Hạn chế sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm như NSAIDs (nếu có thể);
  • Vệ sinh đúng cách cũng giúp bạn tránh khỏi việc nhiễm H.pylori.
Viêm dạ dày mạn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Bác sĩ có thể khuyên bạn ngừng hút thuốc lá để đạt được hiệu quả điều trị viêm dạ dày

Các câu hỏi thường gặp về viêm dạ dày mạn tính

Viêm dạ dày mạn tính có thể dẫn đến biến chứng gì?

Nếu không được điều trị, viêm dạ dày mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng như loét dạ dày, ung thư dạ dày hay giảm hấp thu các vitamin và chất dinh dưỡng.

Khi nào tôi nên đến gặp bác sĩ để điều trị viêm dạ dày mạn tính?

Nếu các triệu chứng viêm dạ dày mạn tính của bạn trở nên nặng hơn, hoặc xuất hiện các triệu chứng mới, bạn nên báo với bác sĩ để được kiểm tra. Bạn cũng cần đến ngay cơ sở y tế nếu gặp các triệu chứng nguy hiểm như nôn ra máu, đi cầu ra máu hoặc đi cầu phân đen như hắc ín.

Tôi cần kiêng các thực phẩm gì khi mắc viêm dạ dày mạn tính?

Bạn nên kiêng các thực phẩm cay, chua hay bất cứ thức ăn nào gây kích ứng niêm mạc, làm trầm trọng thêm triệu chứng của bạn. Bạn cũng nên hạn chế các đồ uống có tính acid, đồ uống có gas, hay đồ uống chứa caffeine.

Sau khi điều trị viêm dạ dày mạn tính, tôi có cần đi tái khám không?

Bạn cần tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi đáp ứng điều trị. Việc theo dõi sẽ được cá nhân hoá, tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương của bạn. Ví dụ như viêm teo dạ dày hoặc loạn sản nên được nội soi theo dõi sau 6 tháng.

Nguồn tham khảo
  1. Overview of Gastritis: https://www.msdmanuals.com/professional/gastrointestinal-disorders/gastritis-and-peptic-ulcer-disease/overview-of-gastritis
  2. Chronic Gastritis: https://www.healthline.com/health/gastritis-chronic
  3. Gastritis: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/gastritis
  4. Gastritis: https://www.nhs.uk/conditions/gastritis/
  5. What Is Gastritis?: https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-gastritis

Các bệnh liên quan

  1. Xơ gan mất bù

  2. Viêm thực quản

  3. Sán dây

  4. Viêm đại tràng màng giả

  5. Loạn khuẩn đường ruột

  6. Polyp dạ dày

  7. Suy gan

  8. Viêm tụy

  9. Sán lá ruột

  10. Nhiễm vi khuẩn Salmonella