Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Sức khỏe gia đình

Những dấu hiệu bị cảm nắng bạn cần biết

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cảm nắng thường rất dễ xảy ra trong những ngày tiết trời oi bức, đặc biệt ở nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Những dấu hiệu bị cảm nắng dưới đây sẽ là cách hiệu quả để bạn bảo vệ sức khỏe bản thân và mọi người.

Cảm nắng là hiện tượng thường gặp vào mùa hè với thời tiết nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao. Điều này có thể gây ra các hiện tượng từ hoa mắt, mệt mỏi,... đến những tình trạng tồi tệ hơn như đột quỵ, nếu xử trí không kịp thời thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Sơ lược về cảm nắng

Cảm nắng hay thường được biết đến với cái tên “say nắng”, là khi cơ thể có nhiệt độ tăng cao (thường >40 độ C) đi kèm theo đó là tình trạng mất nước. Điều này dẫn đến sự mất kiểm soát của hệ thống điều hòa nhiệt cơ thể, gây nên rối loạn các hệ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh,... Cảm nắng có thể gây ra những biểu hiện ở mức độ khác nhau, từ hoa mắt chóng mặt, nhức mỏi đến nặng hơn là đột quỵ.

Chính vì vậy, không nên chủ quan và khi gặp cảm nắng, mỗi chúng ta cần biết một số phương pháp sơ cứu tạm thời để có thể giảm đáng kể các hệ quả của hiện tượng này gây ra cho cơ thể. Đồng thời, cùng tìm hiểu thêm về một số cách nhận biết và phòng tránh cảm nắng nhé!

Dấu hiệu bị cảm nắng 1
Cảm nắng là khi nhiệt độ cơ thể tăng cao đi kèm mất nước

Một số nguyên nhân cảm nắng

  • Khi hoạt động một khoảng thời gian dài trực tiếp dưới ánh nắng, hệ thống điều hoà của cơ thể sẽ có sự rối loạn, khi đó cộng với tình trạng mất nước, nhiệt độ cơ thể có thể tăng hơn 15 độ C.
  • Độ ẩm >60% cũng cản trở sự bay hơi của mồ hôi, ngăn cản phần nào sự từ làm mát của cơ thể.

Ngoài ra, một số nguyên nhân chủ quan khác cũng có thể dẫn đến hiện tượng cảm nắng:

  • Lượng nước uống để cung cấp cho cơ thể không đủ trong môi trường nắng nóng
  • Người gặp các vấn đề bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết, béo phì,...
  • Người thực hiện các công việc, luyện tập trực tiếp dưới thời tiết nắng nóng quá lâu.
  • Người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ với khả năng thích nghi kém nhanh nhạy.
  • Người có sử dụng thuốc lợi tiểu, kháng histamin,... vì những thuốc này có tác dụng phụ làm giảm tiết mồ hôi.
  • Người sử dụng những trang phục quá dày, không thấm nước, hấp thụ nhiệt tốt,...

Tình trạng cảm nắng rất dễ xảy ra và có thể hiện hữu ở bất cứ đâu và với bất cứ ai, trong một số trường hợp có thể có các biểu hiện về thần kinh sớm, không thể hồi phục. Một số trường hợp khác còn có hiện tượng tụ máu trong não và dưới màng cứng.

Một số dấu hiệu bị cảm nắng

  • Thân nhiệt tăng cao: Sốt, da ửng đỏ, nóng bức trong người, mồ hôi tiết nhiều... Lúc này quá trình mồ hôi được đào thải ra ngoài quá nhanh gây mất nước, đồng thời lượng nước bù vào cơ thể không kịp gây nên giảm khối lượng tuần hoàn. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến rối loạn điện giải nặng, truỵ tim hay thậm chí là mất mạng.
  • Trạng thái tinh thần và hành vi không ổn định: Kích động, nói năng không rõ ràng, lú lẫn, rơi vào vô thức,...
  • Cơ thể mệt mỏi: Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, choáng, buồn nôn,...
  • Một số triệu chứng khác như mạch đập nhanh, nhịp thở nhanh, yếu cơ, bị chuột rút,... hay thậm chí co giật.
Dấu hiệu bị cảm nắng 2
Mệt mỏi, sốt, lú lẫn,... là những dấu hiệu bị cảm nắng

Những dấu hiệu bị cảm nắng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian, cơ thể,... Chính vì vậy người bị cảm nắng có thể xuất hiện các triệu chứng từ nhẹ như thở nhanh, đánh trống ngực hồi hộp,... cho đến nặng hơn là mệt mỏi, ủ rũ, hơi thở tăng gấp nhiều lần hoặc thậm chí có thể ngất, hôn mê, truỵ mạch và tử vong.

Nên làm gì khi bị cảm nắng?

Khi có các dấu hiệu bị cảm nắng như trên, cần thực hiện một số phương pháp sơ cứu trước lúc được hỗ trợ bởi các phương tiện và nhân viên y tế.

Khi phát hiện người bị cảm nắng thì đầu tiên cần tạo một môi trường thoáng mát, không để nhiều người vây quanh người bệnh quá đông

  • Làm giảm thân nhiệt của người bị cảm nắng: Hỗ trợ đưa người bệnh đến nơi mát mẻ hoặc tạo môi trường xung quanh thông thoáng. Cho người bệnh uống nước điện giải, nước muối, cởi bỏ một số lớp quần áo nếu quá dày, sử dụng khăn thấm nước lạnh hay nước đá và chườm ở các vị trí cổ, bẹn, nách (nơi có các động mạch lớn gần da). Nếu nạn nhân bị chuột rút, xoa bóp ở vùng cơ đó một cách nhẹ nhàng.
  • Đối với người bị ngất xỉu không uống nước được hoặc người bị sốt cao, nôn ói kèm theo đau bụng, khó thở, tức ngực thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất, đồng thời cần chườm mát trong quãng thời gian di chuyển.
  • Một số trường hợp nặng không có dấu hiệu của tuần hoàn thì bên cạnh cần thực hiện hô hấp nhân tạo.

Trước khi thực hiện các bước như trên thì khi phát hiện người bị cảm nắng cần gọi nhanh số điện thoại cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Một số biện pháp phòng ngừa cảm nắng

Ăn uống

Bổ sung đủ nước cho cơ thể đặc biệt là những ngày nắng nóng gay gắt, có thể uống nước lọc, nước ép trái cây, nước điện giải. Đối với Oresol thì cần pha đúng tỉ lệ khi cho người bệnh sử dụng. Ngoài ra có thể sử dụng các loại trái cây chứa nước, vừa giải khát vừa nâng cao sức khoẻ.

Dấu hiệu bị cảm nắng 3
Uống nước là một trong những biện pháp phòng ngừa cảm nắng

Tránh các chất chứa caffein, rượu vì chúng có thể khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Các viên muối cũng không nên được uống vô tội vạ mà cần có chỉ định của bác sĩ để có thể kiểm soát sức khoẻ.

Một số người bị mắc bệnh về tim, thận,... được chỉ định ăn kiêng chất lỏng hay kiểm soát vấn đề giữ nước của cơ thể thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng dẫn bổ sung nước phù hợp nhất.

Hoạt động

Đối với ngày quá nắng nóng, có thể thay đổi thời gian tổ chức hoạt động ngoài trời sang những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày như sáng sớm hoặc về xế chiều.

Hạn chế ra đường nhiều lần vào các ngày nắng nóng, tạo môi trường và không gian thoáng mát cho ngôi nhà. Sử dụng các loại rèm cửa, tấm mành, quạt hơi nước,...

Cần theo dõi các kênh tin tức về thời tiết để có sự chuẩn bị tốt và hạn chế tối đa những nguy cơ gây cảm nắng, sốc nhiệt,...

Đặc biệt sau những hoạt động ngoài trời dưới nắng, không nên tắm ngay lập tức vì điều này dễ dẫn đến cơn đột quỵ do nhiệt độ cơ thể bị giảm đột ngột.

Mỗi cá nhân nên luyện tập thể dục nhằm tăng cường sức khoẻ, nâng cao đề kháng, góp phần giúp bản thân có thể giảm được nguy cơ cảm nắng trong mùa nắng nóng gay gắt.

Các dấu hiệu bị cảm nắng khá rõ rệt, chính vì vậy khi nhận ra bản thân hay người xung quanh có biểu hiện trên, cần xử trí bằng cách bù nước, tạo không gian,... và gọi hoặc đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời mỗi chúng ta cũng cần hiểu và biết cách phòng ngừa cơn cảm nắng để bảo vệ được sức khoẻ của chính bản thân và người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin