Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều bạn nên biết về trầm cảm khi mang thai

Ngày 22/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mang thai thực sự là một hành trình với đầy đủ các cung bậc cảm xúc đến với người mẹ. Từ khi mang bầu, suy nghĩ và lối sống của người mẹ thay đổi rất nhiều. Nếu không có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, mẹ bầu rất có thể sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm khi mang thai.

Hầu hết tất cả mọi người đều biết đến tình trạng trầm cảm sau sinh thường xuất hiện với các mẹ. Ngoài ra, chứng trầm cảm khi mang thai cũng là một tình trạng rối loạn cảm xúc khá phổ biến ở những người mẹ đang trong giai đoạn mang bầu. Vậy trầm cảm khi mang thai là gì?

Trầm cảm khi mang thai là gì?

Trầm cảm là một bệnh lý rối loạn tâm trạng khá phổ biến, thường xuất hiện ở nữ giới với tỉ lệ cao hơn so với nam giới. Ngoài ra, bệnh trầm cảm còn có thể là chứng bệnh tâm thần học có nguyên nhân từ các rối loạn hoạt động của não.

Người mắc bệnh trầm cảm sẽ có tâm trạng buồn bã thường xuyên, đôi khi có thể có hiện tượng khóc. Người bệnh thường không có động lực, giảm hoặc không có hứng thú với mọi việc, ngay cả các hoạt động đã từng là sở thích ngày trước.

Trầm cảm khi mang thai hay còn gọi là trầm cảm trước sinh là tình trạng người mẹ đang mang bầu mắc bệnh trầm cảm. Trầm cảm khi mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp tới mẹ bầu và thai nhi.

Những điều bạn nên biết về trầm cảm khi mang thai 1 Trầm cảm khi mang thai ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm khi mang thai

Mẹ bầu có thể mắc trầm cảm khi mang thai mà không bởi bất kỳ lý do gì. Các bác sĩ và chuyên gia đến nay vẫn chưa thực sự biết lí do vì sao một số người mắc trầm cảm khi mang thai mà những người khác thì không. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng có thể do một số tình trạng bệnh lý hoặc các yếu tố nguy cơ khiến khả năng mắc bệnh trầm cảm khi mang thai tăng cao hơn.

Thay đổi nội tiết tố khi mang bầu

Trong thời gian mang thai, các nội tiết tố trong cơ thể người mẹ thay đổi rất nhiều. Nhiều chuyên gia và bác sĩ cho rằng tình trạng này chính là một nguyên nhân góp phần gây ra chứng trầm cảm trước sinh ở bà bầu.

Sự thay đổi hormone khiến người mẹ thường sẽ nhạy cảm hơn, cảm xúc, tâm trạng của họ cũng biến động theo hướng mạnh mẽ hơn với các vấn đề xung quanh cuộc sống bản thân. Tình trạng “Chuyện bé xé ra to” xuất hiện rất phổ biến ở mẹ bầu khiến người mẹ càng suy nghĩ, stress và lo lắng nhiều hơn và đồng thời cũng gây ra sự mệt mỏi gấp nhiều lần.

Những cuộc cãi vã vợ chồng thường ngày cũng càng trở nên căng thẳng hơn trong giai đoạn mẹ mang thai.

Thiếu hoặc không có sự hỗ trợ 

Khi mang thai, người phụ nữ trở nên đặc biệt nhạy cảm và mệt mỏi hơn rất nhiều do những cơn nghén, sự nặng nề khi mang bầu, sự lơ đãng thường xuyên… Trong khoảng thời gian này, người phụ nữ thực sự rất cần được nhận các sự giúp đỡ, quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ những người thân xung quanh họ.

Trong các trường hợp người mẹ bầu không được nhận đầy đủ những sự giúp đỡ, quan tâm từ mọi người khiến họ dần bị tổn thương trong mặt tinh thần, dẫn rơi vào các suy nghĩ tiêu cực, tình trạng này càng kéo dài thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm khi mang thai càng tăng cao.

Mang thai ngoài ý muốn

Ngược lại với các cặp vợ chồng đang thực sự mong ngóng, chờ đợi có con, người phụ nữ phải mang thai ngoài mong muốn sẽ thường có những suy nghĩ không tích cực gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cả về tinh thần và thể chất.

Việc phải mang thai ngoài mong muốn khiến người phụ nữ luôn trong tình trạng lo lắng, e dè trước những ánh nhìn và thái độ mọi người xung quanh. Không những thế, do việc mang thai này chưa được chuẩn bị trước, người mẹ phải gặp không ít những khó khăn trong cuộc sống. Những vấn đề có thể kể tới như các rắc rối trong công việc, tài chính, cuộc sống thường ngày nay bị đảo lộn. Điều này khiến sự mệt mỏi và căng thẳng ngày càng gia tăng dẫn tới chứng trầm cảm. 

Di truyền

Một trong những nguyên nhân gây trầm cảm khi mang thai ở các mẹ bầu là do di truyền. Thông qua một số nghiên cứu, người ta đã chỉ ra rằng chứng trầm cảm khi mang thai ở người mẹ cũng có sự đóng góp của các yếu tố di truyền.

Qua các khảo sát cũng đã cho thấy những người phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái cũng từng mắc tình trạng trầm cảm khi mang bầu thì nguy cơ mắc bệnh này cũng tăng cao hơn người khác. Vì thế trong thời kỳ mang thai, người thân trong gia đình cần chú ý tâm trạng của mẹ bầu để tránh những stress, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

Dấu hiệu bệnh trầm cảm khi mang thai 

Trầm cảm khi mang thai là một bệnh lý cảm xúc khá phức tạp và đồng thời chúng cũng không dễ để phát hiện ra. Chúng ta có thể nhầm lẫn bệnh này với các thay đổi bình thường khác ở người phụ nữ khi đang mang thai. 

Các bà bầu không được phép chủ quan mà cần thực sự lưu ý khi phát hiện các dấu hiệu trầm cảm trước sinh dưới đây:

  • Thường xuyên có tâm trạng không vui, buồn bã, cảm giác không thoải mái, hay bực bội hoặc chán nản…
  • Dễ dàng nổi giận với những lý do rất nhỏ, đôi khi là giận dữ vô cớ.
  • Bà bầu hay cảm thấy mệt mỏi, stress, lo lắng…
  • Dễ khóc cũng là một triệu chứng khá điển hình của trầm cảm trước sinh.
  • Giảm hoặc có thể mất sự hứng thú, niềm vui với các hoạt động mà bản thân trước đây yêu thích.
  • Gặp các khó khăn về giấc ngủ như khó vào giấc, mất ngủ kéo dài.
  • Cảm thấy không thoải mái, ngại, khó chịu khi phải tiếp xúc với mọi người xung quanh, ngay cả người thân, bạn bè. Bà bầu có xu hướng cố gắng cô lập, thu hẹp bản thân.
  • Mẹ bầu thường có xu hướng tìm đến các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
  • Thường xuyên cố ý chống đối sự hướng dẫn của các bác sĩ, không định kỳ đi thăm khám thai.
  • Trong một số trường hợp, có thể đôi khi sẽ có những suy nghĩ đến cái chết nhằm giải thoát bản thân khỏi sự khủng hoảng trong giai đoạn mang thai. 
Những điều bạn nên biết về trầm cảm khi mang thai 2 Hút thuốc là một dấu hiệu của chứng trầm cảm trước sinh

Ảnh hưởng của trầm cảm khi mang thai

Trầm cảm khi mang thai có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất của bản thân người mẹ và thai nhi. Người mẹ mang bầu mắc chứng trầm cảm trước sinh sẽ gây ảnh hưởng xấu tới bản thân thai nhi như:

  • Sinh non. 
  • Cân nặng thai nhi khi sinh thấp. 
  • Tiền sản giật.
  • Trầm cảm sau sinh.
  • Ngoài ra, chúng còn có thể ảnh hướng tới sự phát triển trí não của trẻ.
Những điều bạn nên biết về trầm cảm khi mang thai 3 Sinh non có thể do ảnh hưởng của trầm cảm khi mang thai ở mẹ bầu

Phòng tránh trầm cảm khi mang thai

Các cách phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ mắc chứng trầm cảm khi mang thai ở người mẹ bầu bao gồm:

  • Có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sinh đẻ trước khi có ý định mang thai. 
  • Những người thân, bạn bè xung quanh cần tích cực quan tâm, giúp đỡ mẹ bầu.
  • Mẹ bầu cần hạn chế làm việc căng thẳng, tránh xa thuốc lá, rượu bia và các loại chất kích thích.
  • Người mẹ đang mang thai cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học.
Những điều bạn nên biết về trầm cảm khi mang thai 4 Cặp vợ chồng cần chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch sinh đẻ 

Trầm cảm khi mang thai là một chứng rối loạn tâm trạng gây rất nhiều khó khăn cho người mẹ trước sinh. Qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu mong các mẹ bầu có cho mình một kế hoạch sinh đẻ hợp lý nhằm hướng tới những điều tốt nhất cho bản thân và thai nhi.

Xem thêm:

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm