Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?

Ngày 30/07/2022
Kích thước chữ

Trầm cảm sau sinh là tình trạng đáng báo động trong thời gian gần đây. Tỉ lệ mắc trầm cảm ngày càng tăng cao ở phụ nữ sau sinh, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Vậy trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?

Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra với bất kỳ người mẹ nào nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ lần đầu có con. Trầm cảm có thể nhẹ hoặc nặng, nhưng nếu không can thiệp kịp thời dẫn đến sự mất tự chủ của người mẹ, gây hại cho chính bản thân và con nhỏ. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu để chủ động có phương pháp xử trí kịp thời nhé!

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là tình trạng mà người mẹ bị rối loạn cảm xúc, thường xuyên suy nghĩ tiêu cực và luôn có cảm giác lo lắng, mệt mỏi, buồn chán sau sinh.

Bệnh có thể bắt đầu ở bất kỳ thời điểm nào trong năm đầu tiên sau sinh nhưng phổ biến nhất là trong 3 tháng đầu sau sinh, chiếm 15 - 20%.

Đây là một bệnh lý về cảm xúc, thường khó phát hiện trong giai đoạn đầu với những biểu hiện không rõ ràng nên người thân thường không để ý. Khi bệnh đã trở nặng thì họ mới phát hiện ra.

Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh ở phụ nữ

Trầm cảm sau sinh phụ thuộc chủ yếu vào thể chất, tinh thần và hoàn cảnh của mỗi người mẹ. Một số nguyên nhân thường gặp nhất là:

  • Sự thay đổi nội tiết tố đột ngột: Trong quá trình mang thai, nồng độ 2 hormone Progesteron và Estrogen tăng cao để đáp ứng nhu cầu của thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, ngày sau sinh, nồng độ của 2 hormone này sụt giảm nhanh chóng. Điều này khiến sản phụ trở nên nhạy cảm, dễ cáu gắt gây rối loạn cảm xúc.
  • Tiền sử trầm cảm: Bệnh trầm cảm sau sinh càng có nguy cơ tái phát cao nếu trước đây sản phụ đã từng mắc phải.
  • Sức khỏe bị giảm sút: Cơ thể của người phụ nữ bị suy giảm sau quá trình sinh nở khiến tâm trạng mệt mỏi. Cùng với đó là việc chăm con mới sinh con khi phải thức đêm, mất ngủ. Từ đó nảy sinh tâm phiền chán, cáu gắt, gia tăng tâm lý chán ghét bản thân và cả em bé.
  • Điều kiện kinh tế, đời sống: Điều kiện kinh tế khó khăn, không gian sống chật chội, thiếu sự quan tâm của chồng và người thân, mâu thuẫn về phương pháp nuôi con giữa các thế hệ… khiến người mẹ có những suy nghĩ tiêu cực dễ dẫn đến trầm cảm.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như mất ngủ, thiếu ngủ do con quấy khóc, con nhỏ mắc dị tật bẩm sinh, ngoại hình thay đổi sau sinh, tại thời điểm sinh con người mẹ còn quá trẻ… Đây cũng có thể là yếu tố góp phần gây ra tình trạng trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu? 1 Áp lực chăm sóc con nhỏ là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau sinh

Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?

Không có nghiên cứu nào xác định chính xác được trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bệnh có thể nhẹ hoặc nặng, khởi phát sớm hay muộn và có thể tự khỏi hoặc cần phải điều trị. 

Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu? 2 Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?

Thời gian mắc bệnh phổ biến nhất từ 3 - 6 tuần sau sinh do người mẹ chưa kịp quen với việc thêm một thành viên mới, chưa biết cách chăm sóc con thế nào khiến cuộc sống bị đảo lộn nên dễ gặp các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, nếu nhanh chóng thích ứng, quen dần với việc đó và có sự đồng hành, chăm sóc của chồng, gia đình thì bệnh sẽ dần thuyên giảm và tự khỏi.

Để hiểu hơn về vấn đề trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu, hãy tìm hiểu về các giai đoạn bệnh diễn biến như thế nào:

  • Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn bệnh nhẹ nhất, thường xuất hiện trong 3 tuần đầu và bệnh dễ điều trị nhất trong giai đoạn này. Ngay sau sinh, người mẹ cảm thấy cô đơn, chỉ muốn ở một mình hay phải chăm sóc con một mình nên mệt mỏi, chán ghét bản thân và ngày cả con mình. Tuy nhiên, nếu nhận được sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ từ người thân, đặc biệt là người chồng thì những cảm xúc tiêu cực này dần biến mất và không cần điều trị.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn này có mức độ nặng hơn giai đoạn 1. Lúc này người mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, trì trệ không muốn làm gì. Các hormone gây hạnh phúc - Serotonin ngày càng suy giảm khiến người mẹ thấy kém hạnh phúc, u uất với mọi người xung quanh cũng như đối với cuộc sống này. Giải đoạn này bệnh thường kéo dài 4 - 6 tháng trước khi biến chuyển sang giai đoạn 3.
  • Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn bệnh đã cực kỳ nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và con nhỏ. Lúc này, người bệnh cảm thấy cuộc sống trở nên bế tắc và u ám. Họ thường có những ý nghĩ tiêu cực và luôn nghĩ đến cái chết, tự tử và làm hại con mình. Có đến 50% dẫn đến tình trạng này là do thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ phía gia đình người bệnh.

Rất khó để khẳng định bệnh trầm cảm sau sinh bao lâu mới hết. Vậy nên khi thấy người mẹ có những dấu hiệu bất thường như thay đổi cảm xúc nhanh chóng, mệt mỏi quá độ, ít nói hoặc khóc nhiều, dễ tức giận hay cáu gắt, không có hứng thú với con nhỏ và có suy nghĩ làm hại bản thân và con… hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu? 3 Bệnh trầm cảm sau sinh không kịp thời điều trị có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng

Phòng tránh và cải thiện chứng trầm cảm sau sinh

Thời gian gần đây, phương tiện truyền thông đã đưa tin về nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, nguyên nhân là do tình trạng mắc chứng trầm cảm sau sinh gây ra như mẹ bỉm tự tử, có khi đem theo cả con mình. Đây là tình trạng đáng báo động trong thời buổi xã hội ngày nay.

Tuy nhiên, việc phòng tránh và cải thiện chứng trầm cảm sau sinh không quá khó. Chỉ cần những hành động, cử chỉ tinh tế của người chồng cũng giúp người vợ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dưới đây là một số lưu ý để phòng tránh và cải thiện bệnh trầm cảm sau sinh:

  • Tham gia khóa học tiền sản trong giai đoạn trước và trong khi mang thai, nhất là đối với các bà mẹ lần đầu sinh con. Điều này giúp cho người mẹ được gặp gỡ, kết bạn và chia sẻ kiến thức với những người mẹ khác. Trang bị kỹ năng làm cha mẹ và chuẩn bị tốt tâm lý trước khi còn chào đời.
  • Sự quan tâm chăm sóc của người thân, nhất là người chồng. Hãy luôn yêu thương, khen ngợi và động viên vợ mình vì những hy sinh, vất vả của họ. Đồng thời, cố gắng giúp mẹ bỉm giữ được tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc vì được quan tâm.
  • Hãy giúp đỡ và chia sẻ việc chăm con với mẹ bỉm đừng để họ phải làm mọi việc một mình. Chỉ cần làm những việc nhỏ như thay bỉm cho con, giặt đồ hay chăm con một lúc cho vợ ngủ cũng khiến họ thấy hạnh phúc rồi.
  • Bổ sung chất dinh dưỡng cho sản phụ để họ sớm hồi phục lại sức khỏe sau quá trình mang thai và sinh đẻ vất vả. Nên thay đổi các món ăn, đừng quá khắt khe với các món ăn cho người ở cữ.
  • Người chồng hãy dành thời gian mỗi ngày để tâm sự với vợ mình để hiểu được những suy nghĩ về vấn đề mà họ đang gặp phải. Nhờ vậy, họ có thể phát hiện những bất thường ở người phụ nữ.
  • Người mẹ thỉnh thoảng bế con ra ngoài trời để cùng nhau phơi nắng khi bé đang trong giai đoạn sơ sinh. Khi con đã được từ 6 tháng tuổi, thì hãy cùng con đi dạo xung quanh nơi ở vừa giúp con thích ứng với môi trường sống, vừa giúp mẹ được thư giãn và có thể giao tiếp với mọi người xung quanh.
  • Gia đình cùng nhau cố gắng chăm con cùng với mẹ bỉm để họ có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc cho bản thân.
Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu? 4 Gia đình thuận hòa, yêu thương giúp đỡ nhau giúp hạn chế chứng trầm cảm sau sinh của mẹ bỉm

Bài viết trên đã cung cấp một số thông tin để giải tháp thắc mắc: “Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?”, đồng thời giúp bạn đọc bổ sung thêm những kiến thức về các giải pháp phòng và cải thiện chứng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Nhà Thuốc Long Châu hy vọng đã kịp thời cung cấp được những thông tin cần thiết và giảm được những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra khi mẹ bầu bị trầm cảm sau sinh.

Xem thêm:

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin