Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều cần biết về chọc dịch màng bụng

Ngày 31/10/2023
Kích thước chữ

Thủ thuật chọc dịch màng bụng thường được chỉ định thực hiện tại bệnh viện, quy trình thực hiện được đánh giá đơn giản nhưng song song có một số tai biến không mong muốn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết bên dưới nhé!

Chọc dịch màng bụng là thủ thuật thường được chỉ định trong các trường hợp chẩn đoán, phân tích dịch cổ trướng hoặc điều trị hút tháo dịch màng bụng. Đây là một thủ thuật an toàn, hiệu quả trong việc đánh giá các vấn đề về bụng như cổ trướng, chấn thương, đau bụng cấp tính hay viêm phúc mạc. Thủ thuật này cũng có thể chỉ định cho phụ nữ có thai khi dịch màng bụng có nguy cơ ảnh hưởng thai nhi.

Chọc dịch màng bụng là gì?

Cổ trướng là sự tích tụ các chất dịch trong màng bụng, thường xuất hiện ở những bệnh nhân nhiễm trùng, chấn thương, xuất huyết đường tiêu hóa, xơ gan hay ung thư. Bác sĩ sẽ sử dụng một kim hoặc ống mỏng thông vào khoang bụng và hút dịch này ra.

Chọc dịch có thể chỉ lấy để xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân gây cổ trướng hoặc điều trị khi dịch quá nhiều, gây chèn ép lên cơ hoành và các cơ quan gây đau đớn cho bệnh nhân.

Chọc dịch màng bụng là thủ thuật gì 2.png
Thủ thuật chọc dịch màng bụng là thủ thuật có xâm lấn vào thành bụng, nhằm hút dịch giữa màng bụng và các cơ quan.

Chọc dịch màng bụng được chỉ định khi nào?

Thủ thuật chọc dịch màng bụng được chỉ định cụ thể trong các trường hợp sau:

  • Nghi ngờ bệnh nhân bị viêm phúc mạc hoặc chảy máu ổ bụng.
  • Chẩn đoán trong nhiễm trùng dịch màng bụng.
  • Xét nghiệm kiểm tra nguyên nhân dẫn đến tích tụ dịch.
  • Tháo bớt dịch khi cổ trướng quá to gây ảnh hưởng đến thận, ruột, gây khó thở và đau ngực.
  • Kiểm tra tổn thương, nhiễm trùng sau chấn thương.
  • Kiểm tra một số loại ung thư như ung thư gan.
  • Có thể chỉ định cho bệnh nhi khi cổ trướng gây khó thở, cần tháo dịch.
  • Trường hợp phụ nữ mang thai, dịch gây ảnh hưởng thai nhi.

Chọc dịch màng bụng không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích chọc dịch và các tai biến trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh rối loạn đông máu, chảy máu.
  • Người có bệnh lý về tim mạch: Loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim...

Quy trình thực hiện chọc dịch màng bụng

Trước khi thực hiện, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn và giải thích về tính cần thiết của việc chọc dịch, mục đích cũng như những lưu ý trước và sau khi thực hiện. Bệnh nhân có thể được yêu cầu đi vệ sinh trước để làm trống bàng quang.

Bắt đầu thực hiện:

  • Bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện với các chỉ tiêu như huyết áp, nhịp tim,...
  • Bệnh nhân cần nằm ngửa, hai chân co.
  • Bác sĩ siêu âm và xác định vị trí chọc kim.
  • Gây tê cục bộ và sát trùng rộng vùng chọc kim.
  • Thực hiện chọc kim hoặc thông ống: Có thể quá trình sẽ nhanh hoặc kéo dài tùy theo mục đích, với việc xét nghiệm có thể chỉ cần lượng một ống kim 50ml. Với mục đích hút dịch, giảm áp lực khoang bụng thì cần hút dịch ra bình chứa lớn, lúc này ống hút sẽ được cố định bằng băng gạc. Mỗi lần hút không quá 2000ml, có thể hút lại sau 24 - 48 giờ nếu cần thiết.
  • Các thao tác được thực hiện theo nguyên tắc hút kín.
  • Kết thúc thực hiện khi đạt số lượng dịch yêu cầu, rút kim và sát khuẩn vùng chọc. Vết thương để lại không quá lớn do đó thủ thuật này không cần may, dùng băng dính ép lại, bệnh nhân được nghỉ ngơi và theo dõi huyết áp trong vòng 2 - 4 giờ.
Chọc dịch màng bụng là thủ thuật gì 3.png
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn và cần hợp tác theo hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh các tai biến không mong muốn.

Những tai biến có thể gặp phải khi thực hiện chọc dịch màng bụng

Quai ruột bít đầu kim

Trong quá trình hút, dịch hút chậm hơn ban đầu hoặc ngừng chảy nhưng còn dấu hiệu dịch cổ trướng, nguyên nhân có thể do quai ruột bít đầu kim. Bác sĩ sẽ đổi tư thế bệnh nhân hoặc hướng kim. Có thể gây chảy máu do đầu kim gây tổn thương thành ruột, tuy nhiên không quá nguy hiểm và quá trình hút luôn có điều dưỡng và bác sĩ theo dõi.

Chọc vào ruột

Trường hợp này thường ít gặp, tuy nhiên có thể gặp ở bệnh nhi không hợp tác, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc an thần. Nếu gặp phải tình trạng này, bác sĩ sẽ phải rút kim ra ngay và bịt kín. Theo dõi tình trạng đau, nhiệt độ cơ thể và phản ứng thành bụng, hội chẩn chuyên khoa ngoại. Chọc dịch màng bụng là thủ thuật đơn giản do đó bệnh nhân cần bình tĩnh và hợp tác theo hướng dẫn của điều dưỡng và bác sĩ sẽ tránh được trường hợp này.

Chọc kim vào mạch máu

Tương tự như trên, tai biến này thường ít gặp. Nếu gặt phải cần lập tức rút kim và theo dõi. Có thể nhận biết khi dịch có vệt đỏ máu, cần được lưu ý, đặc biệt với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm trùng máu.

Nhiễm khuẩn thứ phát

Trường hợp này do công tác sát khuẩn chưa đảm bảo hoặc thao tác chọc kim không dứt khoát. Bệnh nhân thường có những dấu hiệu nhiễm khuẩn toàn thân như thân nhiệt tăng đột ngột, huyết áp và mạch bất thường, vùng bụng đau, có thể xuất hiện sưng viêm vùng kim chọc,...

Choáng khi hút dịch nhiều

Trường hợp này khi cần hút nhiều dịch, tránh gây khó thở cho bệnh nhân. Việc tháo dịch quá nhanh hoặc quá nhiều làm giảm áp lực đột ngột lên các cơ quan và mạch máu. Các biểu hiện thường gặp như: Huyết áp hạ đột ngột, cảm thấy chóng mặt, xây xẩm, mạch đập nhanh và lạnh người,... Khi gặp phải một trong những dấu hiệu trên, cần báo ngay bác sĩ, y tá để ngừng hoặc giảm tốc độ hút dịch. Bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp chống sốc, truyền dịch bù để ổn định cho bệnh nhân.

Các tai biến này không quá thường gặp nhưng nếu xuất hiện có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh lý do đó trước và sau thực hiện thủ thuật bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên.

choc-dich-mang-bung-la-thu-thuat-gi-3.jpg
Bác sĩ sẽ theo dõi và hướng dẫn trước và sau khi phẫu thuật

Cần lưu ý gì khi thực hiện chọc dịch màng bụng?

Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ hướng dẫn và lưu ý cho bệnh nhân về việc ăn uống, giữ vệ sinh, sử dụng thuốc hoặc không, chi phí và thời gian phục hồi,... Bệnh nhân cần lưu ý và có thể thắc mắc để hiểu rõ quá trình trước khi thực hiện, đảm bảo quá trình diễn ra an toàn hơn.

Sau thủ thuật, giữ nguyên tư thế và nghỉ ngơi một thời gian ngắn, nếu có tình trạng chóng mặt, mệt lả, lạnh người,... cần báo ngay với nhân viên y tế.

Sau thời gian gây tê, có thể bệnh nhân cảm thấy đau, bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm đau như paracetamol.

Bệnh nhân cần theo dõi tình trạng chảy máu, nên giữ băng trong 24 giờ. Nếu vị trí đâm bị rò rỉ, có dấu hiệu sưng, viêm cần báo ngay với bác sĩ.

Việc làm sạch vùng da bằng nước muối sinh lý hoặc nước ấm được khuyến khích.

Hầu hết các bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường.

Mong rằng qua bài viết này, các bạn đã hiểu thêm về thủ thuật chọc dịch màng bụng cùng những lưu ý khi thực hiện. Hãy lưu lại và chia sẻ với mọi người để có thể hợp tác cùng bác sĩ thực hiện quá trình này một cách an toàn và hiệu quả nhé!

Xem thêm: Tìm hiểu về kỹ thuật chọc dịch màng phổi

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin