Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổn thương tuỷ sống có nguy hiểm không?

Ngày 31/10/2023
Kích thước chữ

Tuỷ sống là một trong những cơ quan có vai trò quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là trong các vận động phản xạ và tự động của cơ thể. Tuy nhiên tủy sống nằm ở vị trí nào, cấu tạo ra sau thì không nhiều người biết. Trong bài viết bên dưới, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin cơ bản về tủy sống, cách điều trị tổn thương tuỷ sống nhé!

Hệ thần kinh trung ương gồm não và tuỷ sống, hệ thần kinh ngoại biên là các dây thần kinh phân nhánh từ hệ thần kinh trung ương. Tất cả các hoạt động sống của cơ thể như suy nghĩ, vận động, sự hoạt động của các cơ quan nội tạng bên trong đều được điều khiển, kiểm soát bởi hai hệ thần kinh này. Nhiều người không khỏi thắc mắc điều gì sẽ xảy ra khi tổn thương tuỷ sống?

Cấu tạo và chức năng tủy sống

Tuỷ sống là một trong hai cơ quan của hệ thần kinh trung ương, chứa các dây thần kinh nối từ não đến các bộ phận khác trong cơ thể, chạy dọc bên trong xương sống. Xương cột sống là một trong những cấu trúc vững chắc, có thể bảo vệ tủy sống nằm gọn bên trong và đảm bảo cho tủy sống có thể thực hiện tốt chức năng.

Cấu tạo tủy sống gồm ba lớp màng bao bọc gồm màng cứng (bên ngoài), màng nhện (ở giữa), màng nuôi (bên trong). Giải phẫu mặt cắt ngang của tủy sống, ngoài 3 lớp màng, tuỷ sống được cấu tạo từ chất xám và chất trắng, chất trắng bao quanh chất xám hình chữ H.

Tổn thương tuỷ sống có nguy hiểm không 2.png
Tuỷ sống chứa các đôi dây thần kinh tiếp nhận và truyền thông tin

Ở hầu hết người trưởng thành, tuỷ sống dài khoảng 45 cm. Bên trong tủy sống có 31 đôi dây thần kinh tủy sống, mỗi dây thần kinh là một bó các sợi có nhiệm vụ tiếp nhận, truyền và gửi thông tin giữa não đến các bộ phận, cơ quan khác trong cơ thể và ngược lại.

Tủy sống chứa các đôi dây thần kinh tiếp nhận và truyền thông tin từ các đường thần kinh cảm giác đến cơ quan vận động nên tủy sống là cơ quan trung gian giữa não và các bộ phận trong cơ thể. Dựa vào cấu tạo, tủy sống có các chức năng chủ yếu là chức năng phản xạ, dẫn truyền và dinh dưỡng.

Nguyên nhân dẫn đến tổn thương tuỷ sống

Tổn thương tuỷ sống là tình trạng tủy sống bị tổn thương bởi tác nhân tác động ngoại lực từ bên ngoài hoặc do các yếu tố bên trong. Tùy vào vị trí bị tổn thương, mức độ nặng nhẹ mà dẫn đến những triệu chứng như liệt chi một bên, liệt nửa người hoặc có thể nghiêm trọng hơn là liệt tứ chi, những triệu chứng này làm ảnh hưởng đến khả năng cảm giác và vận động.

Nguyên nhân gây nên tổn thương tuỷ sống đa dạng, nhưng phổ biến do các nguyên nhân sau:

  • Gây sức ép lên tủy sống: Chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn thể thao hoặc do thoát vị đĩa đệm, khối u, áp xe ngoài màng cứng,...
  • Nhiễm trùng: Do các loại virus, vi khuẩn, vi nấm, ký sinh đơn bào hoặc giun sán gây viêm tuỷ cấp, tổn thương chất trắng hay chất xám ở một đoạn tủy hoặc vài đoạn kế cận nhau.
  • Nguyên nhân tự miễn: Hệ thống miễn dịch của cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại các thụ thể trong tuỷ. Yếu tố khởi phát tình trạng tự miễn này là virus như virus Herpes, echovirus, shingles, epstein-barr, hepatitis B, Influenza, Mycoplasma pneumoniae,..
  • Bệnh lý mạch máu: Như vỡ dị dạng động tĩnh mạch tủy, viêm mạch do lupus ban đỏ hệ thống, rối loạn đông máu, dùng thuốc chống đông, xơ vữa động mạch chủ, phình bóc tách động mạch chủ,... gây chảy máu vào khoang ngoài màng cứng hoặc vào trong tủy sống.
  • Các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn: Như nhiễm độc các kim loại nặng, dị dạng do di truyền, tổn thương hủy myelin sợi trục,...
Tổn thương tuỷ sống có nguy hiểm không 3.png
Áp xe ngoài màng cứng là một trong những nguyên nhân tổn thương tuỷ sống

Các biện pháp phòng ngừa tổn thương tuỷ sống

Bất kỳ sự tổn thương tủy sống nào đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến các bộ phận của cơ thể như bị liệt, mất kiểm soát bàng quang, trực tràng, huyết áp thấp, nhiễm trùng đường hô hấp,...

Nguyên tắc cấp cứu khi nghi ngờ nạn nhân bị chấn thương vùng cổ hoặc vùng lưng:

  • Gọi cấp cứu ngay lập tức.
  • Không tự ý di chuyển hoặc để nạn nhân tự di chuyển. Trừ trường hợp những tình huống nạn nhân đang nguy kịch đến tính mạng.
  • Giữ ấm toàn thân nạn nhân, hạn chế tối đa việc thay đổi tư thế nạn nhân.
  • Không cúi gập cổ, đầu và lưng của nạn nhân.
Tổn thương tuỷ sống có nguy hiểm không 4.png
Nguyên tắc cấp cứu rất quan trọng khi gặp người bị chấn thương tuỷ sống

Tủy sống nằm gọn bên trong cột sống, vì vậy cột sống chắc khỏe sẽ giúp bảo vệ tuỷ sống tốn hơn, những phương pháp giữ cho cột sống chắc khỏe gồm:

  • Chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám, chất béo lành mạnh từ các loại hạt, dầu thực vật,... và protein nạc chứa ít chất béo.
  • Tập thể dục đều đặn, đi bộ thường xuyên, kết hợp thêm các bài tập giúp giãn cơ, tăng cường sức mạnh của cơ.
  • Hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá hay những chất kích thích khác.
  • Thực hiện đúng các tư thế khi ngủ, ngồi, đứng, đặc biệt là khi khiêng vác các vật nặng để tránh bị chấn thương, tổn thương đến tủy sống.

Mong rằng với những thông tin chia sẻ trong bài sẽ giúp bạn hiểu thêm về cấu tạo và chức năng của tuỷ sống. Tuỷ sống là một trong những cơ quan có vai trò quan trọng vì vậy hãy giữ cho cột sống chắc khỏe để bảo vệ tuỷ sống tốt hơn. Bất kỳ sự tổn thương tuỷ sống nào, dù nặng hay nhẹ cũng không được chủ quan mà hãy gọi cấp cứu ngay lập tức để đến cơ sở khám chữa bệnh kịp thời. 

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin