Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về kỹ thuật chọc dịch màng phổi

Ngày 07/11/2023
Kích thước chữ

Chọc dịch màng phổi là cụm từ không còn quá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên kỹ thuật này được chỉ định trong những trường hợp, nhằm mục đích gì? Độ an toàn và có xảy ra những tai biến gì hay không thì không nhiều người thật sự hiểu về kỹ thuật này. Hãy cùng các chuyên gia tìm hiểu thêm về kỹ thuật chọc dò màng phổi ở bài viết bên dưới nhé!

Mỗi lá phổi được bao bọc bởi hai lớp màng phổi rất mỏng, ở giữa hai lớp màng này là khoang màng phổi. Ở trạng thái bình thường, khoang màng phổi chứa trung bình 10 đến 20ml lượng dịch. Tuy nhiên nếu lượng dịch ở trong khoang màng phổi nhiều hơn mức bình thường và có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi thì cần có biện pháp can thiệp. Chọc dịch màng phổi là một trong những biện pháp cấp cứu tràn dịch màng phổi.

Chọc dịch màng phổi là gì?

Tràn dịch màng phổi là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau, dấu hiệu là người bệnh cảm thấy bị tức ngực, khó thở, khám lâm sàng phát hiện rung thanh giả, rì rào phế nang giảm, gõ đục. Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi được phân thành hai loại là: Tràn dịch màng phổi do dịch thấm (thường do suy tim, suy thận, xơ gan, suy dinh dưỡng...) và tràn dịch màng phổi dịch tiết (do lao, ung thư, nhiễm khuẩn,...).

Kỹ thuật chọc dịch màng phổi 2.png
Chọc dịch màng phổi giúp giảm tình trạng tràn dịch màng phổi

Chọc dịch màng phổi là kỹ thuật dùng kim chọc vào khoang màng phổi với mục đích hút dịch, máu, mủ hoặc khí ra ngoài để giảm tình trạng suy hô hấp cấp, hạn chế nguyên nhân gây tử vong.

Chọc dịch màng phổi được chỉ định trong trường hợp nào?

Chọc dịch màng phổi có thể được thực hiện nhằm chẩn đoán hoặc điều trị:

Chẩn đoán: Kỹ thuật chọc dịch màng phổi được chỉ định cho hầu hết các tình trạng dịch màng phổi có độ dày hơn 10mm trên các kết quả chẩn đoán CT, siêu âm, chụp X-quang hoặc chưa xác định chắc chắn về nguyên nhân.

Chọc hút dịch để đào thải bớt lượng dịch trong khoang, giảm triệu chứng khó thở ở bệnh nhân trong các trường hợp sau:

  • Tổn thương phổi do giãn phế nang, xơ phổi, lao phổi, tụ cầu phổi,... gây tràn khí màng phổi.
  • Tràn máu màng phổi.
  • Tràn mủ màng phổi.
  • Tràn dịch hoặc máu màng phổi tái phát nhanh.

Chọc dịch màng phổi chống chỉ định đối với trường hợp nào?

Kỹ thuật chọc dịch màng phổi không có chống chỉ định tuyệt đối, chỉ có chống chỉ định tương đối với các trường hợp sau:

  • Có bệnh lý về rối loạn đông máu, cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.
  • Nhiễm herpes zoster hoặc viêm mô tế bào tại vị trí dự định chọc hút dịch.
  • Tràn dịch màng phổi thứ phát (vì trường hợp này thường mở dẫn lưu màng phổi).
  • Tràn khí màng phổi do chấn thương không tăng áp lực.
  • Bệnh viêm phổi có mức độ nghiêm trọng có thể dẫn đến biến chứng tử vong.
  • Ho không kiểm soát.

Các biến chứng có thể gặp khi thực hiện chọc dịch màng phổi

Khi chọc dịch màng phổi có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Tràn khí màng phổi: Xảy ra khi chọc kim sâu làm thủng phổi hoặc do khí lọt vào qua dốc kim. Xử trí bằng cách hút hết khí ra.
  • Sốc phản vệ với thuốc tê: Sử dụng phác đồ sốc phản vệ.
  • Khó thở, ho nhiều có thể ho ra máu do chọc vào phổi.
  • Phù phổi cấp hoặc hạ huyết áp.
  • Tràn máu màng phổi do các mạch máu liên sườn bị tổn thương.
  • Ngất do phản xạ phế vị.
  • Tổn thương lách hoặc gan.
  • Mủ màng phổi do bội nhiễm: cần thực hiện kỹ các bước vô trùng.

Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế các nguy cơ dẫn đến tai biến.

Những điều cần thực hiện trước khi chọc dịch màng phổi

Hồ sơ bệnh án

Bước đầu tiên cần giải thích về kỹ thuật chọc dịch màng phổi cho người bệnh và gia đình. Khi người bệnh và gia đình đồng ý thì cần ký cam kết đồng ý kỹ thuật, phiếu ghi chép theo dõi thủ thuật để hoàn thiện hồ sơ bệnh án.

Người bệnh

Chuẩn bị trước khi chọc dịch màng phổi:

  • Chụp X-quang mới trong cùng ngày thực hiện kỹ thuật.
  • Siêu âm đánh dấu vị trí chọc.
  • Tiêm tiền tê trước 30 phút trước khi chọc dịch.
  • Trong trường hợp người bệnh lo lắng hoặc có nguy cơ cựa quậy mạnh trong quá trình thực hiện thì có thể tiêm thuốc an thần.

Tư thế của người bệnh:

  • Tư thế ngồi: Ngồi trên ghế tựa, mặt quay về phía vai ghế, 2 tay khoanh trước mặt, đặt lên vai ghế, ngực tỳ vào vai ghế.
  • Tư thế nằm: Nằm ngửa thẳng người, thân người nghiêng về phía bên lá phổi lành, tay phía bên đặt dẫn lưu giơ cao lên phía đầu, đầu cao.
Kỹ thuật chọc dịch màng phổi 3.png
Tư thế ngồi trong thủ thuật chọc dịch màng phổi

Người thực hiện

Chuẩn bị như làm phẫu thuật:

  • Đội mũ, đeo khẩu trang.
  • Thực hiện đủ và kỹ các bước vệ sinh tay.
  • Sát trùng tay bằng cồn.
  • Mặc áo mổ và đeo găng vô trùng.

Các bước tiến hành kỹ thuật chọc dịch màng phổi

Chọn điểm chọc:

Phải khám thực thể xác định vùng tràn dịch màng phổi, xem phim chụp X-quang ngực thẳng nghiêng và nếu có siêu âm nên sử dụng để xác định vị trí chính xác nhất.

Tiến hành thủ thuật:

  • Giải thích cho người bệnh và ký giấy làm thủ thuật.
  • Xác định vị trí chọc kim: Thường ở vị trí khoang liên sườn phía trên vùng tràn dịch.
  • Sát trùng bằng cồn 70 độ và cồn iod quanh vùng chọc kim.
  • Trải khăn lỗ.
  • Tiêm Lidocain gây tê từng lớp: da, tổ chức dưới da, màng phổi thành tại vị trí chọc kim.
  • Chọc kim vuông góc với thành ngực, sát bờ trên xương sườn tại điểm gây tê. Khi kim chạm vào tới khoang màng phổi sẽ có cảm giác sựt và nhẹ tay, kiểm tra bằng cách hút thử, sau đó giữ cố định kim sát thành ngực.
  • Lấy dịch đi xét nghiệm sinh hoá, tế bào, cấy, nhuộm và PCR tìm lao.
  • Khi hút dịch xong thì rút kim, sát khuẩn kỹ vùng chọc kim và băng lại cẩn thận.
  • Cho bệnh nhân nằm nghỉ, đo mạch, nhiệt độ, huyết áp. Theo dõi các chỉ số mạch, huyết áp, spO2 mỗi 15 phút/lần liên tục trong 3 giờ sau thủ thuật.

Lưu ý: Không nên rút quá 1500ml dịch để tránh gây phù phổi do phổi tái nở nhanh. Nếu mục tiêu chọc dịch màng phổi là để điều trị thì nên nối kim với hệ thống túi gom.

Chăm sóc người bệnh sau thủ thuật

Ngoài việc theo dõi các chỉ số được kể trên, đôi khi cần các điều sau:

  • Chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang hoặc siêu âm ngực để loại trừ tình trạng tràn khí màng phổi.Bất kỳ trường hợp nào sau đây cũng cần chẩn đoán hình ảnh ngực sau thủ thuật như hút ra khí, đưa kim ra vào nhiều lần, bệnh nhân thở máy, có dấu hiệu hay triệu chứng của tràn khí màng phổi.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giảm đau bằng NSAID đường uống hoặc acetaminophen (nếu cần).
  • Nhắc người bệnh báo ngay cho bác sĩ, y tá khi có bất kỳ triệu chứng bất thường như khó thở, đau ngực, ho ra máu,...
Kỹ thuật chọc dịch màng phổi 4.png
Cần theo dõi các chỉ số mạch, huyết áp, SpO2 của người bệnh hậu thủ thuật

Chọc dịch màng phổi là một thủ thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật của bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại. Khi đồng ý thực hiện thủ thuật thì người bệnh cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ để thủ thuật chọc dịch có thể diễn ra thành công. Mong rằng với những thông tin chia sẻ trong bài sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về kỹ thuật chọc dịch màng phổi.

Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân tràn dịch màng phổi

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin