Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Những điều cần biết về giai đoạn sau sinh và cách chăm sóc mẹ sau sinh

Ngày 05/06/2024
Kích thước chữ

Giai đoạn sau sinh hay còn được gọi là thời kỳ hậu sản. Ở thời kỳ này, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi và các vấn đề y tế có thể phát sinh. Việc nắm được các kiến thức về giai đoạn sau sinh là điều vô cùng cần thiết giúp các chị em chăm sóc bản thân được tốt hơn.

Cơ thể mẹ có những thay đổi như thế nào trong thời kỳ hậu sản? Những vấn đề hậu sản mà mẹ bầu có thể gặp phải là gì? Cách chăm sóc mẹ sau sinh ra sao? Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức về chủ đề này.

Những thay đổi về mặt giải phẫu của cơ thể mẹ trong thời kỳ hậu sản

Giai đoạn sau sinh hay thời kỳ hậu sản là khoảng thời gian để trở lại bình thường của cơ quan sinh dục về mặt giải phẫu và sinh lý, ngoại trừ vú vẫn tiếp tục phát triển để tiết sữa. Thời điểm này thường kéo dài 6 tuần kể từ thời điểm sau khi sinh.

Trong thời kỳ này, cơ thể mẹ sẽ có những thay đổi về giải phẫu nhất định, trong đó không thể không kể đến:

Thay đổi ở tử cung

Các chuyên gia cho biết, ngay sau khi sinh, trọng lượng tử cung nặng khoảng 1000g sau đó giảm dần đến cuối thời kỳ hậu sản sẽ trở về trọng lượng bình thường trước đây khi chưa có thai.

Trên lâm sàng, người ta thấy có 3 hiện tượng ở tử cung đó là:

  • Tử cung co rút: Sau khi sinh, tử cung co rút lại trong vài giờ tạo thành một khối chắc, gọi là cầu an toàn. Lúc này, đáy tử cung ở ngay dưới rốn.
  • Tử cung co bóp: Biểu hiện bởi đau bụng, ra máu và sản dịch chảy ra ngoài. Các cơn đau này biểu hiện ở người con rạ nhiều hơn co so.
  • Tử cung co hồi: Sau khi sinh, đáy tử cung ở trên khớp vệ khoảng 13cm. Mỗi ngày tử cung co được 1cm, riêng ngày đầu sau sinh có thể co nhanh hơn được khoảng 2 - 3cm. Sau 2 tuần, sẽ không sờ thấy tử cung ở trên khớp vệ nữa.

Thay đổi ở âm đạo, âm hộ và phần phụ

Trong quá trình sinh nở, âm hộ và âm đạo bị giãn căng. Sau sinh, âm đạo và âm hộ dần co lại và trở về kích thước bình thường vào khoảng ngày thứ 15.  Ngoài ra, sau đẻ màng trinh bị rách chỉ còn lại di tích của rìa màng trinh. Phần phụ cũng trở lại bình thường trong hố chậu. Tầng sinh môn dùng dẫn trở lại bình thường.

Thay đổi ở vú

Trong những ngày đầu sau sinh, vú người phụ nữ phát triển nhanh và căng to. Núm vú to và dài ra, các tĩnh mạch vú nổi rõ. Tuyến sữa phát triển to lên, nhiều mẹ có lan tới tận nách.

Tại vú có hiện tượng tiết sữa, thường xảy ra sau sinh 2 - 3 ngày. Cơ chế của hiện tượng xuống sữa là do nồng độ estrogen tụt xuống đột ngột sau sinh, prolactin được giải phóng và tác động lên tuyến sữa gây ra sự tiết sữa. Sự tiết sữa này được duy trì nhờ động tác bú.

Những điều cần biết về giai đoạn sau sinh và cách chăm sóc mẹ sau sinh 1
Cơ thể mẹ có nhiều thay đổi khi bước vào thời kỳ hậu sản

Các vấn đề y tế có thể phát sinh sau sinh

Một số vấn đề y tế có thể phát sinh sau đẻ có thể kể đến như:

Chảy máu sau đẻ

Chảy máu sau sinh là tình trạng chảy máu qua đường âm đạo sau khi sổ thai với số lượng nhiều hơn bình thường, ảnh hưởng đến các dấu hiệu sinh tồn.

Chảy máu sau đẻ bao gồm 2 loại đó là chảy máu sau đẻ nguyên phát và chảy máu sau đẻ thứ phát. Trong đó, chảy máu sau đẻ nguyên phát xảy ra trong thời kỳ sổ rau và sau khi sổ rau 24 giờ còn chảy máu thứ phát xảy ra sau sinh lớn hơn hoặc bằng 24 giờ.

Những điều cần biết về giai đoạn sau sinh và cách chăm sóc mẹ sau sinh 2
Chảy máu sau sinh là một trong những vấn đề y tế thường gặp

Chấn thương đường sinh dục

Một số chấn thương đường sinh dục mà người phụ nữ có thể gặp phải như:

  • Rách âm hộ - tầng sinh môn với các biểu hiện như ra máu âm đạo trong và sau sổ thai, máu chảy thành dòng màu đỏ tươi sau đó đông lại. Tử cung co chắc.
  • Rách âm đạo: Được chia thành rách thành trước âm đạo và rách thành bên âm đạo. Khi bị rách âm đạo, người phụ nữ sẽ có các biểu hiện như chảy máu âm đạo nhiều hoặc ít, máu đỏ, đôi khi thành dòng ngay sau khi sổ thai. Tử cung co chắc.
  • Rách cổ tử cung: Sản phụ chảy máu đường âm đạo ngay sau khi sổ thai. Tử cung lúc đầu vẫn co chắc dần về sau co kém hoặc đờ tử cung thứ phát.
  • Huyết tụ đường sinh dục: Đây là biến chứng của tổn thương đường sinh dục chưa xử trí hoặc đã xử trí nhưng máu vẫn chảy, tụ lại thành một khối ở đường sinh dục. Tùy theo vị trí chảy máu mà huyết tụ đường sinh dục được phân thành huyết tụ âm hộ - tầng sinh môn, huyết tụ âm đạo, huyết tụ tử cung…

Nhiễm khuẩn sau sinh

Nhiễm khuẩn sau sinh là trường hợp nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục (thường gặp nhất là vùng rau bám) và trong thời kỳ sau sinh (6 tuần đầu tiên kể từ thời điểm sinh). Đây là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể trực tiếp đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Bệnh trĩ

Việc cố gắng rặn khi sinh qua đường âm đạo có thể gây ra bệnh trĩ hoặc làm trầm trọng hơn bệnh trĩ ở những sản phụ đang gặp phải căn bệnh này. Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh trĩ mà phụ nữ sau sinh có thể nhận thấy bao gồm đi ngoài ra máu, sa búi trĩ, ngứa hậu môn, nứt và rát hậu môn…

Trầm cảm sau sinh

Đa số phụ nữ sau sinh đều sẽ bị trầm cảm. Sau sinh, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi trong đó bao gồm cả những thay đổi về tâm sinh lý. Trong thời kỳ hậu sản, người phụ nữ có thể cảm thấy ủ rũ, cáu kỉnh hoặc lo lắng dẫn đến mất tập trung và rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng này thường biến mất sau khoảng 7 - 10 ngày song nếu vẫn tiếp tục kéo dài thì rất có thể mẹ đang rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh.

Những điều cần biết về giai đoạn sau sinh và cách chăm sóc mẹ sau sinh 3
Mẹ sau sinh rất dễ bị trầm cảm

Chăm sóc bà mẹ sau sinh

Thực tế cho thấy, không phải độc giả nào cũng nắm được cách chăm sóc mẹ sau sinh. Vậy khi chăm sóc mẹ sau sinh cần lưu ý những vấn đề nào?

Chăm sóc hậu sản tại bệnh viện

Ngay sau khi sinh, mẹ bầu thường sẽ được nằm theo dõi tại phòng đẻ tối thiểu 1 giờ. Với các trường hợp gây mê, thời gian nằm theo dõi của mẹ sẽ kéo dài hơn. Lúc này, nhân viên y tế sẽ theo dõi dấu hiệu sinh tồn (bao gồm mạch, nhiệt độ, huyết áp), toàn trạng đồng thời xoa đáy tử cung, đánh giá tình trạng chảy máu âm đạo 15 phút/lần trong giờ đầu và 30 phút/lần trong giờ thứ 2 kể từ lúc sinh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng oxytocin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch để kích thích tử cung co lại.

Sau khi sinh, các mẹ có thể đi tiểu rất nhiều do cơ bàng quang yếu khiến cảm giác bàng quang khó được kiểm soát. Các bác sĩ khuyến khích mẹ đi tiểu nhiều và đều đặn hơn, tối thiểu 4 tiếng/lần nhằm ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng bàng quang. Với những trường hợp mẹ không thể đi tiểu, bác sĩ có thể chỉ định đặt thông tiểu tạm thời.

Ngoài ra, mẹ sau sinh cũng được khuyến khích đại tiện trước khi xuất viện. Tuy nhiên, điều này tương đối khó thực hiện bởi thời gian nằm viện thường ngắn. Với những trường hợp sản phụ không đi đại tiện trong vòng 3 ngày đầu hoặc lâu hơn bác sĩ có thể chỉ định mẹ sử dụng thuốc nhuận tràng để ngăn ngừa tình trạng táo bón đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ.

Cùng với việc thực hiện y lệnh của bác sĩ, mẹ sau sinh cũng cần được đảm bảo dinh dưỡng đồng thời tăng cường nghỉ ngơi.

Trước khi xuất viện, mẹ sẽ được kiểm tra lần cuối để đảm bảo rằng cả mẹ và bé đều đã ổn định. Thông thường, mẹ sẽ được xuất viện trong 24 - 48 giờ sau sinh đối với sinh thường và 96 giờ đối với sinh mổ.

Những điều cần biết về giai đoạn sau sinh và cách chăm sóc mẹ sau sinh 4
Sản phụ cần được nằm theo dõi tại phòng đẻ tối thiểu 1 tiếng

Chăm sóc hậu sản khi về nhà

Mẹ sau sinh hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động hàng ngày bình thường ngay khi cảm thấy sẵn sàng. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và sinh hoạt điều độ vẫn cần được duy trì nhằm đảm bảo tốt cho sức khỏe của mẹ. Mẹ sau sinh cũng có thể quan hệ tình dục khi có nhu cầu và thực sự cảm thấy thoải mái với vấn đề đó. Tuy vậy, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ chỉ nên quan hệ tình dục khi các tổn thương trong sinh đẻ đã lành.

Một vấn đề khác nữa mà mẹ sau sinh cũng cần chú ý đó là vệ sinh vùng kín sạch sẽ để giảm nguy cơ viêm nhiễm và nhiễm trùng. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần tránh các hoạt động gắng sức và khuân vác nặng trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh. Đặc biệt, các mẹ cần tái khám theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về giai đoạn sau sinh mà Nhà thuốc Long Châu muốn gửi đến bạn đọc. Có thể thấy rằng giai đoạn sau sinh là khoảng thời gian mà người phụ nữ có nhiều thay đổi cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Đây cũng là giai đoạn khó khăn bởi họ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khoẻ khác nhau. Do đó, việc nắm được cách chăm sóc mẹ sau sinh là điều vô cùng cần thiết.

Xem thêm: Sau sinh 1 tháng bị ra máu đỏ tươi có nguy hiểm không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin