Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những nguyên nhân tăng nhãn áp mà bạn cần lưu ý

Ngày 27/05/2024
Kích thước chữ

Tăng nhãn áp có nghĩa là áp lực bên trong mắt tăng cao hơn bình thường, có thể không có kèm theo tổn thương dây thần kinh. Việc tìm hiểu nguyên nhân tăng nhãn áp giúp các bác sĩ đánh giá tình hình và lựa chọn hướng điều trị phù hợp.

Tăng nhãn áp là bệnh lý thường gặp ở mắt, gây ra nhiều ảnh hưởng lên thị lực và có thể dẫn đến biến chứng mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị. Cùng chúng tôi tìm hiểu về một số nguyên nhân tăng nhãn áp qua bài viết dưới đây.

Tăng nhãn áp là gì?

Tăng nhãn áp (tên khác là tăng áp lực nội nhãn – IOP) là hiện tượng khi áp lực trong mắt cao hơn bình thường, do thủy dịch trong mắt không thoát ra được. Thủy dịch là chất lỏng trong mắt được tạo ra liên tục, chảy về phía trước mắt, sau đó thoát ra.

Đối với người bình thường, lượng thủy dịch tạo ra sẽ bằng với lượng mất đi, giữ cho áp suất trong nhãn cầu ổn định. Mắt của người có thủy dịch thoát ra không hiệu quả sẽ bị tăng nhãn áp.

Tăng nhãn áp có thể dẫn đến bệnh Glaucoma (hay bệnh thiên đầu thống), xảy ra khi áp lực trong mắt tăng cao, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác. Hệ thống dây thần kinh này liên kết giữa mắt với não, giúp truyền tín hiệu hình ảnh lên não. Nếu bệnh Glaucoma không được điều trị từ sớm, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Nguyên nhân tăng nhãn áp 01
Tăng nhãn áp xảy ra khi có sự tăng áp lực nhãn cầu do tích tụ thủy dịch

Những nguyên nhân tăng nhãn áp

Tích tụ chất lỏng (thủy dịch)

Nhãn áp tăng cao do chất lỏng tích tụ trong mắt không thoát ra được. Chất lỏng này được tạo ra từ bộ phận tiết gọi là thể mi, còn được gọi là thủy dịch.

Thủy dịch được tiết ra nằm trong khoảng giữa khoang giác mạc và thủy tinh thể (tiền phòng) và nằm sau mống mắt (hậu phòng). Thủy dịch có tác dụng tạo áp lực, giúp duy trì hình cầu của mắt và cung cấp dinh dưỡng cho giác mạc và thủy tinh thể.

Khi thủy dịch được thể mi tiết ra nhiều hơn bình thường hoặc hệ thống dẫn thủy dịch giữa các khoang bị trục trặc thì sẽ dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp.

Tuổi tác

Tăng nhãn áp thường xảy ra trong độ tuổi trung niên, đặc biệt ở người trên 40 tuổi. Tuổi tác tăng cao đi cùng với đó là sự suy giảm chức năng thị giác, được xem là nguyên nhân tăng nhãn áp.

Nguyên nhân tăng nhãn áp 02
Nguyên nhân tăng nhãn áp có thể do yếu tố tuổi tác

Dùng thuốc

Nguyên nhân tăng nhãn áp có thể do việc sử dụng thuốc. Một số thuốc có chứa corticoid như prednisolon, dexamethason, betamethason,... có thể làm tăng áp lực trong mắt của bạn. Các hoạt chất này thường có trong các đơn thuốc điều trị bệnh hen phế quản, viêm kết mạc hay viêm xương khớp.

Tác dụng phụ của corticoid làm xuất hiện dấu hiệu tăng nhãn áp khi bạn sử dụng kéo dài trên 2 tuần (đặc biệt là dạng thuốc nhỏ mắt). Khi được bác sĩ kê đơn sử dụng nhóm thuốc này trong dài ngày, bạn cần theo dõi và kiểm tra chức năng mắt.

Giác mạc mỏng hơn bình thường

Người có giác mạc mỏng hơn bình thường sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh tăng nhãn áp hơn. Nguyên nhân là do giác mạc mỏng kéo theo việc chịu áp lực của nó thấp hơn, trong khi lượng dịch do thể mi tạo ra vẫn bình thường.

Tiền sử gia đình

Nếu trong gia đình bạn có người từng bị tăng nhãn áp, bạn cũng sẽ có nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn bình thường. Điều này có nghĩa là nguyên nhân tăng nhãn áp có sự đóng góp của yếu tố di truyền. Do đó, nếu người nhà bạn bị tăng nhãn áp thì bạn cũng nên thăm khám và theo dõi sức khỏe mắt thường xuyên hơn.

Các vấn đề về mắt

Khi bạn bị các tật khúc xạ hoặc có bệnh ở mắt, thì điều này cũng góp phần gây ra tình trạng tăng nhãn áp của bạn. Hai bệnh lý cận thị và tăng nhãn áp tuy khác nhau, nhưng có mối liên quan mật thiết với nhau.

Cụ thể, tăng nhãn áp là một trong những biến chứng khá nguy hiểm của cận thị. Đối với những bệnh nhân cận thị trên 6 diop, thì nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp khi về già sẽ cao hơn bình thường.

Nguyên nhân được giải thích là do khi bị cận thị, đặc biệt là độ cận cao, sẽ làm trục giãn cầu dài ra và căng giãn võng mạc. Lúc này, khi có sự tăng áp lực trong mắt, sẽ rất dễ tổn thương đến các dây thần kinh thị giác.

Ngoài ra, cận thị có thể làm biến đổi độ dày của điểm vàng và cấu trúc các sợi thần kinh võng mạc, yếu tố thúc đẩy tình trạng tăng nhãn áp.

Nguyên nhân tăng nhãn áp 03
Người có độ cận thị cao dễ mắc bệnh tăng nhãn áp khi cao tuổi

Mắc phải một số bệnh lý khác

Tăng nhãn áp có thể là do biến chứng của một số bệnh lý như: tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch,... Nguyên nhân tăng nhãn áp ở các bệnh nhân này là do bệnh làm cho thủy dịch trong mắt dẫn lưu kém, từ đó dịch không thoát ra được, gây ra tăng nhãn áp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn cảm thấy các triệu chứng xuất hiện đột ngột, bao gồm đau đầu và đau mắt dữ dội, thì có thể bạn đã bị tăng nhãn áp cấp tính. Khi đó, việc chẩn đoán và điều trị cần được thực hiện ngay, nhằm cải thiện triệu chứng và ngăn chặn dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Tăng nhãn áp góc đóng hay còn gọi là tăng nhãn áp cấp tính, xảy ra do sự tích tụ và tăng lên nhanh chóng áp lực trong mắt. Một số triệu chứng có thể gặp như:

  • Tầm nhìn mờ hoặc bị thu hẹp.
  • Đau dữ dội trong mắt.
  • Mắt thấy được quầng sáng hoặc có “cầu vồng” quanh bóng đèn.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Đau đầu.

Các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp cấp tính có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng bệnh khác tại mắt. Do đó, khi bạn gặp các vấn đề về tầm nhìn và thị lực, bạn cần nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và ngăn chặn mù lòa.

Chẩn đoán

Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ xem xét tiền sử bệnh lý và làm một số bài kiểm tra cho đôi mắt của bạn. Một số xét nghiệm mắt dưới đây sẽ được thực hiện để chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp, bao gồm:

  • Kiểm tra thị lực: Bài kiểm tra biểu đồ mắt, giúp đo lường khả năng mắt bạn có thể nhìn thấy vật thể ở các khoảng cách xa dần.
  • Đồng tử giãn: Mở rộng đồng tử bằng thuốc nhỏ mắt, sau đó các bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra dây thần kinh thị giác và võng mạc của bạn.
  • Đo tầm nhìn ngoại vi: Thử nghiệm này giúp đánh giá khả năng nhìn hai bên hoặc ngoại vi của bạn. Mất tầm nhìn ngoại vi là dấu hiệu giúp định hướng bệnh tăng nhãn áp.
  • Xét nghiệm Tonometry: Đây là xét nghiệm tiêu chuẩn, giúp tính toán áp suất chất lỏng (thủy dịch) bên trong mắt.
  • Kiểm tra hình ảnh thần kinh thị giác: Hình ảnh của dây thần kinh thị giác giúp quan sát và phát hiện các khu vực bị tổn thương.
  • Soi mắt: Một ống kính được đặt trên mắt, giúp quan sát vùng được gọi là góc thoát nước, là nơi chất lỏng chảy ra. Thử nghiệm này xác định xem góc dẫn lưu có hoạt động bình thường hay không.
Nguyên nhân tăng nhãn áp 04
 Xét nghiệm Tonometry giúp tính toán áp suất trong mắt của bạn

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin về nguyên nhân tăng nhãn áp và triệu chứng cần có sự chăm sóc của nhân viên y tế. Việc thường xuyên theo dõi và thăm khám mắt là rất quan trọng, giúp bạn bảo vệ tốt sức khỏe cho “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin