Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Mỗi ngày, chúng ta đều sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sắp xếp và bảo quản thực phẩm đúng cách. Cùng tìm hiểu những sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cần tránh để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Bảo quản thực phẩm không đúng cách trong tủ lạnh không chỉ làm giảm chất lượng thực phẩm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Những thói quen tưởng chừng vô hại có thể khiến thức ăn của bạn nhanh hỏng, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm. Bài viết này sẽ giúp bạn phát hiện ra những sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cần tránh và đưa ra lời khuyên hữu ích để bảo quản thực phẩm tốt hơn.
Thức ăn thừa không được bọc hoặc đậy kín dễ trở thành nơi vi khuẩn sinh sôi và có nguy cơ lây nhiễm chéo với các thực phẩm khác. Việc bọc thực phẩm bằng bao bì kín khí hoặc sử dụng hộp đựng thực phẩm chuyên dụng không chỉ giữ nguyên hương vị mà còn ngăn chặn vi khuẩn và nấm mốc xâm nhập. Đồng thời, việc đậy kín còn ngăn ngừa mùi từ thực phẩm khác lẫn vào món ăn, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Túi nilon thường được sử dụng vì tính tiện lợi, nhưng đây không phải là lựa chọn an toàn. Một số loại túi nilon chứa chất tạo màu hoặc hóa chất độc hại, có nguy cơ gây ung thư nếu tiếp xúc với thực phẩm. Để bảo vệ sức khỏe, nên ưu tiên sử dụng hộp thủy tinh, hộp nhựa chuyên dụng hoặc túi bảo quản thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn.
Một quan niệm sai lầm phổ biến là đợi thức ăn nguội hoàn toàn mới bảo quản trong tủ lạnh. Thực phẩm sau khi chế biến sẽ dần nguội từ mức nhiệt 100 độ C. Khi nhiệt độ hạ xuống 60 độ C, vi khuẩn bắt đầu phát triển, và ở khoảng 30-40 độ C, chúng sinh sôi rất nhanh. Nếu không bảo quản kịp thời, thức ăn dễ bị hư hỏng và chứa nhiều vi khuẩn có hại.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên đưa thức ăn vào tủ lạnh khi còn ở nhiệt độ khoảng 70-80 độ C, đồng thời bọc kín bằng màng bọc thực phẩm hoặc sử dụng hộp bảo quản nhằm ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập.
Cấp đông lại thực phẩm là một sai lầm nghiêm trọng vì nó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh. Sau khi rã đông, thực phẩm nên được sử dụng ngay và không nên đưa vào tủ đông lần nữa. Nếu không sử dụng hết, phần thừa cần được bảo quản riêng trong hộp kín và tiêu thụ càng sớm càng tốt. Việc cấp đông và rã đông nhiều lần không chỉ làm giảm chất lượng mà còn tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Thực phẩm chưa được làm sạch như rau củ, thịt cá tươi sống chứa nhiều vi khuẩn có hại như E.coli, Salmonella, Listeria, gây ngộ độc và các bệnh lý đường tiêu hóa. Vì vậy, cần rửa sạch và thấm khô thực phẩm trước khi bảo quản. Việc này không chỉ loại bỏ vi khuẩn mà còn giảm độ ẩm - yếu tố tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
Việc để thực phẩm tươi sống chung với thực phẩm đã chế biến làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn. Nên sắp xếp thực phẩm vào các ngăn riêng biệt theo loại như: Thịt tươi sống, rau củ chưa chế biến và thức ăn chín.
Thịt sống, hải sản và trứng cần được bảo quản ở ngăn có nhiệt độ lạnh nhất để duy trì độ tươi. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra tủ lạnh để loại bỏ thực phẩm quá hạn, nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm của vi khuẩn. Đặc biệt, cánh tủ lạnh không thích hợp để bảo quản trứng hoặc sữa vì nhiệt độ không ổn định.
Thực phẩm để quá lâu trong tủ lạnh dễ bị hỏng và mất đi giá trị dinh dưỡng. Một số loại như rau, nấm khi bảo quản qua đêm có thể làm tăng nitrite - một hợp chất gây hại, có nguy cơ dẫn đến ung thư nếu hấp thụ lâu dài. Gỏi, nộm và các thực phẩm không qua chế biến nhiệt cũng dễ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng nếu lưu trữ lâu.
Tủ lạnh sử dụng lâu ngày có thể trở thành nơi tích tụ vi khuẩn và mùi hôi, gây lây nhiễm chéo và giảm chất lượng thực phẩm. Gia đình nên khử mùi, diệt khuẩn tủ lạnh ít nhất mỗi tháng một lần, cần loại bỏ thực phẩm hư hỏng, lau chùi kỹ từng ngăn tủ và xử lý các vết bẩn. Việc này không chỉ giúp duy trì môi trường bảo quản sạch sẽ mà còn kéo dài tuổi thọ của tủ lạnh.
Trên đây là những sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cần tránh mà chúng tôi đã tổng hợp và cung cấp đến bạn đọc. Việc bảo quản thực phẩm đúng cách không chỉ đảm bảo an toàn cho bữa ăn hàng ngày mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Hãy luôn chú ý thực hiện những biện pháp khoa học để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn thực phẩm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi có hệ miễn dịch kém.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.