Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bupropion: Thuốc chống trầm cảm khác

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Bupropion (bupropion)

Loại thuốc

Thuốc chống trầm cảm khác

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 150 mg

Chỉ định

  • Biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá kết hợp với hỗ trợ động lực ở những bệnh nhân phụ thuộc vào nicotine.
  • Điều trị trầm cảm.
  • Điều trị trầm cảm theo mùa.
  • Điều trị trầm cảm liên quan đến lưỡng cực.

Dược lực học

Bupropion là một chất ức chế chọn lọc sự tái hấp thu noradrenaline và dopamine, ít tác dụng lên việc tái hấp thu serotonin và không ức chế monoamine oxidase. Cơ chế điều trị cai thuốc vẫn chưa được biết rõ.

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu tốt qua đường tiêu hóa sau khi uống. 

Phân bố

Hơn 80% liên kết với albumin huyết tương. Phân bố vào sữa mẹ.

Chuyển hóa

Chuyển hoá ở gan.

Thải trừ

Thải trừ qua nước tiểu (87%) và phân (10%), chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Khi dùng chung với bupropion, các thuốc có khoảng trị liệu hẹp được chuyển hoá qua CYP2D6 như desipramine, imipramine, paroxetine, risperidone, thioridazine, metoprolol, propafanone, flecainide có thể cần phải giảm liều. 

Bupropion có thể làm giảm nồng độ digoxin

Các thuốc ảnh hưởng đến CYP2B6 (cyclophosphamide, ifosfamide, orphenadrine, ticlopidine, clopidogrel) có thể làm tăng nồng độ bupropion và giảm nồng độ chất chuyển hóa có hoạt tính. 

Thận trọng khi dùng chung bupropion với các thuốc cảm ứng chuyển hóa (carbamazepine, phenytoin, ritonavir, efavirenz) hoặc ức chế chuyển hóa (valproate).

Thận trọng khi dùng chung bupropion với levodopa hoặc amantadine.

Chống chỉ định

  • Rối loạn co giật.
  • Tiền sử chán ăn tâm thần hoặc chứng ăn vô độ.
  • Bệnh nhân đang dùng bất kỳ thuốc khác chứa bupropion (ví dụ: Để cai thuốc lá, sử dụng thuốc chống trầm cảm) vì nguy cơ co giật phụ thuộc vào liều lượng.
  • Bệnh nhân đang ngừng đột ngột rượu hoặc thuốc an thần (bao gồm benzodiazepine).
  • Bệnh nhân hiện đang dùng hoặc mới dùng (trong vòng 2 tuần) thuốc ức chế monoamine oxidase (thuốc ức chế MAO).
  • Quá mẫn với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Khối u thần kinh trung ương
  • Xơ gan nặng.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Trầm cảm

  • Viên nén thông thường (phóng thích tức thời): Khởi đầu 100 mg x 2 lần/ngày hoặc 75 mg x 3 lần/ngày. Nếu không cải thiện rõ rệt trên lâm sàng sau hơn 3 ngày, có thể tăng liều lên 100 mg x 3 lần/ngày. Liều > 300 mg không nên dùng cho đến khi đã điều trị được vài tuần. Nếu không có cải thiện rõ ràng, có thể tăng liều lên 150 mg x 3 lần/ngày. Liều dùng không được tăng quá 100 mg mỗi 3 ngày. Nếu không cải thiện với liều 450 mg mỗi ngày, nên ngừng thuốc.
  • Viên nén bao phim, phóng thích kéo dài (dạng SR): Ban đầu, 150 mg x 1 lần / ngày vào buổi sáng. Nếu dung nạp được, có thể tăng lên 150 mg x 2 lần / ngày vào đầu ngày thứ tư của liệu pháp. Liều > 300 mg mỗi ngày không nên được xem xét cho đến khi đã điều trị được vài tuần. Sau đó, nếu không có cải thiện rõ ràng, có thể tăng liều lên 200 mg x 2 lần / ngày.
  • Viên nén giải phóng kéo dài (dạng XL): Ban đầu, 150 mg x 1 lần / ngày. Nếu dung nạp được, có thể tăng lên 300 mg x 1 lần / ngày vào đầu ngày thứ 4 của liệu pháp. Liều > 300 mg không nên được xem xét cho đến khi đã điều trị được vài tuần. Sau đó, nếu không có cải thiện rõ ràng, có thể tăng liều lên 450 mg một lần mỗi ngày.

Trầm cảm theo mùa

  • Viên nén phóng thích kéo dài (dạng XL): Bắt đầu điều trị vào mùa thu trước khi xảy ra các triệu chứng trầm cảm; tiếp tục điều trị qua mùa đông và giảm dần và ngừng vào đầu mùa xuân. Cá thể hóa thời điểm bắt đầu và thời gian điều trị dựa trên tiền sử của bệnh nhân về các giai đoạn trầm cảm theo mùa.
  • Ban đầu, 150 mg một lần mỗi ngày vào buổi sáng. Nếu dung nạp được, có thể tăng liều sau 1 tuần lên 300 mg x 1 lần / ngày. Nếu không dung nạp được liều lượng này, giảm liều lại còn 150 mg một lần mỗi ngày. Liều mục tiêu thông thường là 300 mg x 1 lần / ngày vào buổi sáng. Đối với bệnh nhân dùng 300 mg một lần mỗi ngày trong thời kỳ thu đông, liều lượng giảm dần đến 150 mg một lần mỗi ngày trong 2 tuần trước khi ngừng sử dụng.

Cai thuốc lá

  • Viên nén bao phim, phóng thích kéo dài: Ban đầu, 150 mg mỗi ngày trong 3 ngày đầu điều trị. Bắt đầu 1–2 tuần trước khi ngừng hút thuốc lá. Duy trì, 150 mg x 2 lần / ngày. Tiếp tục điều trị trong 7-12 tuần. Đánh giá nhu cầu điều trị kéo dài dựa trên đánh giá từng bệnh nhân.
  • Điều trị cai thuốc lá kết hợp viên nén bupropion giải phóng kéo dài và miếng dán nicotine qua da: Ban đầu, 150 mg mỗi ngày, và sau 3 ngày tăng lên 150 mg hai lần mỗi ngày khi vẫn hút thuốc. Sau khoảng 1 tuần điều trị, khi bệnh nhân dự kiến ​​ngừng hút thuốc, bắt đầu điều trị bằng nicotine qua da với liều lượng 21 mg / 24 giờ.

Trầm cảm liên quan đến rối loạn lưỡng cực

  • Khoảng liều 75-400 mg/ngày, phối hợp với một thuốc ổn định cảm xúc (ví dụ: Carbamazepine, lithium, valproate).

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Phản ứng quá mẫn như mày đay, trầm cảm, mất ngủ, kích động, lo lắng, run, rối loạn tập trung, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn vị giác, khô miệng, rối loạn tiêu hóa bao gồm buồn nôn và nôn, đau bụng, táo bón, phát ban, ngứa, đổ mồ hôi, sốt.

Ít gặp 

Chán ăn, hoang mang, rối loạn thị giác, ù tai, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp (đôi khi nghiêm trọng), đỏ bừng, đau ngực, suy nhược.

Hiếm gặp

Các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng bao gồm phù mạch, khó thở / co thắt phế quản và sốc phản vệ, rối loạn đường huyết, khó chịu, thù địch, ảo giác, mất nhân cách, những giấc mơ bất thường bao gồm cả ác mộng, ảo tưởng, lý tưởng hoang tưởng, bồn chồn, hung hăng, động kinh, loạn trương lực cơ, mất điều hòa, Parkinson, mất phối hợp, suy giảm trí nhớ, loạn cảm, ngất, đánh trống ngực, giãn mạch, hạ huyết áp tư thế, tăng men gan, vàng da, viêm gan, hồng ban đa dạng và hội chứng Stevens-Johnson cũng đã được báo cáo. Đợt cấp của bệnh vẩy nến, co giật, bí tiểu, tiểu không tự chủ.

Lưu ý

Lưu ý chung

Co giật, động kinh

  • Không dùng quá liều khuyến cáo của bupropion vì thuốc có nguy cơ gây co giật liên quan đến liều lượng. Nguy cơ co giật tăng lên ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ làm giảm ngưỡng co giật. Ở những bệnh nhân này, nên cân nhắc liều tối đa 150 mg mỗi ngày dạng viên nén phóng thích kéo dài trong suốt thời gian điều trị.
  • Các yếu tố nguy cơ đó bao gồm: Dùng đồng thời các thuốc làm giảm ngưỡng co giật (thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống sốt rét, tramadol, theophylline, steroid toàn thân, quinolone và thuốc kháng histamine an thần), lạm dụng rượu, tiền sử chấn thương đầu, đái tháo đường được điều trị bằng thuốc hạ đường huyết hoặc insulin, sử dụng chất kích thích hoặc các sản phẩm gây biếng ăn. Ngưng dùng bupropion và không khuyến cáo dùng thuốc ở những bệnh nhân bị co giật khi đang điều trị.

Tác dụng lên tâm thần kinh

  • Các phản ứng tâm thần kinh đã được báo cáo. Đặc biệt, triệu chứng loạn thần và hưng cảm đã được báo cáo chủ yếu ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần.

Phản ứng quá mẫn

  • Nên ngưng thuốc nếu bệnh nhân gặp các phản ứng quá mẫn trong quá trình điều trị. Các triệu chứng bao gồm phát ban da, ngứa, nổi mày đay, đau ngực, các phản ứng nghiêm trọng hơn như phù mạch, khó thở/co thắt phế quản, sốc phản vệ, ban đỏ đa dạng hoặc Hội chứng Stevens-Johnson.

Tăng huyết áp

  • Trong thực hành lâm sàng, tăng huyết áp, trong một số trường hợp có thể nặng và cần điều trị cấp tính, đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng bupropion một mình và kết hợp với liệu pháp thay thế nicotine. Nên đo huyết áp ban đầu khi bắt đầu điều trị cùng với việc theo dõi sau đó, đặc biệt ở những bệnh nhân đã có tăng huyết áp từ trước. 

Hội chứng serotonin

  • Hội chứng serotonin có thể xảy ra khi bupropion được sử dụng đồng thời với một tác nhân serotonergic, như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin norepinephrine (SNRI). Nếu cần dùng chung, nên theo dõi chặt chẽ bệnh nhân, đặc biệt trong thời gian bắt đầu điều trị và tăng liều.

Người cao tuổi

  • 150 mg x 1 lần / ngày là liều khuyến cáo ở người cao tuổi.

Bệnh nhân suy gan nhẹ - trung bình

  • Liều khuyến cáo là 150 mg x 1 lần / ngày dạng viên nén phòng thích kéo dài. Tất cả bệnh nhân suy gan cần được theo dõi chặt chẽ về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra (ví dụ: Mất ngủ, khô miệng, co giật).

Bệnh nhân suy thận

  • Liều khuyến cáo là 150 mg x 1 lần / ngày dạng viên nén phòng thích kéo dài.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Bupropion không nên được sử dụng trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai nên được khuyến khích bỏ thuốc lá mà không sử dụng thuốc điều trị.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Bupropion và chất chuyển hóa được bài tiết qua sữa mẹ. Cần đánh giá lợi ích và nguy cơ để quyết định nên ngưng cho con bú hay nên không điều trị bằng bupropion.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Bupropion có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động đòi hỏi khả năng phán đoán hoặc kỹ năng vận động và nhận thức. Bupropion cũng được ghi nhận là có thể gây chóng mặt và choáng váng. Do đó, bệnh nhân nên thận trọng trước khi lái xe hoặc sử dụng máy móc cho đến khi biết chắc rằng thuốc không ảnh hưởng xấu đến hoạt động.

Quá liều

Quá liều Bupropion và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng: Tăng các tác dụng không mong muốn, buồn ngủ, mất ý thức, thay đổi điện tâm đồ, loạn nhịp tim và nhịp tim nhanh. 

Cách xử lý khi quá liều

Nên nhập viện, theo dõi điện tâm đồ và sinh hiệu. Đảm bảo đường thở, oxy và thông khí đầy đủ. Nên sử dụng than hoạt tính. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Các sản phẩm có thành phần Bupropion

  1. Thuốc Breakin Davi Pharm điều trị rối loạn trầm cảm (3 vỉ x 10 viên)