Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nói lắp ở trẻ 2 tuổi: Nguyên nhân và cách chữa trị

Ngày 22/05/2022
Kích thước chữ

Độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi là thời điểm trẻ phát triển mạnh về khả năng ngôn ngữ và cũng là độ tuổi trẻ dễ bị nói lắp. Trong bài viết này, Nhà Thuốc Long Châu sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản về nói lắp ở trẻ 2 tuổi, nguyên nhân và cách chữa trị.

Đa số chúng ta trong thời kỳ thơ ấu đều không thể diễn đạt ngôn ngữ một cách trôi chảy, có thể lặp lại từ nhiều lần mới nói hết được câu, tuy nhiên, biểu hiện này sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Như vậy, trong trường hợp nào mới được coi là nói lắp ở trẻ 2 tuổi?

Nói lắp ở trẻ 2 tuổi: Nguyên nhân và cách chữa trị 1 Nói lắp ở trẻ 2 tuổi biểu hiện như thế nào?

Nói lắp ở trẻ 2 tuổi là gì?

Nói lắp ở trẻ 2 tuổi là tình trạng rối loạn ngôn ngữ với biểu hiện là sự lặp lại hay kéo dài một từ hay một âm tiết ở trẻ 2 tuổi dẫn đến kéo dài thời gian nói của một câu. Nói lắp ở trẻ có thể nặng hơn nếu trẻ đang căng thẳng hoặc phải nói chuyện trước đám đông.

Cùng với việc mất trôi chảy về câu từ, trẻ có thể kèm theo một số bất thường về cử động như run môi hoặc chớp mắt liên tục. Điểm đặc biệt của nói lắp ở trẻ 2 tuổi là trẻ biết chính xác những gì mình muốn nói nhưng không thể hoàn thành câu nói một cách liên tục được.

Nguyên nhân nói lắp ở trẻ 2 tuổi

Hiện nay, các nhà khoa học chưa tìm ra được đầy đủ và rõ ràng về các nguyên nhân gây nói lắp ở trẻ 2 tuổi. Tuy nhiên, một số nguyên nhân sau được đa số các chuyên gia đồng thuận.

Nói lắp bình thường

Giai đoạn 2 tuổi đến 6 tuổi là thời điểm trẻ phát triển về cách biểu đạt ngôn ngữ, do vậy đa số trẻ trong độ tuổi này sẽ có nói lắp. Đó được coi là tình trạng nói lắp bình thường và tình trạng này sẽ hết trong vòng 6 tháng. Nếu quá thời gian này, có thể nói lắp là một bệnh lý cần lưu tâm.

Nói lắp trong quá trình phát triển có thể do trẻ còn hạn chế về mặt từ ngữ và khả năng liên kết các từ trong câu, trẻ có thể hết nói lắp khi vốn từ của trẻ trở nên phong phú hơn. 

Một số trường hợp, trẻ láu táu muốn biểu đạt một câu nhanh chóng cũng có thể nói lặp lại một số từ trong câu. Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ cần nhắc nhở và sửa cho trẻ để tránh hình thành thói quen xấu.

Nói lắp do yếu tố di truyền

Nói lắp ở trẻ 2 tuổi có thể do gen di truyền quy định. Các nguyên cứu chỉ ra rằng có đến 60% các trường hợp nói lắp thì các thành viên trong gia đình cũng có tật nói lắp khi còn nhỏ như bố, mẹ, các anh chị em ruột...

Nói lắp do nguyên nhân thần kinh

Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, một số trường hợp nói lắp có chức năng ngôn ngữ tại não bộ khác biệt hơn so với người bình thường. Từ đó, cản trở sự dẫn truyền giữa não và các cơ tham gia vào vận động ngôn ngữ.

Nói lắp do nguyên nhân thần kinh thường ít gặp hơn, thường xuất hiện sau một chấn thương sọ não có thể do tai nạn giao thông, ngã hoặc do va chạm vùng đầu.

Như vậy, nói lắp ở trẻ 2 tuổi có thể đến từ tổn thương não vùng chi phối lời nói hoặc tổn thương tại dây thần kinh trong não khiến quá trình thiết lập và kiểm soát các cơ sử dụng để nói bị rối loạn, trẻ có thể có nói lắp hoặc nói ngọng.

Ngoài ra, một vài yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng nói lắp ở trẻ 2 tuổi như:

  • Giới tính: Thường trẻ nam có khả năng nói lắp lớn hơn trẻ nữ từ 2 - 3 lần.
  • Cảm xúc: Khi trẻ quá sợ hãi, căng thẳng hoặc bị trêu đùa có thể làm gia tăng tình trạng nói lắp.
  • Môi trường: Nếu xung quanh trẻ có những người nói nhanh hoặc nói lắp thì trẻ sẽ rất nhanh bị ảnh hưởng và học theo.

Biểu hiện của nói lắp ở trẻ 2 tuổi

Các dấu hiệu của nói lắp ở trẻ thường thay đổi theo từng thời điểm như:

  • Khi trẻ căng thẳng hoặc phải nói chuyện với người lạ hoặc nói chuyện điện thoại triệu chứng nói lắp thường nặng thêm.
  • Khi hát hoặc đọc đồng thanh, triệu chứng nói lắp có thể giảm đi.
  • Ngoài ra, một số trẻ nói lắp sẽ dùng những âm thanh khác trong câu hoặc né tránh việc phải nói chuyện.
  • Nói lặp ở trẻ 2 tuổi cũng có thể có biểu hiện là trẻ kéo dài âm tiết của một từ hoặc dừng lại đột ngột khi chưa nói hết câu.
  • Bên cạnh đó, trẻ nói lắp có thể có vẻ mặt lo lắng hoặc khó chịu khi nói chuyện.

Khi nào trẻ 2 tuổi bị nói lắp cần đi khám?

Dưới đây là một số trường hợp nói lắp nặng, cần đến gặp bác sĩ để tìm cách xử trí:

  • Thời gian nói lắp của trẻ 2 tuổi kéo dài hơn 6 tháng.
  • Trẻ nói lắp tăng dần về cả số lượng từ lặp lại và tần suất nói lắp.
  • Nói lắp ở trẻ 2 tuổi kèm theo một rối loạn ngôn ngữ khác.
  • Trẻ thấy căng thẳng hoặc khó chịu mỗi khi nói chuyện, thậm chí né tránh nói chuyện.
  • Các thành viên trong gia đình cũng có tật nói lắp lúc nhỏ.

Chữa nói lắp ở trẻ 2 tuổi như thế nào?

Dựa vào nguyên nhân, độ tuổi và mục tiêu giao tiếp mà cách chữa trị nói lắp sẽ khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, nói lắp ở trẻ 2 tuổi nếu được chữa trị sớm, kịp thời có thể ngăn ngừa tật nói lắp suốt đời cho trẻ.

Nếu trẻ có các dấu hiệu tăng dần của bệnh như trên thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán xác định xem có cần can thiệp điều trị y khoa không. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thuốc điều trị nói lắp mà chủ yếu dựa vào các liệu pháp thay đổi hành vi của trẻ đến từ các bác sĩ cùng với sự phối hợp của gia đình.

Lưu ý trong chữa nói lắp ở trẻ 2 tuổi

Để chữa trị nói lắp ở trẻ 2 tuổi hiệu quả thì sự động viên và hỗ trợ của cha mẹ đóng vai trò quan trọng. Cha mẹ cần giúp đỡ trẻ trong giai đoạn này bằng cách:

  • Thay đổi thói quen nói chuyện với trẻ: Cố gắng giao tiếp với trẻ chậm rãi và khuyến khích các thành viên gia đình cùng làm theo.
  • Lắng nghe điều trẻ muốn nói, không tỏ ra cáu giận hay mất kiên nhẫn khi trẻ nói lắp.
  • Không ngắt lời, đưa ra các câu mệnh lệnh để yêu cầu trẻ nói chậm lại hoặc nói lại câu trước đó khi trẻ đang nói chuyện.
  • Giữ bầu không khí yên tĩnh khi trẻ nói chuyện.
  • Không nói nhại hoặc trêu đùa những câu nói lắp của trẻ.
Nói lắp ở trẻ 2 tuổi: Nguyên nhân và cách chữa trị 4 Chữa nói lắp ở trẻ 2 tuổi cần sự hỗ trợ từ cha mẹ

Tóm lại, nói lắp ở trẻ 2 tuổi thường khá phổ biến, hiểu được nguyên nhân và các chữa trị sẽ giúp cha mẹ sửa được tật nói lắp cho trẻ sớm và tránh biến chứng cả đời của trẻ. Nhà thuốc Long Châu hi vọng qua bài viết trên cha mẹ đã phần nào hiểu rõ hơn về chủ đề này.

Ánh Vũ

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin