Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nói lắp đột quỵ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 11/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một trong những rối loạn ngôn ngữ hay gặp sau đột quỵ là nói lắp. Vậy, nói lắp đột quỵ ảnh hưởng như thế nào tới người bệnh? Bài viết này sẽ mang đến những thông tin về nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả chứng nói lắp đột quỵ.

Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là hiện tượng não bị ngừng lưu lượng máu cung cấp nuôi dưỡng cho não, gây tổn thương còn hồi phục hoặc không hồi phục về vận động, cảm giác hoặc ngôn ngữ. Do vậy, sau cơn đột quỵ, người bệnh có khả năng xuất hiện tình trạng nói lắp.

Hãy cùng tìm hiểu về nói lắp đột quỵ và những vấn đề liên quan qua bài viết dưới đây nhé!

Thế nào là nói lắp đột quỵ?

Nói lắp là một rối loạn sự lưu loát ngôn ngữ, trong đó có khó khăn trong việc phát âm một cách bình thường. Khi giao tiếp, người bệnh thường nói một cách rời rạc, ngắt quãng, gián đoạn, khó phát âm, lặp lại câu, từ nhiều lần… Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nói lắp, trong đó có nói lắp do thần kinh của người bệnh bị ảnh hưởng sau cơn đột quỵ.

Tùy vào mức độ và vị trí tổn thương trên não và vỏ não mà các vấn đề người bệnh gặp phải là khác nhau. Nói lắp đột quỵ thường xảy ra trong thời kỳ trưởng thành ở những người chưa có bất kỳ rối loạn ngôn ngữ nào trước đó, chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian hoặc tiến triển, mắc phải đến suốt cuộc đời.

Nói lắp đột quỵ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1 Nói lắp đột quỵ có thể kéo dài đến suốt cuộc đời

Vì sao người bệnh bị nói lắp sau cơn đột quỵ?

Sau tai biến mạch máu não, có tới 40% các trường hợp có rối loạn ngôn ngữ. Khi bị tổn thương, các vị trí có chức năng liên quan tới ngôn ngữ bị nuôi dưỡng kém, người bị tai biến sẽ mất các khả năng mất ngôn ngữ khác nhau:

  • Vùng sinh ngôn ngữ bị tổn thương: Tỷ lệ hay gặp nhất, mặc dù hiểu những gì mình nói nhưng những người nói lắp trong trường hợp này lại khó hoặc không nói ra được những gì mình muốn diễn tả. Tùy vào mức độ tổn thương, nhẹ có thể nói nhưng khả năng nói khó khăn, nặng thì có thể rơi vào tình trạng ú ớ, im lặng, làm cho người nghe không hiểu được vấn đề.
  • Vùng hiểu ngôn ngữ bị tổn thương: Tuy rằng, người bệnh nói được nhưng khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ lại rất ít.
  • Vùng dẫn truyền giữa vùng hiểu ngôn ngữ và vùng sinh ngôn ngữ bị tổn thương: Người bệnh có khả năng hiểu và nói nhưng lặp lại câu nói của bản thân hoặc của người khác nhiều lần.
  • Toàn thể các vùng liên quan đến chức năng ngôn ngữ bị tổn thương: Tổn thương loại này rất nặng, người bệnh vừa hiểu kém, nói kém và lặp lại kém.

Triệu chứng của nói lắp đột quỵ

Nói lắp đột quỵ có thể được chẩn đoán nếu quan sát thấy một trong những dấu hiệu dưới đây sau khi bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ:

  • Gián đoạn hoặc ngắt quãng trong quá trình nói một cách bất ngờ, không thích hợp trong hoàn cảnh nói.
  • Lặp lại các từ, cụm từ hoặc các thành phần trong từ (âm thanh hoặc âm tiết, kéo dài âm thanh).
  • Bổ sung các thành phần không liên quan trong quá trình nói như ừm, à...
  • Khó bắt đầu một từ, cụm từ khi nói.
  • Rối loạn cảm xúc khi nói, ví dụ như căng thẳng quá mức, lo âu, run sợ...
  • Các triệu chứng kèm theo khi nói như: Căng cứng phần trên cơ thể, căng da mặt, nắm chặt tay, run môi, run hàm... Những triệu chứng này có thể xuất phát từ sự nỗ lực của người nói để vượt qua hoặc cố che giấu tình trạng họ đang gặp phải trong việc tạo ra giọng nói bình thường.
Nói lắp đột quỵ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2 Triệu chứng nói lắp ở bệnh nhân đột quỵ khá đa dạng

Các vấn đề người bị nói lắp đột quỵ thường gặp phải

Một số yếu tố nguy cơ có thể gây nên đột quỵ não như: Tiền sử bị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, bệnh tim, bệnh về mạch máu, rối loạn đông máu, xuất huyết, bệnh tự miễn... hoặc những người béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, căng thẳng thường xuyên... cũng có thể là những vấn đề thuận lợi khởi phát bệnh đột quỵ.

Khi bị đột quỵ, bên cạnh nói lắp, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng như:

  • Tổn thương vận động: Liệt nửa người hoặc liệt toàn thân, khó cử động, co cứng chi...
  • Tổn thương cảm giác: Tê bì, dị cảm, rối loạn, mất cảm giác.
  • Các vấn đề về thị giác: Giảm, mất thị lực một hoặc cả hai mắt.
  • Các vấn đề về tâm thần kinh: Giảm, mất trí nhớ, động kinh, trầm cảm...
  • Tổn thương về ngôn ngữ: Mất chức năng nói, khó nói, nói không đầy đủ, nói vô nghĩa, không hiểu ngôn ngữ, nói lắp...

Người bệnh nói lắp đột quỵ bên cạnh tổn thương về thần kinh thì còn có thể có có sự tổn thương tâm thần, cảm giác thiếu tự tin, trầm cảm, ngại ngùng về bản thân trước người khác.

Khả năng hồi phục cần kiên trì, lâu dài để cải thiện có thể một phần hoặc toàn bộ các vấn đề khuyết thiếu của người bệnh.

Nói lắp đột quỵ có chữa được không?

Không có phương pháp duy nhất nào có hiệu quả trong việc điều trị nói lắp đột quỵ. Điều quan trọng đầu tiên của người bệnh đột quỵ đó là tái thông sự tổn thương mạch máu sớm nhất, kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể gây ra cơn đột quỵ não, phục hồi chức năng tổn thương khiếm khuyết của người bệnh. Điều này, giúp giảm tỷ lệ tái phát bệnh, tỷ lệ biến chứng, di chứng và giảm tỷ lệ tử vong cho người đột quỵ não.

Không phải trường hợp nói lắp đột quỵ nào cũng có thể chữa khỏi, việc cải thiện có thể diễn ra nhanh là vài tuần, vài tháng, hoặc cũng có thể tới hàng năm, vài năm. Bên cạnh một số phương pháp phổ biến được sử dụng như: Ngôn ngữ trị liệu, nhận thức trị liệu, tâm lý trị liệu, hoạt động trị liệu... để phục hồi chức năng cho người nói lắp đột quỵ thì các phòng ngừa đột quỵ cũng nên được thực hiện để giảm tình trạng nói lắp và đột quỵ tiến triển, tái phát.

 Một số phương pháp phòng ngừa nói lắp đột quỵ bao gồm:

  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý hàng ngày, hạn chế đồ ăn nhiều dầu, mỡ, nhiều phụ gia, thức ăn nhanh, thức uống có cồn, có ga...; ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và vitamin như: Rau xanh, hoa quả...
  • Tập thể dụng, vận động, lăn trở người thường xuyên để chăm sóc sức khỏe sau tai biến.
  • Thoải mái, thư giãn cơ thể nhiều nhất khi có thể.
Nói lắp đột quỵ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3 Phòng ngừa nói lắp đột quỵ bằng việc xây dựng lối sống lành mạnh

Cách điều trị nói lắp sau cơn đột quỵ hiệu quả

Ngôn ngữ trị liệu

Khi gặp vấn đề nói lắp đột quỵ thì bạn cần tới gặp chuyên gia, bác sĩ ngôn ngữ để được đánh giá, khám tổng quát về mức độ tổn thương và khả năng tập luyện, hồi phục. Các buổi tập với chuyên gia sẽ được thực hiện từ cơ bản đến phức tạp hơn, học cá nhân hoặc tham gia nhóm để giúp cải thiện ngôn ngữ và khả năng giao tiếp cho người đột quỵ.

Tâm lý trị liệu

Tổn thương về tâm lý, tâm thần thường đi kèm với tổn thương ngôn ngữ ở người bệnh đột quỵ. Vì vậy, người bệnh cần tới gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý học để giúp giải quyết các vấn đề mắc phải của người bệnh về mặt tinh thần.

Phần mềm học ngôn ngữ

Phần mềm học ngôn ngữ dành cho người đột quỵ giúp họ cải thiện khả năng học ngôn ngữ bị tổn thương, học bằng hình ảnh trực quan và âm thanh. Người bệnh có thể dùng tay để nhấn vào các biểu tượng, ghép câu, nghe đọc mẫu và phát âm theo.

Ngoài chiến lược trị liệu ngôn ngữ của bác sĩ, chuyên gia thì việc chăm sóc, tập luyện và động viên của gia đình, người thân, bạn bè sẽ giúp ích cho người bệnh có thể rút ngắn thời gian trị liệu, cải thiện tình trạng nói lắp một cách tích cực hơn.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về nói lắp đột quỵ và các vấn đề liên quan. Hy vọng bài viết trên có thể giải đáp được những thắc mắc của các bạn đọc, và đừng quên thường xuyên theo dõi trang web của Nhà Thuốc Long Châu để liên tục cập nhật những thông tin sức khỏe khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm