Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nói lắp là một tình trạng giao tiếp không trôi chảy thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trong độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu kĩ hơn các thông tin về nói lắp ở trẻ 3 tuổi để giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp cũng như trong cuộc sống nhé!
Nói lắp thường xuất hiện khi trẻ mới bắt đầu học cách kết hợp các từ để nói thành câu dài hơn. Do đó nói lắp ở trẻ 3 tuổi là vấn đề rất phổ biến. Tiến triển của tật nói lắp khác nhau với từng trường hợp, có những trẻ tự cải thiện được tật nói lắp khi trẻ lớn lên nhưng cũng có những trẻ khi học tiểu học vẫn nói lắp. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về cách điều trị nói lắp ở trẻ 3 tuổi nhé!
Nói lắp là một vấn đề về phát âm khiến trẻ khó có thể nói trôi chảy. Trẻ có thể nói lắp khi bắt đầu câu, hoặc nói lắp trong suốt cả câu. Khi trẻ nói lắp có thể quan sát thấy trẻ thực hiện những ngôn ngữ cơ thể như chớp mắt, nhăn mặt, quay mặt lại hoặc nắm chặt tay.
Trẻ thường bắt đầu nói lắp khi lên 3 tuổi. Sau độ tuổi này, có những trẻ cải thiện nói lắp một cách tự nhiên nhưng vẫn còn những trẻ nói lắp đến tận khi học tiểu học. Không có cách nào để chắc chắn rằng con bạn có tự khỏi nói lắp hay không. Do đó ở giai đoạn này bố mẹ cần theo dõi chặt chẽ việc nói lắp của trẻ để đưa ra lựa chọn can thiệp sớm và hiệu quả nhất.
Có 3 dạng nói lắp chính. Trẻ có thể mắc một hoặc phối hợp các loại.
Có nhiều giả thuyết được đưa ra về nguyên nhân nói lắp ở trẻ 3 tuổi.
Tình trạng nói lắp có thể là do có lỗi xảy ra hoặc sự dẫn truyền chậm trễ thông điệp mà não của trẻ gửi đến cơ miệng khi trẻ cần nói về một vấn đề nào đó. Nguyên nhân này khiến trẻ khó phối hợp các cơ miệng khi nói chuyện, dẫn đến việc nói lắp. Căn nguyên dẫn đến lỗi sai hay chậm trễ trong dẫn truyền thông tin từ não có thể do não bị thiếu oxy khiến chức năng não bị tổn thương trong quá trình mang thai hay lúc sinh nở.
Tình trạng nói lắp cũng có thể do trẻ có tiền sử mắc các bệnh tổn thương não như xuất huyết não, viêm não Nhật Bản...
Có các nghiên cứu cho rằng tật nói lắp có liên quan đến gen di truyền do bố hoặc mẹ truyền cho con cái. Khi bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ trẻ nói lắp thì trẻ có nguy cơ bị nói lắp cao hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào có tiền sử gia đình nói lắp thì chắc chắn sẽ nói lắp.
Nếu trẻ gặp phải một chấn thương tâm lý khi còn bé khiến trẻ ở trong tình trạng căng thẳng kéo dài cũng gây trẻ bị nói lắp. Tuy nhiên nguyên nhân này ít gặp hơn ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, nó thường phổ biến hơn ở trẻ bắt đầu học mẫu giáo, tiểu học.
Ở hai nguyên nhân đầu, trẻ thường nói lắp trong mọi hoàn cảnh. Khi trẻ vui, trẻ buồn, trẻ căng thẳng hay khi trong tình trạng bình thường trẻ cũng nói lắp. Còn ở nguyên nhân thứ ba, trẻ thường chỉ nói lắp trong tình huống căng thẳng, còn khi bình thường trẻ lại nói chuyện trôi chảy.
Đối với trẻ 3 tuổi nói lắp ít ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Bởi thời gian này trẻ chưa đến trường nên vẫn thấy việc nói lắp là bình thường. Tuy nhiên khi trẻ bắt đầu đến trường, nói lắp khiến trẻ cảm thấy xấu hổ vì hay bị các bạn khác cười đùa. Lâu dần khiến trẻ tự ti, thậm chí tránh nói hoặc thay đổi những gì cần nói. Do đó, hãy can thiệp nói lắp khi trẻ vẫn chưa đến trường.
Nói lắp không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ 3 tuổi. Trẻ vẫn có sự phát triển, kỹ năng xã hội giống như trẻ không nói lắp. Chúng không có xu hướng nhút nhát hay rụt rè hơn so với các bạn cùng tuổi. Tuy nhiên khi trẻ lớn dần lên, nói lắp khiến trẻ xấu hổ, không muốn tham gia các cuộc thảo luận trong lớp và có thể trở thành đề tài bàn tán, đùa cợt của bạn bè.
Theo một số nhà nghiên cứu, có nhiều trẻ trước độ tuổi đi học có thể khỏi nói lắp một cách tự nhiên. Vấn đề là chúng ta không thể dự đoán được trẻ nào sẽ bình phục nói lắp và trẻ nào sẽ tiếp tục nói lắp khi lớn lên và trưởng thành, lúc này điều trị nói lắp khó khăn hơn và việc nói lắp sẽ ảnh hưởng tâm lý trẻ. Do đó cần theo dõi chặt chẽ khi trẻ bị nói lắp để đưa ra cách chữa nói lắp hợp lý, kịp thời.
Việc điều trị nói lắp càng sớm càng đem lại hiệu quả tốt. Do đó ngày khi thấy con bạn nói lắp, hãy lập tức đưa trẻ đi khám tại cơ sở chuyên khoa để tìm sự trợ giúp của chuyên gia.
Hãy tìm đến các chuyên gia về âm ngữ để đánh giá tình trạng nói lắp của trẻ, nên điều trị chứng nói lắp của trẻ ngay lập tức hay nên đợi và kiểm tra tình trạng trẻ thường xuyên.
Kỹ thuật trị liệu lời nói dựa trên việc tập điều hòa nhịp thở và tốc độ nói: Liệu pháp này được gọi là "Chơi trị liệu", các chuyên gia sẽ dạy trẻ cách phát âm, gọi tên đồ vật chính xác trong quá trình trẻ chơi. Đối với trẻ 3 tuổi, các chuyên gia sẽ hướng dẫn trẻ cách gọi tên đúng các đồ vật, luyện đọc một câu sao cho ngắt nhịp đúng vị trí, dạy trẻ hát những bài hát ngắn, đơn giản. Dần dần, trong quá trình học tập và chơi, trẻ sẽ luyện được cách ngắt nhịp và nói trôi chảy với tốc độ bình thường.
Bài tập thở: Các chuyên gia sẽ dạy trẻ cách điều hòa hơi thở để hình thành hơi thở hiệu quả và chính xác, dạy trẻ cách phát âm những từ được nói khi trẻ thở ra. Điều này giúp trẻ phát âm chúng chính xác, không bị chia thành các âm tiết, âm thanh riêng lẻ.
Massage: Sẽ giúp trẻ thư giãn, cải thiện việc lưu thông máu và giúp loại bỏ việc co thắt của bộ máy phát âm trong quá trình trẻ nói. Giúp âm tiết, từ, câu trẻ phát âm ra được liên tục.
Can thiệp tại nhà cho trẻ bằng Chương trình Lidcombe: Chương trình Lidcombe là chương trình điều trị nói lắp phổ biến tại Úc và đã được chứng minh là mang lại cho trẻ em trước tuổi đi học nói lắp cơ hội hồi phục tốt hơn gấp 7-8 lần so với việc chúng ta không làm gì và chờ đợi. Độ tuổi tốt nhất để thực hiện chương trình Lidcombe là nhỏ hơn 6 tuổi.
Chương trình Lidcombe là một liệu pháp mà bạn và con bạn thực hiện tại nhà trong các tình huống hàng ngày. Bạn sẽ dạy trẻ cách phát âm, cách gọi tên đồ vật, nói một câu có nghĩa và đưa ra các phản hồi tích cực khi trẻ không nói lắp. Có thể khen thưởng trẻ bằng cách vỗ tay hoặc cho trẻ quà. Bạn nên đưa trẻ đến gặp các chuyên gia mỗi tuần một lần để bác sĩ sẽ lượng giá lại mức độ nói lắp của trẻ và đưa ra những phương pháp can thiệp phù hợp.
Bài viết đã trình bày những nguyên nhân và cách điều trị nói lắp ở trẻ 3 tuổi. Mong rằng bài viết đã đem đến những thông tin hữu ích cho quý độc giả. Đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những bài viết hay về y học và đời sống nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.