Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nói lắp có nguy hiểm không?

Ngày 09/05/2022
Kích thước chữ

Nói lắp thường bắt đầu từ thời thơ ấu, độ tuổi hay gặp từ 2 đến 5 tuổi và có thể khiến bạn cảm thấy mặc cảm khi giao tiếp. Vậy nói lắp có nguy hiểm không? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu giải đáp vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Theo thống kê cho thấy tỷ lệ mắc nói lắp khá cao, khoảng 1/100 người trưởng thành và cứ 12 trẻ em thì có 1 trẻ trải qua giai đoạn nói lắp. Do vậy, vấn đề được nhiều người quan tâm là nói lắp có nguy hiểm không?

Trước khi đưa ra câu trả lời cho vấn đề này, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu những thông tin cơ bản về tình trạng nói lắp.

Thế nào là nói lắp?

Nói lắp được biết đến là sự rối loạn trong quá trình nói, người nói có những khoảng dừng và gián đoạn, không trôi chảy và kéo dài thời gian khi nói. Những khoảng kéo dài này có thể được tạo ra bởi sự lặp lại của âm thanh, âm tiết hoặc từ ngữ nào đó. Do đó, người nói lắp thường gây cảm giác mất tự tin, căng thẳng, gượng gạo khi giao tiếp.

Nói lắp có nguy hiểm không 1 Nói lắp khiến người mắc mất tự tin khi giao tiếp

Có một số yếu tố có thể khiến tăng nguy cơ bị nói lắp như:

  • Tiền sử gia đình có người bị nói lắp: Có một số nghiên cứu cho thấy gần một nửa số trẻ bị nói lắp có một số thành viên trong gia đình có triệu chứng tương tự. Nguy cơ thế hệ sau bị nói lắp tiến triển tăng lên nếu thành viên trong gia đình vẫn nói lắp trong thời gian dài. Rủi ro sẽ ít hơn nếu thành viên trong gia đình đã vượt qua được tật nói lắp khi còn nhỏ.
  • Giới tính: Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ trai mắc nói lắp cao hơn trẻ gái.
  • Biến động làm thay đổi tâm lý: Tâm lý bất ổn định, căng thẳng, mệt mỏi, đối mặt với áp lực đột ngột có thể làm khởi phát nói lắp và tăng nguy cơ tiến triển, kéo dài tới suốt cuộc đời.

Ai dễ bị nói lắp?

Những đối tượng dễ mắc chứng nói lắp là:

  • Trẻ em trong độ tuổi học cách phát triển ngôn ngữ, thường từ 2 đến 5 tuổi. Trong giai đoạn này, vốn từ vựng của trẻ còn hạn chế. Để diễn tả hay trình bày về một vấn đề nào đó trẻ bị lúng túng và không tìm được từ phù hợp trong hoàn cảnh nói, điều này sẽ dẫn đến nói lắp. Ngoài ra, trẻ em khi gặp những vấn đề về tâm lý ở tuổi dậy thì cũng dễ gặp khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ cá nhân và ngượng ngùng, luống cuống, lắp bắp khi nói chuyện với người khác.
  • Người lớn có sang chấn, thay đổi đột ngột về thể chất, tinh thần như: Phụ nữ có thai và sau sinh con, người gặp căng thẳng, áp lực trong công việc và gia đình, sau chấn thương cũng có thể khởi phát chứng nói lắp. Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nói lắp kéo dài trong tương lai.

Nguyên nhân gây nói lắp

Một số nguyên nhân chủ yếu gây nói lắp, bao gồm:

Di truyền học

Các nhà nghiên cứu cho biết, có thể là do một số gen liên quan đến tật nói lắp hoặc do bất thường di truyền ở vùng não chi phối ngôn ngữ. Nếu gia đình có người bị nói lắp thì khả năng thế hệ sau của họ bị nói lắp là rất cao.

Chức năng não

Ngôn ngữ bình thường được điều khiển và chi phối của trung tâm não bộ, qua hệ thống dẫn truyền thần kinh tạo tín hiệu chi phối cơ, họng, thanh quản giúp phát âm và tạo ra lời nói. Sự bất thường của não bộ có thể cắt đứt sự dẫn truyền tín hiệu này. Một số tác giả cho rằng có sự khác biệt nhỏ trong bộ não của người nói lắp. Điều này có thể thấy được ở trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở lên.

Kỹ năng vận động lời nói

Những người nói lắp thường có xu hướng phát âm chậm hơn so với việc chuyển động của hệ thống vận động lời nói làm mất ổn định khi nói.

Kỹ năng ngôn ngữ

Khó khăn về ngôn ngữ, chẳng hạn khó sắp xếp một câu hoàn chỉnh, khó nghĩ ra ý tưởng khi giao tiếp, khiến cho nói lắp bắp, làm mất đi sự trôi chảy khi giao tiếp. Nguyên nhân này cũng có thể dùng để giải thích vì sao trẻ độ tuổi học nói hay bị nói lắp.

Bất ổn tâm lý

Những vấn đề của sự bất ổn tâm lý, lo lắng, nhút nhát, căng thẳng, nhạy cảm, bất an trong cuộc sống cũng có thể là nguyên nhân gây nói lắp. Ví dụ: Trẻ bị gây áp lực, kỳ vọng của cha mẹ, cũng khiến trẻ luôn mặc cảm, tự ti trong giao tiếp với mọi người trong cuộc sống.

Nói lắp có nguy hiểm không 2 Một trong những nguyên nhân gây nói lắp là do di truyền

Nói lắp có nguy hiểm không?

Hầu hết trẻ trong độ tuổi học nói bị nói lắp đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì. Một số trường hợp tật nói lắp biến mất khi được can thiệp liệu pháp ngôn ngữ. Tuy nhiên, số ít còn lại nói lắp diễn ra đến suốt đời, không có tiến triển về điều trị mặc dù được trị liệu không thời gian dài.

Nói lắp có nguy hiểm không 3 Nói lắp có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người

Vậy, nói lắp có nguy hiểm không? Người nói lắp sẽ gặp phải một số vấn đề về giao tiếp với xã hội. Tùy vào mức độ, tính chất và hoàn cảnh mà người nói lắp sẽ có những ảnh hưởng khác nhau, như là:

  • Gặp trở ngại khi giao tiếp với người khác.
  • Luôn lo lắng về việc nói chuyện.
  • Không nói gì hoặc tránh những tình huống cần phải nói.
  • Không thể tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động trong trường học và trong môi trường làm việc.
  • Bị chỉ trích, trêu chọc, bắt nạt trước đám đông.
  • Bất ổn tâm lý, mặc cảm, trầm cảm.

Cách sửa tật nói lắp

Dùng thuốc

Người bị nói lắp không thể hy vọng vào thuốc để chữa khỏi bệnh, bởi vì hiện tại đã chứng minh không có loại thuốc nào đặc trị bệnh, các loại thuốc được sử dụng chủ yếu là thuốc chữa triệu chứng tâm thần giúp giảm trầm cảm, giảm lo âu.

Liệu pháp ngôn ngữ trị liệu

Liệu pháp này được thực hiện bởi các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ. Liệu pháp có thể thực hiện theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm, tùy vào từng cá thể. Một số bài tập ngôn ngữ được áp dụng như là: Bài tập vận động các cơ tham gia vào động tác nói, trị liệu phát âm, học điều chỉnh nhịp thở, nhịp điệu khi nói, dạy kỹ năng giao tiếp cơ bản cho trẻ…

Nói lắp có nguy hiểm không 4 Liệu pháp ngôn ngữ trị liệu khá hữu ích trong điều trị nói lắp

Tâm lý trị liệu

Giải quyết các vấn đề về tâm lý cho người bệnh nói lắp có thể thay đổi tư duy và hành động của họ. Liệu pháp này nên được sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý học hoặc chính những người thân, lắng nghe, gần gũi, thấu hiểu người bệnh. Chẳng hạn như bố mẹ nên truyền những năng lượng tích cực cho con cái, tâm sự và tìm hiểu những suy nghĩ của con trẻ. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể để tăng kỹ năng giao tiếp và tự tin hơn trước đám đông.

Tai nghe Echo

Đây là dạng thiết bị điện tử có dạng giống với máy trợ thính, được đeo vào tai của người bệnh. Chức năng thu lại âm thanh, chỉnh sửa giọng và nhịp điệu nói rồi phát lại, giúp người bệnh nói lắp có cảm giác như đang đọc đồng thanh. Điều này, tạo cảm giác thoải mái, tự tin và trôi chảy hơn trong giao tiếp cho người bệnh.

Nếu có những vấn đề về chứng nói lắp, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sớm nhất nếu triệu chứng bệnh kéo dài, tiến triển theo thời gian và gây ra sự thiếu tự tin, mặc cảm cho bạn.

Trên đây là những thông tin cơ bản được tổng hợp về chứng nói lắp cũng như lời giải đáp cho câu hỏi "Nói lắp có nguy hiểm không?". Hy vọng những thông tin trong bài viết trên có thể có ích với bạn. Mong rằng bạn đọc sẽ tiếp tục theo dõi và ủng hộ Nhà Thuốc Long Châu trong tương lai!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin