Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Ở người bình thường, chỉ số HCG luôn nhỏ hơn 5 IU/l. Nhưng trong một số trường hợp, nồng độ HCG lại tăng cao bất thường, đặc biệt ở những người phụ nữ có thai. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nồng độ HCG cao nhưng lại không phải do mang thai.
HCG là một loại hormone trong thai kỳ để xác định xem người phụ nữ có thai hay không. Hiện nay việc xét nghiệm và theo dõi nồng độ HCG không chỉ giúp chẩn đoán chính xác khả năng mang thai, theo dõi thai kỳ mà còn có vai trò trong phát hiện các bệnh lý bất thường khác. Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra nếu nồng độ HCG tăng cao nhưng không có thai thì còn có nguy cơ nào khác?
HCG viết tắt của Human Chorionic Gonadotropin là một loại hormone được cơ thể người sản xuất ra trong thai kỳ, được tạo ra ở nhau thai sau khi trứng rụng được thụ tinh, làm tổ. Hormone này có chức năng chính trong việc nuôi dưỡng bảo vệ thai và đóng vai trò trong việc hình thành giới tính của thai nhi.
Xét nghiệm HCG là kiểm tra nồng độ HCG có trong máu hoặc nước tiểu, kết quả này có thể ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau như môi trường, sử dụng thuốc có chứa thành phần HCG trước đó.
Xét nghiệm HCG trong máu được khuyên thực hiện vào sáng sớm trong ngày. Vậy câu hỏi thường được đặt ra là có cần nhịn ăn hay kiêng khem gì không? Câu trả lời là có. Người thực hiện xét nghiệm không uống nước có gas, nước ngọt, sữa trong vòng 12 tiếng trước xét nghiệm. Nên ngủ đủ giấc, tránh các loại thức uống chứa cafein vì có thể dẫn đến kết quả sai lệch.
Đối với xét nghiệm nước tiểu, nên thực hiện lúc sáng sớm bởi khi đó nồng độ HCG cao nhất nên kết quả cũng chính xác nhất cũng như nhịn ăn để không ảnh hưởng.
Việc xét nghiệm HCG sẽ xác định xem người phụ nữ có thai hay không, từ đó theo dõi sự phát triển của thai nhi trong cả thai kỳ. Ngoài ra xét nghiệm này còn được sử dụng trong tầm soát dị tật bẩm sinh và các bệnh phụ khoa. Tuy nhiên trong một số trường hợp không mang thai, HCG tăng cao còn cảnh báo một số tình trạng bất thường của người phụ nữ.
Thông thường nồng độ HCG ở cả nam và nữ không mang thai sẽ thấp hơn 5mIU/ml. Kết quả HCG cao là khi cao hơn mức 5mIU/ml và thường sẽ được kết luận thông qua nhiều lần xét nghiệm cách nhau 2 - 3 ngày.
Đối với phụ nữ có thai chỉ số HCG không chỉ dùng để khẳng định lại mà trong một số trường hợp HCG quá cao có thể gợi ý về việc mang thai đôi, thai ba, hoặc dấu hiệu Hội chứng Down. Trong trường hợp không có thai mà chỉ số HCG cao bất thường có thể gợi ý một số tình huống sức khỏe khác cần lưu ý.
Khi kết quả xét nghiệm HCG tăng cao nhưng siêu âm lại không nhận thấy túi thai trong tử cung thì sẽ gợi ý đến thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung là bào thai không nằm đúng vị trí trong buồng tử cung mà có thể ở các vị trí như buồng trứng, vòi trứng, ổ bụng,...
Theo thời gian, thai nhi lớn dần ở những vị trí này khi đến một mức độ nào đó sẽ tự vỡ ra gây nên xuất huyết, ngất xỉu, da xanh tái, đau bụng quằn quại nguy cơ sảy thai cao,... các triệu chứng này rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được xử trí kịp.
Đối với phụ nữ được chẩn đoán thai ngoài tử cung, cần theo dõi và thăm khám, có phương án điều trị thích hợp để có thể bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Một số trường hợp, sau khi đã sẩy thai nhưng còn sót lại một số tế bào thai trong tử cung, các tế bào này vẫn có thể tiết ra hCG, làm tăng nồng độ hCG trong máu mà thực tế người phụ nữ không có thai.
Một nguyên nhân khác khi HCG tăng cao nhưng không có thai là do bệnh lý nguyên bào nuôi. Đây là một nhóm các bệnh gồm: Thai trứng, thai trứng xâm lấn, bệnh nguyên bào nuôi tồn tại, ung thư nguyên bào nuôi. Nguyên nhân đặc trưng bởi sự tăng sinh bất thường của nguyên bào nuôi tức là các tế bào đóng góp trong quá trình hình thành nhau thai, các tế bào này tiết ra hormone HCG làm cho nồng độ tăng cao.
Thai trứng hiện là một trong những bệnh thường gặp ở phụ nữ hiện nay, đây là tình trạng bệnh lý trong đó sự phát triển bất thường của tế bào nuôi sẽ tạo thành các túi dính như chùm nho. Thông thường thai trứng là dạng khối u lành tính và có đặc điểm là nồng độ HCG rất cao lên đến 30000 mUI/ml. Khi mắc phải thai trứng thì người bệnh cần có thời gian điều trị và hồi phục sau khoảng 2 năm mới tiếp tục có thai.
Nhìn chung khi mắc các bệnh lý nguyên bào nuôi, người phụ nữ không có thai nhưng dễ nhầm lẫn với việc mang thai bởi một số triệu chứng giống nhau. Đối với người phụ nữ khi được chẩn đoán mắc bệnh lý nguyên bào nuôi, cần thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe và tránh những ảnh hưởng cho khả năng sinh sản về sau.
U tế bào mầm là khối u lành tính (u quái hay u nang bì buồng trứng) hoặc ác tính phát triển từ những tế bào mầm nằm ở phôi thai. Các khối u này sẽ tiết ra hormone HCG làm cho nồng độ HCG tăng cao mặc dù người phụ nữ không mang thai.
Như đã đề cập trước đó, xét nghiệm HCG có thể thực hiện thông qua lấy máu hoặc sử dụng que thử nước tiểu tuy nhiên vì một số yếu tố môi trường xung quanh xét nghiệm máu được ưu tiên lựa chọn vì kết quả chính xác hơn. Khi nồng độ HCG tăng cao, người phụ nữ sẽ được chỉ định siêu âm xác định chính xác xem thật sự có thai không.
Đối với trường hợp phụ nữ đang mang thai, bác sĩ sẽ siêu âm và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo tình trạng của thai phụ và thai nhi ổn định.
Trường hợp HCG tăng cao nhưng không có thai, người phụ nữ sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để đưa ra hướng điều trị thích hợp. Mỗi người chúng ta khi ở trong trường hợp này cần bình tĩnh, không chủ quan và thực hiện theo các hướng dẫn thăm khám từ nhân viên y tế để có thể đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình.
Xem thêm: Thai 39 tuần chưa có dấu hiệu sinh, mẹ bầu cần làm gì?
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.