Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nóng rát dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nếu bạn thường xuyên bị nóng rát dạ dày, thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân và nhận điều trị phù hợp là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của hệ tiêu hóa và tổng thể sức khỏe của bạn.

Tình trạng nóng rát dạ dày hoặc nóng rát bao tử thường là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Tình trạng này sẽ gây ra các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, đầy hơi chướng bụng, đau bụng, mệt mỏi,... Từ đó khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống, nếu kéo dài thì sẽ gây suy nhược cơ thể.

Nóng rát dạ dày là gì?

Nóng rát dạ dày là một trạng thái khi vùng dạ dày có cảm giác bỏng rát do tiếp xúc với axit hoặc chất kiềm. Đây thường là một dấu hiệu của các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa và có thể đi kèm với một loạt các triệu chứng như: Ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, đau dạ dày, và đôi khi gây ra tình trạng không ngon miệng hoặc chán ăn.

Nếu không được chữa trị kịp thời, thì từ tình trạng nóng rát dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, viêm đại tràng hoặc ung thư dạ dày.

Các thông tin cần biết về tình trạng nóng rát dạ dày 1
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nóng rát dạ dày

Nguyên nhân nóng rát dạ dày thường gặp

Có một loạt nguyên nhân gây ra tình trạng nóng rát dạ dày, bao gồm:

Thói quen ăn uống thiếu khoa học

Chế độ ăn uống không cân đối sẽ dễ dẫn đến tình trạng dạ dày bị nóng rát.

  • Ăn đồ cay chứa cay nóng: Việc ăn nhiều thực phẩm cay, nhiều ớt và hạt tiêu sẽ làm dạ dày bị thu hẹp, gây ra các triệu chứng ợ hơi, đau bụng và nóng rát. Capsaicin là một thành phần chứa trong thực phẩm cay, có khả năng gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm nóng rát và khó tiêu.
  • Thiếu chất xơ trong bữa ăn: Thiếu chất xơ hòa tan trong chế độ ăn uống cũng là nguyên nhân khiến dạ dày bị nóng rát sau bữa ăn.
  • Thói quen ăn đồ chua, ăn quá no hoặc bỏ bữa: Ăn đồ chua, ăn quá no, bỏ bữa hoặc ăn không đúng thời gian cũng làm nóng rát dạ dày.
  • Uống rượu: Các hóa chất trong rượu sẽ kích thích dạ dày sản xuất nhiều acid, gây mất nước cho cơ thể và ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Từ đó dẫn đến nóng rát và đau dạ dày.
  • Uống nhiều nước có gas: Acid citric trong đồ uống có gas có thể làm tăng lượng acid trong dạ dày, gây nóng rát và viêm loét. Đồ uống có gas cũng sẽ làm tăng lượng không khí trong dạ dày, gây đầy bụng và ợ hơi.
  • Hấp thụ đường sữa và fructose kém: Người khó hấp thụ đường sữa và fructose có thể gặp vấn đề với dạ dày sau khi ăn thực phẩm chứa các chất này. Triệu chứng bao gồm nóng rát, táo bón, tiêu chảy và đau bụng.

Căng thẳng tâm lý

Tâm lý căng thẳng hoặc stress kéo dài có thể làm trì trệ quá trình tiêu hóa, tăng mức acid dạ dày, gây nguy cơ trào ngược, đi kèm các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, nóng rát dạ dày và khàn giọng.

Ảnh hưởng của thuốc

Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDS) như Aspirin, Celecoxib, Ibuprofen, Naproxen, Ketoprofen, có thể gây vấn đề cho đường tiêu hóa, và dẫn đến tình trạng dạ dày nóng rát. Khi sử dụng các loại thuốc này, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng

Mắc các bệnh dạ dày

Mắc các bệnh như hội chứng ruột kích thích, viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản, nhiễm khuẩn H. pylori dạ dày cũng là những nguyên nhân khiến người bệnh bị nóng rát dạ dày, đầy bụng, ợ hơi, chán ăn, giảm cân không rõ lý do, buồn nôn,... Bên cạnh đó, người bị ung thư dạ dày cũng dẫn đến tình trạng dạ dày bị nóng rát.

Nguyên nhân khác

Bệnh lý về thận: Các bệnh thận ứ nước, thận hư, sỏi thận, sỏi niệu quản,... gây đau ở thận và lan ra dạ dày gây nóng rát thượng vị.

Bệnh lý về gan: Triệu chứng nóng rát thượng vị dạ dày có thể do mắc bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, áp xe gan,...

Bệnh lý khác: Viêm ruột thừa, các bệnh liên quan tới túi mật.

Điều trị nóng rát dạ dày như thế nào?

Khi bạn trải qua tình trạng nóng rát dạ dày, việc đi đến khám bác sĩ chuyên khoa là điều quan trọng để xác định nguyên nhân cụ thể, đồng thời áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Một số cách chữa nóng rát dạ dày tại nhà:

Sử dụng thuốc

Thông thường, để điều trị tình trạng nóng rát dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc nhằm làm dịu các triệu chứng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra:

  • Các loại thuốc cân bằng axit dạ dày: Những loại thuốc này có tác dụng trung hòa axit, giảm lượng axit trong dạ dày, làm giảm triệu chứng bệnh. Ví dụ như calcium carbonate, magnesium hydroxide, sodium carbonate.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu bệnh nhân bị viêm loét dạ dày hoặc mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh kết hợp với thuốc ức chế bơm proton.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Các loại thuốc như Sucralfat, Mucosta, Rebamipid được sử dụng để bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tổn thương.
Các thông tin cần biết về tình trạng nóng rát dạ dày 2
Khi bạn trải qua tình trạng nóng rát dạ dày, bạn sĩ sẽ chỉ định cho uống một số loại thuốc điều trị

Uống các loại trà tốt cho dạ dày

Nếu tình trạng nóng rát dạ dày không phải do bất kỳ bệnh lý nào, thì bạn có thể cải thiện triệu chứng bằng cách sử dụng các loại trà sau đây:

Trà hoa cúc: Hoa cúc có mùi thơm nhẹ và có tác dụng xoa dịu các cơn co thắt dạ dày và hệ tiêu hóa. Để làm trà hoa cúc, bạn chỉ cần rửa sạch hoa cúc khô, đặt vào ly cùng với túi lọc trà, sau đó hãm trong nước sôi khoảng 100ml cho đến khi hoa cúc bung đều và có mùi thơm nhẹ. Sau đó, uống trà hoa cúc này.

Trà gừng: Lấy 1 củ gừng tươi, rửa sạch, cạo vỏ và thái thành lát mỏng. Sau đó, cho vài lát gừng cùng với 1 túi trà, hãm trong nước sôi khoảng 100ml và uống vào buổi sáng để có hiệu quả tốt nhất.

Nên làm gì để phòng ngừa tình trạng nóng rát dạ dày?

Để phòng ngừa tình trạng nóng rát dạ dày, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Chú ý đến chế độ ăn uống của bạn, tránh thực phẩm có hại cho dạ dày như thức ăn chua cay, thực phẩm nhiều dầu mỡ, rượu bia và nước có gas,... Vì chúng có thể gây kích ứng hoặc tăng tiết dịch vị dạ dày, gây ra các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, khó tiêu, đau và nóng rát dạ dày.

Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều thực phẩm tốt cho dạ dày như dưa chuột, mật ong, sữa chua, trà thảo mộc, rau xanh, trái cây, tôm, cá để kháng viêm, làm dịu dạ dày và giảm nóng dạ dày. Bạn cũng cần lưu ý không ăn quá nhiều trái cây có chứa lượng acid lớn như cam, chanh, quýt,... khi dạ dày của bạn đang bị tổn thương.

Các thông tin cần biết về tình trạng nóng rát dạ dày 3
Ăn uống khoa học để tránh làm tổn thương dạ dày

Không bỏ bữa, ăn đúng bữa

Người bị nóng rát dạ dày cần duy trì thói quen ăn đúng giờ và không bỏ bữa. Bạn có thể chia nhỏ bữa ăn, thay vì ăn một bữa quá no để tránh tạo áp lực quá mức lên dạ dày.

Uống đủ nước mỗi ngày

Đảm bảo rằng bạn uống đủ lượng nước mỗi ngày, khoảng 2 - 2,5 lít. Đồng thời, hạn chế uống sữa khi đói bụng, vì nó có thể gây tăng tiết dịch vị dạ dày, dẫn tới nhiều triệu chứng khó chịu.

Thường xuyên luyện tập thể thao

Tập luyện thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng cường sức đề kháng và độ dẻo dai của cơ thể. Mỗi ngày, bạn hãy dành ít nhất 30 phút cho việc tập luyện thể dục, ưu tiên cho các bài tập cơ bụng để cải thiện sức khỏe và phòng ngừa các vấn đề về dạ dày.

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc

Bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc tây, để tránh tác dụng phụ gây kích ứng cho dạ dày và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều lượng, và thời gian dùng thuốc mà không có hướng dẫn từ bác sĩ.

Tóm lại, điều trị nóng rát dạ dày đòi hỏi một quá trình chẩn đoán chính xác để xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng, từ đó mới có phương pháp cải thiện phù hợp. Bởi thế, đừng để tình trạng nóng rát dạ dày kéo dài. Khi cảm thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất ổn ở dạ dày, bạn nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn.

Nguồn tham khảo
  1. Gastritis (stomach burning) – 8 Home remedies to deal with it: https://www.medicircle.in/gastritis-stomach-burning-home-remedies
  2. Gastritis: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastritis/symptoms-causes/syc-20355807
  3. Gastritis: https://www.nhs.uk/conditions/gastritis/
  4. Gastritis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544250/
  5. Gastritis: https://muschealth.org/medical-services/ddc/patients/digestive-diseases/stomach-and-duodenum/gastritis

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin