Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Động kinh cục bộ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa động kinh cục bộ

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Động kinh cục bộ là loại động kinh chỉ ảnh hưởng đến một vùng não và cơ thể của bạn. Những cơn động kinh này thường ít nghiêm trọng hơn động kinh toàn thể, động kinh toàn thể ảnh hưởng đến toàn bộ vùng não. Động kinh cục bộ là loại bệnh động kinh thường gặp nhất và thường xuất hiện sau các tình trạng như đột quỵ, chấn thương vùng đầu,...

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Động kinh cục bộ là gì?

Não bộ chứa các tế bào thần kinh, chúng sử dụng điện để dẫn truyền tín hiệu hoạt động với nhau.

Trong động kinh cục bộ, người bệnh trải qua những đợt phóng điện đột ngột, bất thường trong não. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng báo hiệu trước (tiền triệu), trong và sau cơn động kinh.

Không giống như các cơn động kinh toàn thể, động kinh cục bộ chỉ bắt nguồn từ một phần của não. Ngược lại, cơn động kinh toàn thể bắt nguồn từ toàn bộ não chứ không phải chỉ ở một khu vực.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của động kinh cục bộ

Bởi vì động kinh cục bộ chỉ ảnh hưởng từ một phần của não nên các triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí cụ thể. Ví dụ, nếu bất thường xảy ra ở phần não ảnh hưởng đến thị giác, bạn có thể bị ảo giác hoặc nhìn thấy chói sáng.

Các triệu chứng khác có thể có của động kinh cục bộ, bao gồm:

  • Co cứng, sau đó là yếu liệt thoáng qua;
  • Các cơn co cứng chỉ ở một vùng của cơ thể;
  • Cử động đầu hoặc mắt bất thường;
  • Tê, ngứa ran hoặc cảm giác kiến bò trên da;
  • Đau bụng;
  • Nghe âm thanh, tiếng nói hoặc tiếng nhạc ồn;
  • Ngửi thấy mùi khó chịu;
  • Các cơn chóng mặt thoáng qua
  • Nhịp tim nhanh;
  • Các cử động lặp đi lặp lại, như chọc vào quần áo hoặc da, nhìn chằm chằm, chép môi, nhai hoặc nuốt;
  • Buồn nôn;
  • Mặt đỏ bừng;
  • Thay đổi thị lực hoặc ảo giác;
  • Thay đổi tâm trạng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh động kinh cục bộ

Các cơn co giật không được kiểm soát có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim và có thể tử vong.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị, bao gồm chóng mặt, buồn nôn, nôn, tăng sản nướu, tiêu chảy. Các tác dụng phụ nghiêm trọng và đe dọa tính mạng bao gồm kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ, giảm bạch cầu hạt, trầm cảm, suy gan, giảm thính lực, viêm tụy.

ĐKCB4.jpeg
Động kinh cục bộ có thể gây ra biến chứng rối loạn nhịp

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến bệnh viện nếu bị bất tỉnh không rõ lý do. Nếu bạn ở một mình và cho rằng mình đã bị động kinh, hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Đối với những người bị động kinh, thường không cần thiết phải gọi xe cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay sau cơn động kinh. Tuy nhiên, họ vẫn có thể cần được chăm sóc y tế hoặc điều trị các vết thương liên quan đến động kinh hoặc các cơn động kinh kéo dài (cơn co giật kéo dài hơn hai phút).

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến động kinh cục bộ

Động kinh thùy thái dương được xác định là dạng động kinh cục bộ phổ biến nhất. Nguyên nhân của động kinh thuỳ thái dương có liên quan đến bệnh xơ cứng hồi hải mã là do sự gián đoạn phiên mã mRNA và cuối cùng dẫn đến những thay đổi xơ cứng vĩnh viễn.

Các nguyên nhân khác của động kinh cục bộ bao gồm:

Di truyền:

  • Đột biến gen không rõ nguyên nhân, không có tiền căn gia đình mắc bệnh động kinh.
  • Đột biến gen có tiền căn gia đình mắc bệnh động kinh.
  • Chậm phát triển: Rối loạn phổ tự kỷ.

Cấu trúc:

Bệnh lý mạch máu:

  • Tổn thương mạch máu;
  • Đột quỵ;
  • Dị dạng mạch máu não.

Bất thường về phát triển:

  • Dị tật Arnold Chiari;
  • Những thay đổi sau phẫu thuật vùng đầu;
  • Chấn thương sọ não;
  • Khối u.

Truyền nhiễm:

  • Viêm màng não;
  • Viêm não khu trú;
  • Bệnh lao;
  • HIV;
  • Sốt rét thể não;
  • Viêm não toàn bộ xơ hóa bán cấp (Subacute sclerosing panencephalitis);
  • Bệnh Toxoplasmosis;
  • Bệnh sán dây thần kinh.

Trao đổi chất:

  • Rối loạn chuyển hóa và chất điện giải;
  • Thiếu oxy;
  • Rối loạn nội tiết;
  • Thuốc và độc chất;
  • Rượu bia: Ngộ độc rượu, cai rượu;
  • Trẻ sơ sinh mắc hội chứng rượu bào thai;
  • Lạm dụng ma túy;
  • Sốt cao.

Rối loạn tự miễn dịch:

  • Lupus ban đỏ hệ thống;
  • Hội chứng Sjogren;
  • Bệnh sarcoidosis;
  • Bệnh não Hashimoto;
  • Bệnh mạn tính;
  • Bệnh Behcet.
ĐKCB5.jpeg
Chấn thương vùng đầu có thể là nguyên nhân của động kinh cục bộ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải động kinh cục bộ?

Bất cứ ai cũng có thể bị cơn động kinh, tuy nhiên, động kinh cục bộ có thể xảy ra dễ dàng hơn nếu bạn mắc một số bệnh về não. Động kinh cục bộ thường gặp nhất ở những người bị chấn thương vùng đầu, dị tật bẩm sinh ở não, sốt co giật ở thời thơ ấu, nhiễm trùng não (viêm não), đột quỵ, u não hoặc các tình trạng khác ảnh hưởng đến não.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc động kinh cục bộ

  • Độ tuổi: Bệnh động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người già và trẻ em.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh động kinh.
  • Những đối tượng có vấn đề về não như bị chấn thương não, tổn thương não và nhiễm trùng não như viêm não, viêm tủy sống…
  • Người bị đột quỵ và các bệnh về mạch máu.
  • Bệnh sa sút trí tuệ (Dementia) có thể là nguyên nhân dẫn tới bệnh động kinh ở người lớn tuổi.
  • Các em bé sốt cao gây co giật không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ bị bệnh động kinh khi trẻ trưởng thành. Vì vậy phụ huynh cần chú ý cho trẻ thăm khám kịp thời trong trường hợp này.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán động kinh cục bộ

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh có thể chẩn đoán bệnh động kinh cục bộ dựa trên các triệu chứng mà bạn nhận biết (hoặc người chứng kiến mô tả) và các xét nghiệm. Những xét nghiệm này thường có thể xác nhận xem bạn có bị động kinh hay không và nguyên nhân là gì.

Một phần quan trọng trong việc chẩn đoán động kinh cục bộ là tìm ra khu vực cụ thể nơi các cơn động kinh bắt đầu. Xác định vị trí cụ thể có thể giúp ích rất nhiều trong việc điều trị bệnh động kinh cục bộ.

Các xét nghiệm có thể được đề nghị bao gồm:

  • Xét nghiệm máu;
  • Điện não đồ (EEG);
  • Video-EEG monitoring;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET);
  • Chụp cắt lớp phát xạ đơn photon (SPECT);
  • Từ não đồ (MEG);
  • Đo EEG nội sọ bằng điện cực dưới màng cứng, điện cực sâu hoặc Stereo-EEG;
  • Chọc dò tủy sống, khi bác sĩ nghi ngờ rằng bệnh động kinh là do nhiễm trùng hoặc miễn dịch.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm khác để xác định xem bạn có bị chấn thương, tác dụng phụ hoặc biến chứng nào do cơn động kinh gây ra hay không.

ĐKCB6.jpeg
Đo điện não đồ giúp chẩn đoán động kinh cục bộ

Phương pháp điều trị động kinh cục bộ hiệu quả

Điều trị động kinh cục bộ có thể bao gồm thuốc, thay đổi lối sống cho người lớn và trẻ em, chẳng hạn như chế độ sinh hoạt và ăn uống, và đôi khi cần phải phẫu thuật. Bác sĩ có thể tư vấn cụ thể cho bạn về các lựa chọn điều trị này.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của động kinh cục bộ

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh động kinh cục bộ có thể giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số gợi ý:

  • Ngủ đủ giấc: Đảm bảo bạn có đủ giấc ngủ và tuân thủ một lịch trình ngủ đều đặn mỗi ngày.
  • Giảm thiểu căng thẳng: Hạn chế các tác nhân gây căng thẳng như áp lực công việc, mất ngủ và xung đột tâm lý. Thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền và tập thể dục thể thao có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
  • Tránh các tác nhân kích thích: Nếu bạn biết rõ tác nhân nào có thể kích thích gây ra cơn động kinh cục bộ của mình, hãy hạn chế tiếp xúc với chúng. Điều này có thể bao gồm việc tránh ánh sáng mạnh, tiếng ồn, cảm xúc mạnh, thiếu ngủ hoặc căng thẳng quá mức.
  • Uống thuốc đúng liều và đều đặn: Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc đối với động kinh cục bộ. Uống thuốc đúng liều và đều đặn để duy trì hiệu quả điều trị.
  • Giám sát và ghi chép triệu chứng: Theo dõi và ghi lại các triệu chứng động kinh cục bộ. Điều này có thể giúp bạn và bác sĩ hiểu rõ hơn về loại động kinh của bạn, từ đó điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ định kỳ: Bạn nên thường xuyên tái khám và báo cáo tình trạng sức khỏe của mình cho bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thuốc điều trị và quản lý động kinh cục bộ một cách tốt nhất.

Lưu ý rằng mỗi trường hợp bệnh là khác nhau. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về việc quản lý động kinh cục bộ và chế độ sinh hoạt phù hợp cho bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh động kinh cục bộ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ dinh dưỡng:

  • Thực hiện một chế độ ăn đa dạng và cân bằng: Bao gồm các loại thực phẩm giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, rau quả tươi, đạm (protein) và chất béo lành mạnh. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và thức ăn có nhiều đường.
  • Cung cấp đủ chất dinh dưỡng: Bổ sung vitamin và các khoáng chất quan trọng, bao gồm canxi, magiê, kali và vitamin D. Các nguồn giàu canxi có thể bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa không béo, hạt và các loại cá như cá hồi. Rau quả tươi giàu magiê, kali và vitamin D có thể bao gồm rau xanh, hạt, cá hồi và trứng.
  • Hạn chế chất kích thích: Một số chất kích thích như cafein và bia rượu có thể làm tăng nguy cơ động kinh. Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống chứa caffein như cà phê, trà và nước ngọt có ga. Hạn chế tiêu thụ bia rượu và tuân thủ nguyên tắc uống với lượng vừa phải.
  • Theo dõi phản ứng của cơ thể: Ghi chép các thực phẩm và hoạt động có thể gây ra hoặc gia tăng triệu chứng động kinh. Điều này giúp bạn nhận biết các yếu tố cá nhân có thể khởi phát các cơn động kinh cục bộ và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia: Tham khảo với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tìm hiểu thêm về chế độ dinh dưỡng tốt nhất trong trường hợp cụ thể của bạn.

Phương pháp phòng ngừa động kinh cục bộ hiệu quả

Mọi người đều có nguy cơ bị động kinh cục bộ và chúng cũng xảy ra không thể đoán trước nên không thể ngăn ngừa được. Điều tốt nhất bạn có thể làm là tránh những nguyên nhân có thể xảy ra để giảm nguy cơ bị động kinh cục bộ.

Một số gợi ý bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ bị động kinh cục bộ bao gồm:

  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nhiều tình trạng liên quan đến sức khỏe tuần hoàn và tim mạch có thể làm tổn thương các vùng não của bạn. Đột quỵ và các tình trạng liên quan thường liên quan đến động kinh cục bộ.
  • Đừng bỏ qua nhiễm trùng: Nhiễm trùng mắt và tai cần được điều trị kịp thời. Nếu những bệnh nhiễm trùng này lan đến não của bạn, chúng có thể gây cơn động kinh. Nhiễm trùng cũng có thể gây sốt cao, có thể dẫn đến co giật.
  • Sử dụng thiết bị an toàn: Chấn thương đầu là nguyên nhân thường gặp gây ra cơn động kinh cục bộ. Sử dụng thiết bị an toàn bất cứ khi nào cần thiết có thể giúp bạn tránh được tổn thương não. Ví dụ thiết bị an toàn bao gồm mũ bảo hiểm và dây an toàn (hoặc các thiết bị an toàn khác trên xe).
  • Quản lý tình trạng sức khỏe của bạn: Kiểm soát các bệnh mạn tính có thể giúp bạn tránh được các cơn động kinh, đặc biệt là những cơn động kinh xảy ra do hạ đường huyết nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường típ 1 hoặc bệnh đái tháo đường típ 2.
ĐKCB7.jpeg
Kiểm soát các bệnh mạn tính giúp hỗ trợ phòng ngừa động kinh cục bộ
Nguồn tham khảo
  1. Partial Epilepsy: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK564376/
  2. Focal Onset Seizures (Partial Seizures): https://www.healthline.com/health/partial-focal-seizure
  3. Focal Seizure: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22893-focal-seizure
  4. What to know about focal (partial) seizures: https://www.medicalnewstoday.com/articles/323642
  5. Symptoms: Epilepsy: https://www.nhs.uk/conditions/epilepsy/symptoms/

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng Mallory-Weiss

  2. Chứng trượt đầu trên xương đùi (SCFE)

  3. Rối loạn phóng noãn

  4. Phù thũng

  5. Vỡ mâm chày

  6. Viêm mũi cấp tính

  7. Rối loạn sàn chậu

  8. Suy tim phải

  9. Nang cơ năng buồng trứng

  10. Sán dây bò