Long Châu

Loạn thị: Một loại tật khúc xạ phổ biến

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loạn thị là một vấn đề về mắt phổ biến, làm cho tầm nhìn bị mờ hoặc bị méo. Loạn thị xảy ra khi giác mạc hoặc thấu kính có hình dạng khác với hình dạng bình thường. Người loạn thị có thể khắc phục được tình trạng nhìn mờ hoặc nhìn méo nhờ sử dụng kính đeo hoặc kính áp tròng, ngoài ra còn có thể phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Loạn thị là gì? 

Loạn thị (astigmatism) xảy ra khi giác mạc có độ cong không đều nhau trên các hướng kinh tuyến, giác mạc mắt bình thường được ví như một quả bóng tròn, ánh sáng đi vào và uốn cong đồng đều khiến cho tầm nhìn rõ ràng. Giác mạc mắt loạn thị lại được ví như quả bóng bầu dục, ánh sáng đi vào sẽ bị bẻ cong không đồng đều, có nghĩa là chỉ một phần của hình ảnh được lấy nét, mọi thứ ở xa có thể trông thấy mờ và gợn sóng.

Có 2 loại loạn thị: 

  • Loạn thị giác mạc: xảy ra khi giác mạc biến dạng.

  • Loạn thị thấu kính: xảy ra khi thủy tinh thể bị méo.

Thường mắt loạn thị cùng với cận thị (myopia) hoặc viễn thị (hyperopia). Ba tình trjang này được gọi là tật khúc xạ vì chúng có liên quan đến cách mắt bị bẻ cong (khúc xạ) ánh sáng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của loạn thị

Các dấu hiệu và triệu chứng của loạn thị là nhìn mờ, cần nheo mắt để nhìn rõ, thường nhức đầu và mỏi mắt, khó nhìn rõ vào ban đêm.

Nếu bị loạn thị nhẹ, có thể không nhận thấy các triệu chứng trên, vì thế cần đi khám mắt định kỳ, nhất là ở trẻ em vì ở đối tượng này khó có thể nhận ra được rằng thị lực của bản thân không bình thường, trước khi các triệu chứng trở nên nặng hơn.

Tác động của loạn thị đối với sức khỏe

Loạn thị nhẹ không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến thị lực của mắt. Loạn thị từ 1,5D trở lên sẽ giảm thị lực và có thể dẫn đến nhược thị nếu không được điều chỉnh kính.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến loạn thị

Loạn thị có thể do bẩm sinh và thường chỉ phát hiện ra khi trẻ bắt đầu đi học. Loạn thị có thể do di truyền, hoặc lão hóa, nhưng cũng có thể do bệnh về mắt, sẹo giác mạc, chấn thương, do phẫu thuật có tác động lên vùng liên quan hay do giác mạc hình chóp (keratoconus).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải loạn thị?

  • Tiền sử gia đình có người loạn thị hoặc rối loạn ở mắt.

  • Có tổn thương trên mắt như bị sẹo giác mạc.

  • Bị cận thị hoặc viễn thị nặng.

  • Tiền sử phẫu thuật mắt (ví dụ phẫu thuật đục thủy tinh thể).

  • Người cao tuổi.

  • Trẻ sinh thiếu tháng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải loạn thị

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loạn thị, bao gồm:

  • Sử dụng điện thoại, laptop quá lâu.

  • Gặp chấn thương vùng mắt hoặc các nguyên nhân khác làm giác mạc mỏng đi.

  • Học tập và làm việc trong điều kiện thiếu sáng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán loạn thị

Kiểm tra thị lực bằng bảng đo thị lực

Đọc các chữ cái trên bảng ở một khoảng cách nhất định. Nếu đạt 20/20 nghĩa là mắt vẫn bình thường, nếu kết quả dưới 20/20, nghĩa là mắt đang gặp một số bệnh hoặc đang sử dụng các loại kính đeo và kính áp tròng không phù hợp.

Đo đường cong giác mạc

Dùng máy đo góc để xác định loạn thị có phải do giác mạc hình chóp hay không.

Kiểm tra khúc xạ

Đọc biểu đồ thông các các thấu kính của máy đo khúc xạ quang. Chỉ số khúc xạ phản ánh các bệnh mà mắt đang mắc phải, xác định được loạn thị có liên quan đến vấn đề khác như tắc mạch máu võng mạc hay thoái hóa điểm vàng hay không.

Kiểm tra tập trung ánh sáng

Chiếu ánh sáng vào mắt rồi theo dõi những thay đổi khi tia sáng đi đến giác mạc, võng mạc, giúp xác định chẩn đoán loạn thị.

Phương pháp điều trị loạn thị hiệu quả

Nếu loạn thị mức độ nhẹ, có thể không cần điều trị.

Nếu loạn thị mức độ nặng, cần điều trị để tránh bệnh nặng hơn hoặc dẫn đến nhược thị, các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Kính đeo hoặc kính áp tròng mềm: Hầu hết các trường hợp loạn thị đều được điều chỉnh bằng kính đeo hoặc kính áp tròng mềm. Biện pháp này đơn giản và đươc áp dụng rộng rãi, kinh tế và hiệu quả cao.
  • Phẫu thuật: Trường hợp loạn thị nặng và điều chỉnh bằng kính không có hiệu quả, cân nhắc phẫu thuật. Phẫu thuật bằng dao vi phẫu hoặc tia laser để định hình giác mạc. Các phương pháp phổ biến là thay đổi khúc xạ định hình nhu mô giác mạc (LASIK), thay đổi khúc xạ định hình giác mạc vạt dưới biểu mô (LASEK) và thay đổi khúc xạ cắt bỏ biểu mô giác mạc (PRK).
  • Ortho-K customize (Orthokeratology): Sử dụng kính áp tròng cứng, đeo vào ban đêm để thay đổi hình dạng giác mạc tạm thời khi ngủ, giác mắt nhìn rõ hơn vào hôm sau. Quy trình lặp lại mỗi ngày.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loạn thị

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngồi đọc sách và làm việc đúng tư thế, không nằm, quỳ.

  • Không đọc sách khi đang đi ô tô, tàu hỏa, máy bay.

  • Không tự ý đeo mắt kính không đúng chuẩn.

  • Không dùng dụi mắt quá nhiều.

  • Tránh các tổn thương trên mắt.

  • Điều trị các bệnh lý về mắt càng sớm càng tốt (nếu có).

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng gồm cá, thịt, hoa quả, các loại đậu, dầu, rau xanh.

Phương pháp phòng ngừa loạn thị hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Học tập và làm việc trong môi trường ánh sáng vừa phải, không bị chói mắt.

  • Ngồi thẳng khi viết, không cúi sát đầu.

  • Không nên xem TV hoặc điện thoại, laptop liên tục quá 1 giờ, cứ mỗi 45 – 60 phút thì đứng lên, nhìn ra xa để mắt nghỉ ngơi.

  • Dành thời gian vui chơi, giải trí ngoài trời.

Nguồn tham khảo
  1. Healthdirect: https://www.healthdirect.gov.au/astigmatism
  2. National Eye Institute: https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/astigmatism
  3. WebMD: https://www.webmd.com/eye-health/astigmatism-eyes

Các bệnh liên quan

  1. Thiên đầu thống

  2. Mắt đỏ

  3. Viêm mống mắt thể mi

  4. Lông quặm

  5. liệt dây thần kinh số 4

  6. Đục thủy tinh thể

  7. Bệnh võng mạc trẻ sinh non

  8. Xuất huyết dưới kết mạc

  9. Viêm giác mạc chấm nông

  10. Viêm màng bồ đào