Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phân độ vỡ lách và các triệu chứng của vỡ lách

Ngày 14/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các hoạt động thể thao hoặc tai nạn giao thông gây tổn thương vào vùng bụng trái có thể gây nên vỡ lá lách, mức độ nghiêm trọng của vỡ lách phụ thuộc vào phân độ vỡ lách mà bác sĩ đánh giá ban đầu.

Lá lách bị vỡ là một trường hợp cấp cứu trong y khoa. Nó có thể gây chảy máu trong đe dọa tính mạng. Lá lách của bạn dễ chảy máu và là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong tất cả các cơ quan ở bụng vì vị trí giải phẫu nằm sát xương sườn. Các bệnh nhân cấp cứu vì nghi ngờ vỡ lách sẽ được bác sĩ phân độ vỡ lách để có hướng xử trí tiếp theo cũng như tiên lượng điều trị.

Giải phẫu của lá lách

Trước khi tìm hiểu về vỡ lách và phân độ của vỡ lách, chúng ta cần biết khái quát hơn về giải phẫu của lách. Lá lách một tạng đặc, mềm, có kích thước bằng nắm tay nằm bên trong khung xương sườn bên trái, ngay phía trên dạ dày của bạn. Lá lách là một phần của hệ bạch huyết (chịu trách nhiệm miễn dịch trong cơ thể) với vai trò chủ yếu là chịu trách nhiệm lưu trữ và lọc máu. Lách lưu trữ và lọc 25% tế bào hồng cầu và tiểu cầu của cơ thể tại bất kỳ thời điểm nào, đồng thời lách còn giúp tạo ra các tế bào bạch cầu để cơ thể chống lại nhiễm trùng. Chức năng cụ thể của lách bao gồm:

  • Lưu trữ máu.
  • Lọc máu bằng cách loại bỏ các tế bào máu cũ hoặc bị hư hỏng và loại bỏ chất thải tế bào.
  • Tạo ra các kháng thể và tế bào bạch cầu giúp bạn chống lại nhiễm trùng.
  • Duy trì mức dịch trong cơ thể bạn.
Phân độ vỡ lách và các triệu chứng của vỡ lách 1
Lách giữ nhiều vai trò trong hoạt động của cơ thể

Vỡ lách

Cấu trúc giải phẫu của lá lách khiến nó tương đối dễ bị tổn thương, đặc biệt là do chấn thương trực tiếp ở bao ngoài lá lách. Nếu bao này bị rách hoặc vỡ ra thì được gọi là vỡ lách. Nếu lá lách của bạn bị vỡ, rất có thể tất cả các cơ quan trong ổ bụng của bạn sẽ bị ảnh hưởng của xuất huyết, gây nội đe dọa tính mạng. Lá lách bị vỡ là một cấp cứu y tế cần được chẩn đoán và can thiệp nhanh chóng, đôi khi phải phẫu thuật cắt bỏ lá lách.

Chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất gây vỡ lách, đặc biệt là tai nạn ô tô, chiếm 50% đến 75% các trường hợp. Chấn thương trong thể thao, đặc biệt là trong các môn thể thao tiếp xúc như bóng đá, bóng rổ cũng rất phổ biến. Nguyên nhân bạo lực có thể bao gồm những cú đánh bằng nắm đấm, vết đâm và vết thương do đạn bắn. Lá lách của bạn có thể vỡ ngay lập tức khi va chạm hoặc có thể vỡ muộn do sưng tấy do chấn thương.

Vỡ lách không do chấn thương hoặc tự phát rất hiếm nhưng có thể xảy ra. Đây có thể là hệ quả khi một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khiến lá lách của bạn sưng lên, dần dần làm suy yếu lớp vỏ bên ngoài cho đến khi nó vỡ ra. Các bệnh lý có thể gây ra các ảnh hưởng này bao gồm:

  • Ung thư.
  • Nhiễm trùng: Bệnh bạch cầu đơn nhân hoặc sốt rét .
  • Các bệnh viêm mãn tính: Viêm gan hoặc viêm tụy.

Các triệu chứng vỡ lách

Khi vỡ lách, có thể có các triệu chứng liên quan đến mất máu và tụt huyết áp nhanh chóng chẳng hạn như:

  • Chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Rối loạn tri giác.
  • Tầm nhìn mờ, hoa mắt.
  • Xanh xao, tím tái.
  • Ngất xỉu.
  • Bồn chồn hoặc lo lắng.
  • Buồn nôn.

Tại thời điểm vỡ lách, bạn có thể cảm thấy đau rõ rệt ở lách. Tuy nhiên, các loại chấn thương có thể gây vỡ lá lách cũng có thể gây ra các chấn thương khác ví dụ như gãy xương sườn. Do đó bạn có thể không phân biệt được cảm giác lá lách bị vỡ với những vết thương khác.

Phân độ vỡ lách và các triệu chứng của vỡ lách 2
Tại thời điểm vỡ lách, bạn có thể cảm thấy đau rõ rệt ở lách

Sau thời điểm vỡ, cơn đau do lá lách bị vỡ dường như di chuyển sang bên trái ngực hoặc vai trái. Đây được gọi là dấu hiệu Kehr, xảy ra do chảy máu của lá lách bị vỡ có thể kích thích dây thần kinh chạy từ cổ xuống phía bên trái của ngực (dây thần kinh cơ hoành trái). Bạn có thể nhận thấy cơn đau trở nên dữ dội hơn khi hít vào.

Nếu bạn bị đau bụng trên bên trái dữ dội hoặc có dấu hiệu Kehr, ngay cả khi nó xảy ra sau chấn thương ban đầu, bạn nên đến thẳng phòng cấp cứu tại các bệnh viện gần nhất. Tại đây các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng và đưa ra xử trí kịp thời, bao gồm phân độ vỡ lách nếu lách của bạn bị vỡ.

Phân độ vỡ lách

Tại phòng cấp cứu, các bác sĩ sẽ bắt đầu bằng siêu âm tại giường để tìm chảy máu trong ở bụng của bạn. Nếu siêu âm cho kết quả thấy lách bị vỡ và các dấu hiệu sinh tồn của bạn vẫn không ổn định, các bác sĩ sẽ biết chắc rằng bạn bị vỡ lá lách và cần được điều trị ngay lập tức. Nếu tình trạng của bạn ổn định nhưng bác sĩ nghi ngờ chấn thương lá lách, họ thường sẽ tiến hành chụp CT để đánh giá rõ hơn về lá lách và mức độ tổn thương. Họ sẽ đánh giá mức độ tổn thương và phân độ vỡ lách theo thang điểm từ 1 đến 5.

Chấn thương lách được phân loại từ 1 đến 5 theo thứ tự mức độ nghiêm trọng tăng dần như sau:

  • Độ 1 là dưới 10% diện tích bề mặt có khối máu tụ hoặc vết rách bao dưới 1 cm.
  • Độ 2 là khối máu tụ từ 10 đến 50% bề mặt hoặc vết rách bao sâu từ 1 đến 3 cm.
  • Độ 3 là khối máu tụ lớn hơn 50% diện tích bề mặt dưới bao hoặc nếu khối máu tụ được biết là đang lan rộng theo thời gian, nếu khối máu tụ đã vỡ, khối máu tụ trong nhu mô lớn hơn 5 cm hoặc được biết là đang lan rộng, hoặc vết rách bao lớn hơn sâu 3 cm và/hoặc liên quan đến mạch máu bè xương.
  • Độ 4 là vết rách liên quan đến mạch máu rốn hoặc nếu khối máu tụ chiếm hơn 25% diện tích lá lách.
  • Độ 5 là lá lách bị vỡ hoặc mất mạch hoàn toàn toàn bộ lá lách.

Các mức độ này thường hướng dẫn các quyết định điều trị có cắt lách cho bệnh nhân hay không và phẫu thuật bằng phương pháp nào.

Phân độ vỡ lách và các triệu chứng của vỡ lách 3
Phân độ vỡ lách có thể giúp định hướng điều trị

Tóm lại, lách bị vỡ là một trường hợp khẩn cấp, dù là nhẹ hay nặng và phân độ vỡ lách sẽ ảnh hưởng quyết định hướng điều trị. Vì vậy sau chấn thương vào vùng bụng trái hay có bất kỳ triệu chứng gợi ý của vỡ lách đã đề cập trên, bạn hãy mau chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời được thăm khám và điều trị. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm