Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Phản xạ cầm nắm ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết

Ngày 20/12/2023
Kích thước chữ

Trải qua những giai đoạn phát triển đầu đời, phản xạ cầm nắm ở trẻ sơ sinh chính là một trong những dấu hiệu rõ ràng về sự phát triển của hệ thần kinh ở trẻ. Việc hiểu rõ về cách phản xạ này xuất hiện và tiến triển cũng như vai trò của nó trong sự phát triển sẽ giúp các bậc cha mẹ nhận biết sự khỏe mạnh của con mình.

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về phản xạ cầm nắm ở trẻ sơ sinh, từ những khía cạnh cơ bản đến những thông tin cần biết để giúp bạn hiểu rõ hơn về sự phát triển của bé yêu trong giai đoạn quan trọng này.

Phản xạ cầm nắm là gì?

Phản xạ cầm nắm là một phản ứng nguyên thủy, có thể cầm nắm không chủ ý đối với một kích thích cơ học, hiện diện ở trẻ sơ sinh. Nó xuất hiện vào khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ và có thể xuất hiện ở trẻ sinh non sau khi thụ thai được 25 tuần.

Phản xạ cầm nắm, còn được biết đến với tên gọi phản xạ nắm bàn tay (Palmar Grasp Reflex), xuất hiện khi cha mẹ chạm ngón tay vào lòng bàn tay của bé, bé sẽ phản ứng bằng việc nắm chặt bàn tay lại. Tương tự, phản xạ co quắp ngón chân (Plantar Grasp Reflex) có thể quan sát được khi cha mẹ chạm ngón tay vào lòng bàn chân của bé, bé sẽ co quắp lại các ngón chân. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh của bé đang phát triển và hoạt động đúng mức.

Cơ chế của phản xạ này là khi cha mẹ chạm đồ vật hoặc ngón tay vào lòng bàn tay của bé, các ngón tay của bé (ngoại trừ ngón cái) sẽ tự co lại về phía lòng bàn tay, một phản ứng nhằm chụp, túm lấy đối tượng gây kích thích dây thần kinh trong lòng bàn tay của bé.

Tuy nhiên, quan trọng là mẹ cần chú ý rằng dù bé có nắm chặt, mẹ không nên cố kéo bé dậy bằng cách để bé nắm lấy tay mẹ, vì sự mỏng manh, yếu ớt của bé có thể khiến bé thả tay ra bất cứ lúc nào.

phan-xa-cam-nam-o-tre-so-sinh-va-nhung-dieu-can-biet 1
Phản xạ cầm nắm xuất hiện khi cha mẹ chạm ngón tay vào lòng bàn tay của bé

Phản xạ cầm nắm hình thành khi nào và kéo dài bao lâu?

Phản xạ lòng bàn tay đã được quan sát thấy ngay từ thời kỳ bào thai khi em bé nắm lấy dây rốn. Phản xạ nắm bàn tay bắt đầu từ giai đoạn thai kỳ, xuất hiện từ khoảng tuần thai thứ 12 đến khi bé chào đời và tiếp tục cho đến khoảng 2 tháng tuổi của bé. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, phản xạ nắm của bé chỉ là phản xạ vô thức. Kể từ tháng thứ 3 trở đi, bạn sẽ thấy bé thể hiện sự chủ động hơn trong việc cầm nắm. Đến tháng thứ 4, bé thường có sự chủ ý hơn và có thể hướng hành động của mình đến các đối tượng cụ thể. Ở trẻ sinh non, phản xạ lòng bàn tay diễn ra cùng khung thời gian với trẻ sinh đủ tháng.

Phản xạ cầm nắm không chủ ý này sẽ được biến mất hoàn toàn khi được 6 tháng tuổi, biểu thị cho sự trưởng thành của vỏ não và sự phát triển của các mốc vận động chủ động. Tuy nhiên, phản xạ suy yếu trước 6 tháng hoặc phản xạ vẫn tồn tại thậm chí sau 6 tháng cho thấy có một sự bất thường tiềm ẩn.

phan-xa-cam-nam-o-tre-so-sinh-va-nhung-dieu-can-biet 2
Phản xạ cầm nắm đã được quan sát thấy ngay từ thời kỳ bào thai khi em bé nắm lấy dây rốn

Ý nghĩa của phản xạ cầm nắm

Trẻ vài tháng tuổi chưa thể hình thành các động tác để tự ý lấy đồ vật. Phản xạ lòng bàn tay có lẽ đóng vai trò tạo ra một kiểu vận động cơ bản, đặt nền tảng cho việc đạt được khả năng chủ động này. Hơn nữa, phản xạ này còn tạo ra sự tương tác, gắn kết giữa trẻ sơ sinh và người lớn.

Theo quan điểm lâm sàng, phản xạ có thể bất thường nếu trẻ phản ứng quá mức hoặc yếu. Tương tự, đó là một dấu hiệu thần kinh lâm sàng nếu nó vẫn tồn tại sau 6 tháng tuổi. Phản xạ có thể vắng mặt và điều này làm nổi bật tổn thương thần kinh ngoại biên hoặc liên quan đến tủy sống, đặc biệt là với phản ứng không đối xứng. Nếu tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, phản xạ có thể kéo dài hơn, chẳng hạn như khi bị liệt cứng nửa người hoặc liệt tứ chi. Ngược lại, nếu tổn thương điển hình của bệnh bại não ở trẻ sơ sinh hoặc thể bại não thì khả năng cầm nắm của lòng bàn tay sẽ yếu.

Theo các nghiên cứu gần đây trên động vật, một lý do khác dẫn đến sự thay đổi của phản xạ lòng bàn tay là do lượng melatonin từ mẹ truyền sang thai nhi không đủ. Sự vắng mặt hoặc giảm lượng melatonin này sẽ làm thay đổi các trung tâm phía trên, dẫn đến hoạt động và phản xạ lòng bàn tay bất thường. Melatonin của người mẹ cung cấp cho thai nhi những thông tin có giá trị về nhịp điệu bên trong (quang chu kỳ) và các mô hình thần kinh trong tương lai để phát triển ngoài tử cung.

Theo một nghiên cứu quan sát trên trẻ em, phản xạ lòng bàn tay mạnh hơn nếu trẻ đói và có thể cho biết trẻ cần được bú sữa mẹ.

phan-xa-cam-nam-o-tre-so-sinh-va-nhung-dieu-can-biet 3
Phản xạ cầm nắm đặt nền tảng cho việc đạt được khả năng cầm nắm chủ động

Những bất thường tiềm ẩn của phản xạ cầm nắm

Vắng mặt phản xạ cầm nắm ở trẻ

Việc không có phản xạ cầm nắm ở trẻ sơ sinh có thể cho thấy sự bất thường tiềm ẩn trong hệ thần kinh trung ương hoặc hệ thần kinh ngoại biên. Các vấn đề sau đây có thể dẫn đến mất phản xạ cầm nắm:

  • Chấn thương sọ não;
  • Chấn thương tủy sống;
  • Tổn thương dây thần kinh (hệ thần kinh ngoại biên);
  • Chèn ép kéo dài và gây tổn thương dây thần kinh sau đó;
  • Chấn thương đầu do tai nạn hoặc chấn động nghiêm trọng trong giai đoạn sơ sinh.

Trẻ có thể có phản xạ nắm lòng bàn tay yếu nếu trẻ bị rối loạn vận động, chẳng hạn như bại não. Bác sĩ sẽ đánh giá sự hiện diện của phản xạ khi mới sinh hoặc trong những lần kiểm tra tiếp theo. Nếu bé đột nhiên ngừng phản xạ cầm nắm, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ sớm nhất có thể.

Phản xạ cầm nắm tồn tại hơn 6 tháng

Việc duy trì các phản xạ nguyên thủy, chẳng hạn như phản xạ cầm nắm, vượt quá độ tuổi bình thường cho thấy sự thất bại trong việc tích hợp phản xạ của các trung tâm não cao hơn. Dưới đây là một số vấn đề và tình trạng thần kinh có thể gây ra phản xạ cầm nắm kéo dài hơn 6 tháng:

  • Bại não thể co cứng;
  • Rối loạn thần kinh cơ, chẳng hạn như liệt cứng nửa người;
  • Hoạt động vỏ não giảm do chấn thương hoặc bệnh nặng;
  • Tổn thương vỏ não ảnh hưởng đến thùy trán trong hoặc bên (chẳng hạn đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết).

Nhiều tình trạng trong số này gây ra các triệu chứng khác và chúng có thể được chẩn đoán khi trẻ lớn hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa nếu trẻ tiếp tục có phản xạ cầm nắm sau 6 tháng tuổi.

phan-xa-cam-nam-o-tre-so-sinh-va-nhung-dieu-can-biet 4
Hãy thăm khám bác sĩ nhi khoa nếu trẻ có phản xạ cầm nắm kéo dài sau 6 tháng tuổi

Phản xạ cầm nắm ở trẻ sơ sinh không chỉ là một phản ứng nguyên thủy, mà còn là bước đầu tiên trong việc khám phá thế giới xung quanh và phát triển kỹ năng cầm nắm, vận động của trẻ. Qua việc hiểu rõ về phản xạ này, cha mẹ sẽ có cơ hội tốt hơn để hỗ trợ bé phát triển và học hỏi. Đồng thời, việc theo dõi sự tiến triển của phản xạ cầm nắm cũng giúp cha mẹ đánh giá sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé yêu. Hy vọng bài viết trên đã đem lại cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin