Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Liệt tứ chi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Liệt tứ chi là triệu chứng ảnh hưởng đến tất cả các chi (tay và chân) và cơ thể của người bệnh từ cổ trở xuống. Nguyên nhân thường gặp nhất của liệt tứ chi là chấn thương tủy sống ở cổ, nhưng nó cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân khác. Liệt tứ chi đôi khi có thể được điều trị khỏi, nhưng hầu hết các trường hợp, đặc biệt là những trường hợp do chấn thương có thể dẫn đến liệt vĩnh viễn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Liệt tứ chi là gì?

Liệt tứ chi là một dạng liệt mà khi mắc phải bạn không thể kiểm soát hoặc cử động tay chân của mình. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra liệt mà nó có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của các bộ phận trên cơ thể.

Liệt tứ chi thường là triệu chứng đi kèm của các vấn đề bệnh lý, nhưng có một số trường hợp đây là tình trạng độc lập. Nhìn chung, liệt tứ chi là triệu chứng thường gặp nhất của chấn thương tủy sống, xảy ra trong khoảng 60% trường hợp.

Ngoài ra, liệt tứ chi còn có hai phân loại:

  • Liệt tứ chi không hoàn toàn: Có nghĩa là liệt tứ chi gây gián đoạn một số tín hiệu dẫn truyền vận động, nhưng không phải tất cả. Điều đó có nghĩa là người bệnh vẫn có thể có một số khả năng vận động, cảm giác hoặc kiểm soát các quá trình tự động của cơ thể (chẳng hạn như chức năng ruột và bàng quang). Loại này xảy ra với khoảng 1/3 số ca chấn thương tủy sống.
  • Liệt tứ chi hoàn toàn: Có nghĩa là nguyên nhân gây ra liệt tứ chi sẽ làm gián đoạn tất cả các tín hiệu dẫn truyền đi qua. Điều đó có nghĩa là người bệnh sẽ mất khả năng kiểm soát cơ bắp, khả năng cảm giác và não của họ không thể quản lý bất kỳ quá trình tự động nào của phần bên dưới tổn thương. Điều này xảy ra với khoảng 20% trường hợp chấn thương tủy sống.

Ngoài ra còn có hai cách phân loại nhằm biểu hiện tính chất các cơ bị liệt:

  • Liệt tứ chi mềm: Có nghĩa là cơ bắp không hoạt động chút nào và vẫn ở trạng thái mềm nhão.
  • Liệt tứ chi co cứng: Loại liệt tứ chi này các cơ không hoạt động tự chủ và co cứng không kiểm soát được.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của liệt tứ chi

Dấu hiệu đặc trưng của liệt tứ chi là yếu hoặc liệt hoàn toàn ở cả tay và chân. Điều này có thể biểu hiện dưới dạng co cứng, khiến trương lực cơ tăng và co cứng cơ không chủ ý. Bệnh cũng có thể khiến tay và chân mềm nhão và teo đi.

Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản của liệt tứ chi, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo. Trẻ bị bại não thường gặp khó khăn khi nói và nuốt và có thể không thể ngồi, đứng hoặc đi nếu không có sự trợ giúp. Họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa hoặc kiểm soát chức năng ruột hoặc bàng quang và thường được chẩn đoán là bị khiếm khuyết về khả năng học tập.

Ngoài triệu chứng liệt tứ chi, những người bị chấn thương tủy sống thường xuyên bị rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang và có nguy cơ mắc các biến chứng về tim và phổi cao hơn. Một số người bệnh thậm chí cần đến các thiết bị hỗ trợ chức năng khi thở.

Tương tự, những người bị đột quỵ tủy sống thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát chức năng ruột hoặc bàng quang. Có thể đi kèm với triệu chứng tê hoặc ngứa ran ở tứ chi, đau nhiều ở cổ hoặc lưng, rối loạn chức năng tình dục hoặc không thể cảm nhận được nhiệt độ nóng hoặc lạnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bạn phải đến gặp bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề nào trở nên nặng hơn, bao gồm tê, yếu hoặc thay đổi khả năng kiểm soát ruột hoặc bàng quang hoặc những thay đổi khác về cảm giác.

Những người bệnh bị liệt tứ chi nặng, lâu dài có thể xuất hiện các biến chứng khác và cần phải đi khám bác sĩ nếu có:

  • Khó thở;
  • Sốt, ho, các dấu hiệu nhiễm trùng khác;
  • Loét da hoặc nhiễm trùng;
  • Co thắt cơ hoặc chuột rút nhiều;
  • Đau ngày càng tăng;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Không đi tiểu được.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến liệt tứ chi

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra liệt tứ chi. Lý do thường gặp nhất là chấn thương tủy sống. Các nguyên nhân gây chấn thương phổ biến nhất bao gồm:

  • Tai nạn giao thông;
  • Té ngã (đặc biệt là té ngã ở người lớn tuổi có các bệnh lý liên quan đến mật độ xương như loãng xương);
  • Các thương tích liên quan đến bạo lực (vết thương do đạn bắn, vết đâm, va chạm mạnh,...);
  • Chấn thương liên quan đến thể thao.

Các vấn đề khác có thể gây ra liệt tứ chi bao gồm:

  • Khối u cột sống, bao gồm ung thư;
  • U nang hoặc bệnh rỗng tuỷ (syringomyelia);
  • Viêm tuỷ;
  • Thiếu máu cục bộ tuỷ sống;
  • Các bệnh lý bẩm sinh về cấu trúc cột sống hoặc tủy sống, chẳng hạn như myelomeningocele hoặc tật nứt đốt sống;
  • Chấn thương xảy ra trong khi sinh hoặc khi còn rất nhỏ, gây ra các tình trạng như bại não;
  • Các bệnh tự miễn hoặc viêm như hội chứng Guillain-Barré, bệnh đa xơ cứng hoặc viêm tủy cắt ngang.
Liệt tứ chi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa liệt tứ chi 4.jpeg
Chấn thương là nguyên nhân thường gặp nhất gây liệt tứ chi

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải liệt tứ chi?

Liệt tứ chi là triệu chứng phổ biến nhất của chấn thương tủy sống, chiếm khoảng 60% tổng số trường hợp chấn thương tủy sống.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải liệt tứ chi

Một số yếu tố nguy cơ của liệt tứ chi bao gồm:

  • Giới tính: Nam có nhiều khả năng bị liệt tứ chi hơn nữ;
  • Tuổi: Tuổi cao dễ bị tổn thương tủy sống nghiêm trọng hơn;
  • Tiền căn gia đình: Các bệnh như xơ cứng cột bên teo cơ (hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig) làm tăng nguy cơ mất kiểm soát chân và tay;
  • Nghề nghiệp: Như công việc xây dựng, cảnh sát và vận động viên chuyên nghiệp trong các môn thể thao có mức độ tiếp xúc cao sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương do tai nạn hoặc bạo lực trong công việc;
  • Hành vi: Lái xe không thắt dây an toàn và các hành vi nguy hiểm khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm trong bệnh liệt tứ chi

Việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng để điều trị.

  • Bước đầu tiên là đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra toàn diện bao gồm đánh giá sức cơ của tay và chân, kiểm tra phản xạ của bạn và đánh giá khả năng thực hiện các động tác đơn giản.
  • Hình ảnh học như chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI, cũng thường được đề nghị để tìm kiếm dấu hiệu bất thường của não hoặc tủy sống.
  • Có thể cần phải lấy máu để đánh giá.

Điều trị liệt tứ chi

Các phương pháp điều trị liệt tứ chi có thể rất khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và vị trí tổn thương. Khả năng phục hồi sau liệt tứ chi cũng khác nhau.

Với chấn thương, ưu tiên hàng đầu là hạn chế tổn thương càng nhiều càng tốt. Điều này bao gồm cố định người bệnh bằng cách sử dụng vòng cổ hoặc nẹp chuyên dụng để giữ cho tủy sống của họ cố định.

Các biện pháp khác để ngăn ngừa tổn thương tủy sống sau chấn thương bao gồm:

  • Phẫu thuật sớm để giảm áp lực xung quanh tủy sống.
  • Phẫu thuật sớm để ổn định hoặc hợp nhất các đốt sống lại với nhau để giữ cho chúng không gây tổn thương tủy sống.

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bạn là người tốt nhất để giải thích tình huống này. Họ có thể cung cấp cho bạn hướng dẫn và thông tin liên quan đến bệnh tình cụ thể của bạn, bao gồm các phương pháp điều trị có thể áp dụng cũng như các tác dụng phụ hoặc biến chứng có thể xảy ra với các phương pháp điều trị đó.

Liệt tứ chi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa liệt tứ chi 5.jpeg
Cố định cổ giúp hạn chế tổn thương tuỷ sống sau chấn thương

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của liệt tứ chi

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh liệt tứ chi cần được thiết kế để giúp họ duy trì sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ sinh hoạt cho người bệnh liệt tứ chi:

  • Chăm sóc về vệ sinh cá nhân: Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày là rất quan trọng để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe phát sinh. Người bệnh cần được giúp đỡ trong việc tắm rửa, đánh răng, làm sạch da và các hoạt động vệ sinh khác.
  • Chăm sóc da: Người bệnh liệt tứ chi thường có nguy cơ bị loét da do áp lực khi nằm lâu và không thể thay đổi vị trí cơ thể. Để tránh tình trạng này, cần thực hiện thay đổi tư thế thường xuyên, sử dụng gối, đệm và các thiết bị hỗ trợ để giảm áp lực lên da và phòng ngừa loét da.
  • Đồng hành và hỗ trợ: Người bệnh cần có sự hỗ trợ và đồng hành của người thân, gia đình hoặc người chăm sóc để giúp họ trong các hoạt động hàng ngày như ăn uống, di chuyển, tắm rửa, mặc quần áo,…
  • Tập thể dục và vận động: Dù có hạn chế về khả năng vận động, người bệnh liệt tứ chi cần thực hiện các bài tập và phương pháp vận động nhẹ nhàng để giữ cho cơ thể linh hoạt và cải thiện tuần hoàn máu. Điều này có thể bao gồm việc kéo dãn các khớp, tập thở và các bài tập cơ bản.
  • Cải thiện môi trường sống: Tạo môi trường sống thuận tiện và an toàn cho người bệnh, bao gồm việc sắp xếp đồ đạc, thiết kế các phòng ngủ và phòng tắm phù hợp, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ như thang máy,...
  • Hỗ trợ tâm lý: Người bệnh cần sự hỗ trợ tâm lý để giảm stress và tăng cường tinh thần lạc quan. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, các nhóm hỗ trợ cộng đồng hoặc tìm sự tư vấn từ chuyên gia tâm lý.

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt cho người bệnh liệt tứ chi cần được tùy chỉnh theo tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người. Hãy luôn tư vấn với bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế để nhận được hướng dẫn cụ thể và tư vấn phù hợp.

Liệt tứ chi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa liệt tứ chi 6.png
Người bệnh liệt tứ chi nên thường xuyên tập luyện vận động

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh liệt tứ chi cần được thiết kế để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất và duy trì sức khỏe. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh liệt tứ chi:

  • Cung cấp đủ năng lượng: Người bệnh liệt tứ chi thường có nhu cầu năng lượng thấp hơn do giới hạn về hoạt động. Tuy nhiên, cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng để duy trì hoạt động cơ bản và chức năng cơ thể. Hãy tư vấn với chuyên gia dinh dưỡng để xác định lượng calo cần thiết và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp.
  • Cung cấp đủ protein: Protein là thành phần quan trọng để duy trì và phục hồi cơ bắp. Hãy đảm bảo người bệnh tiêu thụ đủ lượng protein từ các nguồn như thịt, cá, trứng, đậu, hạt và sản phẩm sữa.
  • Tăng cường chất xơ: Chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón. Hãy bao gồm các nguồn chất xơ như rau, quả, ngũ cốc nguyên hạt và hạt trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất: Hãy đảm bảo người bệnh nhận đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất bao gồm rau xanh, trái cây, hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa.
  • Kiểm soát cân nặng: Người bệnh liệt tứ chi có nguy cơ tăng cân do hoạt động giới hạn. Hãy đảm bảo cung cấp calo và mức độ chất béo phù hợp để duy trì cân nặng lý tưởng và tránh tình trạng thừa cân.
  • Uống đủ nước: Hãy đảm bảo người bệnh uống đủ nước để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể và tránh tình trạng mất nước. Uống nước thường xuyên và theo nhu cầu cá nhân.
  • Tư vấn chuyên gia: Hãy tìm sự tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu riêng của người bệnh.

Phòng ngừa liệt tứ chi

Nguyên nhân phổ biến nhất của liệt tứ chi (chấn thương) thường có thể phòng ngừa được. Những biện pháp tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa chấn thương cột sống là:

  • Mang thiết bị an toàn: Nên sử dụng các biện pháp hạn chế an toàn (như dây an toàn) bất cứ khi nào được khuyến nghị. Dây an toàn có thể giúp tránh những chấn thương có thể dẫn đến liệt tứ chi. Những người chơi thể thao cũng phải luôn sử dụng các thiết bị an toàn được khuyến nghị. Mũ bảo hiểm và đệm lót là rất cần thiết cũng như việc chơi một cách kỹ lưỡng và an toàn. Tránh truy va đập/đánh từ phía sau trong các môn thể thao tiếp xúc như bóng đá, khúc côn cầu,...
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh té ngã: Sử dụng thiết bị an toàn, đặc biệt là dây đai an toàn khi làm việc trên mái nhà hoặc môi trường trên cao khác. Bạn cũng nên thực hiện các biện pháp để tránh bị ngã trong nhà như lắp đặt tay vịn cầu thang, sử dụng dép và bề mặt sàn chống trượt giữ cho không bị vấp ngã.
  • Tránh lạm dụng thuốc kê đơn, chất kích thích và rượu: Những điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của hệ thống miễn dịch. Chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương do té ngã, va chạm ô tô,...
Liệt tứ chi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa liệt tứ chi 7.jpeg
Sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông giúp phòng ngừa liệt tứ chi do chấn thương

Các câu hỏi thường gặp về liệt tứ chi

Liệt cứng tứ chi là gì?

Liệt cứng tứ chi là một dạng liệt xảy ra do các cơ không nhận được tín hiệu từ não của bạn. Nếu không có những tín hiệu đó, cơ bắp đôi khi có thể tự co cứng không kiểm soát được.

Người bệnh liệt tứ chi có tiên lượng thời gian sống còn bao lâu?

Những người bị liệt tứ chi có tiên lượng thời gian sống còn rất khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Những yếu tố này bao gồm tuổi khởi phát của người bệnh, vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương, liệu nó có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của họ hay không và hơn thế nữa.

Nhờ những tiến bộ của y học hiện đại, kỹ thuật điều trị cũng như các thiết bị và liệu pháp hỗ trợ, người bị liệt tứ chi có thể sống được nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, vì tuổi thọ có thể rất khác nhau nên bác sĩ điều trị trực tiếp là người tốt nhất có thể tiên lượng trong trường hợp của bạn.

Người bị liệt tứ chi có cử động được tay không?

Những người bị liệt tứ chi không hoàn toàn đôi khi có thể di chuyển hoặc sử dụng cánh tay và bàn tay của mình. Việc họ có thể làm được hay không tùy thuộc vào mức độ tổn thương và mức độ hồi phục. Chấn thương xảy ra ở cột sống càng cao thì khả năng sử dụng tay hoặc cánh tay càng ít. Bác sĩ có thể cho bạn biết thêm về những gì sẽ xảy ra trong các tình huống cụ thể.

Bệnh liệt tứ chi có thể chữa khỏi được không?

Trong một số trường hợp, mặc dù những trường hợp này thường hiếm gặp, liệt tứ chi chỉ là tạm thời hoặc thậm chí có thể chữa được. Điều này có thể xảy ra khi nguyên nhân gây tổn thương tuỷ sống của bạn là nguyên nhân không gây tổn thương vĩnh viễn cấu trúc tuỷ sống và có thể điều trị thoái lui bệnh. Ví dụ như viêm nhiễm hoặc khối u lành tính.

Tôi có nên điều trị liệt tứ chi bằng châm cứu không?

Điều trị liệt bằng Y học cổ truyền đã được sử dụng từ rất lâu trước đây. Ngày nay, châm cứu đã được các nhà khoa học chứng minh đạt hiệu quả cao trong điều trị liệt, đặc biệt trong các trường hợp do đột quỵ não, chấn thương tuỷ, bệnh lý thần kinh ngoại biên,…

Bạn có thể sử dụng các phương pháp Y học cổ truyền như một liệu pháp kết hợp đa phương thức để đạt được hiệu quả cao nhất.

Nguồn tham khảo
  1. Quadriplegia: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/23974-quadriplegia-tetraplegia
  2. What Is Quadriplegia?: https://www.verywellhealth.com/quadriplegia-5184027
  3. What Is Quadriplegia: https://my.klarity.health/what-is-quadriplegia/
  4. What Is Quadriparesis?: https://www.webmd.com/brain/what-is-quadriparesis
  5. Quadriplegia: https://www.sciencedirect.com/topics/pharmacology-toxicology-and-pharmaceutical-science/quadriplegia

Các bệnh liên quan

  1. Thoái hóa tiểu não

  2. Hội chứng Tourette

  3. liệt dây hồi quy

  4. Thoái hóa thần kinh

  5. Viêm đa rễ dây thần kinh

  6. Nhiễm trùng thần kinh

  7. Rỗ não

  8. Bệnh teo đa hệ thống

  9. U tuyến tùng

  10. Bại não