Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Phẫu thuật nang giáp móng: Quy trình và cách chăm sóc sau mổ

Ngày 29/07/2024
Kích thước chữ

Nếu bạn đang băn khoăn về việc điều trị nang giáp móng, phẫu thuật chính là lựa chọn tối ưu. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu về quy trình của phương pháp phẫu thuật nang giáp móng trong bài viết dưới đây.

Nang giáp móng mặc dù là khối u lành tính nhưng khi phát triển quá lớn có thể gây chèn ép vào khí quản hoặc thực quản, dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu như đau nhức, sưng cổ hoặc thậm chí khó thở. Phẫu thuật nang giáp móng hiện nay được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để loại bỏ hoàn toàn u nang và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh u nang giáp móng là gì?

Trước khi tìm hiểu về quy trình phẫu thuật nang giáp móng, chúng tôi sẽ giới thiệu qua về căn bệnh này. U nang giáp móng hay còn gọi là nang ống giáp lưỡi (Thyroglossal Duct Cysts), đây là một dị tật bẩm sinh hình thành do sự phát triển bất thường của tuyến giáp ở giai đoạn phôi thai. Thay vì tiêu biến, một phần của ống giáp lưỡi phát triển thành khối u ở giữa cổ.

Tỷ lệ mắc bệnh u nang giáp móng chiếm khoảng 7% dân số toàn thế giới và có thể được phát hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ dưới 10 tuổi. Theo các thống kê cho thấy, có 60% trường hợp các nang giáp móng nằm giữa xương móng và sụn giáp, 24% nang xuất hiện trên xương móng, 13% trường hợp nang ống giáp lưỡi nằm trên xương ức và 2% nang nằm ở đáy lưỡi.

Phẫu thuật nang giáp móng: Quy trình và cách chăm sóc sau mổ 1
U nang giáp móng là một căn bệnh dị tật bẩm sinh khá phổ biến

U nang giáp móng thường tiến triển chậm và ít gây ra triệu chứng rõ rệt. Thông thường, người bệnh chỉ phát hiện một u nang nhỏ ở giữa cổ, di động theo nhịp nuốt. U nang thường có hình tròn hoặc bầu dục với kích thước dao động từ 1 đến 4 cm, có ranh giới rõ ràng, bề mặt nhẵn, căng, đàn hồi và không gây ra đau đớn.

Quy trình phẫu thuật nang giáp móng

Sistrunk là một phương pháp phẫu thuật nang giáp móng được sử dụng phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em.

Quy trình phẫu thuật

Dưới đây là các bước chi tiết của quy trình phẫu thuật:

  • Gây mê toàn thân: Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân để đảm bảo không cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu trong suốt quá trình phẫu thuật.
  • Thực hiện mổ: Bác sĩ sẽ thực hiện rạch một đường nhỏ ở phía trước cổ, ngay phía trên vị trí bị sưng để tiếp cận nang giáp móng. Vị trí và kích thước của vết mổ sẽ tùy thuộc vào vị trí và kích thước của nang.
  • Loại bỏ nang: Bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ nang giáp móng cùng với các cơ quan liên quan để ngăn ngừa tái phát. Điều này bao gồm việc loại bỏ một phần ba xương móng và lõi mô đáy dưới, nơi nang có thể dính vào.
  • Kiểm tra và làm sạch: Sau khi loại bỏ nang và các mô liên quan, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng khu vực phẫu thuật để đảm bảo không còn sót lại bất kỳ phần nào của nang.
  • Khâu vết mổ: Bước cuối cùng là khâu vết mổ lại một cách cẩn thận để giảm thiểu sẹo và giúp quá trình hồi phục nhanh chóng.
Phẫu thuật nang giáp móng: Quy trình và cách chăm sóc sau mổ 2
Phẫu thuật nang giáp móng (Sistrunk) là phương pháp được sử dụng rộng rãi

Sau phẫu thuật

  • Chăm sóc và theo dõi tại bệnh viện: Sau khi phẫu thuật hoàn tất, để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra suôn sẻ, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện trong vài ngày sau phẫu thuật. Ngoài việc kiểm tra vết mổ, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau để ngăn ngừa nhiễm trùng và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Chăm sóc tại nhà: Bệnh nhân sẽ nhận được hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc vết mổ tại nhà. Điều này bao gồm việc vệ sinh vết mổ, thay băng và theo dõi các dấu hiệu bất thường.
  • Tái khám: Bác sĩ sẽ lên lịch tái khám để kiểm tra quá trình hồi phục và đảm bảo rằng không có vấn đề gì phát sinh sau phẫu thuật.

Để đạt được kết quả tốt nhất, việc thực hiện phẫu thuật nang giáp móng một cách chính xác và kết hợp với chế độ chăm sóc hậu phẫu phù hợp là vô cùng quan trọng.

Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật nang giáp móng

Chăm sóc đúng cách sau phẫu thuật nang giáp móng giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng. Dưới đây là một số lưu ý về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật:

Chế độ sinh hoạt

Bệnh nhân cần tránh vận động mạnh và gắng sức, đặc biệt trong 2 – 6 tuần đầu sau phẫu thuật. Khoảng một tuần sau phẫu thuật, người bệnh có thể dần trở lại các hoạt động bình thường và trẻ em có thể quay trở lại trường học.

Nếu có các dấu hiệu sau, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Sốt cao và không có dấu hiệu hạ, dù đã dùng thuốc hạ sốt.
  • Vết mổ có dấu hiệu bị nhiễm trùng như sưng đỏ, mưng mủ và có dịch chảy ra, gây đau nhức dữ dội,...
  • Tình trạng đau đớn không giảm dù đã dùng thuốc giảm đau.
Phẫu thuật nang giáp móng: Quy trình và cách chăm sóc sau mổ 3
Hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức nếu có dấu hiệu sốt cao không giảm

Chế độ ăn uống

  • Ăn uống khoa học: Bổ sung đủ năng lượng và dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp trẻ rút ngắn thời gian hồi phục. Tuy nhiên, không nên quá nóng vội trong việc cho bệnh nhân ăn uống ngay sau phẫu thuật.
  • Giai đoạn đầu sau phẫu thuật: Trong 72 giờ đầu, chỉ nên cho bệnh nhân ăn thức ăn dạng lỏng như cháo, súp và uống nhiều nước để tránh gây áp lực lên vết mổ.
  • Chuyển dần sang thức ăn đặc: Nếu bệnh nhân không có triệu chứng nôn hoặc nghẹn, có thể chuyển dần sang thức ăn dạng đặc hơn như cháo đặc, thức ăn mềm, nhưng vẫn đảm bảo dễ tiêu hóa.
  • Chia nhỏ bữa ăn: Chia nhỏ bữa ăn hàng ngày giúp bệnh nhân dễ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Chăm sóc sau phẫu thuật nhằm giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh chóng và giảm thiểu các biến chứng. Người chăm sóc nên theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Tóm lại, với sự phát triển của y học hiện đại, việc phẫu thuật nang giáp móng đã trở nên đơn giản và an toàn hơn bao giờ hết. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng tương tự, hãy chủ động tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn điều trị, đừng để căn bệnh này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin