Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nhiều bậc cha mẹ mong muốn luyện ngủ cho bé 7 tháng tuổi nhà mình để giảm số lần mệt mỏi phải thức đêm cùng con do nhịp ngủ sinh học của bé chưa phát triển đầy đủ. Có chìa khóa nào có thể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các phương pháp luyện ngủ thích hợp trong bài viết dưới đây.
Trong giai đoạn 7 tháng tuổi, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của bé. Luyện ngủ cho bé 7 tháng không chỉ giúp trẻ có được giấc ngủ ngon mà còn tạo thói quen sinh hoạt khoa học, giúp bé cảm thấy an toàn và dễ chịu hơn khi đi vào giấc ngủ. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe của trẻ mà còn giúp cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp luyện ngủ hiệu quả là một trong những yếu tố cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của trẻ trong giai đoạn quan trọng này.
Luyện ngủ là một quá trình dạy bé học cách tự ngủ độc lập, giúp bé hình thành thói quen ngủ tốt hơn và cảm thấy thoải mái khi tự đi vào giấc ngủ mà không cần quá nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài. Khi bé học được cách tự ngủ, trẻ có xu hướng ngủ dễ hơn và ít thức giấc vào ban đêm. Điều này có nghĩa là giấc ngủ của bé ít bị gián đoạn và cả gia đình được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Bé được 7 tháng tuổi tức bé đã đủ tuổi để cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp luyện ngủ cho con mình (sau 4 - 6 tháng theo lời khuyên của các chuyên gia). Việc luyện ngủ cho bé 7 tháng tuổi mang lại nhiều lợi ích ngắn hạn cũng như lâu dài.
Lợi ích ngắn hạn:
Các nghiên cứu đã cho thấy trẻ sơ sinh được rèn luyện thói quen ngủ thích hợp có khả năng cải thiện khả năng học tập, sức khỏe thể chất và sức khỏe cảm xúc trong tương lai.
Đối với cha mẹ, luyện ngủ cho bé cũng giúp họ được nghỉ ngơi tốt hơn. Khi được nghỉ ngơi đầy đủ, trạng thái tinh thần được cải thiện, giảm căng thẳng trầm cảm nhất là đối với các bà mẹ. Ngoài ra, cha mẹ cũng có nhiều thời gian rảnh hơn.
Tuy nhiên, quá trình luyện ngủ cho bé 7 tháng cũng có một số nhược điểm mà các cha mẹ nên cân nhắc trước khi bắt đầu thực hiện. Chẳng hạn như thể đòi hỏi khá nhiều công sức và sự kiên nhẫn của cha mẹ, đôi khi có thể khiến họ dễ cảm thấy chán nản và khó duy trì. Bé có thể cảm thấy khó chịu và khóc nhiều trong quá trình luyện ngủ.
Dù vậy, khi đã quyết định thực hiện phương pháp rèn luyện giấc ngủ một cách nhất quán, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn và kết quả về lâu dài sẽ đạt được những lợi ích vô cùng xứng đáng.
Có rất nhiều phương pháp luyện ngủ khác nhau cho bé 7 tháng tuổi và mỗi gia đình đều có cách lựa chọn riêng. Phương pháp tốt nhất là phương pháp mà cả người chăm sóc và em bé đều cảm thấy thoải mái khi thực hiện.
Phương pháp huấn luyện giấc ngủ Cry It Out (CIO) là một trong những phương pháp huấn luyện trẻ sơ sinh ngủ gây tranh cãi nhất. Với phương pháp này, cha mẹ sẽ đặt bé lên giường, sau đó rời đi và không quay lại bất kể bé khóc nhiều như thế nào, để bé tự mệt vì khóc rồi ngủ.
Phương pháp này có thể hiệu quả nhanh nhưng cũng khiến một số cha mẹ cảm thấy không thoải mái khi để con khóc và không dỗ dành. Họ lo lắng rằng nếu trẻ khóc nhiều không ngừng sẽ làm tăng mức độ căng thẳng, gây ra tổn thương cho trẻ.
Luyện ngủ cho bé 7 tháng tuổi bằng phương pháp Ferber cũng tương tự như Cry It Out nhưng điểm khác biệt là phương pháp này sẽ tạo cho bé khoảng thích nghi một cách dần dần.
Thay vì mặc kệ con khóc và tự ngủ ngay từ đầu, trong vài đêm đầu tiên cha mẹ sẽ quay lại bất cứ khi nào bé khóc và dỗ bé bình tĩnh lại trước khi rời khỏi phòng lần nữa. Sau đó tăng dần thời gian để bé khóc trước khi vào lại phòng, cuối cùng đạt đến thời điểm mà bé biết tự xoa dịu bản thân.
Phương pháp Fading khuyến khích cha mẹ ở lại trong phòng của con cho đến khi con ngủ thiếp đi. Mỗi đêm, cha mẹ dần dần di chuyển ra xa con hơn nhưng vẫn trong tầm mắt của con. Mục tiêu của phương pháp này khiến con quen dần với khoảng cách cho đến khi có thể tự ngủ thiếp đi mà không cần sự hiện diện của cha mẹ nữa.
Fading cũng thường mất nhiều thời gian hơn so với phương pháp CIO hoặc Ferber nhưng giúp một số cha mẹ an tâm hơn vì họ không cảm thấy như mình đang bỏ rơi con mình.
Phương pháp này, còn được gọi là phương pháp luyện ngủ “nhẹ nhàng”, tập trung vào việc giúp bé học cách tự ngủ mà không khóc, dựa vào việc duy trì đều đặn một thói quen đi ngủ hàng ngày. Mục tiêu là để bé nhận ra đó là dấu hiệu chuyển từ ngày sang đêm và đến lúc cần đi ngủ.
Luyện ngủ cho bé 7 tháng tuổi theo phương pháp này thường mất thời gian nhưng nhẹ nhàng và ít gây căng thẳng hơn cho cả bé và cha mẹ. Có thể sử dụng nhiều phương pháp luyện ngủ khác nhau làm cơ sở trong phương pháp luyện ngủ “nhẹ nhàng” này. Một số cha mẹ có thể sử dụng phương pháp Ferber, trong khi các cha mẹ khác có thể sử dụng phương pháp Fading.
Cả hai phương pháp Ferber và Fading đều được phát hiện là cải thiện đáng kể giấc ngủ của trẻ, đồng thời cả giấc ngủ và sức khỏe tinh thần của cha mẹ. Cả hai phương pháp đã được theo dõi cho thấy không có tác động tiêu cực nào đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, và các bà mẹ ít có khả năng có dấu hiệu trầm cảm.
Trước khi bắt đầu quá trình luyện ngủ, bạn cần đảm bảo tuân thủ lịch sinh hoạt đều đặn cho bé 7 tháng tuổi đi ngủ vào giờ cố định mỗi tối (thường vào khoảng 7 hoặc 8 giờ tối).
Đảm bảo rằng bé đã thức đủ lâu trước khi đi ngủ vì nếu bé quá mệt hoặc chưa đủ mệt sẽ gây khó khăn cho việc đi vào giấc ngủ. Bằng cách cho bé hoạt động đầy đủ trong các khoảng thời gian thức ban ngày, không chỉ ngồi yên trong ghế rung. Và hãy thiết lập thói quen đi ngủ đều đặn và nhẹ nhàng, chẳng hạn như cho trẻ ăn, tắm hoặc mát-xa, kể chuyện hoặc hát.
Khi đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cho một giấc ngủ ngon, bạn có thể bắt đầu quá trình dạy bé tự ngủ bằng cách xem xét các phương pháp phổ biến ở trên.
Cuối cùng, việc luyện ngủ cho bé 7 tháng không chỉ giúp trẻ có giấc ngủ sâu và ngon hơn mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của trẻ. Qua việc áp dụng các phương pháp phù hợp, cha mẹ có thể tạo ra thói quen ngủ khoa học, giúp bé cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi đi vào giấc ngủ. Từ đó, bé sẽ có điều kiện phát triển tốt về thể chất và tinh thần, mang lại những lợi ích lâu dài cho cả gia đình.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...